Một âm mưu gian lận trong kỹ nghệ thực phẩm quy mô lớn nhất mới bị khám phá ở Mỹ khi người hảo
ngọt hoặc muốn tẩm bổ được báo động là mật ong nhập lậu vào Mỹ có thể là sản phẩm pha chế và
chứa trụ sinh độc hại có nguồn gốc Trung quốc. Phần sau đây dựa vào bài Dirty Honey (Mật bẩn) đăng
trên tờ Bloomberg Businessweek của ký giả Susan Berfield giúp chúng ta thấy gian thương nhan nhản
khắp nơi và họ chỉ cần làm giàu bất chấp nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Hai công dân Đức tiền phong cho một âm mưu giăng bẫy ngọt
Magnus von Buddenbrock, 30, và Stefanie Giesselbach, 28, đặt chân tới Chicago vào năm 2006 với
nguồn hy vọng là chinh phục đất Mỹ bằng cách phát triển công ty thực phẩm của Đức có tên là ALW
Food Group. ALW là viết tắt của tên người sáng lập công ty: Alfred L. Wolff, có địa chỉ ở Hamburg. Cả
hai người trẻ tuổi thay mặt cho ALW thành lập chi nhánh của nó ở gần Millennium Park trung tâm
Chicago để nhập cảng mật ong vào Mỹ, một thị trường tiêu thụ chất ngọt tự nhiên, đầy bổ dưỡng này
vào hàng lớn nhất hoàn vũ. Công việc kinh doanh của ALW ở Mỹ phát triển dần và mở ra một tương lai
xán lạn cho Buddenbrock và Giesselbach cũng như cho ALW.
Nhưng rồi một biến cố xảy ra vì giới hữu trách xứ Cờ hoa phát giác mật qua con đường ALW tuôn vào
Mỹ là thứ mật giả, có gốc lục địa và dù có vị ngọt nhưng là của đường, của mật mía chứ chẳng phải thứ
mật chính hiệu con ong.
Khách hàng nghe tin tá hỏa, nào ngờ mật ngọt trở thành mật đắng, mật thanh khiết trở nên mật bẩn (dirty
honey)!
Vào ngày 24 tháng Ba, 2008 Von Buddenbrock tới văn phòng vào lúc 8:30 và đang chuẩn bị cho một
ngày làm việc mới thì nhân viên liên bang ập tới phong tỏa toàn bộ công ty và bắt đầu lục soát với lý do
ALW bị ngờ là gian lận trong việc nhập hàng mật ong giả vào Mỹ. Họ có hỏi về Giesselbach nhưng lúc
đó cô này về Đức nghỉ hè.
Nhóm điều tra rút đi sau khi tịch thu nhiều giấy tờ, tài liệu và computer của công ty.
Kế tiếp là số phận của Giesselbach. Ba ngày sau Giesselbach từ Đức trở về Mỹ và vừa bước chân tới
phi trường O’Hare thì bị nhân viên liên bang kéo riêng ra chất vấn về việc nhập mật của ALW, nhưng sau
đó cho cô ta ra về để điều tra tiếp.
Tại sao hai đại diện của ALW lại bị chất vấn? Thì ra phía Mỹ cho rằng đã khám phá ra một âm mưu gian
lận thuộc vào loại quy mô nhất trong việc nhập thực phẩm từ Đức. Các nhân viên liên bang của các cơ
quan trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ (US Department of Commerce) và An ninh nội địa (Department of
Homeland Security) đã mở cuộc điều tra về thủ đoạn gian trá này.
Thủ đoạn biến đỏ thành đen của gian thương
ALW bị ngờ rằng đã nhập vào Mỹ hàng triệu pounds loại mật ong rẻ tiền của Trung quốc rồi tìm cách
che giấu gốc xuất xứ để thu lợi và trốn thuế.
Nguồn lợi bất chính rất lớn vì Mỹ là một trong những quốc gia thích dùng mật ong nhất trên thế giới, và
hằng năm xài tới gần 400 triệu pounds mật ong. Một nửa lượng này dùng trong các công ty chế biến
thực phẩm như bánh kẹo, ngũ cốc và các loại đồ ăn thức uống khác. Nguồn mật nhập về khoảng 60
phần trăm từ Brazil, Argentina, Canada và từ nhiều bạn hàng khác. Gần như nguồn hàng từ Trung quốc
bị phía Mỹ chê vì các nhà nuôi ong ở Mỹ cáo buộc phía Trung quốc đã bán mật với giá hạ giả tạo làm
hại kỹ nghệ nuôi ong ở Mỹ, nên chính quyền Mỹ vào 2001 đã quy định mức thuế cho hàng mật ong
Trung quốc tăng gấp ba lần và từ đó nguồn mật ong này ít khi có cơ hội vào Mỹ chính thức.
Von Buddenbrock và Giesselbach đã cộng tác với cuộc điều tra và vào tháng Chín, 2010 hai nhân viên
điều hành bậc trung của ALW bị buộc tội giúp ALW thực hiện một âm mưu gian lận về thực phẩm tới 80
triệu Mỹ kim, và được kể là một trong những vụ gian lận thuộc loại lớn nhất trong kỹ nghệ thực phẩm ở
Mỹ.
Andrew Boutros, phụ tá công tố viện ở Chicago, đã tổng kết tội danh của nhóm ALW: ngoài hai bị cáo
đã kể còn tám nhân viên cao cấp của ALW trong đó có Alexander Wolff, tổng giám đốc điều hành của
đại công ty, và một thương gia trung gian mặt hàng mật ong người Trung quốc, về tội từ 2002 đã thực
hiện một âm mưu toàn cầu để lừa khách hàng Mỹ. Tuy nhiên những kẻ bị buộc tội phần đông cư trú tại
Đức nên phía Mỹ chưa làm gì được ngoài việc nhờ cơ quan hình cảnh quốc tế Interpol truy nã họ.
Cuộc điều tra khởi từ 2006
Ngay từ lúc Giesselbach mới tới Chicago điều hành văn phòng của ALW thì nhận được điện thư báo
cho biết hàng mật ong của tổng công ty ở Đức sắp gửi tới từ nhiều hải cảng khác nhau. Một trong những
email này đề ngày 3 tháng Năm, có ghi rõ bằng tiếng Đức “Loesungmoeglichkeiten” hay “Solution
possibilities”. Nội dung của bức điện thư khiến nhà điều tra chú ý tới việc làm ăn có vẻ bí mật của ALW
trên đất Mỹ.
Tiếp tục, trong một cuộc kiểm soát tình cờ, nhân viên quan thuế của Mỹ nghi ngờ sáu chuyến tải mật
chứa trong container của ALW gửi tới Mỹ là mật có gốc từ Trung hoa mà ghi bên ngoài ghi là sản phẩm
cao cấp của Cao ly “Korean White Honey”.
Cuộc điều tra còn cho biết thêm, một thương gia trung gian gốc Đài Loan có tên là Michael Fan, đã
được ALW mách nước rằng muốn tuôn nguồn hàng lục địa vào Mỹ thì phải dùng các thùng màu đen
khác hẳn với thùng màu xanh lá cây Trung quốc thường dùng. Phía ALW còn rỉ tai Fan rằng phải tạo cho
mật ong Trung quốc có vị đậm đà hơn thường thấy. Trong thực tế mật ong Trung quốc thường được thu
gom sớm hơn và dùng máy móc làm khô chứ không phải do ong thực hiện, nhờ thế ong sẽ sản xuất
nhiều mật hơn nhưng cũng do đó mật thường có vị hăng nồng và hơi chua. Muốn chế biến có thể trộn
đường, mật mía và sirô vào mật ong để làm giảm tạp vị của mật ong Trung quốc.
Sau khi lượng hàng của Fan bị khám phá, một chức sắc điều hành của ALW vội vã viết cho Gisselbach:
“Tôi yêu cầu tất cả các nơi tiếp nhận đừng đề cập tới việc này trong e-mail. Xin dùng điện thoại và dùng
tiếng Đức. Cám ơn.”
Tuy nhiên, Giesselbach và các giám đốc ở Hamburg, Hong Kong và Bắc Kinh vẫn tiếp tục dùng email
đề cập tới vấn đề bén nhạy về việc dán nhãn hiệu nước khác vào hàng Trung quốc toan “mập mờ đánh
lận con đen”.
Các gian thương tuôn hàng rởm vào Mỹ bằng cách nào?
ALW có trụ sở chính ở Đức nhưng có nhiều văn phòng ở Trung quốc. Những chi nhánh này dùng các
trung gian độc lập để thu mua mật ong lục địa, từ đó những thùng mật ong có dung tích 50 gallons chứa
mật ong được tải sang Ấn, Mã Lai, Indonesia, Nam Hàn, Nga, Mông Cổ, Thái Lan, Đài Loan và
Philippines để thay đổi nhãn hiệu mới và thường được lọc qua để làm mất dấu vết nơi xuất xứ ban đầu.
Nguồn hàng sau đó được ALW đưa sang Mỹ sau khi đã xoay ra chứng nhận giả về tình trạng kiểm soát
chất trụ sinh, một điều kiện Mỹ đòi hỏi mới cho nhập hàng (nên nhớ người nuôi ong Trung quốc vì muốn
bảo quản tổ ong đã dùng chất Chloramphenicol để chống chứng bệnh ong hay mắc là chứng
Foulbrood, một thứ trụ sinh mà Mỹ cấm dùng trong thực phẩm). Nếu một công ty chế biến Mỹ từ chối
nguồn hàng giá rẻ, thì ALW sẽ tìm công ty khác. Cách lừa đảo xem ra tinh vi nhưng lại có sơ hở vì phía
Mỹ thấy nguồn hàng ALW đột nhiên có nhiều xuất xứ quá (căn cứ vào nhãn dán trên thùng), gom lại còn
nhiều hơn nguồn hàng truyền thống từ Brazil, Argentina, Canada… nên nghi ngờ của giả. Hơn nữa, các
công ty thực phẩm mua hàng của ALW cũng đặt vấn đề tại sao công ty này bán ra thứ mật ong giá rẻ
hơn thị trường nên tiết lộ nghi vấn với cơ quan điều tra. Từ đó phanh phui ra thủ đoạn đổi trắng thay đen
của ALW.
Trở lại số phận của hai tay đại diện cho ALW: sau lần bị chất vấn về việc nhập mật ong phi pháp vào Mỹ
vào tháng Ba 2008, họ vẫn được phía Mỹ cho tiếp tục công việc được ALW giao phó. Đặc biệt những
tay cao cấp của công ty này ở Hamburg thấy động nên không hề đặt chân tới Mỹ.
Trong khi ấy, Giesselbach có việc phải quay về quê hương. Vào ngày 23 tháng Năm, cô giám độc trẻ
tuổi này được đồng nghiệp là Von Buddenbrock chở ra phi trường O’Hare. Nhưng giới hữu trách liên
bang cho rằng họ định bỏ của chạy lấy người, nên đã giữ cả hai lại và truy tố họ về tội âm mưu nhập
cảng mật ong từ Trung quốc bằng cách thay đổi nhãn hiệu và phẩm chất. Kết cục, cả hai bị tống giam
chờ ngày ra tòa.
Bên kia đại dương, Wolff của ALW cho một tờ báo địa phương biết: “Cáo buộc của Mỹ về họ vô căn cứ
và chúng tôi sẽ chống lại bằng tất cả các biện pháp hợp pháp”.
Cuối tháng 06, Von Buddenbrock và Giesselbach được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo chứng. Còn
ALW đóng cửa văn phòng tại Mỹ và cắt đứt liên hệ với hai “can phạm”.
Phía các nhà điều tra Mỹ cho rằng Giesselbach thực ra chỉ là hình nộm của ALW và công ty này làm ăn
gian dối, sau khi vỡ lở tai tiếng ở Mỹ thì “đem con bỏ chợ, sống chết mặc bay”.
Ra tòa vào mùa xuân 2012, Giesselbach và Von Buddenbrock nhận một cáo buộc về tội gian lận. Theo
bản nhận tội Giesselbach tiết lộ trong khoảng thời gian từ lúc cô ta tới Chicago tháng 11 năm 2006 và
vào tháng 5 năm 2008 khi bị bắt, thì khoảng 90 phần trăm mật ong do ALW nhập vào Mỹ đã “man khai
về nguồn gốc sản phẩm”.
Còn phía ALW chưa bó tay gian xảo, lại có chiến lược mới. Họ bán cơ nghiệp cho một công ty địa
phương có tên là Norevo ở Hamburg. Giới hữu trách Mỹ, trong việc điều tra vụ gian lận này, cho biết đó
là cách tránh né dư luận và pháp luật Mỹ vì trong thực tế những thành phần cốt cán của AWL vẫn nấp
dưới bóng công ty mới để kinh doanh mật ong.
Giesselbach vào tù, bị giam tai khám đường ở Bruceton Mills, W.Va. và hơn một năm sau được phóng
tích và trục xuất về Đức. Còn Von Buddenbrock thì bị quản thúc tại gia ở Chicago và sau khi thụ hình
cũng được phép về Đức.
Nhưng giới hữu trách Mỹ vẫn tiếp tục điều tra về hàng “mật bẩn”. Họ đào sâu cuộc điều tra trong chiến
dịch có tên là “Project Honeygate” với các đối tượng có liên quan đến ALW là Honey Holding (thường bị
gọi là thùng rác (garbage can) của ALW vì chuyên nhận hàng ALW mà các công ty khác chê, nhờ giá rẻ)
và Groeb Farms và nhiều trung gian về thương vụ mật ong.
Vào đầu năm 2013, Mỹ truy tố họ về tội trốn thuế lên tới 180 triệu Mỹ kim. Năm người nhận tội, trong đó
có một giám đốc điều hành của Honey Holding.
Riêng Groeb Farms, có trụ sở ở Onsted, Mich., cho biết đã sa thải hai giám đốc điều hành về tội làm giả
tài liệu và man khai với chủ tịch đoàn của công ty ngay cả lúc công ty mở cuộc nội kiểm vì nghi ngờ có
loại mật bị nhập một cách phi pháp vào kho. Groeb Farms cũng đồng ý trả tiền phạt 2 triệu Mỹ kim.
Còn Honey Holding nay đổi tên là Honey Solutions đóng tiền phạt 1 triệu dollars và tiếp tục kinh doanh.
Chu Nguyễn