Hình: Tâm Nguyễn/Người ViệtWESTMINSTER, California (NV) - Độc giả ghiền đọc chuyện cười và mê đọc chuyện phiếm của nhà văn Trà Lũ, sắp có dịp tái ngộ nhà văn đến từ Canada này, trong buổi ra mắt tuyển tập “600 Chuyện Cười” và truyện phiếm “Đất Quê Hương 2,” được tổ chức vào lúc 2 giờ chiều, thứ Bẩy ngày 15 tháng Hai, tại hội trường Nhật Báo Người Việt.
Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt, nhà văn Trà Lũ, năm nay gần 80 tuổi mà trông rất nhanh nhẹn, quắc thước, mỉm cười cho biết “cười là bí quyết trẻ lâu” của ông.
Mà ông trẻ lâu cũng phải.
Từ năm 2001, với các tập “300”, “400”, “500” rồi “600 Chuyện Cười” nhà văn Trà Lũ đã mang đến cho chính bản thân và cho đời hơn 1800 liều thuốc bổ, những phút thư giãn để xua tan căng thẳng của cuộc sống.
Chỉ cần lật thử vài trang trong tuyển tập “600 Chuyện Cười”, người đọc sẽ lúc cười khúc khích, lúc lại cười phá lên một cách sảng khoái, hả hê, với những mẫu chuyện vui thật dí dỏm, ý nhị, tinh tế, do tác giả tuyển chọn và biên soạn.
Chẳng hạn như chuyện dưới đây:
NgờBa người bạn ai cũng ngờ vợ mình ngoại tình, kể cho nhau nghe kinh nghiệm:
Người thứ nhất:
- Tớ nghĩ vợ tớ ngoại tình với một thằng thợ điện vì hôm nọ tớ thầy dưới gầm giường cái kìm cắt dây điện.
Người thứ hai kể:
- Tớ cũng nghĩ vợ tớ ngoại tình với một thằng thợ mộc vì hôm nọ tớ thấy dưới gầm giường cái cưa.
Người thứ ba kể:
- Tớ cũng nghĩ vợ tớ ngoại tình với con ngựa, vì hôm nọ đi làm về tớ bắt gặp dưới gầm giường một thằng nài ngựa.
Hay chuyện
Bố thắng rồi
Ông bố bảo thằng con đã khôn lớn:
- Lớn bằng này rồi mà mày không có nổi một con bồ, thật mày kém hơn tao ngày xưa nhiều!
Thằng con bị chạm tự ái, gân cổ cãi:
- Bố có giỏi thì bố con mình mở cuộc thi nha.
Ông bố chịu liền, thế là hai bố con cùng đi ra ngã tư. Bỗng có một cô gái xinh đẹp đạp xe đi qua. Anh con trai lên tiếng:
- Em ơi, anh yêu em quá!
Cô gái quay ngay lại chử:
- Yêu cái thằng bố mày!
Lúc đó ông bố nhìn con: Đó, thấy chưa, nó yêu ai?
Và chuyện:
Ừ đi điBà vợ cằn nhằn:
- Từ ngày lấy anh đến giờ, cái gì anh cũng cản tôi. Anh luôn luôn nói: Đừng mua cái nhẫn đó, đừng đi du lịch xa như vậy, đừng đi chơi với mấy người bạn đó. Hễ cứ mở miệng là anh nói Đừng. Chưa bao giờ anh nói: Ừ mua đi em, ừ em đi chơi đi em. Cứ điệu này thì chắc tôi phải dọn về nhà bố mẹ tôi ở luôn quá.
- Ừ, đi đi em.
Thế nhưng nếu chỉ đọc chuyện cười thì độc giả chưa thưởng thức được biệt tài kể chuyện của nhà văn Trà Lũ. Phải đọc chuyện phiếm do ông viết mới thấy khả năng múa bút của ông, và mới hiểu tại sao sách của nhà văn Trà Lũ bán chạy như tôm tươi, vừa in đã hết.
Bắt đầu viết từ năm 1989, nhà văn Trà Lũ cho đến nay đã xuất bản 12 tập Chuyện Phiếm với những tựa như Ðất Thiên Ðàng, Ðất Yêu Thương, Ðất Lạnh Tình Nồng, Ðất Quê Ngoại, Ðất Anh Em, Ðất Nhà, Ðất An Lạc, Ðất Thiên Thai, và “Đất Quê Hương 2” sắp được ra mắt.
Trả lời câu hỏi tại sao chưa có “Đất Quê Hương 2” mà đã có “Đất Quê Hương 2”, nhà văn Trà Lũ giải thích: “Quê hương một là quê hương của tôi, Việt Nam, còn Canada là quê hương thứ hai.”
Chuyện phiếm của ông viết từ năm này qua năm kia, xoay quanh sinh hoạt của một ngôi làng mà ông gọi là “Làng An Lạc” với một số nhân vật cố định, như ông HO, ông ODP, ông cụ B.95, bà cụ B.54, ông Từ Hòe, một người đàn ông Canada có vợ VN tên là John, chị Ba Biên Hòa, vợ anh John, một người Bắc di cư, một người đàn bà gốc Huế, một linh mục tên là Paolo, mỗi người dường như đại diện cho một thành phần tiêu biểu của người Việt sống ở nước ngoài. Họ gặp nhau ăn uống, chuyện trò, tâm sự và bàn đủ mọi thứ chuyện trên đời, còn nhà văn Trà Lũ chỉ đóng vai trò quan sát, và kể chuyện.
Nhưng chuyện phiếm, chuyện sinh hoạt đời thường, mà rất bám sát thời sự, mà đọc rất thấm thía, đầy ắp tình tự quê hương, nỗi nhớ nhà thấp thoáng trong những câu nói của nhân vật, trong những dòng chữ viết về Canada, nơi ông nhận làm quê hương ngoài Việt Nam.
Hãy đọc thử vài đoạn của “Bảo vệ dòng máu Việt” trong tập chuyện phiếm “Đất Quê Hương 2”
“Nghe tiếng cười của anh John ai cũng đoán là anh đang muốn chuyển đề. Anh thưa với cả làng: Cũng do đọc báo mà tôi bắt gặp chuyện văn chương rất tếu. Tếu như thế này: Sau biến cố dân chúng biểu tình chống Tàu cướp đất cướp biển, biểu ngữ thường viết Biển Đông của Việt Nam, Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam... Mấy chữ đó nhập vào đầu nhiều người cho nên có một khu chợ kia dân phố nổi máu tếu đã viết các quảng cáo về hàng bán của mình như sau:
- Hiệu bán giầy: Nâng niu bàn chân Việt
- Hiệu áo lót phụ nữ: Nâng niu bầu sữa Việt
- Hiệu bán Kotex băng vệ sinh: Nâng niu đàn bướm Việt
- Hiệu bán quần áo lót đàn ông: Nâng niu vòi voi Việt
- Hiệu bên cạnh cũng quảng cáo quần áo lót đàn ông: Nâng niu hòn ngọc Việt
- Hàng bên cạnh cũng bán loại này và quảng cáo: Bảo vệ pháo binh Việt.
- Hãng quần lót phụ nữ: Bảo vệ rừng cấm Việt
- Quán bia ôm: Phát triển đàn dê Việt
- Hiệu bán kính: Sáng tỏ cặp mắt Việt
- Sau cùng, một lớp mẫu giáo ở cuối phố cũng trương lên bảng hiệu: Phát triển dòng giống Việt.
Thiên hạ nghe các câu quảng cáo bán hàng thì ai cũng cười tủm tỉm, nhưng đến khi nghe quảng cáo của trường mẫu giáo thì ai cũng gật đầu: Đúng và hay quá!
Kể đến đây rồi anh John cười hà hà: Bây giờ ví dụ làng ta phải lấy một khẩu hiệu, thì khẩu hiệu ấy là gì” Cô Cao Xuân đáp ngay: Tôi chọn câu này: Bảo vệ Dòng Máu Việt.”
Chỉ với những nhân vật này, ngôi làng nhỏ bé, mà dưới ngòi bút nhà văn Trà Lũ độc giả cứ theo ông từ chuyện này đến chuyện khác, từ năm 1989 đến giờ, đọc mãi không chán.
Viết chuyện phiếm như thế có lẽ đã đạt đến mức điêu luyện khó bì.
Độc giả muốn được nghe chính tác giả Trà Lũ nói chuyện về đời sống ở Canada và những nhân vật trong thế giới của ông?
Hẹn gặp ở buổi ra mắt sách của ông lúc 2 giờ chiều, thứ Bẩy ngày 15 tháng Hai, tại hội trường Nhật Báo Người Việt.
Hà Giang/Người Việt