Sau hai tuần đến nước Mỹ, chúng tôi tìm đến Social Security Services (Sở An Sinh Xã Hội) để làm thẻ
An Sinh Xã Hội (Social Security Number). Cô gái Mỹ tóc vàng mắt xanh hỏi tôi bao nhiêu tuổi. Tôi nói 69.
Con gái tôi sửa lại 68. Nó nói:
-Ở đây người ta tính đến ngày sinh nhật mới lên tuổi mẹ ơi.
Tôi sinh 1942, năm nay 2011, ở Việt Nam tính theo tuổi tây tôi 69 tuổi, tính theo tuổi ta, cách tính theo
lịch phương Đông, tôi 70 tuổi. Học trò đã mừng thọ thầy cô tuổi 70 trong dịp Tết vừa rồi, trong đó có tôi.
Tôi đã được vinh dự (?) tròng vào cổ một chữ THỌ số 70. Vậy mà mới qua xứ Mỹ hai tuần tôi đã được
giảm hai tuổi. Thật cũng thú vị.
Nhân nói chuyện vui về tuổi tác, qua đây đi gặp bạn bè, đi dự các cuộc họp mặt đồng hương đồng hội
đồng trường..., tôi nhận ra rằng thật sự tôi đã quá già! Ở một đất nước tuổi thọ tăng cao như nước Mỹ
thì tuổi trẻ cũng kéo dài theo. Gặp bạn cũ, các bạn cùng lứa tuổi với tôi hoặc hơn tôi vài tuổi, trông họ
vẫn còn tươi, tuy không được như đóa hoa xuân đang nở, nhưng không phải là đóa hoa đang héo tàn
như tôi. Gặp họ đi cùng với con gái, tôi không thể nào nghĩ đó là hai mẹ con, tôi không thể nào đoán
được tuổi của các cô gái mới gặp lần đầu. Tôi về soi gương thấy mặt mình như tàu lá úa. Thật ra từ nhỏ,
nổi tiếng là người có chút duyên thầm nên tôi rất xem thường việc trang điểm, khi đi dạy thì được gọi là
cô giáo độc nhất không dùng son phấn của trường Gia Long. Nhưng bây giờ tôi phải chấp nhận một sự
thật phũ phàng là tôi phải chạy đua với thời gian, với các người bạn kề cận tôi ngày xưa cũng như bây
giờ, tôi phải học họ bí quyết giữ gìn sắc đẹp trong một đất nước mà nền kỹ nghệ làm đẹp cũng đứng
hàng đầu thế giới này.
Thế là tôi đến Mỹ dù là ở tuổi 68, 69, hay 70 cũng chỉ là tuổi của người già (senior) ở Mỹ, tuổi của những
người đã làm việc suốt đời và bây giờ họ có quyền hưởng những lợi ích xã hội đem đến cho họ. Còn
tôi? Tôi qua đây không để làm việc, cũng không được hưởng lợi ích gì, nhưng với tuổi này thì cái án
người già đã dán ngay trên trán. Tôi đi đâu làm gì cũng bị liệt vào hạng senior. Nghĩ cũng buồn cười là
tôi lại cảm thấy già nua ở Mỹ nơi mà người ta rất kỵ hỏi tuổi, nhất là hỏi tuổi các cô, các bà. Trong khi đó
ở Việt Nam, bạn bè gặp nhau, hoặc làm quen với người lạ, ngươi ta thường hỏi: - Anh/Chị sinh năm
nào? Anh/Chị bao nhiêu tuổi? Và không ai bất bình khi bị hỏi tuổi. Nhớ lại trước đây hai tuần khi còn ở
Việt Nam, bạn bè và học trò mỗi lần gặp tôi, không ai gọi tôi là người già cả mặc dù họ biết rõ tuổi của
tôi. Gặp tôi họ thường vui vẻ kêu lên: Ô sao cô trẻ thế? Sao cô chẳng già chút nào?... Lời nói chỉ đưa
đẩy thôi, nhưng nghe cũng thấy mát ruột.
Ở Mỹ, được gọi là senior, vào tiệm ăn được giảm giá, mua vé máy bay được giảm giá, đi chứng giấy tờ
được miễn phí, ơ người già có nhiều quyền lợi đấy chứ? Thế nhưng chữ già đẩy tôi tới khái niệm già và
tôi thường xuyên nghĩ đến cái chết. Ý niệm này đã dày vò tôi làm tôi mất hết ý chí muốn sống. Tôi già rồi
sao? Tôi sắp chết rồi sao? Bao giờ tôi chết? Tôi là kẻ đang sắp hàng để chờ Thượng Đế điểm danh?
Họ đã ấn định tuổi già, vậy họ có ấn định được khi nào con người chết không? Đó mới là điều tôi muốn
biết. Đó mới là điều quan trọng đối với tôi.
Ôi làm người già thật chẳng vui chút nào!
Hai vợ chồng già chúng tôi ở trong một phòng trọ, cửa kính rộng, suốt ngày tôi ngồi nhìn một ít bầu trời
xanh, nhưng đất thì không có. Đi xuống hết cầu thang thì tôi không có gì nữa. Tôi không có sân, không
có vườn (sân, vườn là của chủ nhà), không có cửa sổ để trồng cây, một centimetre đất để cắm cây kim
cũng không! Bởi thế tôi rất buồn. Các con tôi nói:
- Bây giờ ba mẹ ổn định rồi, lo hưởng tuổi già đi.
Tuổi già ở một nơi xa lạ thì có gì mà hưởng? Tôi cũng biết lo cho bản thân: đi bộ mỗi ngày, ăn uống ngủ
nghỉ, đọc sách báo, lên yahoo viết thư cho bạn, lên blog viết văn làm thơ thẩn... Nhưng tôi vẫn buồn hiu
hắt như chiếc lá cuối thu. Tôi đi thăm bạn. Họ cũng chẳng khác gì tôi. Cuộc sống ở xã hội Mỹ là như vậy.
Con cái đến tuổi trưởng thành là đi ở riêng, nhất là khi đã có vợ có chồng rồi thì không ở chung với cha
mẹ nữa. Bởi vậy nếu tôi đi thăm bạn thì cũng chỉ gặp mấy cặp vợ chồng già ở với nhau. Nếu họ ở trong
khu của người già thì càng tệ hơn nữa, vào đó không những trong nhà mà xung quanh cũng toàn người
già. Buổi sáng, người già tấp nập đi tập thể dục, buổi trưa tấp nập đi căng tin ăn trưa, buổi tối đi ăn tối.
Họ đi đầy hành lang, liêu xiêu vẹo vẹo...
Gặp người già thì có gì vui?
Có vui chăng khi mỗi buổi sáng dậy sớm, tôi ngồi co ro bên cửa sổ nhìn xuống đường thấy từng cặp
người già nắm tay nhau đi bộ bên đường, hoặc những ngày nắng đẹp thấy họ vừa đi vừa ngắm cảnh
trong công viên. Hình ảnh hai người già khập khiễng đi trong gió lạnh hoặc đi chầm chậm trong nắng ấm
thì không có gì đẹp, trông thấy buồn buồn, lạc lõng, nhưng trong cách họ nắm tay đi kề cận bên nhau,
nương tựa vào nhau, chờ đợi nhau, tôi như thấy được linh hồn của sự sống, thấy được hạnh phúc mà họ
đã có được trong cuộc sống lâu dài gắn bó đã trôi qua. Hoặc đôi khi bạn bè thân thiết mời tới dự một
buổi họp mặt con cái, lúc đó tôi mới thấy được niềm vui trọn vẹn của một gia đình: cha mẹ già bên cạnh
con trai con gái cháu nội cháu ngoại. Không khí gia đình đầm ấm rộn rã tiếng cười đùa của trẻ con cho
tôi hình ảnh của một cây gia tộc có đầy đủ hoa lá cành.
Nó làm tôi nhớ tới cuộc sống gia đình của Việt Nam, những gia đình có cha mẹ ở với con cái. Vào một
ngôi nhà có con trai con gái trẻ trung đẹp đẽ như thấy được tương lai tươi sáng của gia đình, có tiếng
trẻ con bi bô trong nhà là thấy có sức sống, có hơi ấm, có niềm vui rạo rực, có sự sống chan hòa. Trẻ
và già sống cùng nhau, không có sự chia cách biệt lập. Cha mẹ già có cơ hội giúp con và cháu, sẽ
không bao giờ thấy buồn. Cuộc sống già vì vậy là những ngày vui, cái vui của tuổi già là vui với con, với
cháu, vui với cây cảnh, vui vì sự thành đạt của con, sự trưởng thành của cháu... Bây giờ, đối với tôi, tất
cả chỉ là một giấc mơ.
San Jose
25 tháng 10, 2011
Cao Thu Cúc/Viễn Đông