Toàn cảnh buổi báo cáo nhân quyền UPR lần 2 vào ngày 5/2/2014 mà cộng đồng quốc tế thực hiện với Việt Nam tại Geneve, Thụy Sĩ. (Hình: Peter Bùi)GENEVA, Thuỵ Sĩ (NV) - Sau khi nghe Việt Nam trình bày báo cáo nhân quyền và thực hiện thủ tục kiểm điểm theo định kỳ (UPR) với Việt Nam, Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đưa ra 227 khuyến nghị
Báo cáo nhân quyền định kỳ 4 năm một lần (UPR) mà cộng đồng quốc tế thực hiện với Việt Nam hôm 5 tháng 2 vừa qua là lần thứ hai. Tuy báo chí Việt Nam tường thuật với dân chúng rằng Báo cáo nhân quyền của Việt Nam lần này được cộng đồng quốc tế “thông qua với sự nhất trí cao” nhưng trên thực tế tổng số khuyến nghị về nhân quyền gấp đôi lần đầu. Tổng số khuyến nghị mà cộng đồng quốc tế đưa ra khi thực hiện UPR lần đầu với Việt Nam hồi 2009 chỉ có 123.
Ở buổi thực hiện UPR lần hai, có đến 107 quốc gia tham gia góp ý và chất vấn Việt Nam về nhân quyền. Còn lần đầu (2009), con số này chỉ là 60.
227 khuyến nghị dành cho Việt Nam về nhân quyền tập trung vào các biện pháp để bảo đảm việc thực hiện các quyền căn bản của con người như: tự do tư tưởng, tự do ngôn luận (bao gồm cả tự do trên Internet), tự do lập hội, để các tổ chức dân sự hoạt động tự do, chấm dứt kết án những người phản kháng ôn hòa, trả tự do cho những người bị cầm giữ vì lý do chính trị và tôn giáo.
Cộng đồng quốc tế còn khuyến nghị Việt Nam sửa đổi bộ luật hình sự và bộ luật tố tụng hình sự đúng với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, loại bỏ một số điều khoản nhân danh an ninh quốc gia để xâm hai các quyền căn bản của con người.
Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế khuyến cáo nên tạm ngưng thi hành án tử hình, giảm bớt các tội có hình phạt là tử hình. Ngoài ra phải nỗ lực nhiều hơn trong việc chống phân biệt đối xử với phụ nữ, bảo đảm bình đẳng giới, nỗ lực chống tệ nạn mãi dâm trẻ em.
Ngoài ra, cộng đồng quốc tế khuyến cáo Việt Nam nên thực hiện các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, hợp tác chặt chẽ với các cơ chế nhân quyền quốc tế. Sớm phê chuẩn những công ước quốc tế liên quan đến nhân quyền, đặc biệt là sớm phê chuẩn để thực thi Công ước Chống tra tấn mà Việt Nam đã ký kết.
Tuy UPR lần hai đã xong nhưng chế độ Hà Nội vẫn chưa thoát qua cửa ải nhân quyền. Báo cáo nhân quyền của Việt Nam sẽ còn được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc xem xét và thông qua tại phiên họp của hội đồng này vào giữa năm nay.
Có lẽ cần nhắc thêm rằng, sau khi Việt Nam thực hiện UPR hôm 5 tháng 2 vừa qua, áp lực của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam về nhân quyền đã trở nên mạnh mẽ hơn trước.
UN Watch, tổ chức giám sát hoạt động nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, loan báo, vào ngày 25 tháng 2 sắp tới, một số tổ chức quốc tế hoạt động cho nhân quyền toàn cầu sẽ hội họp ở Geneva để chính thức khuyến nghị cộng đồng quốc tế khai trừ Việt Nam khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì nhà cầm quyền CSVN không bảo đảm các quyền tự do căn bản cho dân chúng tương xứng với tư cách thành viên của hội đồng này.
Theo báo Người Việt