VRNs (03.10.2013) – Thừa Thiên Huế - Ngày 30 tháng 09 vừa qua là thời điểm chấm dứt cuộc góp ý về Hiến pháp sửa đổi mà Quốc hội CSVN đã ấn định. Có tin tức cho rằng vào cuối tháng 10, một tân Hiến pháp sẽ được hoàn tất để trình với quốc dân. Nhưng từ lâu, rất nhiều ý kiến đã đưa ra, yêu cầu Quốc hội kéo dài thêm thời gian góp ý vào văn kiện cực kỳ quan trọng này, yêu cầu đảng và nhà nước CS phải lắng nghe mọi tiếng nói chân thành và chí lý dù khác biệt với hàng lãnh đạo, và quan trọng nhất là yêu cầu UB soạn thảo phải loại bỏ điều 4 dành độc quyền cai trị cho đảng CS, điều 57 dành độc hữu tài nguyên cho nhà nước và điều 80 dành cho đảng quyền uy tuyệt đối trên các lực lượng vũ trang. Thế nhưng mọi ý kiến của nhân dân vẫn bị bỏ vào sọt rác Ba Đình. Mới đây, hôm 28-09, trong cuộc gặp gỡ cử tri hai quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm ở Hà Nội, TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn lên tiếng đe dọa: “Coi chừng thế lực thù địch đòi bỏ điều 4”, vẫn ngang nhiên khẳng định sẽ tiếp tục “thu hồi đất để phục vụ cho công việc quốc gia, quốc phòng, công cộng và phát triển kinh tế xã hội”!
Đó chính là lý do khiến hôm 23-09, 130 trí thức và nhân sĩ trong ngoài nước đã ra một tuyên bố nhan đề “Về thực thi quyền Dân sự và Chính trị”, yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải lắng nghe mọi góp ý của toàn dân suốt năm qua, đặc biệt của các nhóm chức sắc tôn giáo, các nhóm dân chủ đối kháng, các nhóm trí thức nhân sĩ, các nhóm dân báo độc lập về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, bởi lẽ mọi ý kiến này đều đã căn cứ vào Hiến pháp điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình…”, Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị điều 19 (tự do ngôn luận), điều 21 (tự do hội họp), điều 22 (tự do lập hội). Song song đó, Tuyên bố còn khởi xướng một “Diễn đàn trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa. Diễn đàn này mang tên “Diễn đàn xã hội dân sự” và có trang thông tin điện tử là nơi bày tỏ ý kiến của các tổ chức, các nhóm, các cá nhân cùng theo đuổi mục đích nêu trên, với mong muốn xã hội dân sự ở nước ta phát triển đúng với yêu cầu của một nước dân chủ”.
Cái tên “Diễn đàn xã hội dân sự” khiến người ta liên tưởng đến xã hội dân sự là một cái gì rất bình thường trên thế giới, tại các quốc gia văn minh dân chủ, nhưng lại là “vấn đề nhạy cảm” tại VN. Theo các nhà chuyên môn, xã hội dân sự là toàn thể những kiểu kết hợp của các công dân ngoài chính quyền, độc lập với chính quyền, như các hiệp hội, câu lạc bộ, tổ chức thiện nguyện, các giáo hội và tổ chức tôn giáo, các nghiệp đoàn, hợp tác xã, công ty và xí nghiệp. Nghĩa là mọi kiểu liên kết, hợp đoàn của nhiều người để theo đuổi một số mục đích xã hội, lợi ích dân sự nào đó mà họ có chung. Nhờ đó họ gắn bó chặt chẽ với nhau lẫn gắn bó chặt chẽ với xã hội, và cũng nhờ đó tạo sự bền chắc cho xã hội, vì đó như là những sợi dây đan xen chằng chịt giữa các công dân.
Các xã hội dân sự đã xuất hiện cùng lúc với các xã hội văn minh và thúc đẩy sự văn minh của xã hội. Bởi lẽ các kết hợp công dân tạo thành các xã hội dân sự đó là môi trường phát sinh ý kiến mới, đẻ ra sáng kiến hay và thực hiện tiến bộ thực. Chúng giúp cho các ý kiến được nảy sinh nhanh chóng, các mâu thuẫn được phát hiện mau lẹ, các vấn nạn được giải quyết kịp thời, nhờ đó xã hội không ngừng phát triển trong hòa bình và trật tự. Tại các quốc gia phát triển phương Tây, xã hội dân sự, ngoài việc liên kết các thành viên cùng chung mục đích và ước vọng, còn đóng hai vai trò quan yếu, mang tính đối tác và đối trọng với nhà cầm quyền. Một là thực hiện việc liên đới xã hội, giúp đỡ và bênh vực những người yếu kém và thiếu may mắn. Đó là trường hợp của các tổ chức thiện nguyện, bác ái, cứu trợ của cá nhân hay tập thể (các giáo hội chẳng hạn), trường hợp của các nghiệp đoàn bênh vực quyền lợi các thành viên bị chủ bóc lột (vai trò đối tác). Hai là thực hiện việc giám sát nhà nước (nhưng không theo kiểu các đảng đối lập với đảng cầm quyền). Ví dụ các giáo hội thì có thể phê bình các chính sách y tế giáo dục, các chủ trương liên quan đến tôn giáo, văn hóa của nhà cầm quyền. Các nghiệp đoàn thì có thể phê bình nhà nước về các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế, đến luật lệ lao động, đến an sinh xã hội v.v… Tựu trung, các xã hội dân sự thúc đẩy sự năng động, tích cực của công dân và đồng thời cũng thúc đẩy tự do, dân chủ, nhân quyền, ngăn chặn mọi ý muốn độc đoán của lãnh đạo chính trị (vai trò đối trọng).
Chính vì thế mọi chế độ độc tài chuyên chế đều rắp tâm tiêu diệt các xã hội dân sự. Bởi lẽ chế độ độc tài chính là một thiểu số muốn khống chế thống trị toàn bộ xã hội. Mà để thực hiện điều này, một là phải làm sao cho người dân đừng gắn bó với nhau để họ không có sức đề kháng, làm sao để người dân thờ ơ dửng dưng ngõ hầu họ trở nên ngoan ngoãn, hai là phải làm cho cho các kết hợp của công dân vì những điểm chung nào đó phải nằm trong sự kiểm soát của nhà cầm quyền.
Điều này thấy rất rõ tại Việt Nam. Ngay sau khi nắm quyền cai trị tại miền Bắc, nhà nước độc tài CS đã lập tức cấm đoán và tiêu diệt mọi xã hội dân sự. Cụ thể là nhóm các văn nhân nghệ sĩ trí thức miền Bắc đòi nhân quyền dân chủ và tự do sáng tác trong vụ Nhân văn Giai phẩm (1955-1958). Cùng lúc, ngày 10-09-1955, Hồ Chí Minh thành lập Mặt trận Tổ quốc như một cái rọ để từ ấy đến nay nhốt vào đó nào Tổng liên đoàn lao động VN, nào hội nông dân VN, đoàn thanh niên cộng sản, hội liên hiệp phụ nữ, nào hội cựu chiến binh, hội luật gia, hội nhà báo, hội nghệ sĩ, các tôn giáo quốc doanh, các ủy ban đoàn kết… Tổng cộng có gần 40 tổ chức mà CS cũng ma giáo gọi là “xã hội dân sự”! Nhưng ai cũng biết Mặt trận Tổ quốc chỉ là một tổ chức ngoại vi, một công cụ ngoan ngoãn của đảng Cộng sản, mà theo định nghĩa trong Wikimedia, “là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước Cộng hòa Xã hội Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Không hề có xã hội dân sự trong cái lồng này!
Sau năm 1975, tất cả những xã hội dân sự và diễn đàn xã hội dân sự tại miền Nam đều bị cấm hoạt động. Dù vậy, một số cá nhân và tổ chức vẫn tiếp tục hoạt động dưới hình thức “chui” như tuần san Toàn Dân Vùng Dậy (1977-1979) của Mặt trận Dân tộc Tiến bộ do bác sĩ Nguyễn Đan Quế chủ trương, tập san Diễn đàn Tự do (1989-1990) của một tổ chức tranh đấu khác, song tất cả những người chủ xướng và hợp tác đều bị bắt giam sau một thời gian hoạt động. Dẫu đây không phải là những diễn đàn xã hội dân sự, vì lẽ xã hội dân sự phải là những kết hợp công khai của người dân và độc lập với nhà cầm quyền, nhưng chúng cũng có tác dụng như tiếng nói của xã hội dân sự. Tuy nhiên, từ sau năm 2000, với sự phát triển của internet, của các trang mạng xã hội và sự du nhập của chúng vào VN, những diễn đàn xã hội dân sự ngày càng nhiều và thậm chí những xã hội dân sự cũng xuất hiện. Cụ thể là Khối 8406 (từ tháng 4-2006) với hàng trăm, rồi hàng ngàn thành viên công khai tên tuổi, công khai đường lối, công khai mục tiêu qua “Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam”, rồi cũng công khai một số hoạt động như lên tiếng trên diễn đàn, viết lách trên báo chí, bày tỏ qua truyền đơn biểu ngữ… Và dĩ nhiên họ đã bị đàn áp dữ dội bởi nhà cầm quyền. Gần đây thì có Phong trào Con đường Việt Nam, Nhóm Trí thức Bauxite, Nhóm Công dân Tự do, Nhóm Blogger 258, Nhóm Chức sắc tôn giáo v.v… Những xã hội dân sự này cũng đang bị CS phá phách ngăn trở bằng nhiều cách càng lúc càng lộ liễu trắng trợn.
Hiện tượng này đang gây lo ngại cho nhà cầm quyền. Báo Nhân Dân điện tử, ngày 31-08-2012, từng có bài viết mang tính báo động nhan đề “Xã hội dân sự” – một thủ đoạn của diễn biến hòa bình”. Trong đó có đoạn “Tại hội thảo “Chuyển đổi Nhà nước Việt Nam: Các tác động lên Việt Nam và khu vực” do các đối tượng bên ngoài tổ chức ở Hồng Công tháng 8-2008 đã tập trung bàn luận các nội dung: thách thức tự nhiên của XHDS đối với chế độ độc đảng ở Việt Nam; XHDS trong bối cảnh Việt Nam, sự trỗi dậy của XHDS qua việc tập trung vào hoạt động của Khối 8406 và Việt Tân. Qua đấy cho thấy các thế lực phản động bên ngoài rất quan tâm đến việc lợi dụng XHDS để thực hiện âm mưu lật đổ chế độ. Ðáng chú ý là một số đối tượng cơ hội chính trị có quan điểm chống đối cực đoan đã lợi dụng một số tổ chức quần chúng hợp pháp để tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi đưa Hiến pháp 1992 trở về Hiến pháp năm 1946, trưng cầu ý dân về Ðiều 4 cũng như toàn bộ Hiến pháp, lập Tòa án Hiến pháp, thúc đẩy XHDS và thực hiện các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội theo tiêu chí phương Tây, tư hữu hóa đất đai… Nếu thực hiện các nội dung này theo ý đồ của họ thì chế độ XHCN thực tế sẽ không còn tồn tại ở Việt Nam. Ðây là phương thức đấu tranh công khai rất nguy hiểm, nếu không cảnh giác có thể sẽ giúp các thế lực thù địch lợi dụng các tổ chức XHDS để đưa ra những kiến nghị nhằm thay đổi thể chế, thay đổi hệ thống luật pháp XHCN bằng luật pháp dân chủ, tư sản”.
Việc ra đời Diễn đàn Xã hội của giới trí thức nhân sĩ hôm 23-09 chắc chắn gây nên mối lo âu mới cho chế độ độc tài vì nó khơi gợi lẫn cổ vũ thêm các xã hội dân sự và chắc không tránh khỏi sự đàn áp (trừ phi các lãnh đạo CS chợt tỉnh ngộ).
Việc đàn áp dữ dội năm 2008 đối với Giáo phận Công giáo Hà Nội trong vụ Tòa Khâm sứ và đối với Dòng Chúa Cứu Thế trong vụ Thái Hà, mới đây là đối với Giáo phận Công giáo Vinh trong vụ Mỹ Yên (thậm chí Ban Tôn giáo chính phủ đã phải cấp thời sang Vatican từ ngày 15 đến 20-09 để yêu cầu Tòa thánh trừng phạt Giáo phận này và trừng phạt cả Dòng Chúa Cứu Thế). Rồi bao nhiêu cuộc đàn áp đối với các Giáo hội chính truyền khác tại VN mấy thập niên qua, tất cả đều xuất phát từ chỗ nhà cầm quyền thấy các Giáo hội này (cùng với những tổ chức trực thuộc bên trong) đều là những xã hội dân sự đúng nghĩa, vì các thành viên liên kết chặt chẽ với nhau bởi những mục tiêu cao cả, họ lại luôn độc lập cách nào đó với nhà cầm quyền (dù nhà cầm quyền tìm cách khống chế và kiểm soát họ qua Pháp lệnh lẫn Nghị định tôn giáo), luôn phê phán nhà cầm quyền trực tiếp hoặc gián tiếp qua việc đòi hỏi tự do tôn giáo và tranh đấu cho nhân quyền dân chủ.
BAN BIÊN TẬP BNS – TDNL
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 180 (01-10-2013)