Các cuốn Nhật ký Anne Frank bị xé ở thư viện Shinjuku CityHơn 100 bản in cuốn Nhật ký Anne Frank đã bị xé và phá trong một thư viện công ở Tokyo, Nhật Bản, theo quan chức nước này.
Nhiều trang sách bị xé rời từ tổng cộng ít nhất 265 bản in của cuốn nhật ký và các cuốn sách khác có liên quan.
Vẫn chưa rõ ai là người đứng sau vụ phá hoại sách này. Một nhóm đấu tranh cho quyền của người Do Thái ở Hoa Kỳ đã kêu gọi cảnh sát điều tra.
Cuốn Nhật ký Anne Frank mà tên đầy đủ là 'Nhật Ký của một em gái' (Diary of a Young girl) kể lại chuyện một cô bé tuổi thiếu niên gốc Do Thái phải sống chui lủi trốn quân phát xít ở thủ đô Amsterdam.
Cuốn sách đưa Anne Frank trở thành biểu tượng cho những gì mà người Do Thái phải trải qua trong thời Thế chiến II.
Không rõ ai làmChủ tịch Hội đồng thư viện Nhật Bản, ông Satomi Murata nói với hãng thông tấn AFP rằng năm phường ở Tokyo đã báo cáo xảy ra vụ phá hoại.
“Chúng tôi không rõ vì sao điều này lại xảy ra hay ai đã làm điều đó”.
Trong khi đó, Toshihiro Obayashi, một nhân viên thư viện ở phía Tây Tokyo nói: “Mọi cuốn sách có trong danh sách ghi về Anne Frank đều bị phá ở thư viện chúng tôi.”
Bản gốc của cuốn Nhật ký Anne Frank, người đã bị phát-xít Đức giết hạiTổ chức nhân quyền toàn cầu cho người Do Thái, Simon Wiesenthal Centre, nói rất sốc và quan ngại về sự việc này, và kêu gọi chính quyền tiến hành điều tra.
“Vụ việc xảy ra trên diện rộng chỉ dấu mạnh mẽ rằng có nỗ lực có tổ chức nhằm phỉ báng ký ức của nhân vật nổi tiếng nhất của 1.5 triệu trẻ em Do Thái bị giết hại bởi quân Phát xít trong thảm họa diệt chủng Do Thái thời Thế chiến II,” người phó viện trưởng Abraham Cooper nói.
Cuốn sách lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Đức ở Amsterdam năm 1947 và nhận được cả chỉ trích lẫn sự chú ý rộng lớn của dư luận.
Bản thân tác giả đã bị bắt và thủ tiêu trong trại tập trung của chế độ Nazi ở châu Âu trong các đợt truy bắt và giết người Do Thái.
Cuốn sách sau đó được một nhà xuất bản của Mỹ phối hợp với Anh Quốc giới thiệu bản tiếng Anh.
Nhật ký Anne Frank được đưa vào Việt Nam năm 2006 và từng được báo chí Việt Nam ca ngợi là ‘cuốn nhật ký gây chấn động thế giới’.
Theo BBC