Tổng thống Mỹ Barack Obama và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin nhân Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Enniskillen, Bắc Ailen. Ảnh chụp ngày 17/06/2013 17/06/2013.
REUTERS/Kevin LamarqueTổng thống Mỹ Barack Obama không thừa nhận là Washington và Matxcơva đang lao vào một cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng trên thế giới, giống như thời kỳ chiến tranh lạnh. Thế nhưng, các cuộc khủng hoảng hiện nay, từ Syria đến Ukraina, làm cho mọi người nhớ lại những giờ phút u ám trong quan hệ trước đây giữa hai cường quốc.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Mêhicô vừa qua, nguyên thủ Hoa Kỳ khẳng định, cách tiếp cận của Washington là không xem xét các hồ sơ quốc tế hiện đang nóng bỏng, như là một ván cờ kiểu thời kỳ chiến tranh lạnh, trong đó, Mỹ ganh đua với Nga.
Thế nhưng, Hoa Kỳ ngày càng ý thức được hơn là chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin đi ngược lại lợi ích của Washington. Ông Damon Wilson, nguyên là thành viên Ban cố vấn đối ngoại của cựu Tổng thống George Bush, được AFP trích dẫn, nhận xét : « Chính sách đối ngoại hiện nay của Nga là tái lập ảnh hưởng và uy tín của Nga trên thế giới » và ông Putin thực hiện chiến lược này, đồng thời dò thử những giới hạn ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Chính quyền Obama luôn tự hào là từ năm 2009, đã thuyết phục được Matxcơva chấp nhận mở ra một chương quan hệ mới giữa hai nước, cho dù từ năm 2012, ông Putin quay lại làm Tổng thống Nga và có nhiều động thái cạnh tranh với Hoa Kỳ. Giờ đây, Washington tìm cách giữ lại, bảo vệ những thành quả đã đạt được trong quan hệ hợp tác với Matxcơva như hỗ trợ hậu cần tại Afghanistan giúp Hoa Kỳ bảo đảm an ninh cho việc rút quân khỏi nước này, đấu tranh chống khủng bố hoặc trong hồ sơ hạt nhân Iran.
Tuy vậy, Washington không che dấu sự khó chịu trước những tham vọng địa chính trị của Matxcơva. Một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ, xin ẩn danh, khẳng định : « Chúng tôi cho rằng khái niệm về vùng ảnh hưởng đã hoàn toàn lỗi thời. Chúng tôi đã nói rõ điều này với Ukraina và chúng tôi cũng nói rõ như vậy với Nga ».
Sau một thời gian có quan hệ dịu hòa với Mỹ, nhất là trong thời kỳ tạm thời làm Thủ tướng, ông Putin, ngay sau khi quay lại điện Kremlin, đã tỏ rõ thái độ lạnh nhạt với Mỹ, không đến dự Thượng đỉnh G8 tại Camp David, hồi tháng 05/2012 và quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ ngày càng xấu đi. Hồ sơ Syria, Iran hay việc Matxcơva cho cựu điệp viên Edward Snowden tỵ nạn là những ví dụ minh họa cụ thể.
Thế nhưng, theo giới chuyên gia, Hoa Kỳ không có lợi ích gì trong việc chối bỏ hoàn toàn quan hệ với Nga. Theo ông Matthew Rojansky, chuyên gia về Nga tại trung tâm Wilson ở Washington, « chính quyền Mỹ phải thừa nhận là chúng ta cần quan hệ đối tác với Nga trong hồ sơ Iran, chống khủng bố và các lĩnh vực khác ». Việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Iran không thể không có vai trò của Nga.
Về vấn đề Ukraina, mặc dù Hoa Kỳ nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình ở nước này, nhưng theo chuyên gia Rojansky, đây là một thách thừc lớn đối với Nga, nhưng không phải một vấn đề ưu tiên trong lĩnh vực an ninh quốc gia đối với Hoa Kỳ.
Theo RFI