logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 30/09/2013 lúc 05:33:39(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Thưa quý bạn, hồi tôi còn nhỏ, ở quê tôi Thái Bình là nơi dân chúng chuyên sống về nghề làm ruộng, đất tuy rộng nhưng dân số quá đông, mật độ dân chúng tính trên mỗi cây số vuông cao nhất Việt Nam, nên việc canh tác hết sức cực nhọc, ấy là chưa kể những năm mất mùa, đói kém. Từ đó sinh ra chuyện tảo hôn: những gia đình hơi khá giả một chút nhưng thiếu người làm lụng, bèn cưới vợ cho cậu con trai mới 7-8 tuổi của mình lấy cô gái 17-18 tuổi để cô ấy về tập tành dần, quán xuyến công việc gia đình. Những cuộc hôn nhân như vậy khó có hạnh phúc bởi vì tuổi tác bất đồng, cô dâu đã đến tuổi cập kê trong khi chú rể hãy còn con nít. Người Tàu thì họ có thói quen thích cưới vợ lớn tuổi cho con trai của mình. Trong tập truyện ngắn “Miền Tây” do bà Chu Hồng dịch của các nhà văn TQ hiện nay sang tiếng Anh (“Western”, translated by Zhu Hong), bán cả ở TQ lẫn bên Mỹ, tôi thấy bà ấy gọi những người vợ lớn tuổi hơn chồng như vậy là “sister-wife” và cho biết người chồng thường nể nang, kính trọng vợ như người chị, ít khi nào dám đánh đập dù họ đã lớn.
Ngoài ra, hồi tôi còn nhỏ, mẹ tôi còn kể là ở quê tôi đôi khi cũng có chuyện tráo hôn nữa (chữ Hán có lẽ là trá hôn nhưng tôi chưa đọc sách nào thấy hai tiếng này): một gia đình kia có người con trai bị khuyết tật hay bệnh trạng gì đó, không lấy được vợ, họ cho người khác giả làm chú rể đi cưới hỏi giùm. Sau khi cưới xong, nhất là sau đêm tân hôn, bấy giờ cô dâu mới biết là mình bị lừa nhưng ván đã đóng thuyền, đành phải bấm bụng chịu đựng sống suốt đời như vậy…
Ở miền Nam tôi chưa thấy có trường hợp trá hôn nào như thế mà chỉ có trường hợp “tráo hôn bất đắc dĩ” ở Long An: cô gái kia được cha mẹ nhận lời gả cho một cậu trai ở Long Xuyên nhưng cô đã có người yêu rồi. Đến khi cưới hỏi (vì ở xa nên họ làm đám hỏi, đám cưới cùng một lượt), ban đêm cô gái bèn bỏ trốn, đi chung sống với người yêu. Sáng ra, phía họ nhà trai sắp tới, cha mẹ cô gái quýnh quá bèn đem cô em mới 16 tuổi vô thế chỗ, cô em cũng đồng ý và họ cũng nói thật với phía nhà trai như vậy. Thấy “cô em” xinh xắn có lẽ còn hơn cả cô chị nữa, bố mẹ chú rể kể cả chú rể đều bằng lòng tức thì và đám cưới diễn ra tốt đẹp. “Cô em gái” về làm dâu, hết sức ngoan ngoãn, vợ chồng sống rất hạnh phúc. Ít lâu sau, “cô chị” trở về, sang Long Xuyên thăm em gái, thấy em sống hạnh phúc và thấy “thằng chồng” của em gái cũng đẹp trai quá mà gia đình lại giàu có nữa nên đòi cô em phải trả lại chồng cho mình. Cô em không đồng ý, vậy là cô chị bèn trở về nhà lục tìm giấy khai sinh lúc làm đám cưới mới 16 tuổi của cô em đem ra xã tố cáo. “Chú rể” bị bắt về tội “giao cấu với trẻ em vị thành niên” mặc dầu có cưới hỏi đàng hoàng và bị tuyên án 2 năm tù. “Cô em” khóc quá, cô nói tù thì tù, cô vẫn yêu chồng và chờ đợi chồng cho đến ngày đoàn tụ…
Hiện nay, đối với các “chú rể” Đài Loan hoặc Hàn Quốc sang cưới vợ Việt Nam thì chuyện trá hôn xảy ra nhiều không kể xiết. Người ở bên ấy già lão, bất lực, tàn tật hoặc nghèo quá không lấy vợ ở bên ấy được, họ trả một số tiền cho người sang bên này “cưới giùm”. Khi vừa cưới xong thì người “ra tay nghĩa hiệp” cũng không dại gì mà không “nếm thử” cái của trời cho, và người bên ấy cũng biết như thế nên cái giá tiền thuê người “cưới giùm” cũng vừa phải thôi, không lấy gì làm cao lắm, “người nghèo” có thể đủ sức chịu được.
Sau đây xin mời quý bạn xem xét từ đầu một cuộc tráo hôn có thể nói là rất đàng hoàng ở ngoài Bắc cách đây chừng mấy chục năm chứ không láo lếu như việc đánh tráo của bọn Kim chi và Tài-Oan…

* * *

TÔI là một cô gái quê, học đến lớp 10 thì nghỉ, ở nhà lo việc đồng áng phụ với bố mẹ và chăn tằm, dệt vải. Duyên phận tình cờ đưa đến, tôi gặp người thanh niên ấy trong một buổi chiều đã muộn. Khi tôi vừa đi hái dâu về thì thấy anh bị hỏng xe đạp, đang hí hoáy sửa ở bên lề đường. Ở nhà quê, ngay ban ngày còn khó chỗ sửa huống chi là trời sắp tối. Thấy bánh sau xe của anh xẹp lép mà anh không có đồ vá và anh hỏi thăm trong làng có chỗ nào sửa xe đạp không, tôi bảo ở nhà quê người ta tiết kiệm, nhà nào có xe đạp cũng có đồ tự sửa lấy chứ đâu có tiệm sửa như ở thành phố. Thấy anh có vẻ lo lắng, tôi thương tình bảo thôi, về nhà tôi, tôi nhờ bố tôi sửa giùm.
Anh dắt xe, đi bộ với tôi về làng. Qua câu chuyện, tôi được biết anh ở làng thuộc huyện phía trên, cách làng tôi khoảng hơn mười cây số, nếu nhờ bố tôi vá xong thì anh cũng có thể về được.
Chúng tôi quen nhau một cách ngẫu nhiên như vậy. Từ đó, lâu lâu anh lại đạp xe xuống làng thăm tôi. Nhiều khi, trong mùa nuôi tằm, gặp tôi đi mua dâu về giữa đường, anh bảo tôi ngồi lên xe, anh chở giùm cả người lẫn dâu ở đằng sau xe. Tính anh ít nói, người dong dỏng cao, hiền lành, lịch sự, mặt mũi thanh tú, đang học đại học sắp ra trường nhưng cũng có công việc phụ với bố. Tôi thầm yêu người thanh niên ấy lúc nào không hay.
Chúng tôi yêu nhau trong sáng và đẹp như vậy. Hai đứa chỉ hẹn hò gặp gỡ nhau mỗi lần tôi đi mua và hái dâu ở làng bên. Chưa bao giờ anh cầm tay tôi hoặc ngỏ lời yêu tôi, nhưng tôi biết anh có cảm tình với tôi lắm. Có lần, anh nói anh sẽ về thưa với cha mẹ tới thăm bố mẹ tôi, hai bên tìm hiểu nhau rồi anh sẽ xin cưới tôi làm vợ. Tôi rất sung sướng. Bất cứ một người con gái nào cũng cảm thấy sung sướng khi người yêu đặt vấn đề sẽ đưa bố mẹ đến chơi để tìm hiểu rồi sẽ hỏi cưới mình. Gia đình tôi không lấy gì làm giàu có nhưng cũng có bát ăn bát để và sống rất nền nếp, hơn nữa tôi lại xinh xắn, kém anh 4 tuổi – cái tuổi rất đẹp – chắc chắn bố mẹ anh sẽ vừa lòng.
Được biết gia đình người yêu của tôi rất khá giả, bố anh là một bác sĩ thú y đã về hưu, công việc phát đạt, có cửa hàng bán thuốc ngay trong nhà rất bề thế, nên bố mẹ tôi rất ưng ý, mừng thầm cho con gái gặp duyên phận may mắn.
Sau đó đám hỏi được xúc tiến mau lẹ. Thật kỳ lạ, khi tiến hành các thủ tục chạm ngõ, gặp gỡ họ hàng và bàn thủ tục tiến hành lễ cưới, tôi không thấy có sự xuất hiện của anh, người mà tôi đã yêu và sung sướng được lấy làm chồng. Thoáng có chút phân vân nhưng tôi không dám nói ra. Ai lại chưa cưới mà đã hỏi thăm nhau như thế thì ngại lắm.
Đám cưới diễn ra, bên nhà trai đến rước dâu cũng không thấy anh, chỉ thấy các cụ lớn tuổi và họ hàng. Tôi, bố mẹ tôi và các bà con thân thuộc trong họ đều rất ngạc nhiên, hỏi thì phía bên nhà trai trả lời rằng mấy hôm nay anh mắc thi ở trên tỉnh, không về được. Đến khi về tới nhà chồng, tôi mới té ngửa ra, người chồng mà tôi làm đám cưới không phải là người con trai tôi vẫn thường gặp, vẫn thường hò hẹn, vẫn thường được anh chở giùm cả người lẫn hai bao lá dâu nặng khi trở về nhà trong những buổi chiều; người đã gieo vào lòng tôi sự thương nhớ, sự mong ngóng, sự chờ đợi; người đã làm tôi có những đêm thao thức của thời con gái; người đã giúp tôi dệt nên những ước mơ về một mái ấm gia đình với những đứa con xinh xắn.
Trong đám cưới, khi nhận ra người ngồi bên cạnh không phải là anh, tôi bị sốc đến mức muốn ngã lăn ra đất vì choáng váng.
Người đóng vai chú rể có gương mặt giống người yêu của tôi như hai giọt nước. Chỉ có tôi là người trong cuộc mới nhận ra đó không phải là người tôi đã yêu thương, muốn lấy làm chồng. Tôi cũng xin nói rõ là cái đám cưới của tôi đã diễn ra cách đây mấy chục năm, thời ấy con cái ở nhà quê vẫn còn thấm đẫm cái đạo lý nặng nề, cổ điển, là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Trong nhà có chuyện gì xảy ra, nếu đang có khách thì dù chuyện lớn hay nhỏ cũng đều gác lại rồi lát nữa khách đã ra về mới đóng cửa bảo nhau chứ không làm rùm beng, mang tiếng cả nhà. Cái thời của tôi là như vậy, con người chưa dám bứt phá trước những hoàn cảnh trớ trêu, cứ phải bấm bụng chịu đựng trước đã rồi mới tính sau, tìm cách giải quyết.
Suốt đám cưới, ruột tôi nóng như lửa đốt. Cái người trong vai chú rể ngồi bên cạnh tôi gương mặt và ngoại hình giống anh như đúc nhưng trên gương mặt ấy, rỗng không, không khái niệm, không tinh thần, không cảm xúc, không ý nghĩ… Lòng tôi hoảng loạn và lo lắng điên đảo. Suốt cả đám cưới, hai họ ăn uống chuyện trò rôm rả, trong khung cảnh ấy, không ai để ý đến cô dâu chú rể sắc mặt thế nào.
Đám trẻ con bu kín hàng rào chỉ trỏ đám cưới. Chúng bàn tán ỏm tỏi và thỉnh thoảng người lớn lại phải ra khua gậy đuổi chúng đi. Ngày xưa, cứ nhà nào có đám cưới trẻ con lại tò mò kéo nhau đến xem, bu kín cả hàng giậu trước nhà để coi cô dâu chú rể, mà chủ yếu là xem đám cưới, xem mặt cô dâu, xem văn nghệ và thò tay qua hàng giậu la ó xin thuốc lá “Thăng Long” hay những chiếc kẹo xanh đỏ.
Tiệc cưới rồi cũng tàn. Ở quê tôi có phong tục là bố mẹ không đưa con gái về nhà chồng, còn nếu đám cưới ở xa, làng này sang làng khác thì bố đi nhưng mẹ không đi, tôi không hiểu tại sao lại có phong tục như thế. Mọi người lục tục ra về. Tôi hoảng hốt chạy theo bố tôi ra tận ngoài cổng. Tôi kéo tay bố và nghẹn ngào nói với bố: “Bố ơi, chú rể không phải là anh K. đâu, cả nhà mình bị họ lừa rồi”. Bố tôi biến sắc mặt, ngơ ngẩn. Tôi không ngăn nổi nước mắt tuôn rơi. Phần vì sợ mọi người về hết, phần vì bấn loạn tinh thần, tôi oà lên khóc.
Bố tôi suy nghĩ rồi an ủi: “Mọi việc đâu còn đó. Con cứ vào trong nhà đi, dẫu sao bây giờ con cũng là gái có chồng rồi. Ngày kia con về làm lễ lại mặt, có cả bố mẹ chú rể sang đấy bố sẽ hỏi cho ra nhẽ”. Mọi người thấy tôi khóc, ai cũng an ủi một vài câu là con gái lấy chồng thì như vậy chứ không việc gì phải khóc. Bố mẹ chồng tôi bèn chạy ra đon đả chào từ biệt bố tôi. Cái người gọi là chồng tôi mặt nghệt ra, đứng xem tôi khóc.
Bà mẹ chồng ngoắc tay ra hiệu gì đó rồi kéo tay anh ta đến bắt tay bố tôi để ông còn về. Sao lại bắt tay? Người Việt Nam làm gì có cái lối con rể bắt tay bố vợ khi từ giã? Ra hiệu mãi anh ta vẫn ngần ngừ hình như sợ hãi bố tôi lắm, bà phải cầm tay anh ta đặt vào trong tay bố tôi anh ta mới cười hềnh hệch và bắt tay ông “bố vợ”, điệu bộ hết sức ngớ ngẩn. Đến bấy giờ cả tôi lẫn bố tôi đều sửng người như chết đứng.
Thì ra người thanh niên đó bị chứng câm điếc bẩm sinh. Anh ta khỏe mạnh, đẹp trai và giống người yêu của tôi như đúc, chỉ có điều bị câm điếc nên gương mặt không được khôn lanh mà hơi lơ láo, dài dại do không có phản xạ âm thanh. Bố tôi lúc ấy không thể ra về nổi nữa. Ông bảo mọi người cứ về trước còn mình thì quyết định ở lại hỏi cho ra lẽ.
Ông nói với bố mẹ chồng tôi: “Tại sao lại có chuyện như thế này, cậu K. đâu? Con gái tôi yêu cậu K. và đồng ý lấy cậu K. chứ đâu phải người khác? Tại sao chuyện lại như thế, xin ông bà giải thích giùm cho tôi hiểu. Gia đình tôi bị ông bà lừa gạt, thật quá đau lòng”. Đến lượt bố mẹ chồng tôi lúng túng, hai ông bà nhìn nhau. Ông bố chồng tỏ vẻ ngạc nhiên và nói có lẽ thành thật: “Ơ, thế cháu K. chưa thưa chuyện gì với ông bà à?”. “Không, chúng tôi có biết gì đâu”.
Cuộc chuyện trò khá căng thẳng diễn ra trong ngôi nhà 7 gian bằng gỗ lim của phía nhà chồng. Đôi bên chỉ gồm có ông bà thông gia, hai bố con tôi, và người chồng bất đắc dĩ của tôi. Trong suốt cuộc nói chuyện, tôi chỉ biết khóc và bà mẹ chồng cũng thút thít khóc.
Ông bố chồng tôi nói: “Chẳng dám giấu gì đằng nhà ông bà, chúng tôi có 7 anh em nhưng 3 người đi bộ đội, đã hy sinh trong thời kỳ chiến tranh. Còn lại 4 người, tôi là lớn nhất thì sinh hai đứa con trai song sinh, còn 3 người kia, một người không có con, hai người sinh toàn còn gái”. Ông ngừng lại để bố tôi hiểu được tầm quan trọng trong việc “nối dõi tông đường” về phía hai người con trai sinh đôi của ông, rồi tiếp: “Như ông bà bên nhà và cháu đây đã biết – ông gọi tôi bằng cháu chứ không gọi bằng con – cháu K. tức đứa em thì thông minh, tháo vát, học hành giỏi dắn, còn thằng anh của nó tức cháu V. chẳng may mắc chứng câm điếc từ nhỏ nên đầu óc phát triển chậm, không được bình thường như những đứa trẻ khác”.
Ông mời bố tôi uống nước rồi nhìn con trai: “Cháu vì thiệt thòi nên bị mặc cảm, ít ra khỏi nhà. Sự thật thì cháu cũng có sức vóc, hiền lành, ngoan ngoãn nhưng ở nhà giúp bố mẹ các công việc lặt vặt, thường là theo tôi đi phụ công việc chữa bệnh cho súc vật ở thôn trên xóm dưới. Đến tuổi lấy vợ, bảo cháu nhưng cháu không chịu. Ông thấy đó, sinh con ai sinh được số phận, cái số cháu như vậy chúng tôi cũng thương cháu lắm”.
Ông hút một điếu thuốc lào, thở ra rồi tiếp: “Nhân có thằng cháu K. đang học y khoa về ngành Đông y trên tỉnh, tôi bàn với cháu là con kiếm vợ giùm cho anh con đi, nhưng nhớ lựa lời nói rõ hoàn cảnh của anh con chứ đừng giấu giếm gì cả, nếu nhà người ta ưng thuận thì được”.
Ông ngừng lại một lát đoạn kể tiếp: “Thế rồi được một thời gian, thằng K. về nói chuyện với vợ chồng tôi là nó không kiếm được vợ cho anh nó nhưng lại xin phép được cưới vợ trước. Tôi mắng cho nó một trận, bảo rằng mày là đứa ích kỷ, anh mày chẳng may khiếm khuyết thì mới khó chứ mày muốn lấy vợ lúc nào mà chẳng được. Anh em như thể tay chân, mày phải giúp anh mày trước đã, có gì thì sẽ tính sau”.
Ông tiếp: “Từ đấy tôi không thấy thằng K. nói gì thêm. Được một thời gian, nó về và bảo vợ chồng tôi sang nhà ông bà thưa chuyện. Xong nó lên trường đi học luôn. Đám cưới thằng anh, nhắn nó về mà cũng không thấy nó về, vợ chồng tôi cũng không hiểu vì sao”.
“Còn về việc vợ chồng tôi tới thưa chuyện với ông bà thì tôi cứ nghĩ thằng K. đã có lời nói trước rồi và đã được ông bà chấp thuận, có vậy thì gia đình tôi mới dám đến thưa chuyện để xin hỏi cưới cháu đây cho con trai chúng tôi. Chúng tôi cũng không nhắc đến khuyết tật của cháu nhiều kẻo sợ ông bà đổi ý. Không ngờ thằng K. chưa thưa chuyện gì với ông bà. Gia đình tôi thật có lỗi với ông bà và cháu. Tội lỗi đó rất lớn, tôi không biết nói sao được, chỉ xin ông bà và cháu tha thứ cho gia đình chúng tôi…”.
Nói xong, ông quỳ sụp xuống vái lấy, vái để. Nước mắt ông trào ra và bà cũng khóc. Bố tôi giơ hai tay lên trời, cay đắng thốt lên: “Giời ơi, tôi phải làm gì bây giờ? Sao giời lại bắt con gái tôi chịu số phận khốn khổ thế này!”.
Bố tôi nói với vợ chồng ông thông gia: “Ông bà ác quá! Cả nhà ác quá! Sao ông bà nỡ lừa gạt con tôi, bắt con tôi phải chịu cái nghiệp chướng của nhà ông bà?”. Đoạn, bố tôi bảo tôi: “Về nhà với bố mẹ. Không việc gì mà phải ở đây chịu khổ chịu nhục. Đời con còn dài, về với bố mẹ rồi làm lại cuộc đời con ạ”. Không hiểu vì lẽ gì mà trước lời lẽ của bố tôi, lúc đó tôi lại im lặng, không đứng dậy xách chiếc va-li bằng mây đi theo bố tôi trở về nhà. Tôi cứ như người u mê, ở lại căn nhà 7 gian bằng gỗ lim đó, ngổn ngang như mối tơ vò không sao tìm được lối thoát.
Đêm tân hôn, người chồng câm điếc của tôi ngủ ở gian ngoài cùng với bố. Tôi ngủ trong “phòng tân hôn” cùng với mẹ chồng. Đêm đó, cả bà lẫn tôi đều ôm nhau mà khóc. Bà kể cho tôi nghe nỗi buồn có đứa con trai khiếm khuyết trong khi nhà chồng có tới 7 anh em trai thì đã chết mất 3, còn 2 người kia sinh toàn con gái. Tôi thấy thương bà, lòng tôi dịu đi mặc dầu vẫn ngổn ngang, không hiểu cớ sự thế này cuộc đời mình rồi sẽ ra sao. Tôi không thể chấp nhận sống với người chồng câm điếc nhưng cũng không đành lòng theo bố bỏ ra về ngay khi vừa mới làm đám cưới.
Bà mẹ chồng bảo tôi: “Cả nhà mang tội với con. Chỉ tại thằng K. không nói rõ ràng, không cho con biết sự thật nên bố mẹ hóa ra người lừa đảo. Bố mẹ chỉ mong con tha thứ cho bố mẹ, còn mọi việc thì tùy con quyết định. Con muốn trở về nhà cũng được mà ở lại đây cũng được, bố mẹ không dám ngăn cản”.
Tôi bị dằn vặt trắng đêm với nước mắt đau khổ. Sáng ra, V. chồng tôi tự tay lễ mễ bưng một bát cháo gà hầm thuốc bắc vào tận trong buồng cho tôi. V. chỉ ú ớ mấy tiếng và nở một nụ cười ngớ ngẩn, để lên bàn rồi tẽn tò đi ra…
Tôi đổ bệnh ngay sau hôm ấy, sốt li bì và mê sảng. Trận ốm thập tử nhất sinh, bệnh tôi mỗi ngày một nặng. Bố chồng tôi sau khi bắt mạch, kê đơn bốc thuốc không đỡ, đành gọi K. về để chăm sóc cho tôi vì K. đã học mấy năm y học cổ truyền.
Tôi ốm đúng ba tháng, tóc rụng xơ xác. Suốt 3 tháng ấy, ngày nào K. cũng bắt mạch và kê đơn bốc thuốc, sắc cho tôi uống. Tự tay K. làm các món canh hầm với thuốc bắc để tôi lấy lại sức khỏe, lấy lại tinh thần. Có những lúc tôi đang thiu thiu ngủ, K. tưởng tôi đã ngủ nên bèn quỳ xuống bên giường ăn năn sám hối. Nước mắt của K. nhỏ xuống làm ướt mặt tôi không biết hàng bao nhiêu lần, và K. nói thật rằng đã yêu tôi ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ mà không hề nhắm vào tôi để thực hiện công việc của bố mẹ giao là kiếm vợ cho người anh trai bất hạnh. Chỉ là tình cờ thôi. Yêu thương tôi, K. về nhà xin bố mẹ cho cưới tôi. Bố mẹ K. không không đồng ý và giao trách nhiệm kiếm vợ cho người anh. Biết là không thể thuyết phục được bố mẹ, khi bố mẹ hỏi đã kiếm được người con gái nào chưa thì K. đã buột miệng nói với bố mẹ về tôi và chỉ rõ nhà tôi. “Bố mẹ thử sang bên ấy hỏi xem nhà người ta có đồng ý không chứ từ nay trở đi con không thể thay bố mẹ kiếm vợ cho anh con được. Làm việc đó thất đức lắm”.
Sau đó K. bỏ lên tỉnh, ở luôn trên trường không trở về nữa. Ở nhà, bố mẹ K. đem lễ vật sang đặt vấn đề với gia đình tôi. Trong khi đó thì bố mẹ tôi lại tưởng bố mẹ K. hỏi cưới tôi cho K. nên mừng lắm. Thấy K. không đi cùng, bố mẹ tôi có hỏi nhưng bố mẹ K. trả lời rằng K. đang mắc bận học thi trên trường nên không về được. Một đằng muốn giấu giếm, không muốn nói tới chuyện con mình bị khuyết tật, một đằng thì hiểu lầm vì quá mừng rỡ con lấy được chỗ tốt, nên bố mẹ tôi đã vô tình khiến cho bản thân tôi vướng vào sự bất hạnh này. Câu chuyện nghe ra có vẻ vô lý nhưng tôi chỉ biết vậy thôi, không hiểu rõ hơn.
Suốt 3 tháng ốm tưởng chết, tôi nằm liệt trong buồng, mặc cho K. nói hoặc van xin tôi tha lỗi, tôi vẫn không nói nửa lời. Đem tình yêu và cuộc sống của tôi để đổi lấy hạnh phúc cho người anh khuyết tật ngớ ngớ ngẩn ngẩn mà có thể tha thứ được hay sao? Tôi giận lắm nên trên gương mặt hốc hác của tôi chỉ có hai hàng nước mắt tuôn rơi…
Gia đình nhà chồng lo lắm, chỉ sợ tôi chết, mà thuê cáng để võng tôi sang trả cho bố mẹ tôi thì cũng không được, bởi vì lúc đi tôi khỏe mạnh, lúc về đau yếu thế này bố mẹ tôi đâu có chịu, sẽ có chuyện thưa gửi, kiện tụng lôi thôi, từ đó sẽ vỡ lở ra chuyện tôi bị tráo hôn chứ không yên được. Bố mẹ chồng tôi đành liều, phó thác mọi chuyện cho trời và mời hết thầy thuốc đông y lại đến tây y về chữa trị cho tôi, lại mời cả thầy pháp về lập bàn thờ cúng tế, cầu xin cho tôi khỏi bệnh. Tôi không chịu đi viện mà dứt khoát nằm ở nhà. Lắm lúc tôi còn mong cho tôi chết để trả thù gia đình nhà chồng. Tôi không thiết mạng sống của tôi nữa. Chết còn sướng hơn bị tráo hôn trong lúc mới 18 tuổi đầu mà lại ngoan ngoãn, xinh đẹp chứ đâu có hèn kém gì.
K. gầy sọp hẳn đi, lúc nào cũng ngồi bên giường bệnh của tôi mà khóc vì ân hận. Có lẽ sự tận tụy của K. đã vực tôi dậy, đem tôi trở lại với cuộc sống. K. nói rằng nếu tôi chết K. cũng sẽ chết theo chứ không thể sống với sự giày vò quá lớn.
Ba tháng sau, tôi bắt đầu ngồi dậy được. Mái tóc rụng xác xơ của tôi bắt đầu xanh trở lại. Người chồng câm điếc của tôi mừng ra mặt. Mà sự thật là cả nhà đều mừng như vừa thoát khỏi tai nạn chứ không phải chỉ một mình V. hoặc K.
Tôi bắt đầu uống được sữa và ăn được những bát canh hầm thuốc bắc. Da tôi hồng hào trở lại, tóc mọc dài ra và môi đã bắt đầu thắm…
Tôi khỏi bệnh, K. lại chính là người nói với bố mẹ cho K. thay thế anh trai làm chồng tôi. K. quỳ lạy, van xin bố mẹ rằng anh đã gây nên tội lỗi thì bây giờ phải đền bù cho tôi vì chúng tôi yêu nhau từ trước khi chuyện hiểu lầm xảy ra, may mà tôi sống chứ nếu tôi chết bố mẹ sẽ bị phiền phức đến như thế nào.
Tự K. van xin như thế nhưng ông bà lại tưởng tôi xúi giục K. làm chuyện trái đạo lý đó. Cả làng ai cũng biết là tôi lấy người anh câm điếc của K. chứ không phải lấy K., mọi người sẽ nghĩ ra sao, sẽ đồn đại thế nào về câu chuyện thay bậc đổi ngôi này.
Tôi ngồi chết sửng lắng nghe tất cả những bão tố trong gia đình nhà chồng, lòng lạnh ngắt trước những lời K. năn nỉ bố mẹ. Với trận ốm tưởng chết vừa qua của tôi, ông bà rất lo sợ nên khi K. đề nghị như thế thì cũng ậm ừ, nói là để suy nghĩ lại đã. Tôi biết ông bà sẽ đồng ý phần vì chiều con, phần vì cũng quý mến tôi, muốn đền bù cho tôi, nhưng ông bà đâu có hiểu rằng lòng tôi đã nguội lạnh, tình yêu của tôi đối với K. đã chết, thà tôi đi ăn mày còn hơn muối mặt lấy K. làm chồng mặc cho miệng đời mai mỉa. Con chim đã bị trúng tên một lần thì sợ cả cành cây cong. Tôi oán ghét K., khinh bỉ K. dù K. đã hối hận rất nhiều về việc làm không thể tha thứ được của mình và đã hết sức tận tụy với tôi trong lúc tôi bệnh.
Bởi vậy khi ông bà hỏi ý kiến tôi về đề nghị của K., tôi nói thẳng ra là tôi không còn yêu K. nữa và xin ông bà cho phép tôi trở về với gia đình mình. Ông bà như trút được gánh nặng mặc dầu cũng hơi tiếc tôi và khá tốn kém trong việc cưới hỏi cũng như thuốc thang cho tôi vừa rồi. Tôi nói trong nước mắt: “Xin bố mẹ cho con được tự quyết định cuộc đời của mình dù con không biết sẽ phải làm lại ra sao sau khi ra khỏi căn nhà này. Con biết bố mẹ buồn lắm nhưng xin bố mẹ cho con đi, con không thể ở lại đây được”.
Mặc cho K. khóc lóc van xin tôi ở lại nhưng lòng tôi đã nguội lạnh, K. làm sao hiểu được sau tất cả những gì K. đã làm thì tình yêu trong tôi đã chết, không thể lấy lại được nữa.
Buổi chiều hôm ấy tôi ra đi. Đâu có ai biết tôi đã lấy chồng mà vẫn còn là một cô gái trong trắng và mang một nỗi đớn đau khó mong gột bỏ…
Chẳng hiểu tại sao V. câm điếc mà khi bố mẹ bàn bạc anh ta lại biết được quyết định của tôi là sẽ ra đi. Suốt buổi sáng hôm ấy tôi thấy nét mặt V. có vẻ buồn lắm. V. cứ luẩn quẩn đi qua đi lại trước cửa buồng tôi (thật ra là buồng cưới của tôi và V.) nhưng không dám vào. Tôi nhìn thấy ánh mắt, gương mặt nghệt ra đờ đẫn của V., tôi hiểu anh ta dường như cũng đã linh cảm được chuyện tôi sẽ bỏ anh ta.
Khoảng 3 giờ chiều, tôi xách chiếc va-li mây từ biệt gia đình nhà chồng ra đi. V. đi theo phía sau một khoảng, tay xách chiếc lồng có đôi chim Hoàng Khuyên đẹp như tranh vẽ mà V. vẫn quý như vàng, tôi không hiểu V. xách đi đâu. Gần hết quãng đồng, đến chỗ gốc cây hoa gạo, bỗng V. đi rướn lên rồi dúi chiếc lồng vào tay tôi. Tôi sửng người trước đôi chim quý mà V. vẫn coi như báu vật, hằng ngày ngoài những lúc theo bố đi chữa bệnh thú y trong làng, hễ về là lại chăm sóc, cho chim ăn, tắm cho chim và dạy chim bằng những cử chỉ riêng mà chỉ V. với đôi chim kia mới hiểu nhau được. V. tặng tôi món quà quý hóa đó ư?
Tôi dừng chân dưới gốc cây hoa gạo, ra hiệu cám ơn nhưng trả lại V. lồng chim vì biết V. quý đôi chim đó lắm. V. xua tay lắc đầu, lại giúi chiếc lồng vào trong tay tôi, miệng ú ớ và trên mắt V. có hai dòng lệ. Tôi cũng ứa nước mắt, ra hiệu cám ơn V. một lần nữa. Thế rồi V. quay đi, rảo bước, vừa đi vừa khóc và không nhìn lại. Tôi nhìn theo, trong lòng lại càng thêm buồn. Cái dáng phía sau của V. trên con đường đất trông mới lầm lũi và đầy chịu đựng làm sao!
Tôi xách theo chiếc lồng chim, về nhà ở với bố mẹ một tháng rồi theo một người họ hàng xa vào Gia Lai – lúc đó thuộc tỉnh Kontum – trồng cà phê để đoạn tuyệt với quá khứ.
Hai năm sau, tôi lấy chồng. Chồng tôi là người quê mùa cục mịch, ít chữ nghĩa nhưng tốt bụng, cả đời chỉ biết có làm lụng trên nương trên rẫy.
Cuộc sống bình yên cứ thế trôi đi. Tôi sinh được một con trai, một con gái. Khi các con hơn 5 tuổi, tôi dẫn chồng và hai con ra ngoài Bắc, về bên quê nội rồi sang quê ngoại để thăm bố mẹ, họ hàng. Mới hơn 7 năm trời, bố mẹ tôi vẫn còn sống, khỏe mạnh và tôi được biết sau khi tôi bỏ ra đi, K. bị trầm cảm, bỏ dở việc học ngay trước kỳ thi tốt nghiệp, ở lì trong nhà không chịu lên trường mà cũng chẳng chịu tiếp xúc với ai. Cũng may là K. chỉ lặng lẽ vậy thôi chứ đã học xong Đại học Y Dược Cổ truyền, bốc thuốc, bắt mạch khá giỏi nên cũng đông người đến chữa bệnh. Anh không chịu lấy vợ, ít cười, ít nói, cứ sống thui thủi như một cái bóng trong nhà.
Còn về phần V. thì đã lấy vợ và có 3 con. Vợ V. là một cô gái cũng câm điếc như V. ở làng bên nhưng khá đẹp và rất siêng năng, do bố mẹ V. cưới hỏi cho. Trong ba đứa con thì chỉ có một đứa bị câm điếc giống bố mẹ, còn hai đứa vẫn khỏe mạnh, bình thường. V. vẫn cùng bố đi chữa bệnh thú y, còn vợ V. thì ở nhà lo con cái, cơm nước, giặt giũ và các công việc nhà.
Trong thời gian về thăm quê tôi, không hiểu chồng tôi nghe ai đó lắm chuyện kể lể nên biết được việc cũ của tôi đã từng một lần lấy chồng rồi bỏ về nhà sau mấy tháng làm vợ. Kể từ đó, sau khi trở về Gia Lai, cuộc hôn nhân của tôi không còn được lấy một ngày hạnh phúc. Về tới nhà là anh ta chửi bới rồi nhào vào đánh tôi, nói tôi là đứa lừa dối, đã từng có một đời chồng mà giấu anh ta…
Thêm một lần nữa, cuộc đời tôi lại chìm trong bất hạnh. Tôi cố giải thích nhưng anh ta đâu có để cho tôi nói. Một người đàn ông quê mùa, lớn lên trong vùng đất đỏ ba-dan, cả đời chỉ biết có nương rẫy và cây cà phê, cây tiêu, cây điều thì làm sao có đủ tinh tế để nhớ lại cái hồi chúng tôi thành vợ thành chồng, tôi mới ngoài 20 tuổi và vẫn còn là một cô gái trong trắng. Tôi có nói chuyện đó nhưng anh ta vẫn tỏ vẻ hồ nghi. Sự ghen tuông vô lý cộng với cảm giác bị vợ lừa gạt đã làm cho anh ta mù quáng, sinh ra uống rượu và đánh đập tôi như cơm bữa. Khi tôi mang thai đứa con thứ ba, anh ta đánh tôi đến nỗi bị trụy thai…
Làm thân đàn bà mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu, tôi cay đắng chấp nhận tất cả. Đã vậy anh ta còn có thói quen giày vò cái thân xác tôi dù tôi đã lớn tuổi, không còn ham thích chuyện đó. Rồi tôi sinh thêm hai đứa con nữa, vậy là bốn đứa cả thảy, hai trai, hai gái. Bố mẹ tôi ốm nặng anh ta cũng không cho phép tôi về thăm. Đến khi ông bà lần lượt qua đời, tôi biết tin, cả hai lần ra tới nơi thì chỉ còn kịp đi đưa đám tang, các anh chị em trong nhà trách móc tôi lắm…
Tôi sống lầm lũi với bốn đứa con và với người chồng thô bạo, say khướt. Một đời con người, ngẩng mặt lên, quay nhìn bốn phía chỉ thấy điệp trùng toàn rừng cà phê với vùng đất đỏ ba-dan này. Nước mắt tôi đã bao lần ướt đẫm, buồn cho cuộc đời bất hạnh. Chồng tôi bây giờ đã già, nghiện rượu nặng, các con tôi có đứa đã lập gia đình, có con cái. Thế nhưng mỗi lần lên cơn say, chồng tôi vẫn lôi câu chuyện cũ năm xưa của tôi ra đay nghiến khiến cho các con cũng buồn. Các con tôi, kể cả dâu và rể, không cháu nào là không biết chuyện bị tráo hôn của mẹ, câu chuyện mà tôi đã muốn chôn giấu thật kỹ kể từ ngày tôi rời bỏ quê nhà ra đi…
Đoàn Dự ghi chép
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.198 giây.