VRNs (30.01.2014) – Sài Gòn – Trong 12 con giáp có đến bốn con tiêu biểu cho sức mạnh, song Hổ thì mạnh nhưng ác, Trâu thì to xác nhưng chậm mà đần, Rồng thì mạnh nhưng chỉ trong tưởng tượng, chỉ để mà thờ (như kiểu chủ nghĩa Xã hội), chỉ có Ngựa là mạnh và nhanh thật sự, lại hữu dụng với con người. Cho nên, đối với con người, Ngựa là biểu trưng thực tế và hoàn hảo của sức mạnh, của tốc độ, của thành công và kinh doanh phát đạt. Đó cũng là cái nền để con người “bổ sung” thêm cho ngựa những uy lực lý tưởng bằng cách thần thoại hóa như chắp thêm cho ngựa nhiều đầu, chắp cánh để bay…
Thật vậy, ngựa sống mạnh và sống đẹp! Mạnh thì quá rõ, nhưng mấy ai biết ngựa rất đẹp về thể xác và cả… “tấm lòng”. Ngựa phi rất đẹp, đi thong dong hay gặm cỏ cũng đẹp, ngay cả khi phải đánh nhau vì “ghen” cũng đẹp mới là chuyện lạ. Không thể tưởng tượng những thân hình ngựa chiến xăn chắc nặng ngót nửa tấn lại có thể mềm mại như những vũ công.
Ngựa cung cấp những tấm hình rất đẹp về nghệ thuật và rất dễ tạo hình đặc trưng cho những thương hiệu. Ngựa gắn với những chiến công, những anh hùng dân tộc như Ngựa Gióng, Ngựa Quang Trung… đã thành những vẻ đẹp bất tử mà kẻ thù xâm lăng không thể xóa mờ.
Ngựa là biểu trưng của sự trung thành, của tình thương đồng loại. “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, con người lấy hình ảnh con ngựa để dạy nhau về nghĩa đồng bào. Ngựa hiến lành, bao dung với cả những con vật khác nhỏ hơn mình.
Đáng tiếc thay, trong xã hội ta hiện nay, cán bộ ăn chặn tiền cứu nạn, con người hành hạ, chém giết nhau rất tệ, hành xử luật rừng, người giữ pháp luật cũng bất chấp luật pháp, thú tính lên ngôi như một hiện tượng “lại giống”, con người như đang trỗi dậy nguồn gốc cầm thú của mình, những kẻ như vậy chẳng biết xấu hổ với loài Ngựa lắm sao?
Thật ra, loài ngựa ngày nay cũng do bàn tay thuần hóa của con người tạo ra, lợi dụng những ưu điểm di truyền tự nhiên vốn có của loài vật này mà cải biến để phục vụ cho những lợi ích của con người .
Ngựa có sức mạnh, nhưng sức mạnh muốn hữu ích cần được kiềm chế. Con người kiềm chế ngựa bằng sợi dây cương để hướng sức mạnh của nó theo định hướng của mình, dù là ngựa chiến hay ngựa thồ. Khi cần thì che mắt cho ngựa không nhìn thấy xung quanh để loại trừ phản ứng tự nhiên mà chỉ theo sự chỉ huy của cái dây cương (cương như trong chữ cương lĩnh) và cái roi quất. Đặc biệt là khi kỵ sĩ cưỡi ngựa để đấu bò tót thì con ngựa buộc phải che mắt để nó không thể chạy trốn khi nhìn thấy con bò tót hung dữ.
Là công cụ thì không được phép sợ (con người thật ác!),bị bịt mắt đưa vào trận đấu, ví thử chú ngựa nhà ta không thích anh hùng thì khi ấy cũng phải yêng hùng, làm sao chạy được? Ngựa không biết ác nhưng con người đã dùng ngựa vào những cuộc binh đao tội ác tày trời, và phong cho nó những tên thật đẹp như chiến mã, tuấn mã, thiết mã…để khi xong việc rồi lại cười nó là đồ ngốc thẳng ruột ngựa, là chạy như ngựa vía và miệt thị nó, giáng cấp nó thành bọn khuyển mã, trâu ngựa…mới đau!
Con người dù tinh khôn, có thể làm biến đổi một số hiện tượng tự nhiên nhưng có những quy luật tự nhiên không thể chống lại, mà ngược lại giới tự nhiên cũng giáo dục lại con người. Sản phẩm của ta tạo ra nhưng nó cũng trở lại làm “thày” cho ta, con ngựa cũng dạy ta nhiều điều chính là như vậy. Loài người sở dĩ là “chúa” của muôn loài chính nhờ tiềm năng kỳ diệu ấy, biết học hỏi tự nhiên để tự nâng tầm của mình lên, bỏ xấu lấy tốt, mở đường cho tiến hóa vô tận.
Có những câu chuyện ngụ ngôn liên quan đến ngựa rất đáng suy ngẫm, như chuyện “Tái ông mất ngựa”, chuyện “Con ngựa thành Troy”, “Ngựa Hồ hý gió Bắc”…, mà nhân dịp đầu năm Con Ngựa này tôi cũng xin học đòi tập quán cha ông, đưa ra mấy Câu đối xướng họa làm chuyện vui ngày Tết.
Sách đã dạy “bất sỉ hạ vấn”, không coi việc học kẻ dưới là điều xấu hổ, nên các bậc chí tôn có học gương tốt của ngựa một chút cũng chỉ làm cho mình được đẹp đẽ lên mà thôi.
Ngày 23 Tết Giáp Ngọ 2014
Hà Sĩ Ph