Khi sống xa quê hương, người ta nhớ nhiều thứ. Có những điều tưởng như đơn giản mà khi không còn trong tầm tay, mới thấy đó như là một báu vật. Với riêng tôi, làn khói nhạt tỏa ra từ những mái nhà mỗi lúc hoàng hôn và tiếng gáy của con dế là một trong hai biểu tượng của quê hương.
Dưới ngòi bút của các nhà văn làn khói bếp tỏa ra từ mỗi mái nhà vào mỗi chiều, cũng trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Làn khói đó qua các bài học thuộc lòng thời tiểu học, đi vào lòng tôi như một phần quê hương mang theo.
Vào mỗi mùa đông, những làn khói mỏng manh bay ra từ các ống khói lò sưởi đã ít nhiều đưa tôi về với các làn khói lam chiều trong bài học thuộc lòng thời thơ dại. Và như vậy, khi nhà hàng xóm đốt lò sưởi, vô tình họ đã giúp tôi mang quê hương chôn nhau cắt rốn về lại rất gần trong tâm tưởng.
Tiếng gáy của con dế thì lâu lắm rồi, từ lúc bắt đầu sống ở quê hương thứ hai, tôi chưa có dịp nghe lại.
"Đá dế" là một trò chơi của các em trai ở Việt Nam ngày xưa. Các em ra đồng, hay ra vườn bắt về, nhốt trong hộp giấy (giống như hộp đựng giày) có đục lỗ để không khí vào cho dế thở. Rồi ông chủ dế tí hon thường xuyên bỏ cỏ non vào cho dế ăn, mỗi ngày ba lần như ba bữa ăn của chính mình. Lâu lâu ông chủ đưa dế vào đấu trường (là một cái hộp giày lớn hơn) cho dế đá nhau với một con dế khác. Trước khi vào đấu trường, ông chủ còn cẩn thận lấy một cái chân nhang (rút ra từ cái lư đồng trên bàn thờ) thọc vào một lỗ nhỏ trên thân dế, nâng lên cao, rồi phù miệng thổi với niềm tin mình đang tiếp sức cho "dế nhà" trước khi đem ra đánh lộn với "dế địch" (là dế của thằng bạn hàng xóm).
Không biết dế bực mình vì bị hành hạ, hay vì bị nhốt lâu ngày cuồng chân mà khi được bỏ vào đấu trường, một cái hộp lớn hơn, dế trút mọi giận dữ lên đầu đối thủ, một con dế khác thuộc quyền sở hữu của "một ông chủ" khác.
Đó là trò chơi mà các em trai rất thích, vì rất dễ tìm bắt dế nhất là vào mùa mưa, em nào cũng có thể có một "dế nhà" để chăm sóc và đưa ra đấu trường, với tôi, một bé gái chưa đến 10 tuổi lúc đó, là một trò chơi đầy bạo lực, vừa "vô nhân đạo", vừa "vô dế đạo".
Thêm vào đó, tôi vừa được đọc "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài. Dưới bút pháp vừa tinh tế, vừa giản dị của ông, lúc đó tôi chưa hiểu hết những bài học về kinh nghiệm đời mà nhà văn muốn dạy độc giả tí hon và cả người lớn, nhưng những con dế trở thành những người bạn thân trong tâm tưởng của tôi và hình như dế cũng có tâm hồn, cũng sâu sắc như người. Lại thêm tác phẩm "Chim hót trong lồng" của nhà văn Nhật Tiến giúp tôi hiểu nỗi buồn của một người bị giam hãm một mình trong một không gian nhỏ.
Và do vậy, chờ cho các anh, em trai trong nhà ngủ say vào một buổi trưa, tôi bưng mấy hộp dế ra vườn, mở hộp phóng thích các chú dế nâu bóng. Trước khi bay vào tự do, các chú dế hình như còn quay lại nhìn tôi, cảm ơn bằng một tràng gáy vang, âm điệu vui tươi, rộn rã; chứ không giận dữ, uất ức như khi bị xỏ chân nhang vào cổ.
Thừa thắng xông lên, tôi chui hàng rào, chạy sang nhà hàng xóm, phóng thích luôn dế của mấy anh nhà bên. Sau đó, đương nhiên tôi là một nghi phạm chính, nhưng không có bằng chứng nên "chẳng làm gì được nhau". Vậy mà tràng gáy cảm ơn của các chú dế lửa, dế mèn theo tôi như một kỷ niệm của tuổi thơ hạnh phúc, an nhiên ở Biên Hòa.
Gần đây, nhờ một tình cờ tôi lại được nghe một bài hát nhỏ của Trần Dạ Từ qua tiếng hát của Khánh Ly do tác giả gởi... nhầm cho tôi dưới dạng MP3, có những câu như:
“Một mùa mưa gió có anh dế mèn phất phơ lạc vào cachot đùa vui với người tù”
“Cám ơn, cám ơn em dế mèn tiếng kêu vừa lạ lại vừa quen”
"Cám ơn, cám ơn em dế mèn bao nhiêu năm bài hát ấy ta không quên..."
Kỷ niệm "phóng thích tù nhân dế" năm xưa bỗng nhiên kéo về trong tôi.
Hình như chú dế mèn vào cachot "trò chuyện" với thi sĩ Trần Dạ Từ đầu thập niên 80 là hậu duệ của các chú dế mèn được tôi thả ra trước đó?
Cám ơn "Cảm ơn Dế mèn" đã đưa tôi tìm lại được âm thanh của tiếng gáy năm xưa như những làn khói từ lò sưởi đưa tôi về rất gần với quê nhà.
Nguyễn Trần Diệu Hương (Theo Blog Nguyễn Xuân Hoàng)
Santa Clara, California Trung thu 2013