Photo: RIA NovostiMột tờ báo Mỹ công bố danh mục 12 dạng bình luận viên trên các trang điện tử. Đó là người thích tìm kiếm sự thật, người có ngôn từ sắc bén (cay nghiệt cũng như nhân ái), những kẻ vô công rồi nghề và v.v... Bất cứ người dùng Internet có thể thử tìm mình giữa các dạng bình luận viên-trực tuyến này.
Được xếp lên hàng đầu là đối tượng dường như không tiếc bản thân vì tự do ngôn luận. Họ luôn luôn lo lắng những thông điệp của họ không kịp đến với dư luận, bởi vì "người quản lý trang web đâu có cần nói lên sự thật.” Một dạng bình luận viên khác thuộc diện "phát ngôn sắc bén". Họ tài năng, sử dụng khéo léo lối viết mỉa mai để vạch trần sự hai mặt của các chính trị gia. Cũng có những đối tượng rất chăm chú soi mói từng bài viết với hy vọng lôi ra khuyết điểm của tác giả.
Nảy sinh một câu hỏi bất chấp ai là người ngồi phía bên kia màn hình: lý do buộc người ta để lại bình luận? Liệu đó có chỉ là mong muốn tham gia vào các cuộc thảo luận? Ông Yakov Kochetkov, Giám đốc một trung tâm tâm lý ở Matxcova đã chia sẻ với đài Tiếng nói nước Nga về những vấn đề này:
“Trong một số trường hợp, động lực hàng đầu là mong muốn chứng minh bản thân. Chúng ta quan sát hiện tượng những người có thể không thật sự thành đạt trong cuộc sống thích đưa ra nhận xét gay gắt, dẫn đến cuộc đôi co ý kiến kéo dài. Điều này gây khó chịu cho nhiều người, còn tác giả bình luận biết rõ mình đã khiêu khích, động chạm, trong khi anh ta không làm ai quan tâm ở đời thực và vì thế rất thất vọng. Phương án thứ hai, người ta bình luận vì lười biếng. Có nghĩa một người không làm được gì và chọn giải pháp dễ nhất là luận chiến bên bàn phím máy tính, bình phẩm về công việc và lời nói của người khác.”
Giới trẻ được xếp vào một dạng riêng biệt giữa các bình luận viên trực tuyến. Các nhà nghiên cứu của tổ chức từ thiện trẻ em Kidscape đã thu thập ý kiến về hoạt động của thanh thiếu niên Anh tuổi từ 11 đến 18 trên mạng Internet. Kết quả cho thấy, 45% số thanh niên được hỏi cho biết họ cảm thấy hạnh phúc hơn khi ngồi trước màn hình vi tính. Khoảng một nửa thừa nhận họ sống trên Mạng khác với ngoài đời thường, nhiều đối tượng khẳng định họ cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn.
Thông thường, các ý kiến công kích trên Internet thuộc về tầng lớp thanh thiếu niên, - giáo sư Vladimir Maligin, Trưởng Khoa tâm lý học Đại học Y khoa Matxcova nói: “Những nghiên cứu về thanh thiếu niên mà chúng tôi tiến hành cho thấy mức độ đáng kể các biểu hiện hung hãn trên các diễn đàn. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đó như một nỗ lực thâm nhập thế giới thực thông qua Internet, một cách "tự kiểm tra". Nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng người có thái độ gay gắt trên Internet rất khó giao tiếp trong thế giới thực.”
Xã hội văn minh đấu tranh hàng trăm năm nay cho quyền tự do bày tỏ suy nghĩ. Giờ đây, Internet cho phép con người tự do tuyệt đối. Điều này trở thành một vấn đề lớn. Các ấn phẩm thông tin trên Internet đã nhận ra rằng: hoặc họ duy trì một không gian cởi mở cho mọi ý kiến, hoặc sở hữu luồng đối thoại thông minh và có ý nghĩa. Không thể nào lại có cả hai.
Theo Tiếng nói nước Nga