http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2014/2/08-Feb-2014/MANG%20LUOI%20NHAN%20QUYEN(1).jpgWESTMINSTER – Vào lúc 2 giờ chiều thứ Năm, ngày 6-2-2014 Mạng Lưới Nhân Quyền VN đã tổ chức cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí (Quán Zen) để tường trình vấn đề phái đoàn Việt Nam Cộng Sản ra trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhân cuộc kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR) diễn ra vào ngày 5 tháng 2, 2014 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Chủ tọa đoàn cuộc họp báo gồm tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng (Trưởng Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền VN), tiến sĩ Lê Minh Nguyên (Phó Ban) và kỹ sư Đỗ Như Điện (thành viên MLNQVN). Tham dự cuộc họp báo có phóng viên ba nhật báo và 5 đài truyền hình cũng như truyền thành Việt ngữ. Ngoài ra có một số tham dự viên khác như LS. Đoàn Thanh Liêm, nhà văn Nguyễn Quang, bà Nguyễn Ninh Thuận, các ông Đoàn Thế Cường, Ngô Khánh, Vũ Hoàng Hải, cô Emy Ngô.... Nhà báo Lý Kiến Trúc đảm nhiệm việc điều hợp chương trình.
Sau nghi thức khai mạc, TS Nguyễn Bá Tùng ngỏ lời chào, cám ơn các cơ quan truyền thông và nhà báo Lý Kiến Trúc đã dành địa điểm thuận tiện này cho MLNQ. Sau đó, ông đi thẳng vào vấn đề, cho biết ngày 5 tháng 2 vừa qua, phái đoàn Cộng Sản Việt Nam đã ra trước Ủy Ban Nhân Quyền LHQ tại Geneva để tường trình về tình hình nhân quyền trong nước. Đây là buổi tường trình diễn ra 4 năm một lần. Các quốc gia nghe phái đoàn VN trình bày, sau đó họ đưa ra những ý kiến, khuyến nghị, và VN sẽ tóm tắt những khuyến nghị đó đồng thời tuyên bố nhận hay bác bỏ.
Với tư cách tổ chức phi chính phủ, Mạng Lưới Nhân Quyền VN đã phối hợp với ba tổ chức là Ủy Ban Nhân Quyền tại quốc nội do LS Nguyễn Văn Đài lãnh đạo, Khối 8406 của LM Nguyễn Văn Lý và Liên Hiệp Người Việt tại Canada đệ nạp Bản Lên Tiếng Chung, trong đó nêu ra những vi phạm của nhà cầm quyền CSVN về nhiều khía cạnh. Bản Lên Tiếng này đã được Liên Hiệp Quốc đưa lên website của họ. Bản Lên Tiếng gồm 10 trang được phân phát cho giới truyền thông, trong đó có danh sách 236 tù nhân đang bị giam giữ gồm đầy đủ tên họ, năm sinh và nơi đang bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ.
TS. Nguyễn Bá Tùng kết luận, “Cuộc đấu tranh của người Việt trong nước và hải ngoại là cuộc đấu tranh dài hạn, và chúng ta vẫn phải tranh đấu cho đến khi toàn dân VN thật sự có tự do, dân chủ và nhân quyền.”
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên trình bày tiếp theo, ông cho biết, năm 2013 Việt Nam được vào Ủy Ban Nhân Quyền LHQ, điều này đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới chú tâm vào nhân quyền VN hơn, những tổ chức như NGO, dân sự và các tổ chức bất vụ lợi, nhiều đoàn thể cũng như cá nhân ở hải ngoại và trong nước đã có mặt tại Thụy Sĩ để tham dự, trong đó có tổ chức VOI của LS Trịnh Hội tại hải ngoại. Từ trong nước có mẹ của LS Lê Quốc Quân, cha của anh Trần Huỳnh Duy Thức và 5 người bạn trẻ như anh Nguyễn Anh Tuấn, cô Đoan Trang.
Một điểm đặc biệt là có ông Đặng Xương Hùng, một viên chức ngoại giao lâu năm của CSVN đã bỏ Đảng, xin tỵ nạn chính trị ngay tại quốc gia đang tổ chức điều trần về nhân quyền để tố cáo tội ác của nhà cầm quyền CSVN, đồng thời ngay phía ngoài phòng họp đã có những cuộc biểu tình của người Việt hải ngoại. Trong khi đó, bên trong, đại diện phái đoàn VN cầm giấy đọc một bản tường trình tràng giang đại hải. Khi bị chất vấn, hỏi A họ trả lời B, tránh né mọi vấn đề và tìm cách thoái thác, không có khả năng bào chữa.
Ông Nguyên kết luận, đây là hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất, hoàn toàn không chính xác. Vì thế, đây là một trận chiến về nhân quyền, chúng ta cần vạch rõ sự vi phạm nhân quyền của CSVN để tạo áp lực lên nhà cầm quyền, đồng thời tạo niềm tin cho những người trong nước đứng lên đòi hỏi nhân quyền.
Kỹ sư Đỗ Như Điện phân tích bản tường trình của phái đoàn VN, ông cho biết, 106/193 quốc gia tham dự đều muốn biết từ kỳ báo cáo định kỳ năm 2009 đến nay, sau 4 năm tình trạng nhân quyền Việt Nam thay đổi như thế nào. Họ đã thất vọng với những lời báo cáo hết sức dối trá và trơ trẽn, bịa đặt. Thí dụ phái đoàn CSVN nói tại Việt Nam hiện nay nạn thất nghiệp chỉ có 1.99%, ở Việt Nam bây giờ mọi đoàn thể, tổ chức đều có quyền bày tỏ chính kiến của mình mà không hề bị ai làm khó dễ, hiện có mấy trăm tờ báo và mấy chục ngàn ký giả được tự do viết báo, không hề bị ngăn cấm. Những điều dối trá như thế trẻ con cũng không tin được, nên bản báo cáo của phái đoàn VN là sự coi thường cộng đồng quốc tế và là một sự xỉ nhục cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam khi đưa ra một bản báo cáo “vô liêm xỉ” như thế này.
Kỹ sư Đỗ Như Điện đặt dấu hỏi, “Tôi không biết những người viết bản báo cáo này họ có động não, động tâm không hay trong người họ hoàn toàn không có cái gen biết xấu hổ hay cái gen biết nói thật, mà chỉ biết dối trá mà thôi. Do đó, tôi thấy rằng khi đọc cái bản tường trình này trước cộng đồng quốc tế thì đối với người Việt Nam chúng ta ở hải ngoại không có gì hơn để nói nữa, chỉ còn một cách duy nhất như ông Yelsin nói, bọn này chỉ có vất vào thùng rác mà thôi.”
Luật sư Đoàn Thanh Liêm cũng lên chia sẻ một chút về tổ chức Amnesty International mà ông đã tham gia từ nhiều năm qua. LS. Liêm khuyến khích mọi người nên tham gia các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền để sớm mang lại hạnh phúc, tự do và dân chủ cho đồng bào trong nước.
Sau phần trả lời một số câu hỏi do các ký giả nêu lên, TS Nguyễn Bá Tùng thay mặt chủ tọa đoàn, cám ơn và xin các cơ quan truyền thông tiếp tay với MLNQ phổ biến các tin tức này đến đồng hương khắp nơi.
Buổi họp báo kết thúc lúc 3 giờ 30 chiều.
Thanh Phong/Viễn Đông