Chị ngồi xuống, mở cái giỏ vốn luôn nằm trong cốp xe của Chị, lấy ra bình xịt và giấy lau, rồi chùi rửa mặt mũi cho Anh. Anh cười thật tươi. Di ảnh nằm trên mộ bia, phảng phất một khuôn mặt bình thản và thân thiện. Những trưa hè, Chị về thăm Anh, lái xe một tiếng rưỡi đồng hồ. Chị trải khăn, nằm xuống bên cạnh bia mộ Anh, đọc sách. Và như vậy, tuần này qua tuần nọ, Chị về thăm Bố Mẹ chồng, chăm sóc cho gia đình Anh, đưa Bà đi chúc Tết họ hàng.
Chị thắp nén hương cho Anh. Đóa hoa diên vĩ tím thẫm phô nhụy vàng. Mỗi tuần một bó hoa, cũng không hẳn là những loại hoa Anh thích, nhưng là do Chị chọn tùy hứng. Làm sao mà người ta có thể thấm thía cái chia lìa sinh ly tử biệt này? Chị vẫn nói luôn miệng, “T. không sao!” nhưng trong đáy mắt và trong cách kể chuyện của Chị, tôi đọc thấy nỗi buồn mênh mang và nỗi mong chờ đến tuyệt vọng. Hình cưới của Anh Chị vẫn còn đấy, treo trong phòng tân hôn chưa quá một tuổi đời.
Anh còn quá trẻ, mới ngoài 30. Không ai nghĩ Anh có thể bị bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Rồi Chị thấy Anh mệt, nên ép Anh đi bác sĩ. Bác sĩ cũng lơ mơ, bảo không có chuyện gì. Rồi Chị lại ép Anh đi thử nghiệm khi thấy Anh đi tiêu ra máu. Một ngày trước khi đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị khăn gói lên đường đi hưởng một tuần nghỉ hè, thì phòng xét nghiệm gọi khẩn, yêu cầu Anh phải nhập viện gấp.
Khi tôi hỏi, Chị nói Chị chỉ tiếc rằng mình đã không dành nhiều thời gian cho Anh hơn trước khi Anh ra đi. Chị lăn vào công việc, để có tài chánh lo thuốc thang cho Anh, để có thể trang trải tất cả những gì mà Anh cần. Nhưng Anh ra đi thật nhanh, như cơn mưa mùa hè, vừa ùa đến đã vụt tạnh. Tôi chợt nghĩ, có ai sống muôn đời, mà không phải ai cũng thấy ngày răng long đầu bạc của mình. Không chỉ có mỹ nhân mới yểu mệnh,
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.
Càng ngày càng có nhiều người bị bệnh nan y và ra đi vội vã. Những người ở lại thì lại không vội vã từ biệt quá khứ. Như Chị vậy, an phận và hạnh phúc với kỷ niệm của Anh. Chị nổi giận khi người ta hỏi sao Chị chưa nghĩ tới bước nữa. Chị bất bình khi thấy rằng, Anh chỉ mới ra đi có một năm thôi, mà người ta đã xua Chị đi tìm hạnh phúc mới. Chị cảm thấy bình an với những gì mình có. Chị chưa thấy cần phải bước ra khỏi thế giới của chính mình.
Mộ Anh nằm giữa những đốm nắng dưới tàng cây. Tôi bảo Chị, “Khu này có bóng mát, đẹp quá!” Chị bảo, “Ừ, T. cũng thích chỗ Anh nằm, dễ thương.” Khu nghĩa trang tọa lạc góc đường Beach và Bolsa này đã chất chứa bao nỗi niềm của kẻ đi người ở, chẳng đặng chia lìa bên bờ vực tử sinh, không nỡ xa nhau dẫu ngàn trùng cách biệt. Ở góc kia là mộ phần của người ra đi vì tai nạn. Ở phía này là mái nhà của một văn nhân. Thập loại chúng sinh nằm đây, yên nghỉ trong một khu chung cư vĩnh cửu.
Nhà của Anh ở đó, Chị đến thăm rồi về. Họ vẫn là vợ là chồng, nhưng không thể cùng chung một mái ấm. Tôi bất chợt nổi giận với cuộc đời. Damn it! Có mấy ai sống mãi đâu! Người ở nhân gian, kẻ ở địa đàng. Trong mái ấm của tình yêu, có những chiều kích khắc nghiệt. Nếu Chị không thể quên Anh, âu cũng là điều dễ hiểu. Có những phần trong cuộc đời mình không thể loại ra khỏi cuộc sống của mình được, vì những phần đời ấy đã thành xương thành thịt tự thuở nào. Chị nói, bây giờ, ai muốn yêu Chị có lẽ phải vất vả chinh phục tình cảm của Chị, vì Chị không còn hớn hở như cô gái mới lớn với tình yêu đầu đời nữa. Trái tim Chị đã bình thản. Không dễ gì khuấy lên một tình yêu nồng nàn ở nơi ao thu lặng lẽ ấy.
Hôm mồng hai Tết, tôi nhận được ai tín của Cô ca trưởng tại nhà thờ Người Samarita Nhân Hậu báo tin bạn đời của Cô đã ra đi vì chứng bệnh ung thư. Điện thư Cô viết thật bình thản, “Ái Linh không còn đau đớn nữa, vì em đã ra đi về thế giới bên kia.” Tôi bàng hoàng. Mỗi tuần, tôi đều nhận được thư cập nhật từ Caring Bridge, thông báo về tình trạng sức khỏe của Ái Linh và cuộc chiến đấu của Cô với bệnh ung thư. Hôm nay, “Nhịp Cầu Thân Yêu” đã kết thúc, với lời cáo phó nghẹn ngào. Ái Linh yêu cầu mọi người đừng gửi hoa cho Cô, mà gửi tiền ủng hộ Tổ Chức Bác Sĩ Không Biên Giới.
Tôi chợt nghĩ, không ai ra đi vĩnh viễn, như những tờ cáo phó vẫn nói. Ai cũng lưu lại những vết dấu ái trong cuộc đời của những người thân yêu của họ, và cả xã hội xung quanh nữa.
Giữa chúng ta, vẫn có nhiều trái tim đập giữa hai thế giới: thế giới của người sống, và thế giới của kẻ chết.
Những mối tình không biên giới.
Trangđài Glassey-Trầnguyễn