Trung tâm thương mại "Con Rồng" ở Cancun, Mêhicô ( Ảnh: Internet)Thời sự Châu Á hôm nay 25/10/2013, gần như vắng bóng trên các báo Pháp, chỉ có duy nhất một bài trên tờ Libération tựa đề : « Với Dragon Mart, Trung Quốc tự ban cho mình một thương điếm tại Cancun ». Nhật báo Pháp đã nêu bật phản ứng bất bình của cư dân địa phương thành phố du lịch hàng đầu của Mêhicô này trước sự bành trướng thương mại của Trung Quốc.
Dragon Mart là tên gọi một trung tâm thương mại khổng lồ mà Trung Quốc vừa được phép xây dựng, bất kể phong trào phản đối của người dân tại chỗ.
Theo Emmanuelle Steels, thông tín viên Libération tại thành phố Mêhicô, cách nay vài tuần lễ, dự án Dragon Mart – tạm dịch là Chợ Rồng – đã được tòa thị chính thành phố Cancun cấp giấy phép xây dựng trong sự bàng hoàng và phẫn nộ của rất nhiều thành phần dân chúng địa phương, từ giới kinh doanh, buôn bán, cho đến các tổ chức bảo vệ môi trường.
Dragon Mart là một trung tâm trưng bày và buôn bán sản phẩm Trung Quốc khổng lồ, thuộc hạng lớn nhất thế giới ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, có chức năng biến thành phố du lịch nổi tiếng bên bờ biển Caribê này thành tủ kính thương mại của Trung Quốc trên toàn Châu Mỹ.
Trải rộng trên một diện tích gần 600 hecta, trung tâm này sẽ bao gồm 3000 cơ sở thương mại, cùng với các kho hàng, văn phòng làm việc, khu giải trí vui chơi và nhà ở cho các nhân viên người Trung Quốc của trung tâm. Với kinh phí đầu tư ban đầu lên đến 180 triệu đô la, Dragon Mart sẽ là nơi buôn bán mọi loại hàng hóa, từ máy móc, vật liệu xây dựng, cho đến tủ bàn, đồ chơi hay thực phẩm…
Đối với chính quyền địa phương, Dragon Mart là một cơ may tuyệt vời cho kinh tế thành phố Cancun, cho đến nay chủ yếu sống nhờ ngành du lịch, với khoảng 17 triệu du khách hàng năm, mang lại 10 tỷ đô la. Trên giấy tờ, trung tâm thương mại Chợ Rồng sẽ tạo thêm 8000 công ăn việc làm cho thành phố.
Thế nhưng, đó chính là một trong những điểm bị đả kích. Con số hàng ngàn chỗ làm nói trên che giấu một thực tế : Đại đa số sẽ do người Trung Quốc đảm nhiệm, chỉ có một vài công việc là được dành cho người bản xứ mà thôi, và đó là những công việc thuộc loại lương thấp.
Bên cạnh đó, nguy cơ bị hàng hóa Trung Quốc giá rẻ tràn ngập đã được các doanh nghiệp Mêhicô nêu bật. Ông Rafael Ortega, Chủ tịch Phòng Thương mại Cancun tuyên bố : « Chúng tôi sợ rằng nền thương mại địa phương sẽ bị tiêu vong ». Hạ viện Mêhicô, ngày 10/10 cũng ghi nhận : « Dragon Mart bao hàm những hành vi bán phá giá, trong một ốc đảo thương mại Trung Quốc (…) vốn không dùng đến nhân công tại chỗ ».
Đối với giới bảo vệ môi trường, dự án Chợ Rồng về lâu về dài sẽ gây ra những tổn hại vĩnh viễn về mặt sinh thái. Bà Alejandra Serrano, thuộc Trung tâm Mêhicô về Quyền Môi trường tại Cancun báo động : « Các công trình xây dựng sẽ nằm ngay bên trên hệ thống nước ngầm của bán đảo Yucatan, cách vùng bãi đá ngầm tự nhiên được bảo tồn không đầy 4 cây số ».
Tại một khu vực mà chính quyền địa phương từng nhắm mắt làm ngơ cho các nhà thầu xây dựng hàng loạt khách sạn ngay bên trên những khu rừng tràm ven biển có chức năng chống sói mòn bờ biển và chống bão, khuyến cáo của giới bảo vệ môi trường hầu như không được lắng nghe.
Trong lúc Bộ Môi trường Mêhicô không chịu cho ý kiến về tác động sinh thái của dự án Dragon Smart, đùn đẩy trách nhiệm cho bang Quintana Roos và thành phố Cancun, ban lãnh đạo trung tâm Chợ Rồng – một liên doanh Trung Quốc-Mêhicô – phản bác : « Giới bảo vệ sinh thái tố cáo chúng tôi phá hoại môi trường, trong khi mà chúng tôi chưa hề khởi công xây dựng ».
Theo RFI