(© Flickr.com/Rev.Xanatos Satanicos Bombasticos)Tiếp theo các tiết lộ trên nhật báo Le Monde (Pháp) và Spiegel (Đức) về các hoạt động gián điệp của Mỹ tại Pháp và Đức, tối qua, 24/10/2013, nhật báo Anh Quốc The Guardian công bố một cuộc điều tra mới, dựa trên các tài liệu do cựu nhân viên tư vấn Edward Snowden phát giác. Nhật báo Anh khẳng định cơ quan tình báo Mỹ NSA đã nghe trộm điện thoại cá nhân của 35 lãnh đạo trên thế giới.
Theo một thông báo mật, được tờ Guardian trích dẫn, các nhân viên NSA đã có được các số điện thoại của 35 nhân vật lãnh đạo quốc tế - mà tên của họ không được nêu ra trong tài liệu này -, nhờ một mạng lưới các viên chức cao cấp, chủ yếu làm việc tại Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng. Các viên chức này được NSA đề nghị chia sẻ các thông tin trong sổ địa chỉ của họ, để đưa các lãnh đạo chính trị nước ngoài hàng đầu vào danh sách các đối tượng theo dõi của NSA.
Tài liệu, ghi ngày 27/10/2006, đã được chuyển đến toàn bộ các thành viên của SID (Signals Intelligence Directorate), cơ quan phụ trách thu thập tin tình báo trong lĩnh vực điện tử. Tài liệu, mang tên « Các tiếp xúc có thể giúp SID có được các số điện thoại đáng theo dõi », cho biết đã có được 200 số điện thoại của 35 lãnh đạo quốc tế, nhờ sự cộng tác của « một viên chức Mỹ ». Tài liệu cũng nói rõ là các dữ liệu này cho phép thâm nhập vào các thông tin để biết được các số điện thoại quan trọng khác. Tuy nhiên, tài liệu ngày 27/10/2006 cũng nhận xét rằng, việc theo dõi này chỉ mang lại được ít thông tin tình báo cho NSA.
Nhà Trắng từ chối trả lời tờ The Guardian về các thông tin kể trên.
Thứ Tư, 23/10, Berlin gây ngỡ ngàng, khi thông báo điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel có thể bị Mỹ nghe lén. Hôm qua, Thủ tướng Đức gửi thông điệp cảnh báo Washington, khẳng định nếu các thông tin này là xác thực, thì đây là điều « hoàn toàn không thể chấp nhận được », làm tổn hại nghiêm trọng cho sự tin cậy lẫn nhau giữa Đức và Mỹ, hai quốc gia bạn hữu. Đức là nước gần đây nhất trong một loạt các quốc gia, mà điện thoại của lãnh đạo có khả năng là đối tượng theo dõi của gián điệp Hoa Kỳ, tiếp theo Brazil, Mêhicô và Pháp.
Các thông tin dồn dập về hoạt động tình báo Mỹ nhắm vào các lãnh đạo Châu Âu khiến câu chuyện gián điệp trở thành chủ đề hàng đầu của Thượng đỉnh Châu Âu đang diễn ra tại Bruxelles, buộc Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp phải đưa ra một đề nghị nhằm xây dựng các luật chơi mới với Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.
Theo RFI
Sửa bởi người viết 25/10/2013 lúc 09:07:07(UTC)
| Lý do: Chưa rõ