Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 3/8 bày tỏ lo ngại trước tin tức nói blogger và người dùng internet bị cấm đoán bày tỏ quan điểm tự do ở Việt Nam.
Bà Ravina Shamdasani, phát ngôn nhân của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR), bày tỏ quan điểm với các phóng viên ở Geneva.
Bà Ravina Shamdasani lo ngại không gian để tự do bày tỏ bị hạn chế ở Việt Nam"Chúng tôi lo ngại dường như không gian để tự do bày tỏ ngày càng bị hạn chế ở Việt Nam."
Văn phòng cụ thể đề cập việc phiên tòa sắp diễn ra với ba cây bút, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần.
Phiên tòa bị hoãn sau khi mẹ bà Tạ Phong Tần qua đờiThông cáo của OHCHR nói phiên tòa "liên quan việc họ thực thi hợp pháp quyền tự do bày tỏ, trong đó có các bài viết trên mạng về vấn đề xã hội và nhân quyền".
"Phiên tòa, dự kiến ngày 7/8 và vừa bị đình hoãn vô thời hạn, nghe nói sẽ xử kín và nhân chứng không được triệu tập, gây ra lo ngại tiến trình sẽ không bảo đảm nguyên tắc xử công bằng," OHCHR tuyên bố.
Bà Shamdasani nói tiếp: "Một số vụ bắt giữ và kết án nặng nề những năm gần đây cho thấy xu hướng đáng ngại về việc hạn chế tự do bày tỏ, ý kiến và việc tập hợp của các blogger, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền, những người chất vấn chính sách chính phủ theo cách hòa bình."
Tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp tục hoãn phiên xử ba thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do theo sau vụ tự thiêu của bà Đặng Thị Kim Liêng, thân mẫu blogger Tạ Phong Tần.
Ông Nguyễn Thanh Lương, người đại diện pháp lý cho bà Tần, nói với BBC ông đã có văn bản đề nghị tòa đổi ngày xét xử sau khi mẹ bà Tần tự thiêu và qua đời.
Còn luật sư Đoàn Thái Duyên Hải, người đại diện cho blogger Anh Ba Sài Gòn, nói ông chỉ đề nghị điều tra bổ sung một số điểm chứ không đề nghị hoãn tòa.
Mặc dù vậy văn bản về việc lùi ngày xét xử vẫn nói điều này xảy ra do đề nghị của hai luật sư.
Cả ba blogger đều bị cáo buộc phạm tội tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa và sẽ bị xét xử dựa vào Khoản 2 Điều 88 của Bộ Luật Hình sự.
Source: BBC