- Anh Nhâm à, chỉ còn ít ngày nữa thì Tết rồi. Anh có cảm thấy, hình như ở Mỹ thời gian đi nhanh hơn hồi mình ở Việt Nam không?
- Có lẽ cuộc sống tất bật ở đây làm mình bị cuốn theo nên tưởng thế. Trong bài hát “Cho dù năm tháng” của nhạc sĩ nào đó mà tôi không nhớ tên, có những câu nghe thấm thía làm sao “Nhìn trời ngẩn ngơ anh nói, mới thôi mà đã một năm, rồi sẽ đến ngày trắng tóc… mới thôi đã một đời người”.
- Ừ! tôi thích bài này lắm, nhưng nghe xong lại buồn man mác, có cảm giác như mình nhìn thấy được tuổi già đang xồng xộc bước tới.
- Tôi cũng vậy, tuổi đời đã lên gần con số sáu rồi còn gì. Tuy nhiên, tôi chịu câu kết của bài hát “Cho dù năm tháng anh ơi, tim em vẫn đập một đời, những trái tim mang vĩnh cữu trong từng giọt máu đỏ tươi”. Tôi nghĩ rằng, mọi sự có tàn phai nhưng mình sống với tràn trề yêu thương khi tim vẫn còn đập cùng những người trong gia đình, bạn bè xung quanh và cả những người không hề quen nữa, đó là niềm hạnh phúc tuyệt vời.
- Chà! Sao hôm nay anh nói chuyện giống như nhà truyền giáo vậy?
- Thật ra, suốt một thời tuổi trẻ, từ cái thuở “làm học trò nhưng không sách cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ” cho đến ngày đi lính, rồi vào tù sau năm bảy lăm, tôi có nhiều vấp phạm đến bây giờ vẫn còn hối tiếc.
- Ai cũng vậy chứ nào phải riêng anh. Vậy, trong những điều anh hối tiếc, có chuyện gì liên quan đến Tết không? Chứ tôi thì nhớ hoài cái Tết năm bảy sáu, sau khi Sài Gòn bị việt cộng cai quản. Lúc đó, tôi và tụi bạn không đứa nào có một xu dính túi nên đêm hai mươi chín rủ nhau trèo vào nhà của một tên cán bộ chôm con gà về nấu cháo. Làm chuyện này thì bậy bạ thiệt, nhưng tụi tôi chẳng hối tiếc chút nào, trái lại còn vui vì xem đây là hành động rửa hận cho phe ta. Căn nhà này là của một ông thiếu tá không quân, ổng đi cải tạo, bọn cán bộ kiếm chuyện đuổi vợ con ổng đi kinh tế mới rồi ung dung dọn vào đó ở. Tụi tôi không bỏ lỡ cơ hội nào để phá phách cho hả giận.
- Còn tôi… Ký ức sâu đậm trong tôi là, Tết cái gì cũng mới. Nhà cửa phải sơn phết lại, rồi lư hương, chân đèn bằng đồng trên bàn thờ cũng được đánh cho bóng láng. Và điều đặc biệt đối với trẻ con là quần áo mới. Sáng mồng một, đứa nào cũng nôn nao mặc bộ đồ mới để mừng tuổi người lớn, nhận bao lì xì và bắt đầu rong chơi từ nhà này sang nhà nọ, sau đó đến rạp hát xem phim để hưởng trọn vẹn niềm vui của những ngày Tết. Đứa bé nào không có quần mới, không có tiền lì xì thì những ngày Tết sẽ buồn thảm biết bao. Tôi hiểu điều đó nhưng đã làm ngơ trước một tình cảnh đáng thương. Để rồi suốt mấy mươi năm, cứ mỗi khi có điều gì gợi nhớ thì lòng tôi cảm thấy hối tiếc không nguôi.
- Chuyện gì mà nghiêm trọng dữ vậy?
- Câu chuyện thế này. Khi còn đi học, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi cùng một số bạn thành lập nhóm sinh viên thiện chí, quy tụ được chừng năm mươi anh chị em, cứ cuối tuần lại rủ nhau đến các xóm nghèo quanh quẩn thành phố để làm công tác xã hội. Nhóm hoạt động được hai năm thì tan rã vì không có ngân khoản, lại thêm người thì ra trường đi làm việc xa, người cưới vợ, người theo chồng. Và bầu nhiệt huyết cũng nguội dần vì những bất đồng khó san bằng. Sau đó không lâu tôi cũng vào quân đội. Trong một dịp Tết về thăm gia đình, tình cờ biết nhà trong xóm có một người cha vừa mới qua đời, ông ấy là một người lính già đã giải ngủ, vợ đang ở bệnh viện tâm thần. Ông bà có năm người con, đứa lớn nhất đã có chồng xa và cô ấy chính là một người bạn khá thân của tôi trong nhóm thiện chí ngày xưa. Chỉ còn đứa em gái khoảng mười bảy tuổi phải lo tang lễ cho cha và chăm sóc ba đứa em nhỏ. Tôi về ngang căn nhà đó đúng vào ngày hai mươi tám Tết. Nhà nghèo lại đơn chiếc vì người chị cả –là cô bạn của tôi- không hiểu vì lý do gì không về được, nên tang lễ của người cha đã được lối xóm giúp chôn cất một cách đơn sơ nhất. Nhìn thấy bốn chị em buồn thảm, co ro trước căn nhà lá nghèo nàn với những bộ quần áo cũ kỹ có nhiều mảnh vá, tôi cảm thấy lòng mình xốn xang, nên định bụng sáng hôm sau sẽ sang thăm với vài bộ quần áo mới làm quà và lì xì cho các em như một lời an ủi chân thành. Nhưng tối hôm ấy tôi tình cờ gặp lại những người bạn cùng chung quân trường, nên vét sạch túi tiền để rủ rê cả đám đi ăn nhậu suốt cả đêm. Và cũng vì thế mà tôi không thể thực hiện được việc làm đầy ý nghĩa đã nằm trong dự tính của mình.
Rồi tôi cũng quên bẳng đi những đứa trẻ hàng xóm nghèo nàn đáng thương ấy. Mãi đến hai năm sau – với thân phận “tù cải tạo”- trên đường đi chuyển trại, khi xe chở tù dừng lại, tình cờ tôi nhìn thấy người con gái lớn nhất trong bốn chị em mồ côi đang bưng rổ khoai luộc với chiếc nón lá rách, áo quần còn vá chằng chịt hơn xưa đang đứng lẻ loi, buồn bã ở một góc đường, lòng tôi bỗng nhói lên một cảm giác đau xót khi chợt nhớ chuyện năm xưa. Tôi đã từng bị đói, bị lạnh ở trong tù, nên hiểu rõ nỗi niềm của những người cùng khổ. Không dằn được nỗi xúc động, nước mắt tôi lăn dài. Cô gái và những đứa em nhỏ đáng lẽ đã nhận được một chút ân cần của tôi từ hai năm trước không hề biết và có thể không bao giờ biết tôi đang nghĩ gì, nhưng tôi biết rằng mình đã quá vô tình trước hoàn cảnh bất hạnh người đồng loại cũng là em của người bạn cũ. Những đứa bé mồ côi cha năm nào chắc bây giờ còn thê thảm hơn xưa giữa cái xã hội đang tranh dành từng miếng cơm, manh áo. Đoàn xe tiếp tục lăn bánh, mang theo tâm trạng xót xa của người tù trẻ tuổi – là tôi. Tôi đã khóc khi nhìn cô gái nghèo nàn xơ xác kia dần mất hút. Rồi cuộc đời cô sẽ về đâu giữa muôn ngàn khó khăn trong cuộc đổi đời dâu bể tang thương? Kể từ hôm đó, cứ mỗi lần nhìn thấy một cô gái nghèo nàn với manh áo rách lòng tôi lại nhoi nhói. Hình ảnh cô gái nhỏ và những đứa bé bơ vơ để tang cha khi xưa lại hiện về trong niềm hối tiếc. Thời gian trôi nhanh, tuổi trẻ đã đi qua trong cuộc đời thăng trầm và mỗi năm Tết đến, nhớ quê hương, lòng tôi lại ray rứt vì sự vô tình của mình trước hoàn cảnh bất hạnh của những người không xa lạ gì với mình.
Bạn thân mến,
Nghe tâm sự trên đây, tôi chợt nhớ một đoạn văn đã đọc đâu đó “Tôi không đi lại hai lần con đường đời, vậy tất cả những việc thiện hay nỗi vui mừng mà tôi có thể mang lại cho người xung quanh, tôi phải làm ngay từ bây giờ. Không có gì làm cho tôi xao lãng hoặc chậm trễ công việc đó được, vì cơ hội sẽ không tái hiện nữa” .
Phải, có lẽ bạn và tôi cũng đã có lần bỏ qua dịp để làm điều tốt đẹp. Nếu không có thì tại sao vẫn có biết bao người phải buồn tủi trong cuộc sống với chính những người trong gia đình, trong cộng đồng. Nhiều khi không phải người ta cần một cái áo đẹp, một bữa cơm ngon, mà chỉ cần một nụ cười thân thiện, một câu an ủi lúc cô đơn, vậy mà có lúc ta lại ngoảnh mặt làm ngơ. Hoặc đôi khi, chỉ vì chút tự ái cỏn con mà đưa đến hậu quả thật đáng buồn. Có một lần, vì không dằn được cơn tức giận, tôi đã nặng lời với người bạn thân làm cô bật khóc. Khi đó, tôi thật hả dạ, vì trước mặt nhiều người, cô ấy dám chê tôi (có thể chỉ là một cách nói đùa) “nấu ăn dở ẹt, nấu kiểu này thì chỉ có “tù” mới ăn nổi” (lời phê bình rất trung thực). Tình bạn thân thiết bao năm bỗng chốc vỡ tan. Sau đó, cô bạn theo chồng đi xa và gần đây tôi hay tin cô đã qua đời vì cơn bạo bệnh. Người nhà còn cho biết, cô có nhắc đến tôi trong những giờ phút sau cùng. Câu chuyện này làm tôi hối hận hoài vì sự cố chấp của mình.
Tết Việt Nam, một truyền thống tốt đẹp. Dù ở nơi nầy chúng ta không được hưởng trọn vẹn không khí Tết như ở quê nhà nhưng trong lòng mỗi người Việt Nam vẫn có chút gì nôn nao, xao xuyến. Mừng Tết còn có nghĩa là hãy cho qua những điều gì xấu trong năm cũ để bắt đầu ngày mới, năm mới và con người mới với lòng nhân ái, độ lượng, ao ước đem niềm vui và hạnh phúc đến mọi người. Chúng ta hãy cố gắng làm một điều gì đó để cuộc sống nầy thêm ý nghĩa, để tâm hồn mãi mãi bình an không phải hối tiếc vì những thiếu sót, như lời ca đẹp biết bao “Cho dù năm tháng anh ơi, tim em vẫn đập một đời, những trái tim mang vĩnh cửu , trong từng giọt máu đỏ tươi!”
Trần Yên Hạ