Tờ báo phương tây International Herald Tribune lần đầu tiên được in ấn phát hành tại Rangoon Miến Điện ngày 23/9/2013.
REUTERS/Soe Zeya TunHội nghị Thượng đỉnh Asean 23 khép lại tại Brunei, Miến Điện được Asean trao chiếc ghế chủ tịch luân phiên 2014. Đây là thành quả của chính sách dân chủ hóa được tiến hành từ tháng 3/2011. Báo Le Courrier international dẫn lại một số bài liên quan tới quá trình đấu tranh dân chủ tại đây, dưới tựa đề : « Miến Điện. Huy động nhờ kết nối ».
Trích dịch từ báo The Irrawaddy, bài báo cho biết điều kiện hoạt động của thế hệ 88 và giới trẻ hiện nay rất khác biệt. Những người đấu tranh cho dân chủ trước đây được đào tạo trong bí mật, nhờ sách vở truyền tay lén lút, còn thế hệ dân chủ trẻ hiện nay sử dụng internet. Thế hệ 88 có thể cập nhật thông tin nhờ đài BBC hay « tiếng nói châu Mỹ ».
Nhưng để mua được những quyển sách bàn về đối lập, họ phải nhờ vào mối quan hệ mật thiết với chủ hiệu sách, thường biết rõ nhu cầu của khách hàng. Những hiệu sách như vậy đóng vai trò quan trọng trong việc cổ xúy tư tưởng cách mạng. Hiện nay, lượng thanh niên tham gia các phong trào chính trị lớn hơn so với trong quá khứ. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động dân chủ thế hệ cũ vẫn e ngại khả năng của giới trẻ trong việc cân nhắc những vấn đề chính trị.
Trên thực tế, các tổ chức các thanh niên dân chủ có đủ mọi phương tiện để hoạt động. « Thế hệ Làn sóng » (Generation Wave) là một tổ chức như trên được thành lập vào năm 2007. Họ đã tiến hành nhiều chiến dịch từ cuộc bầu cử năm 2010. Kết quả thu được là sự cởi mở chính trị của chế độ cầm quyền. « Thế hệ làn sóng » sử dụng chủ yếu trang mạng điện tử và Facebook của mình để thông tin mọi hoạt động, cổ động dân chúng và tổ chức biểu tình.
Họ được hưởng tự do truy cập Internet sau nhiều thập kỷ bị kiểm duyệt. Với hơn một nửa dân số dưới độ tuổi 30, Internet là công cụ hữu hiệu để truyền tải những ý kiến về chính trị và nền dân chủ. Nhờ đó, tháng 5 vừa qua, phong trào đã thu thập được 60 000 chữ kí qua trang Internet của mình, nhân chiến dịch đòi tổ chức đối thoại chính trị và chấm dứt « nội chiến » tại Miến Điện.
Một nhà dân chủ thời đó đánh giá rằng luôn có một mối quan hệ ràng buộc giữa thế hệ 88 hoạt động trong bí mật với thế hệ trẻ hoạt động công khai hiện nay. Một mặt, ông đánh giá cao các phương tiện truyền thông hiện đại mà giới trẻ đang sử dụng. Mặt khác, ông cho rằng thế hệ của mình vẫn đóng một vai trò quan trọng và giáo dục lịch sử sẽ rất hữu ích cho giới trẻ.
Trong cuốn « Những ngày ở Miến Điện » (Burmese Days), cố tiểu thuyết gia người Anh Georges Orwell phản ánh thực tế chế độ thời thuộc địa Anh và tình trạng tham nhũng. Tờ Mizzima News (Rangoon), khẳng định những nhận định của ông vẫn mang tính thời sự và thích hợp với tình hình hiện nay tại Miến Điện. Từ khi tổng thống Thein Sein lên nắm quyền, đất nước đã mở cửa và chính phủ hứa hẹn thực hiện dân chủ và cải cách kinh tế.
Tình hình tại Miến Điện được cải thiện hơn và nhiều dự án đầu tư đã được gửi tới chính phủ. Tuy nhiên, tác giả bài báo vẫn quan ngại và viện cớ nếu Orwell còn sống, ông có thể cũng nghi ngờ với những thành quả mang dáng dấp dân chủ đang diễn ra tại đây. Ông sẽ tìm ra những hành vi, ngôn từ hai lưỡi và chỉ ra cho người Miến Điện rằng còn lâu họ mới tới được cuối đường hầm.