Mỗi năm cứ vào dịp cận Tết ta, tôi hay vương vấn một nỗi buồn thầm kín khi một số người thân quen quanh tôi chộn rộn sửa soạn lên đường về quê nhà Việt Nam để đón chào năm mới và vui xuân với họ hàng thân thuộc. Và như thông lệ, tôi nhờ họ mang về cho thân nhân chúng tôi một món tiền lì xì nho nhỏ. Kèm những lời cám ơn của thân nhân sau đó là thắc mắc bao giờ anh về. Và đã bốn mươi năm qua, câu trả lời của tôi vẫn chỉ là một lời hứa suông. Tâm hồn tôi vương vấn mãi một nỗi buồn là vì lẽ đó.
Năm 1991, đầu niên học mới vào Tháng Chín, tôi bỏ tiền túi ghi danh theo học hai khóa Anh ngữ Dự Bị Ðại Học và viết văn sáng tác (Creative Writing) tại Trường Cao Ðẳng Centennial College, trụ sở Warden Woods (Warden Woods campus). Tôi học part-time lớp đêm mỗi tuần hai buổi tối Thứ Ba và Thứ Năm từ 7 giờ đến 10 giờ vì ban ngày còn phải đi cày kiếm cơm.
Năm ấy tôi đã trên 47 tuổi, đầu óc nhụt cùn với lo toan bận bịu, không còn bén nhạy như thời còn trai trẻ, vậy mà tôi cũng liều cắp sách đến trường. Hơn nữa, công việc làm kiếm cơm của tôi, một người thợ trưởng cho một nhà in, không đòi hỏi khả năng viết lách chi nhiều ngoài những báo cáo công tác và báo cáo bảo trì định kỳ. Như vậy, tôi học những khóa học này để làm gì? Lý do sâu xa là tôi muốn chuộc lại lỗi lầm của tuổi thơ ham chơi và lười học. Tôi muốn tự bắt mình phải đi học lại như là để trả một món nợ tôi còn thiếu chính mình.
Bài tập giáo sư đưa ra cho sinh viên thường là những đề tài chỉ định sẵn sau khi đã học qua trong lớp một truyện ngắn hoặc một tùy bút của một tác giả Anh Mỹ nào đó. Sinh viên phải viết phần giải thích, phân tích, nhận định và phê bình tác phẩm vừa học. Dĩ nhiên tôi rất sợ những bài tập kiểu nầy. Nhiều khi tôi chỉ bình loạn vì không nắm vững đề tài.
Nhưng cũng có những bài tập với đề tài do thí sinh tự chọn. Và đối với tôi, không gì thoải mái bằng viết những gì mình biết, nhất là điều mình viết ra chính là những kinh nghiệm của bản thân. Tôi viết và nạp bài đúng hạn. Thuở ấy, giá tiền một máy điện toán còn đắt lắm. Tôi mua một cái máy Apple MacIntosh II với bộ nhớ chỉ có 8 megabites đã dùng rồi mà cũng mất toi ba ngàn đồng.
Các bài tập với đề tài tự chọn của tôi đều được điểm cao và được giáo sư phụ trách đích thân khen ngợi, không phải vì văn của tôi viết hay, nếu không muốn nói là còn dở lắm, nhưng vì những câu chuyện tôi kể đó rất xa lạ và thương tâm, dĩ nhiên chỉ đối với vị giáo sư người Canada chưa hề sống ở Việt Nam bao giờ đó. Bà ngỏ ý đề nghị hãy cho đăng một số bài viết của tôi lên hai tờ báo nội san của trường là tờ “The Oracle” và tờ “The Siren”. Tôi sợ quá, lắc đầu. Hai hôm sau, một cô chủ bút đến lớp xin gặp tôi. Chẳng biết nghe cô nói êm tai thế nào mà tôi ưng thuận đưa các bài viết cho cô.
Tôi xin dịch lại một bài có tựa đề One Day I Shall Return: My Naked Lie đăng trên báo “The Siren” ngày Thứ Ba 12 Tháng Mười Một, 1991 như sau.
“Một Ngày Kia Con Sẽ Về”, Lời Nói Dối Trân Tráo Của Tôi
Khi tôi rời quê mẹ ra đi mười sáu năm trước đây, tôi không nghĩ là sẽ gặp lại cha tôi bao giờ nữa. Cách nửa vòng trái đất, tại một trong những nước nghèo nhất thế giới, cha tôi đang hấp hối vì một chứng bệnh ngặt nghèo với một nỗi muộn phiền day dứt và ông đang thầm thì trăn trối lời nguyện ước cuối cùng được nhìn tận mặt lại đứa con trai đầu lòng trước khi từ giã kiếp sống khốn cùng hiện tại.
Còn tôi ở Canada, lòng hối hận đau xé vì đã hứa với cha một lời mà tôi biết tôi không bao giờ có thể thực hiện. “Một ngày kia con sẽ về”, tôi lập đi lập lại trong những bức thư tôi viết cho cha tôi. Nhưng làm sao tôi có thể trở về Việt Nam khi mà chính quyền Cộng sản ở đấy vẫn còn áp bức người dân bằng sự cai trị khắc nghiệt của họ.
Hiện giờ cha tôi có thể đang chờ chết, nhưng một nửa hồn tôi đã chết kể từ ngày 30 Tháng Tư năm 1975, ngày mà quân đội Cộng sản từ phương Bắc rầm rộ bước vào Saigon, thủ đô của một quốc gia độc lập ở miền Nam với tên gọi là Việt Nam Cộng Hòa. Sự kiện này đã kết thúc cuộc chiến được tranh cãi gay gắt nhất, cay đắng nhất đã kéo dài hơn hai mươi năm và giết đi hàng nhiều triệu người từ cả hai bên chiến tuyến.
Tôi còn sống sau chiến tranh. Tôi thoát khỏi hỏa ngục đỏ của “Ngày Tận Thế”, cách gọi của tôi ngày định mệnh đó theo tựa đề một cuốn phim nói về khía cạnh tàn nhẫn và xấu xa của cuộc chiến Việt Nam.
Phải, tôi là một trong những kẻ may mắn trong khi cha mẹ tôi, những thân nhân trong gia đình tôi và bạn bè đồng đội tôi không được may mắn như thế. Họ đã trở thành nạn nhân của một chế độ bất nhân man rợ và một chủ thuyết cuồng tín điên rồ.
Tôi đã từng nghe kể nhiều mẫu chuyện quặn lòng về những người tôi thương mến. Có người tự kết liễu đời mình. Họ cảm thấy thà chết còn hơn là sống chung với Cộng sản. Có người cố tìm cách trốn đi bằng những con thuyền mong manh. Có người trong số họ đến được bến bờ tự do. Có người bỏ thây nơi biển cả. Hành trình di cư của những người tìm tự do chưa hề dứt trong mười sáu năm qua. Bức màn sắt không giam hãm được ý chí của con người.
Tôi là một người di tản được Canada chấp nhận cho tị nạn chính trị. Tôi không muốn phản bội lý tưởng chính đáng của những người tị nạn khác bằng hành động về thăm Việt Nam Cộng sản, một chế độ mà tôi e ngại có thể sẽ hành hạ ngược đãi tôi như là một kẻ cựu thù.
Ngày kỷ niệm Tháng Tư Ðen năm nay rơi vào ngày Thứ Ba, một ngày mà tôi phải làm việc. Ðối với phần lớn người dân Canada, ngày đó cũng như bất cứ ngày nào khác. Ngày hôm đó tôi đi làm với một huy hiệu gắn trên ngực áo nơi tim. Biểu tượng đó rất đơn giản là ba sọc đỏ trên nền vàng. Ðó là màu quốc kỳ của quê hương đánh mất của chúng tôi; và chúng tôi sẽ không bao giờ quên màu cờ đó. Cũng giống như hoa poppy người Canada mang trong ngày tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong, nó nhắc nhở cho tôi tưởng niệm những anh hùng gục ngã đã chết cho quê hương tôi.
Khi nghĩ đến những gì đã xảy ra cho Việt Nam, tôi cảm thấy như có một vết thương cắt sâu trong tim tôi không bao giờ lành. Tôi luôn để tang trong ngày tưởng niệm ấy với những ý nghĩ thương tiếc và buồn đau chờn vờn trong tâm trí. Năm nay tôi nằm thức trong đêm đen tĩnh lặng như một sự kinh cầu cho cố quốc.
Năm nay nỗi đau buồn của tôi dường như có phần quặn thắt hơn vì một bức thư đặc biệt. Trở về nhà hôm đó sau một ngày làm việc và nhận được một bức thư dài của em gái tôi tiết lộ cho tôi biết lý do tại sao cha tôi không viết thư cho tôi trong thời gian gần đây. Cô ấy nói mắt của cha tôi đã mờ, bệnh viêm khớp của ông tệ hại hơn và ông rất xuống tinh thần vì làm gánh nặng của thân nhân.
Tôi có thể nhớ nét chữ viết của cha tôi rất uốn nắn đẹp đẽ; điều đó chứng tỏ ông rất cẩn trọng với những gì ông viết cho tôi, gián tiếp cho thấy ông quan tâm đến tôi biết chừng nào. Ông đối xử với tôi như một người ngang hàng, một người bạn trao đổi thư tín với nhau. Ông kèm theo thư các bài thơ của ông sáng tác, và ít khi ông đòi hỏi ở tôi một điều ân huệ gì. Ông cũng chẳng bao giờ nói trắng ra là ông thương tôi.
Phần nhiều những bức thư của ông chuyên chở thông điệp của những giá trị luân lý, đức hạnh đáng quí trọng, những bài học của trí khôn ngoan, lòng từ bi và bác ái. Tôi để ý càng về già ông càng thuận theo giáo lý của nhà Phật. Ông đơn giản hóa nhu cầu vật chất, đồng thời trau giồi các hoạt động tâm linh. Tôi biết đó là dấu hiệu của sự chuẩn bị sẵn sàng để từ giã cõi thế gian này.
Em gái tôi giải thích thêm là cha tôi đã phản ứng như thế nào về cuốn băng thu hình mà tôi đã gởi về tháng trước đó. Tôi và con trai tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để làm ra một cuốn video nói về gia đình tôi ở Toronto. Em gái tôi nói cha tôi khóc nức nở khi ông nghe giọng nói của tôi. Cô ấy viết, “Trông thấy hình ảnh anh di động trên màn ảnh và tiếng nói của anh là một trải nghiệm khốn khổ cho một người già yếu như Ba. Và ngay sau đó thì mọi người khóc theo…”. Bức thư kết thúc bằng giòng chữ là, “Ba sợ là sẽ không bao giờ thấy lại anh bằng xương bằng thịt nữa trước khi Ba nhắm mắt; và điều đó thật quá đau lòng cho Ba lắm đó anh….”
Ðối với tôi thì nào có khác gì. Lời hứa thối thác của tôi là sẽ về cứ lập đi lập lại mãi nên nó đã trở thành đồng nghĩa với một lời nói dối trắng trợn làm tan nát lòng tôi.
Tôi hy vọng có một ngày tôi trở về quê nhà dù chỉ để chết giống như loài cá hồi lội ngược suối nguồn để về nơi sinh ra trong ngày cuối Tháng Tư.
Trong khi chờ đến ngày ấy, trả lời thư em gái, tôi viết,”Một ngày kia anh sễ về”, mặc dù tôi biết đó vẫn chỉ là một lời hứa suông thôi.
Bài báo chấm dứt ở đấy. Ðáng lẽ tôi cũng có thể chấm dứt câu chuyện ở đây vì thật tình ngồi gõ lại những dòng chữ này, tôi không khỏi cảm thấy rung động trong lòng. Nhưng tôi lại muốn viết thêm về vài biến cố quan trọng xảy ra từ năm ấy cho đến nay. Thêm ba mươi năm nữa đã trôi qua rồi còn gì. Khoảng thời gian dài đó mang theo biết bao thăng trầm đổi thay với một lần đổi việc làm, hai lần dọn nhà và ba lần mua máy điện toán khác.
Cha tôi kéo dài thêm cuộc sống trong đau bệnh được hơn một năm mới vĩnh viễn ra đi. Mấy năm sau nữa, em gái tôi được gia đình bên chồng bảo lãnh sang Mỹ. Những tưởng đâu cô ấy được ấm êm với cuộc đời mới nơi xứ người, nào ngờ lễ tuyên thệ vào công dân phải được đặc biệt tổ chức trang nghiêm trong phòng bệnh của em tôi trong bệnh viện. Tôi không bao giờ có thể quên hình ảnh em tôi với cái đầu cạo trọc vẫn ngồi trên giường bệnh gắng gượng đưa cánh tay mặt lên tuyên thệ trung thành với đất nước mới đã cưu mang em. Chỉ vài ngày sau, em tôi đầu hàng định mệnh và ra đi vì chứng bệnh ung thư quái ác.
Có lẽ nỗi khổ đau đớn nhất của tôi là phải giấu tin em mất với mẹ tôi trong mấy năm liền. Mỗi lần phải gọi điện thoại về Saigon thăm mẹ, tôi chỉ nói qua loa vắn tắt được mấy câu rồi chuyền máy cho vợ tôi. Tôi sợ rằng tôi không thể nói dối được nữa. Mẹ tôi hỏi sau lâu quá mà không thấy em tôi gọi về. Mọi người giấu quanh, cố tìm đủ mọi lý do để dối gạt mẹ tôi vì sức khoẻ của bà cũng đã suy yếu vì tuổi già lại thêm bệnh tật. Vợ tôi và em rể tôi đều là những người bình tĩnh hơn tôi nên đã giữ được bí mật khá lâu.
Thế rồi một lần tôi gọi về, mẹ tôi hỏi, “Em con nó chết lâu rồi phải hôn?”. Chúng tôi ngẩn ngơ. Bà tiếp lời, “Bấy lâu nay Má cứ nằm chiêm bao thấy nó hoài…”
Cha tôi mất, em gái tôi mất, rồi Má tôi cũng đã từ giã cuộc đời. Về gặp lại cha mẹ và quê cũ mãi mãi vẫn chỉ là một lời hứa suông cho đến ngày tôi nhắm mắt. Và ngày ấy chắc cũng không xa…
PH – N.T.Hoàng