VRNs (06.02.2014) – Hà Nội - Tòan văn Báo cáo Quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm định kỳ phổ cập (UPR) chu kỳ II của Chính phủ Việt Nam
LTS: Ngày 05/02/2014 tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneve, Thụy sỹ, Phái đòan Việt Nam do Thứ trường Ngọai giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu đã phúc trình trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về tình hình “thực hiện quyền con người ở Việt Nam”.
Theo Bộ Ngọai giao Việt Nam thì Báo cáo của Việt Nam đã được gửi cho Ban Thư ký Hội đồng Nhân quyền ngày 31/10/2013.
Tại kỳ họp thứ 18 kéo dài từ ngày 27/01 đến 07/02/2014, ngoài Việt Nam còn có 13 Quốc gia khác phải phúc trình về tình trạng nhân quyền của quốc gia mình theo “cơ chế kiểm định kỳ phổ cập” (UPR, The Universal Periodic Review), chu kỳ II của Liên Hiệp Quốc. Chu kỳ I được tổ chức ngày 08/05/2009.
13 quốc gia khác phải báo cáo phần nước mình tại kỳ họp Kỳ này gồm New Zealand (Tân Tây Lan), Afghanistan, Chile, Cambodia (Cao Miên), Uruguay, Yemen, Vanuatu, The former Yugoslav Republic of Macedonia, Comoros, Slovakia, Eritrea, Cyprus vả the Dominican Republic.
Những chữ nghiêng, và có ghạch dưới là do Nhà báo Phạm Trần, người cung cấp Tài liệu này thực hiện nhằm tạo sự chú ý cho người đọc.
************
Sau đây là nguyên văn Báo cáo do Bộ Ngọai giao Việt Nam phổ biến ngày 04/12/2013:
I. Phương pháp soạn thảo
A. Quy trình soạn thảo Báo cáo.
1. Báo cáo này được soạn thảo theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 60/251 ngày 15/3/2006 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Nghị quyết số 5/1 ngày 18/06/2007 và Quyết định số 17/119 ngày 19/6/2011 của Hội đồng Nhân quyền nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện các quyền con người trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Báo cáo này tập trung kiểm điểm việc thực hiện các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp thuận tại lần kiểm điểm trước và cập nhật những phát triển mới trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên lãnh thổ Việt Nam. Báo cáo cũng chỉ rõ những thách thức còn tồn tại và các hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới nhằm bảo đảm sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của mỗi người dân.
3. Việc soạn thảo Báo cáo được thực hiện bởi Nhóm Công tác liên ngành gồm các cơ quan thuộc Chính phủ và Quốc hội liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy các quyền con người: (1) Văn phòng Chính phủ, (2)Bộ Ngoại giao, (3) Bộ Tư pháp, (4) Bộ Công an, (5) Bộ Nội vụ, (6) Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, (7) Bộ Thông tin và Truyền thông, (8)Bộ Kế hoạch và Đầu tư, (9) Bộ Y tế, (10) Bộ Giáo dục và Đào tạo, (11) Bộ Xây dựng, (12) Bộ Tài nguyên và Môi trường, (13)Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (14) Uỷ ban Dân tộc, (15)Toà án Nhân dân Tối cao, (16)Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, (17) Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối soạn thảo Báo cáo.
B. Quy trình tham vấn đối với Báo cáo.
4. Việc thực hiện các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp thuận trong lần kiểm điểm vòng I năm 2009 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho từng Bộ, ngành, cơ quan liên quan. Nhiều hội thảo, hội nghị ở trung ương và địa phương đã được tổ chức nhằm giới thiệu nội dung, các biện pháp thực hiện khuyến nghị và kết quả đạt được trên thực tế. Việc thực hiện các khuyến nghị được báo cáo định kỳ hàng năm làm cơ sở cho việc xây dựng nội dung Báo cáo quốc gia.
5. Báo cáo được xây dựng một cách toàn diện nhờ sự đóng góp ý kiến của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và người dân. Dự thảo báo cáo đã được đăng công khai trên website của Bộ Ngoại giao. Hình thức tham vấn được lựa chọn là lấy ý kiến đóng góp qua hộp thư điện tử và qua một số cuộc họp tham vấn về nhiều chủ đề cụ thể. Quá trình tham vấn là cơ hội đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa Nhóm soạn thảo và tất cả các bên liên quan. Các ý kiến đóng góp được Nhóm soạn thảo tổng hợp, bổ sung vào Báo cáo. Một hội thảo quốc gia được tổ chức sau đó, đã trở thành diễn đàn để các bên quan tâm cùng trao đổi, thảo luận về nội dung Báo cáo, giúp khẳng định rõ các bước phát triển mới trong việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, đồng thời chỉ rõ các thách thức cần giải quyết và các hướng ưu tiên nhằm đem lại sự thụ hưởng tốt nhất các quyền con người của người dân.
II. Tổng quan tình hình bảo đảm các quyền con người ở Việt Nam kể từ lần kiểm điểm trước
6. Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người là nguyên tắc cơ bản của mọi chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đồng thời là sự hiện thực hóa các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các khuyến nghị UPR mà Việt Nam đã chấp thuận từ lần kiểm điểm trước. Thực tiễn thời gian qua đã cho thấy Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
A. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người
7. Xây dựng Nhà nước Pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và đảm bảo các quyền con người được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001). Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân được triển khai đồng bộ và xuyên suốt thông qua các chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và các chính sách, cơ chế nhằm triển khai các Luật và văn bản luật này trên thực tế.
8. Ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong việc kiện toàn hệ thống pháp luật hiện nay là đẩy mạnh quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Mục tiêu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là đảm bảo sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị phù hợp với tình hình và những phát triển mới về dân chủ, tiếp tục ưu tiên phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi dành toàn bộ chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Ngoài ra, nội dung quyền con người cũng được quy định tại nhiều điều khác của dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
9. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được đăng công khai để lấy ý kiến đóng góp của của các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân nhằm đảm bảo quyền làm chủ và phản ánh đầy đủ hơn tâm tư, nguyện vọng, chính kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân được bắt đầu từ ngày 02/01/2013 và tính đến tháng 8/2013, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, trong đó tập trung nhiều nhất vào nội dung Chương II về các quyền con người và quyền công dân. Các ý kiến đóng góp được tổng hợp đầy đủ, chính xác và được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu tiếp thu, giải trình nhằm hoàn thiện Dự thảo trình Quốc hội xem xét trong năm 2013. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi vào kỳ họp thứ 6 khóa XIII (tháng 10/2013).
10 Bộ Luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 trong đó có việc xóa bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh, qua đó giảm số tội danh có áp dụng án tử hình từ 29 xuống còn 22 tội; không áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội; bổ sung một số tội danh liên quan đến khủng bố… Một số nội dung khác của Bộ Luật Hình sự tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường tính nhân đạo, và hài hòa với các quy định của các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm mà Việt Nam là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm. Các lĩnh vực cụ thể được xem xét sửa đổi bao gồm: giảm các tội có áp dụng hình phạt tử hình, sửa đổi các quy định về hình phạt tử hình cho chặt chẽ hơn; hạn chế khả năng áp dụng hình phạt tù và mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không giam giữ; điều chỉnh các chế định loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn giảm hình phạt, xóa án tích, loại bỏ một số hành vi phạm tội không còn tính nguy hiểm cho xã hội; hoàn thiện chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội theo hướng đảm bảo lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, đồng thời có cơ chế bảo vệ tốt hơn người chưa thành niên bị tội phạm xâm hại; bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện… Hiện tại, Việt Nam cũng đang xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2003 theo hướng đảm bảo tốt hơn các quyền của người dân, đặc biệt là người chưa thành niên, trong các hoạt động tố tụng hình sự.
11. Tính từ năm 2009 đến nay, Quốc hội đã ban hành và sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền con người. Các đạo luật được ban hành mới liên quan đến quyền con người như: Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước (2009), Luật khám chữa bệnh (2009), Luật lý lịch tư pháp (2009), Luật Người cao tuổi (2010), Luật Người khuyết tật (2010), Luật nuôi con nuôi (2010), Luật Thi hành án hình sự (2010), Luật Tố tụng hành chính (2010), Luật Khiếu nại (2011), Luật Tố cáo (2011), Luật Phòng, chống mua bán người (2011), Luật Công đoàn (2012), Luật Xử lý các vi phạm hành chính (2012), Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (2012)… Một số đạo luật quan trọng khác cũng được Quốc hội sửa đổi, bổ sung như: Luật Bầu cử Quốc hội sửa đổi và Luật bầu cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân sửa đổi (2010), Bộ Luật Lao động sửa đổi (2012), Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung (2012), Luật Xuất bản sửa đổi (2012). Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành luật, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
12. Quốc hội Việt Nam cũng ban hành các văn bản luật nhằm tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao như Luật tổ chức Quốc hội (2001), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (2003); thông qua nhiều Nghị quyết với nội dung tăng cường chức năng giám sát (như Quy chế hoạt động của Quốc hội và các Ủy ban…). Vai trò giám sát hành pháp của Quốc hội đã ngày càng hiệu quả và được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Năm 2013, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, Chính phủ, thể hiện tiếng nói quyết định của Quốc hội đối với các cơ quan Nhà nước.
13. Vai trò giám sát tư pháp của Quốc hội cũng ngày càng hiệu quả hơn. Quốc hội chịu trách nhiệm thẩm tra, xem xét các báo cáo công tác của Tòa án, Viện kiểm sát, báo cáo của Chính phủ về tình hình và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng, chất vấn những người đứng đầu các cơ quan tư pháp, giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực tư pháp. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thành lập nhiều đoàn trực tiếp giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương trong cả nước, trong đó đặc biệt chú trọng việc trực tiếp kiểm tra công tác giải quyết án của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao và các cơ quan tư pháp ở địa phương. Ngày 23/11/2012, Quốc hội khóa XIII thông qua Nghị quyết số 37/2012/QH13 yêu cầu các cơ quan tư pháp hàng năm bao gồm Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân và các cơ quan Thi hành án phải kiểm điểm và báo cáo kết quả thực hiện công tác trước Quốc hội.
B. Tăng cường giáo dục về quyền con người
14. Việt Nam đã tăng cường và mở rộng chương trình giáo dục, đào tạo về quyền con người cho các cán bộ của các cơ quan nhà nước. Nhiều hội thảo, hội nghị liên quan đến quyền con người đã được tổ chức với sự tham gia của đông đảo đại diện nhiều bộ, ngành, các trung tâm nghiên cứu và cơ sở đào tạo chuyên sâu về quyền con người như Viện Nghiên cứu quyền con người (thuộc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội…; mở nhiều lớp giảng dạy thường xuyên về quyền con người. Quá trình mở rộng tuyên truyền và giáo dục về quyền con người đã trang bị kiến thức cơ bản cho cán bộ chính phủ cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Việt Nam cũng đẩy mạnh đào tạo kiến thức nhân quyền cho các cán bộ công chức, viên chức địa phương nhằm tăng cường nhận thức, năng lực và hiệu quả công tác nhân quyền ở cơ sở.
15. Các nội dung giáo dục về quyền con người đã và đang từng bước được đưa vào chương trình dạy học ở các trường phổ thông, lồng ghép vào một số môn học chuyên sâu trong các trường đại học có đào tạo chuyên ngành luật. Thực hiện khuyến nghị UPR, Việt Nam đã đưa nội dung giáo dục về nhân quyền vào chương trình giảng dạy tại các trường đào tạo cảnh sát, đồng thời mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về nhân quyền để trang bị và nâng cao nhận thức, năng lực cho toàn bộ lực lượng cảnh sát, đặc biệt là các đơn vị có liên quan đến việc bảo đảm quyền con người.
C. Thực thi các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người
a) Thực hiện nghĩa vụ báo cáo đối với các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên
16. Trong năm 2012, Việt Nam đã nộp và trình bày Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt chủng tộc (ICERD) giai đoạn 2000-2009; Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước về Quyền của Trẻ em (CRC) giai đoạn 2008-2011. Năm 2011, Việt Nam đã hoàn thành và nộp Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) giai đoạn 1993-2010. Năm 2012, Việt Nam đã hoàn thành và gửi Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Hiện nay, Việt Nam đang ích cực triển khai xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị (ICCPR). Về cơ bản, Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ báo cáo đối với các công ước mà Việt Nam là thành viên.
17. Trong lộ trình thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền, Việt Nam đã tiến hành rà soát các quy định của luật pháp quốc gia về các quyền dân sự, chính trị. Kết quả rà soát được tiến hành tại khoảng 80% số các cơ quan trung ương và địa phương cho thấy các quyền dân sự, chính trị được nêu trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã được thể hiện xuyên suốt, thống nhất trong Hiến pháp và được thể hiện tại nhiều văn bản luật quan trọng. Nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử là nền tảng xuyên suốt các văn bản pháp luật Việt Nam, tạo tiền đề cho việc đảm bảo và phát huy các quyền của người dân trên từng lĩnh vực cụ thể. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật quốc gia về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
b) Xem xét tham gia hoặc phê chuẩn một số công ước quốc tế về nhân quyền
18. Việt Nam đã ký Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD) năm 2008, tiếp đó đã thông qua Luật Người khuyết tật năm 2010 và hiện đang hoàn thiện các thủ tục để sớm phê chuẩn CRPD. Năm 2012, Việt Nam đã gia nhập Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; gia nhập Công ước số 122 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Chính sách việc làm. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước số 186 về Lao động Hàng hải ngày 8/5/2013 và Công ước này sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 8/5/2014. Việt Nam cũng đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cuối cùng cho việc gia nhập Công ước chống tra tấn (CAT).
19. Bên cạnh đó, Việt Nam đang xem xét khả năng gia nhập Công ước về người mất tích cưỡng bức, Công ước về quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ, Công ước về quy chế của người tị nạn, Công ước về người không có quốc tịch. Mặc dù chưa tham gia các công ước trên, Chính phủ Việt Nam đã và đang rà soát hệ thống pháp luật quốc gia và điều kiện đặc thù của đất nước; triển khai nhiều chính sách cụ thể và thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo quyền của các nhóm người liên quan như hợp tác với UNHCR và các nước liên quan giải quyết các vấn đề về người tị nạn; tăng cường ký kết và tổ chức giám sát việc thực hiện các thỏa thuận/bản ghi nhớ (MOU) với các nước tiếp nhận lao động Việt Nam; tích cực tham gia Diễn đàn ASEAN về Lao động Di cư và Tiến trình Colombo liên quan tới hợp tác trong lĩnh vực di cư lao động, đào tạo nghề và xóa đói, giảm nghèo; phổ biến thông tin về thị trường lao động để bảo vệ người lao động di cư…
c) Đối thoại, hợp tác với các cơ chế của Liên hợp quốc về nhân quyền
20. Thực hiện các khuyến nghị UPR được chấp nhận, từ tháng 7/2010 – 11/2011, Việt Nam đã đón bốn Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền (về các vấn đề người thiểu số, đói nghèo cùng cực và nhân quyền, tác động của nợ nước ngoài đối với nhân quyền và quyền được chăm sóc y tế). Qua các chuyến thăm này, các Thủ tục đặc biệt đã tiếp xúc với đại diện các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và cá nhân liên quan, tìm hiểu tình hình thực tế tại các địa phương. Các chuyến thăm đều đạt kết quả như mong muốn của cả hai bên; các cuộc trao đổi, làm việc diễn ra trên tinh thần cởi mởi, thẳng thắn, xây dựng với nhiều thông tin, qua đó giúp các Thủ tục đặc biệt hiểu rõ hơn chính sách, pháp luật và thực tiễn đảm bảo quyền con người trên những lĩnh vực cụ thể ở Việt Nam. Kết thúc chuyến thăm, các Thủ tục đặc biệt đều đánh giá cao tinh thần hợp tác, quyết tâm chính trị, các chính sách và biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện, đồng thời chỉ ra các thách thức Việt Nam cần giải quyết nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền con người.
21. Trong thời gian soạn thảo báo cáo này, Việt Nam đón Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa vào tháng 11/2013, đã gửi lời mời chính thức tới Báo cáo viên đặc biệt về quyền giáo dục và Báo cáo viên đặc biệt về quyền lương thực. Việt Nam cũng sẽ xem xét đón Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, Báo cáo viên đặc biệt về quyền của người lao động di cư trong năm 2014; Báo cáo viên đặc biệt về chống tra tấn sau khi gia nhập CAT; Báo cáo viên đặc biệt về phòng chống buôn bán và mại dâm trẻ em trong thời gian sớm nhất.
d) Hợp tác quốc tế về nhân quyền
22. Hợp tác quốc tế về nhân quyền là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam thời gian qua. Trong phạm vi khu vực, cùng các nước thành viên ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) và việc Tuyên bố Nhân quyền ASEAN đã được lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN thông qua tháng 11/2012. Đây là văn kiện đầu tiên phác thảo khuôn khổ tăng cường hợp tác và bảo vệ nhân quyền ở khu vực, là sự cam kết của các nước ASEAN trong việc tôn trọng và đảm bảo các quyền và tự do cơ bản, bao gồm cả quyền phát triển và quyền hưởng hòa bình, của người dân trong khu vực.
23. Việt Nam đã tích cực tham gia Sáng kiến cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê kông về phòng, chống nạn buôn bán người (COMMIT), phối hợp chặt chẽ với các tổ chức của Liên hợp quốc như UNICEF, UNODC, IOM, UNIAP và ký nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác song phương với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Malaysia… nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phòng, chống buôn bán người trong khu vực. Hiện nay, Việt Nam cũng đang hợp tác chặt chẽ với Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm du lịch tình dục trẻ em trong khu vực.
24. Với chủ trương sẵn sàng đối thoại và hợp tác về quyền con người, coi đó là cơ hội để trao đổi thẳng thắn, xây dựng về những vấn đề nhân quyền cùng quan tâm, Việt Nam đã thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về nhân quyền với một số nước và đối tác như Mỹ, EU, Úc, Na Uy, Thuỵ Sỹ. Các cơ chế đối thoại này đã phát huy kết quả tích cực, không chỉ góp phần tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác, mà còn là kênh trao đổi các kinh nghiệm tốt nhất của mỗi bên và giải quyết được nhiều vấn đề nhân quyền hai bên cùng quan tâm. Việt Nam cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và nhiều nước đối tác thông qua việc triển khai Dự án tăng cường năng lực thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền tại Việt Nam (giai đoạn 2008-2011 và 2012-2016) và nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật khác trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đầy quyền con người.
III. Việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên thực tế
A. Các quyền dân sự chính trị
Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin
25. Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật; được đảm bảo ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách tại Quốc hội, các cuộc tọa đàm, tranh luận, các thông tin đa chiều trên phương tiện thông tin đại chúng về mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân là thực tiễn diễn ra hàng ngày trong đời sống của người dân Việt Nam.
Việc Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được đăng công khai và nhận được hơn 26 triệu ý kiến đóng góp là một minh chứng rõ nét về tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến của người dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Dự án Luật tiếp cận thông tin cũng đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII nhằm cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp về quyền được thông tin của công dân
26. Tính đến tháng 3/2013, cả nước có 812 cơ quan báo chí in với 1.084 ấn phẩm (so với 676 cơ quan và gần 700 ấn phẩm của năm 2009); gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ; 01 hãng thông tấn, 67 đài phát thanh, truyền hình, 101 kênh truyền hình và 78 kênh phát thanh, 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội và 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động (năm 2011 chỉ có 46 báo điện tử và 287 trang thông tin điện tử). Đài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng 99,5% diện tích lãnh thổ và phủ sóng qua vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới. Trên 90% hộ gia đình bắt được sóng Đài Truyền hình Việt Nam, so với 85% năm 2008.
27. Người dân Việt Nam được tiếp cận với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có những kênh được phát rộng rãi trên thế giới như CNN, BBC, Bloomberg, TV5, DW, NHK, KBS, Australia Network… Tất cả các hãng thông tấn và báo chí lớn của thế giới đều đến với người dân Việt Nam thông qua mạng internet như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN, Kyodo, Economist, Financial Times… Có 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo và tạp chí nước ngoài in bằng nhiều thứ tiếng được phát hành rộng rãi tại Việt Nam.
28. Báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, bày tỏ chính kiến, đóng góp ý kiến về tất cả các vấn đề chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều cơ quan báo chí đã chủ động, tích cực trong việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, vi phạm quyền con người, quyền công dân và các biểu hiện tiêu cực khác.
Hiện Việt Nam đang xây dựng Luật báo chí sửa đổi, dự kiến dự thảo Luật này sẽ được trình Quốc hội với nhiều điểm mới nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình hình và đồng bộ với các luật khác như vấn đề quản lý báo chí điện tử, chế tài đối với các tổ chức từ chối nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí…
29. Hiện Việt Nam có 64 nhà xuất bản (năm 2009 chỉ có 55 nhà xuất bản), với tốc độ tăng bình quân số lượng xuất bản phẩm hàng năm là 5-10%. Năm 2012, ngành xuất bản tại Việt Nam đã xuất bản 28.009 xuất bản phẩm với khoảng 301.717.000 bản với nội dung phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu đọc của người dân. Luật Xuất bản sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2012, thể hiện sự nhất quán tôn trọng quyền phổ biến tác phẩm của cá nhân, phù hợp với Hiến pháp.
(cấm các Tác phẩm viết về cuộc chiến Hòang Sa-đụng tới Trung Quốc)
30. Nhà nước Việt Nam khuyến khích sử dụng internet để phục vụ phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội, hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống và các quyền tự do cơ bản của nhân dân. Theo khảo sát gần đây của WeAreSocial, một tổ chức nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu, tính đến tháng 12/2012, số người dùng Internet ở Việt Nam là 30,8 triệu người (so với 26 triệu người năm 2010 và 20 triệu người năm 2008), chiếm 34% dân số (cao hơn mức trung bình của thế giới là 33%). Sự ra đời của dịch vụ truy cập Internet qua mạng 3G (tháng 10/2009) đánh dấu thời kỳ phát triển bùng nổ của Internet băng thông rộng tại Việt Nam với số lượng người sử dụng đạt 16 triệu người (chiếm 18% dân số) chỉ trong 3 năm (tính đến tháng 7/2012). Tính chung cả nước có gần 3 triệu người có blog cá nhân. Theo xếp hạng năm 2012 của Tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 8 tại Châu Á về số lượng người sử dụng Internet.
Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng
31. Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, với sự hiện diện của các tôn giáo được truyền vào từ bên ngoài như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo… và các tôn giáo được hình thành trong nước như đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa… Nhiều tôn giáo có bề dày lịch sử và cũng có những tôn giáo mới hình thành. 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 24 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau (so với khoảng 20 triệu người năm 2009). Tính trên cả nước có khoảng 25 ngàn cơ sở thờ tự và 45 trường đào tạo chức sắc tôn giáo.
32. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn hoạt động tôn giáo tại Việt Nam, tháng 11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết về biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh hoạt tôn giáo của người dân. Ngoài ra, Quốc hội đã quyết định đưa nội dung sửa đổi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII.
33. Các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam diễn ra sôi động. Hàng năm có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức. Đặc biệt, năm Thánh 2011 của Giáo hội Công giáo đã thành công tốt đẹp và Lễ bế mạc có sự tham dự của 50 Giám mục, trong đó có 6 Giám mục là người nước ngoài, 1.000 linh mục, 2.000 nam nữ tu sĩ, và gần 500.000 lượt giáo dân. Năm 2011 cũng là năm kỷ niệm 100 năm đạo Tin Lành vào Việt Nam với nhiều hoạt động kỉ niệm lớn được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều chức sắc, tín đồ Tin lành trên cả nước và đại biểu Tin lành người nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc…). Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2014 tại Việt Nam, một sự kiện tôn giáo quốc tế lớn dự kiến thu hút sự tham dự của hàng nghìn chức sắc, tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới. Nhiều cơ sở thờ tự được cải tạo hoặc xây mới. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì và mở rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo tại nước ngoài (Mỹ, Pháp, Ý, Ấn Độ…). Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia các hoạt động y tế, văn hoá, xã hội, nhân đạo… đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước, đồng thời có quan hệ quốc tế rộng rãi; đại diện chức sắc các tôn giáo tham gia nhiều diễn đàn quốc tế, đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu học hỏi, trao đổi giáo lý, giáo luật tại các diễn đàn lớn như ASEM, ASEAN… Năm 2013, Việt Nam và Vatican đã hoàn thành cuộc họp vòng 4 nhóm công tác hỗn hợp về thúc đẩy quan hệ giữa hai bên. Tòa thánh Vatican đã cử Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam từ năm 2011 và đến nay Đặc phái viên không thường trú của Vatican đã thực hiện 25 chuyến thăm Việt Nam, làm việc với tất cả 26 Giáo phận Công giáo và trên 60 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
34. Đối với các cộng đồng các dân tộc thiểu số, quyền tự do và bình đẳng về tôn giáo được Nhà nước bảo vệ và hỗ trợ phát triển. Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer đã được thành lập và Kinh sách Phật giáo bằng tiếng Khmer được nhập khẩu để phục vụ đào tạo chức sắc và sinh hoạt tôn giáo của người dân tộc Khmer. Người dân tộc Chăm theo Hồi giáo và đạo Bàlamôn được tạo điều kiện thành lập các Ban đại diện cộng đồng để hỗ trợ việc sinh hoạt tôn giáo, gìn giữ và phát triển tôn giáo truyền thống. Kinh thánh song ngữ tiếng Việt – Banar/Êđê/Jrai cũng được phát hành để đáp ứng nhu cầu của người dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành.