Nếu tham chiếu Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta sẽ thấy lý do tại sao các môn đệ xin Chúa Giêsu thêm
lòng tin cho họ. Theo trình thuật của thánh Máccô, thì hôm ấy, Chúa Giêsu và ba môn đệ đi vắng, khi trở
về nhà thì thấy một đám đông vây quanh các môn đệ. Theo lời một người cha thuật lại, thì ông có một
đứa con bị quỷ ám, ông đã đem cháu đến nhờ các môn đệ trừ quỷ, nhưng các ông không làm nổi.
Nghe thế, Chúa Giêsu đã khiển trách: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà.” Sau sự việc ấy,
các môn đệ đến hỏi riêng Chúa: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” Ngài trả lời: “Tại
anh em kém tin!” Các ông đã xin với Chúa: “Thưa thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”, và Ngài nói
tiếp:“ Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống
dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em.”
Sức mạnh của lòng tin
Lòng tin như thế không phải tự nhiên mà có, nhưng là một ân huệ mà ân huệ ấy chỉ có Thiên Chúa là
Đấng Toàn Năng mới có thể ban cho chúng ta được. Các môn đệ đã xin ban thêm lòng tin cho họ.
Có được sức mạnh để có thể trừ được quỷ, để khiến cho cây mọc trên đất, cắm rễ dưới biển, là tùy
thuôc vào mức độ của đức tin. Nếu có được đức tin bằng hạt cải thì cũng có thể làm được những việc
đó!
Khi xin như thế, các môn đệ cũng nhận ra đức tin của mình còn yếu.
Đức tin không thể cân đo đong đếm, nhưng Chúa đưa ra một hình ảnh cụ thể là hạt cải nhỏ bé của đức
tin để cho các môn đệ thấy sức mạnh của đức tin. Chỉ bằng hạt cải mà đã làm được những việc phi
thường như thế thì nếu lớn bằng hạt cam, hạt nhãn thì còn làm được biết bao chuyện phi thường hơn!
Hạt cải bé nhỏ ấy cũng là thước đo lòng tin, cậy, mến của chúng ta đối với Thiên Chúa, đo mức độ tuân
phục, phó thác vào quyền năng của Ngài. Không biết đã có ai có được đức tin bằng hạt cải chưa!
Đức tin là điều kiện phải có, là một đòi hỏi tiên quyết, một yếu tố quan trọng trong mối tương giao giữa
con người và Thiên Chúa.
Ân sủng đức tin đã được ban cho chúng ta khi nhận Bí Tích Rửa Tội, nhưng không phải ân sủng ấy
được ban cho một lần rồi thôi, mà chúng ta phải vun trồng, bồi đắp cho đức tin ấy. Thánh Phaolô cũng
đã nhắc nhở Timôthê, người con tinh thần của mình: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên
Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta
một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức
mạnh, tình thương và biết tự chủ.”
Và để dời được núi kiêu căng, nhổ được rễ căn nguyên tội lỗi, thì sức mạnh của đức tin lại là ăn chay,
cầu nguyện như lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thứ quỷ ấy chỉ xua trừ được bằng cầu nguyện
và ăn chay.”
Lòng tin và phục vụ
Đức tin phải song hành với lòng trung thành phục vụ; chính trong sự trung thành phục vụ mà đức tin có
sức mạnh.
Nhưng phục vụ theo lệnh hay phục vụ theo tin yêu?
Chúa Giêsu đã đưa ra một ví dụ: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở
ngoài đồng về, lại bảo: Mau vào ăn cơm đi, chứ không bảo: Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn
cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau! Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo
lệnh truyền sao? Thầy nghĩ rằng: Không. Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh
phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Người đầy tớ từ ngoài đồng trở về, sau một ngày làm việc, anh mệt nhọc, thế mà ông chủ không thông
cảm với sự cực nhọc của anh, lại ra lệnh cho anh: Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn
uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!” Đó là bản chất của một ông chủ cay nghiệt, chỉ nghĩ đến mình
mà không thông cảm được với nỗi khổ cực của người đầy tớ; trái lại, vì yêu thương và cảm thông được
nỗi vất vả của người đầy tớ, ông đã ân cần bảo anh: Mau vào ăn cơm đi. Đó là bản chất của một ông chủ
đầy lòng thương xót, yêu thương người đầy tớ, là hình ảnh người chủ nhân lành, luôn quan tâm đến
người đầy tớ; đó cũng là bản chất của Thiên Chúa nhân hậu, đầy lòng thương xót đối với con người.
Đối với người đầy tớ, sau một ngày mệt nhọc, trở về nhà, lại phải phục vụ ông chủ một cách bất ưng
trong lòng, anh không mấy vui, nhưng vì lệnh phải làm; nhưng ngược lại, tuy mệt nhọc, anh vẫn vui vẻ tự
nguyện phục vụ ông chủ không phải vì lệnh mà vì lòng mến ông chủ, thì ông chủ sẽ vui.
Qua hai thái độ phục vụ trên, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã
làm theo lệnh truyền sao?” và Ngài đã trả lời: “Thầy nghĩ rằng: Không, và áp dụng vào trường hợp các
môn đệ và cho cả chúng ta, Ngài nói: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh
phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.
Đó là thái độ khiêm tốn trong phục vụ
Là người Kitô hữu, có lúc chúng ta nghĩ Thiên Chúa phải ban cho chúng ta ơn huệ nào đó khi chúng ta
theo Ngài. Ngài phải ban cho chúng ta thiên đàng vì chúng ta đã phục vụ Ngài nơi trần gian. Đó là thái độ
người làm thuê, vụ lợi. Chúng ta đặt Thiên Chúa, một người cha nhân hậu luôn quan tâm chăm sóc đến
con cái mình vào vị trí của một người mắc nợ chúng ta. Đức tin vụ lợi! Chúng ta mới chỉ là những đầy tớ
làm theo lệnh.
Chúng ta chưa phục vụ Thiên Chúa để cho “danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới
đất cũng như trên trời”. Cách phục vụ ấy đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực trong tin yêu.
Các thánh cũng làm theo bổn phận, làm theo thánh ý Thiên Chúa, nhưng các ngài không làm bổn phận
vì bổn phận mà làm bổn phận vì lòng tin yêu Thiên Chúa. Đức tin và phục vụ phải song hành: đức tin
trong phục vụ và phục vụ trong đức tin. Cả hai cần phải có “ân sủng của Thần Khí tạo sức mạnh, tình
thương và tự chủ” như thánh Phaolô đã nói. Trong tinh thần khiêm tốn, chúng ta cũng nhận mình là
những đấy tớ vô dụng, những đầy tớ chỉ làm theo lệnh, theo bổn phận; và như các môn đệ, chúng ta
cũng xin: “ Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”.
LM. Trịnh Ngọc Danh