Bình Nhưỡng : Chân dung cố lãnh tụ Kim Jong Il được thấy ở khắp nơi (©David Guttenfelder)Tình hình nội chiến căng thẳng tại thành phố Kiev (Ukraina) vẫn chiếm nhiều trang nhất trên các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay. Riêng về thời sự tại châu Á, báo Libération đăng bài viết : « Bắc Triều Tiên : Liên Hiệp Quốc đối diện với các trại tử thần ».
Trong tuần này, Liên Hiệp Quốc vừa công bố cho công chúng một bản báo cáo điều tra khá dày mà khi đọc ai cũng rùng mình. « Những người bị nhốt trong trại cải tạo sẽ bị đào thải dần bằng cách bị bỏ đói, bị cưỡng bức lao động, bị hành hình, tra tấn, bị bạo lực tình dục, trẻ sơ sinh cũng bị giết (…), những tội ác này giống như những điều kinh khủng đã xảy ra trong những trại do những chế độ độc tài đã từng lập ra vào thế kỷ 20 ».
Đây là lần đầu tiên mà Liên Hiệp Quốc nêu lên « những tội ác chống nhân loại » tại đất nước khép kín Bắc Triều Tiên và đe dọa sẽ đưa Kim Jong-un ra tòa án hình sự quốc tế. Bản báo cáo này được viết dựa trên số lượng những nhân chứng lên án « sự tàn bạo không thể tưởng trong xã hội đương đại » và kéo dài từ nhiều thập niên nay của chế độ Bắc Triều Tiên chống lại chính nhân dân của họ.
Bản báo cáo liệt kê một số tội ác như sau : « Hủy diệt, tàn sát, nô lệ, bỏ tù, hãm hiếp, cưỡng ép phá thai, bạo lực tình dục, truy bức người dân với động cơ chính trị, tôn giáo, chủng tộc hay giới tính, cưỡng ép biệt tích và những hành động phi nhân đạo gây nên nạn đói kéo dài ».
Theo phóng viên tờ Libération, Trung Quốc đã luôn thọc gậy bánh xe những báo cáo viên Liên Hiệp Quốc trong quá trình họ điều tra. Trung Quốc cũng có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn cản Tòa án hình sự quốc tế buộc tội chế độ Bình Nhưỡng. Hơn nữa, trong bản báo cáo này, Trung Quốc cũng bị cáo buộc « đồng lõa với tội ác chống lại nhân loại », bởi vì Trung Quốc cưỡng bức hồi hương một số người Bắc Triều Tiên tỵ nạn tại Trung Quốc. Phát ngôn viên chính thức của Trung Quốc đáp lại rằng : « Lời công kích này là không thể chấp nhận được (…), những người này nhập cư bất hợp pháp và không phải là người tỵ nạn » và cho rằng : « đưa một quốc gia ra trước Tòa án hình sự quốc tế sẽ không giúp cải thiện tình trạng nhân quyền của nước đó ». Về phía mình, Bình Nhưỡng gọi đây là « sự dối trá », chính là một âm mưu được các kẻ thù của mình thêu dệt nên là Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Bản báo cáo này miêu tả chi tiết những cuộc bắt cóc công dân nước ngoài mà chế độ Bắc Triều Tiên đã tiến hành không chỉ tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, mà còn tại những nơi khác trên thế giới. Trong những thập niên 70-80, hàng chục phụ nữ, trong đó có người Pháp có thể đã bị bắt cóc tại Singapour hoặc ở Hồng Kông và sau đó được trung chuyển bằng tàu về Bắc Triều Tiên. Một số khác bị đến Bình Nhưỡng để làm vợ những người nước ngoài cũng bị giam giữ tại đây. Những vụ biệt tích mới nhất được nêu lên là những công dân Hàn Quốc bị bắt cóc tại Trung Quốc.
Bản báo cáo nhận xét : « Chế độ Bình Nhưỡng thiết lập một bộ máy tuyên truyền mà người dân phục tùng từ lúc mới sinh ra. Người dân tôn thờ và vâng lời tuyệt đối vị lãnh tụ tối cao ». Một lời nói sai phạm cũng đủ để bị kết án. Những người bị giam giữ trong trại thường cũng kéo theo hệ lụy cho cả ba thế hệ và họ cũng cùng chung số phận trong trại cải tạo. Chính vì vậy mà nhiều trẻ em bị tống giam cho đến chết. Xác chết bị hỏa táng và thỉnh thoảng dùng làm phân bón. Một số người đào thoát được sang Hàn Quốc khẳng định rằng, họ được lệnh « trong trường hợp xảy ra chiến tranh và cách mạng » thì sẽ « khử » hết những tù nhân và « xóa mọi chứng cứ » về sự hiện diện của những trại cải tạo này.
Theo RFI