Chồng tôi có nhiều bịnh, chữa bịnh này chưa xong thì đụng tới bịnh khác, vì vậy cứ phải đi bác sĩ luôn. Đi nhiều, chúng tôi cần thêm người bạn đường mới. Khi đưa số điện thoại cho tôi, cô bạn thân của tôi nói:
- Đi xe ông này, ráng mà nghe ổng nói chuyện.
Bạn đường mới
Bạn đường mới của tôi người nhỏ bé, tóc bạc trắng. Vừa mở máy xe, ông mở luôn máy nói, đúng như bạn tôi đã báo trước:
- Anh chị qua đây lâu chưa? Anh chị trước ở đâu? Làm nghề gì?...
Khi chồng tôi nói “Dạy học” thì anh ta mở volume lớn hơn:
- Ha ha, vậy là cùng nghề, vậy là đồng nghiệp. Tôi cũng dạy Anh Văn, kiêm luôn Pháp Văn. Tôi dạy ở trường Trung Học Long Thành.
Từ đó nói câu nào, anh ta cũng phụ đề thêm tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Anh ta biết rất nhiều chuyện, lãnh vực nào anh ta cũng sành sỏi, anh ta biết rõ ngọn nguồn, phân tích mọi sự việc từng chân tơ kẽ tóc.
- Anh chị có biết vụ đốt nhà cách đây một năm ở San Francisco không? Người ta dùng thôi miên và nghệ thuật vẽ hình mà tìm ra thủ phạm... Anh chị có biết ngôi nhà ma ở Tennessee không? Người ta đến đó thu âm được hơn 300 giọng nói của ma và bây giờ ai muốn vào nghe, xin mời, vé vào cửa luôn luôn chờ bạn...
Ôi chào, cái gì anh cũng biết, phục quá chừng, tôi nói:
- Anh thật là tài giỏi, chuyện gì anh cũng biết, trí nhớ của anh thật tuyệt vời.
- Chị nói phải, có lẽ tôi có trí nhớ tốt.
Mắt chồng tôi mổ lần thứ hai nhưng không thành công, anh hỏi tại sao, chồng tôi nói:
- Thuốc an thần và thuốc tê không đủ, họ gây mê cho tôi không được vì phổi tôi có vấn đề, vậy là họ ngừng lại. Không biết vì sao họ gây mê mà biết phổi tôi xấu nhỉ?
Anh ta trả lời ngay:
- Vì không đủ oxy.
- Nhưng vì sao họ biết không đủ oxy?
- Họ kẹp một cái kẹp nhỏ ở đầu ngón tay của anh, họ biết oxy thiếu hay đủ là ở cái máy đó.
Chúng tôi rất ngạc nhiên, chồng tôi nói:
- Anh có nghiên cứu y khoa hay sao mà biết rõ vậy?
Tôi nói:
- Cái gì anh cũng biết rõ, tôi gọi anh là nhà bác học.
Anh ta cười khiêm tốn nói:
- Tôi chỉ đọc và nhớ chứ đâu có phát minh cái gì đâu chị?
Người bạn bác học
Hôm sau chồng tôi lại đi bác sĩ. Bác Học đến rất đúng giờ.
- Chúng tôi đi đến bác sĩ Trang Đỗ.
- Bác sĩ Trang Đỗ ở đường Senter, khỏi cần đưa địa chỉ, tôi biết rồi... Sau đó đi chụp hình phổi hả? Chụp hình phổi ở đường Monpelier chứ gì, tôi biết rồi.
Bác sĩ nào anh cũng biết, đường nào anh cũng rành. Đi với anh thật là khỏe. Từ đường Senter đến đường Monpelier anh chạy cái vèo, đến nơi dẫn chồng tôi vào tận bàn ghi tên rồi ra ghế ngồi đợi. Anh nói:
- Tôi hay chở người già đi khám bịnh này nọ nên chỗ nào tôi cũng biết. Họ thích tôi chở đi vì tôi còn thông dịch cho họ nữa, thông dịch không lấy tiền, tôi chỉ lấy tiền xe thôi.
À thì ra là thế. Anh là nhà ngôn ngữ học tôi đâu có quên, nhưng anh tự nguyện làm việc này thật là một điều bất ngờ. Một người lái xe kiêm thông dịch, bạn có thể tưởng tượng được không? Thầy giáo lái xe cũng có khác người thường đấy chứ? Anh nói có lần anh còn ra tòa án thông dịch nữa, nhưng lần đó anh thất bại vì hiểu lầm chữ “You're dismissed (giải tán)” mà anh dịch là “bãi nại (dismiss the case)” không bị kiện nữa, làm cho thân chủ của anh mừng hụt.
Mới chở chúng tôi đi lần thứ hai thôi mà anh đã kể khối chuyện, tôi nói:
- Anh đúng là nguồn thông tin phong phú, khi nào tôi cần gì tôi hỏi anh nhé?
- Chị cứ hỏi, tôi sẵn sàng trả lời, nhưng đừng gọi tôi là Ông Tám là được.
Rồi Bác Học lại chở chúng tôi đi, mở đầu câu chuyện bao giờ Bác Học cũng nói về thời sự Y học.
- Anh chị biết bịnh giời leo, tiếng Pháp gọi là Zona, tiếng Anh gọi là Shingles không? Bịnh này do lúc nhỏ mình bị thủy đậu, vi rút herpes chỉ diệt hết 95%, 5% còn lại nó ẩn trong tế bào thần kinh của mình, thường khi mình lớn tuổi sức đề kháng yếu, nó mới tấn công. Anh chị thử chịu đựng đi, nếu sợ thì lo đi chích ngừa, năm trăm mỹ kim hoặc bảy trăm một lần chích, nếu có bảo hiểm sức khỏe thỉ chỉ trả vài đồng thôi. Nếu bị tấn công, đừng lo, 15 ngày là dứt, đừng mất công đi tìm mấy thần lang băm vớ vẩn.
Rồi bỗng nhiên Bác Học đổi đề tài, anh ta đọc thơ:
Từ em tiếng hát lên trời,
Tay xoa dòng tóc tai vời âm thanh.
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh,
Lắng nghe da thịt tan thành xưa sau. (Hoàng Trúc Ly- Ca Sĩ)
- Anh chị có biết bác sĩ Phương Phương không? Phương Phương hay đến bình thơ ở các buổi Văn Nghệ từ thiện do hội Hope tổ chức. “Tay xoa dòng tóc tay vời âm thanh” Phương Phương bình là “ tác giả muốn sờ tóc ca sĩ”. Đâu phải vậy. Bình vậy là diệt cả hồn thơ rồi. Hoàng Thi Thơ rất thích bốn câu thơ này, bốn câu thơ tả tiếng hát của một ca sĩ, Tiếng hát long lanh sương khói như hình tượng một người yêu hư ảo khiến cho hồn thơ tuôn trào cảm xúc trước cái đẹp và sự mong manh của đời người. Bốn câu thơ đã được Đặng Tiến (nhà phê bình văn học) khi viết về tình yêu của Hoàng Trúc Ly đã bình luận: “... Có khi người yêu (của tác giả) là một tiếng hát, nhưng tiếng hát ngọt ngào cao vút lại gói trọn niềm u uất của tâm tư. Trong tiếng hát mong manh, thi sĩ đã tiên cảm được những ngày cơ thể tan thành âm thanh... Có khi người yêu chỉ là một tiếng đàn, một tiếng đàn ướt át, khi loang ra đại dương, khi bay vút không trung, khiến thi nhân ngậm ngùi cho những linh hồn cao cả nhưng cô đơn, cô đơn như những âm thanh...” (Hoàng Trúc Ly: Nụ cười trong và đôi mắt sáng – Đặng Tiến).
Hạnh phúc ở ngay trong tâm mình
Lợi dụng lúc Bác Học ngưng nói, tôi hỏi:
- Lúc tôi mới đến Mỹ, mọi người đều nói “Nước Mỹ là Thiên Đường”, anh qua đây mười chín năm rồi, anh đã tìm thấy Thiên Đường của anh chưa? Anh còn mơ ước gì trong thời gian còn lại của đời mình?
Tôi chỉ hỏi một câu đơn giản thôi mà Bác Học viện dẫn cả triết lý Phật Giáo, Ki Tô giáo đủ cả, anh nói:
- Thiên Đường thì đâu cũng có, hạnh phúc ở ngay trong tâm mình. Tôi kính Chúa yêu Phật.
Rồi Bác Học nói một mạch:
-Anh chị biết nhà tỷ phú Onasis không? Mối tình muộn của Jacqueline đó, ông nằm trên đống tiền nhưng ông có sướng đâu! Con trai chết vì tai nạn máy bay, con gái có bốn đời chồng nhưng người nào cũng chỉ tham tiền của nó mà thôi. Con trai chết lúc 25 tuổi, con gái chết lúc 37 tuổi, ổng chết lúc 69 tuổi. Tiền nhiều mà làm gì. Than ôi!
Bác Học ngâm tiếp hai câu thơ của Chế Lan Viên:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.
- Đời tôi là một đời khổ, qua đây tôi chỉ mong sướng hơn một chút mà thôi, tôi không mong ước gì nhiều. “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc” (Biết đủ là đủ, đợi đủ, biết đến bao giờ mới đủ). Bài học của Nguyễn Công Trứ tôi không quên.
- Vậy cái quý nhất đối với anh là gì?
- Kiến thức. Kiến thức là giá trị quý nhất của con người.
Bác Học đáp ngắn gọn và dứt khoát. Hai chữ này cũng đã rơi vào vùng tâm thức của tôi. Tôi nhớ có lần tại siêu thị Nguyễn Đình Chiểu ở Sài Gòn, tôi đã trả lời cho hai thanh niên điều tra thị trường lúc bấy giờ khi họ hỏi tôi: “Theo bác cái quý nhất của đời người là gì”? Câu trả lời của tôi đã khiến họ nhìn tôi như một người đến từ Sao Hỏa: Kiến thức.
Bác Học thực sự là một người bạn đường, không những của tôi mà còn của nhiều người khác. Ngồi trên xe của anh ta, chúng tôi không phải là những khách hàng mà là những người bạn. Những người quen biết có cơ hội gặp lại nhau, trò chuyện trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm sống. Bác Học quý tình bạn hơn quý tiền, xem khách hàng là bạn, sẵn sàng giúp đỡ, an ủi động viên, cho những lời khuyên hợp tình hợp lý, nên được mọi người quý mến tin tưởng.
Bác Học biết nhiều thứ kể nhiều chuyện. Những chuyện anh ta kể có chứng cứ khoa học, có nghiên cứu rõ ràng, không phải những chuyện chuyền tai nhau từ người này đến người khác. Trong cách cư xử cũng vậy, bao giờ anh cũng tỏ ra lịch sự thanh nhã, giữ đúng tư cách của một người đã từng chọn nghề dạy học làm lý tưởng sống của đời mình.
Một người thầy là một người luôn luôn trên đường đi tìm chân lý, đi tìm cái đẹp, luôn luôn nói đúng làm đúng và sống đẹp. Tôi thích nghề dạy học, dù có nghèo hơn những nghề khác. Tôi thích những người làm nghề dạy học, họ suốt đời biết hy sinh cho lý tưởng Sống Đẹp của mình dù cho số phận có đổi thay bất ngờ.
SJ 24/9/2013
Cao Thu Cúc