Các tù nhân tại một trại cải tạo ở Siberia. ReutersNhân ngày kết thúc phiên tòa xử ba nghệ sĩ Nga Pussy Riot, bị kêu án 3 năm tù cải tạo, vì tội hát bài báng bổ tổng thống Putin, báo chí Pháp có nhiều bài viết về hệ thống các trại cải tạo ở Nga, nơi các nghệ sĩ đấu tranh cho tự do ngôn luận này có thể sẽ bị lưu đày.
Bài « Các ‘‘trại cải tạo’’ Nga » trên tờ La Croix cho biết, với gần 900.000 tù nhân Nga đứng hàng đầu về số lượng người bị giam giữ, tuy nhiên có một điều đáng ngạc nhiên là, tại đất nước này chỉ có… 7 nhà tù. Ngoài các tù nhân bị giam trong 7 nhà tù kể trên, khoảng 700.000 tù nhân của nước Nga sống trong 750 « khu trại cải tạo » nằm ở các vùng nông thôn.
Theo nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng Lev Ponomarev, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Bảo vệ quyền của các tù nhân, « các trại cải tạo này chính là nhà tù ». Một số lớn các trại cải tạo hiện nay kế thừa các « gouglag » - tên gọi tắt để chỉ hệ thống trại cải tạo lao động cưỡng bức thời Xô Viết. Bên cạnh đó, các trại cải tạo mới cũng đều tuân theo cùng một chủ trương : cô lập người tù, ép họ phải sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã, chủ yếu là để hạ nhục họ… Cũng theo nhà hoạt động nhân quyền kể trên, dù có một số thay đổi trong các trại cải tạo sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng tình trạng ở đây còn tệ hơn cả thời Brejnev, vì tham nhũng và tình trạng vô kỷ luật hiện nay còn nghiêm trọng hơn.
Thông tín viên của La Croix cho biết, 700.000 tù nhân trong các trại cải tạo, bên cạnh hệ thống quản lý nhà tù, còn phải phục tùng các « blatnye », tức các « thủ lĩnh danh dự », điều hành một hệ thống tổ chức không chính thức ở bên trong các trại cải tạo. Ở dưới cùng của hệ thống không chính thức này là các « opouchtchenniya », bị đối xử như các nô lệ, phải thường xuyên hầu hạ các thủ lĩnh.
Về số phận của các nữ tù cải tạo, bài « Trong các trại tù Nga » trên báo Libération cho biết, có khoảng 47.200 phụ nữ bị giam giữ tại 46 trại. Có thể chia các trại ra làm hai loại, cả đối với nam, cũng như với nữ. Thứ nhất là « trại nhà ở », có nghĩa là nơi các tù nhân sống và làm việc trong một khu vực dân cư nhất định, mặc dù không được ra khỏi nơi này, nhưng ở đây họ không bị quản thúc gắt gao. Ngược lại, trong các trại thuộc nhóm thứ hai mang tên « chế độ bình thường », nơi tù nhân thường bị theo dõi và trừng phạt nặng nề.
Trại cải tạo Nga là nơi bẻ gẫy ý chí và hạ nhục tù nhânTheo một nhân chứng nguyên là cựu tù nhân, các mô tả của nhà văn Nga Soljenietsyne trong cuốn « Một ngày của Ivan Denissovitch », về « goulag » Nga, nay vẫn còn nguyên giá trị. Ở trại cải tạo, tù nhân phải làm việc ngoài trời, mùa đông với nhiệt độ -30°C, cũng như mùa hè 40°C. Phụ nữ mang đồng phục, đặc biệt là cấm mang quần áo ấm nào khác, ngoại trừ một chiếc áo khoác ngắn có lót bông do nhà tù cung cấp...
Nhìn chung, theo ông Valery Choukhardine, phụ trách pháp lý của một hiệp hội bảo vệ nhân quyền, cho dù mang tên « trại cải tạo », các cơ sở giam giữ này không thực sự giúp đỡ những người phạm pháp cải tạo thực sự. Ở đây, người ta không giáo dục lại, mà người ta bẻ gẫy tù nhân. Trong cuộc sống hàng ngày, người tù buộc phải tuân thủ các lề luật do các tay anh chị đặt ra.
Theo Le Figaro, các tù nhân nữ đặc biệt bị ban quản lý trại chiếm đoạt tiền bạc, vì phụ nữ thường không dám chống lại công khai. Trong lịch sử, chỉ có các tù nhân chính trị là nổi tiếng với tinh thần không khuất phục. Cách đây ba thập kỷ, như mô tả của nhà ly khai thời Xô Viết Irina Ratouchinskaya, trong cuốn « Màu xám là màu hy vọng » : « Chúng tôi sống đằng sau giây thép gai, người ta đã tước đi của chúng tôi mọi thứ, người ta đã tách chúng tôi ra khỏi bạn bè, gia đình, nhưng chừng nào chúng tôi không tham gia (vào hệ thống này), chúng tôi là người tự do ».
Le Figaro kết luận, gần 30 năm sau, các nghệ sĩ nhóm Pussy Riot cũng thể hiện một sự không khuất phục tương tự. Vào ngày cuối của phiên tòa, nghệ sĩ Nadejda Tolokonnikova, 22 tuổi, đã nói với các thẩm phán : « Đằng sau vành móng ngựa, nhưng chúng tôi - các bị cáo - còn tự do hơn là các vị - những người xét xử chúng tôi ».
Source: RFI