Nước Anh từ trước đến nay vẫn tự hào những phát minh của mình đóng góp vào việc hình thành thế giới hiện đại này là bất cứ một quốc gia nào khác.
Rất nhiều những phát minh này, từ trò chơi thể thao bóng tròn cho đến cái máy hơi nước đã mang lại những thích thú cũng như là tiến bộ và phồn vinh cho xã hội hiện đại tuy rằng có những cái khác như khẩu súng máy hoặc là các loại đạn phá mảnh thì chỉ làm tăng những đau khổ và làm nghiêm trọng thêm nhũng tranh chấp giữa các nước cũng như trong nội bộ các quốc gia. Ngoài ra còn có những phát minh khác, như lý thuyết về nguyên tử thì có cả hai tác dụng. Sử dụng đúng nó thì xã hội sẽ được lợi rất nhiều, nhưng nếu sai thì có thể nó sẽ làm cho xã hội phải chịu những hậu quả trầm trọng. Và một phát minh của Anh mà hiện đang được phổ biến tràn lan ra toàn thế giới có thể được sắp vào loại thứ ba này.
Ðầu tiên được đưa ra tại Letchworth Garden City vào năm 1909, cái “roundabout” mà người Sài Gòn ngày xưa gọi là cái “bùng binh” và người Việt tại Anh gọi là cái “dao bào,” một loại đường vòng một chiều để cho xe cộ có thể di chuyển dễ dàng hơn khi nhiều con đường gặp nhau, đã trở nên quá thịnh hành đến nỗi vào những năm 1960 cơ quan Transport Research Laboratory của chính phủ Anh đã thiết kế một loại “dao bào” tý hon cho những con đường hẹp. Việc sử dụng “dao bào “ này đã đạt tới đỉnh cao tại thành phố Swindon của Anh với cái được mệnh danh là Magic Roudabout, một cái “dao bào” lớn được bao quanh bởi năm cái vệ tinh!
Và giống như nhiều phát minh khác của Anh, các nước khác đã bắt chước. Năm 1997 trên toàn thế giới chỉ có 30-40,000 cái, nhưng nay con số này đã lên tới 60,000. Một nửa số này là ở Pháp. Pháp là nước đầu tiên đam mê cái “rond point” và xây nó ở bất cứ chỗ nào, thuận tiện hoặc không thuận tiện, một phần là vì nó cung cấp cho các chính quyền địa phương cơ hội trổ tài trang trí khoảng trống ở giữa làm sao vượt hơn các đối thủ. Ngoài Pháp ra các nước khác cũng ào ạt xây dựng những “dao bào.” Úc hiện nay có đến 8,000. Hoa Kỳ thì hiện đang gấp rút đuổi theo. Nevada xây dựng cái “dao bào” đầu tiên tại Mỹ năm 1990. Nay Mỹ có đến 3,000. Và tất cả các nước trên thế giới, nước nào cũng có ít nhất một cái.
Amman, thủ đô của Jordan có nhiều đến nỗi chúng được đánh số và dân chúng thủ đô này cho người ta địa chỉ bằng cách dùng chúng làm tọa độ.
Cái “dao bào” xây dựng không rẻ. Một số phải tốn đến 2 triệu đô la mới xây dựng xong. Nhưng chúng ít tốn kém hơn trong việc điều hành so với dùng đèn giao thông, vốn có thể tốn đến 100,000 đô la mỗi năm để điều hành và bảo trì. Nó cắt giảm tình trạng kẹt xe vì nó không đòi hỏi người lái xe phải đứng hẳn lại. Và điều đó làm cho nó “xanh” hơn: xe cộ tải ra ít khí CO2 hơn là những con đường đèn đỏ ngã tư.
Ðối với những người Anh, cái “dao bào” không phải chỉ biểu hiện một đáp án khéo léo cho một vấn đề khó chịu thông thường, cho phép các xe có thể đi vòng, thay vì đứng lại tại những ngã tư mà nhiều khi vắng xe. Xe hơi cũng như người không cần phải đối đầu với nhau: nếu mọi người ai cũng né một chút, mọi sự đều êm đẹp. Ðiều đó dẫn đến việc an toàn gia tăng. Theo các nghiên cứu của Bộ Giao Thông Vận Tải Hoa Kỳ, thay thế các ngã tư bằng “dao bào” làm giảm bớt 35% các vụ đụng xe, 70% số thương tích và 90% số tử vong.
Thế nhưng các “dao bào “ này chỉ có thể hoạt động tốt nếu những người lái xe tuân thủ các đặc tính của người Anh là “fair play” và tuân thủ các luật lệ giao thông. Không may là không phải bao giờ cũng vậy.
Nếu những người lái xe không chịu nhường nhau, các “dao bào “ này sẽ mau chóng trở thành những khối tắc nghẽn. Và tại những nước mà tiêu chuẩn lái xe không được cao lắm, hoặc luật đi đường không được tôn trọng, người ta nhiều khi đâm vào mà bất kể kẻ khác. Tại Ý tài xế nhiều khi nghĩ rằng những xe đã ở bên trong “dao bào” phải nhường đường cho những kẻ mới đến. Tại Hà Nội, khi chiếc “dao bào” đầu tiên được mở cho lưu thông, xe cộ rẽ vào từ cả hai phía. Tại Baghdad, cũng vậy, xe cộ đi vào từ cả hai phía. Tại Nairobi, bốn cái “dao bào” nằm tại trung tâm thành phố bị tắc nghẽn đến nỗi người ta phải cử cảnh sát ra chỉ đường. Nhưng khi trời mưa, cảnh sát tránh mưa không ra chỉ đường được và tình trạng kẹt xe trở nên tồi tệ hơn nữa.
Ðó chính là vấn đề khi hoán chuyển cái “dao bào” này từ Anh sang các nước khác. Các bảng chỉ dẫn và những huấn luyện sau cùng cũng đã làm cho người Mỹ bắt đầu quen với lối đi vòng này rồi. Nhưng tại nhiều nước khác, nhất là những nước đang phát triển thì chuyện này vẫn còn chưa. Ngoài ra trong những thành phố tại các nước đang phát triển, nơi mà tình trạng kẹt xe nặng nề thường xuyên xảy ra, việc dùng “dao bào” có khi làm cho tình trạng kẹt xe tệ hơn nữa, đặc biệt là khi người ta xây dựng chúng tại những nơi xe cộ đi lại nhiều nhất. Ngoài ra đối với người đi xe hai bánh và đi bộ, “dao bào” thiếu an toàn hơn là đèn đường nhiều. Tình trạng tham nhũng cũng làm cho vấn đề trầm trọng hơn. Tại nhiều nước người ta nhiều khi mua bằng mà không cần biết lái được hay không.
Số phận của cái “dao bào” khi xuất cảng ra ngoài nước Anh cũng lập lại một cách tương tự số phận của một món hàng xuất cảng khác của Anh: chế độ dân chủ, một ý tưởng mà khi được xuất cảng sang nước khác nhiều khi trở thành một bi hài kịch. Cũng giống những “dao bào” cần có những người lái xe biết tôn trọng luật lệ và có tinh thần “fair play,” cảnh sát làm việc nghiêm túc và một hệ thống đường sá vừa phải, một chế độ dân chủ muốn hoạt động được tốt cần phải có một hệ thống báo chí và truyền thông tự do, một nền tư pháp độc lập và những định chế phụ trợ cần thiết khác.
Lịch sử cho thấy rằng tất cả những điều kiện đó không phải dựng lên trong một ngày. Nhập cảng dao bào cũng như nhập cảng dân chủ khó lắm vậy thay.
Lê Mạnh Hùng