Chương 3
Cải tổ chính trị1.1. Đổi tên Đảng
Lịch sử cho thấy ĐCS còn tồn tại được đến ngày nay là nhờ biết thay đổi, thích ứng, cải tổ trong những thời điểm quyết định. Khả năng đó mang lại kỳ vọng cho một cuộc cải tổ ở thời điểm hiện tại. Ở trên tôi đã nói về ám ảnh ý thức hệ của người Quốc gia, ở đây tôi sẽ nhấn mạnh đến ám ảnh này với người Cộng sản. Bản thân những người Cộng sản cũng đang bị nỗi ám ảnh ý thức hệ chưa buông tha. Muốn gỡ bỏ nó thật không dễ. Nhưng cứ thử xem.
Hãy nghe lại lời cố TBT Trường Chinh khi nói về việc đổi tên đảng thành Đảng Lao động VN: “Một số đồng chí ta chưa thông về việc đặt tên Đảng ta là Đảng Lao động VN. Có đồng chí băn khoăn vì tình cảm, cho rằng biết bao đồng chí ta đã hy sinh cho Đảng cộng sản Đông Dương, nay bỗng chốc phải từ biệt cái tên thân mến ấy thì đau đớn biết bao! Hoặc cho rằng tên “đảng lao động” đã bị quần chúng không ưu thích ở Anh rồi, ta giây vào cái tên ấy làm gì cho mệt!
Cố nhiên, bỏ tên Đảng cộng sản Đông Dương là một sự hy sinh. Hy sinh nào cũng đau đớn. Nhưng hy sinh vì lời ích cách mạng là hy sinh cần thiết. Ta không nên đứng về mặt tình cảm nhỏ hẹp mà nhận xét vấn đề đặt tên Đản, nên đứng về lợi ích cách mạng mà nhận xét thì đúng hơn”.
Chính cố TBT Trường Chinh là một tấm gương đáng nhắc lại để học tập về tinh thần tự đổi mới tư duy, tinh thần hy sinh vì lợi ích chung. Hiện nay kêu gọi hy sinh vì lợi ích cách mạng là không hợp lý. Hai chữ “cách mạng” thậm chí còn gây phản cảm. Nhưng lợi ích dân tộc thì sao? Tại sao các đảng viên cộng sản hiện nay không hy sinh vì lợi ích dân tộc. Tại sao không một lần nữa mạnh dạn đổi tên đảng, thành “Đảng Lao động mới” chẳng hạn. Làm như thế có dễ hoà giải, dễ đoàn kết dân tộc hơn không? Cương lĩnh chính trị cũng vậy, sao không thay kiên trì học thuyết Marx-Lenin đã lỗi thời bằng con đường “dựa trên nền tảng học thuyết Marx-Lenin, tiếp thu tinh thần những học thuyết kinh tế chính trị khác”. Học thuyết Marx-Lenin không phải sai hết, thành tích xoá đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, phát triển y tế cộng đồng… của VN hiện nay và nhiều nước phát triển không thể không ghi nhận phần đóng góp của học thuyết này. Như thế, sau này ai thấy học thuyết Marx-Lenin có điểm gì hay, tiến bộ thì cứ nghiên cứu, phổ biến. Ai thấy các học thuyết khác có điểm gì hay, tiến bộ thì cũng ra công học hỏi, mang ra áp dụng. Làm như vậy chúng ta sẽ dễ dàng hơn để cởi trói tư tưởng, chữa bệnh quan liêu, duy ý chí. Thực tế cuộc sống hiện nay, khối quần chúng nhân dân đã quen với đa nguyên tư tưởng, quen với các luồng ý kiến khác biệt, ĐCS cũng cần thay đổi để thích ứng.
1.2. Địa phương tự trị
Những thay đổi như đổi tên đảng, điều chỉnh cương lĩnh đòi hỏi nhiều hy sinh của các đảng viên cộng sản vì lợi ích dân tộc, nhưng những người Quốc gia, những tri thức cấp tiến, để đứng cùng đảng mới dưới lá cờ dân tộc thống nhất, họ còn phải hy sinh nhiều hơn. Có những rào cản vô hình nhưng vì vô hình nên cũng vô cùng khó vượt qua. Chỉ có sự thành thật mới có thể trợ giúp cho các bên trong những hoàn cảnh như thế. ĐCS phải thành thật muốn cải tổ, những người đối lập phải thực muốn thành tâm hợp sức.
Những lời cam kết đôi khi không quan trọng, những thay đổi lớn ngay tức khắc dễ dụ ngọt nhưng lại thường không bền vững. Với hiện trạng VN bây giờ, những thay đổi nhỏ, nhưng căn bản có thể sẽ có ích hơn cho sự thành thực của các bên. Tôi muốn nói đến việc nâng cao tính tự trị của địa phương. Mô hình chính quyền đô thị đã được thử nghiệm cần được mang ra mổ xẻ, rút kinh nghiệm để áp dụng cho toàn quốc. Những thành công trong việc xây dựng chính quyền ở Đà Nẵng cần được tham khảo. Những thay đổi, dù nhỏ nhất, nhưng sẽ rất khó đảo ngược nếu được người dân tiếp nhận trực tiếp. Đó là cơ sở cho đề xuất cải tổ tính tự trị của địa phương. Người dân mỗi tỉnh, huyện cần được bầu trực tiếp chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện, nghị viên hội đồng nhân dân tỉnh, nghị viên hội đồng nhân dân huyện.
Các tỉnh, huyện tự xây dựng và thực hiện cho mình các chính sách giáo dục, y tế, công thương nghiệp, giao thông, nông lâm, tài chính… miễn sao các chính sách này không trái với Hiến pháp, pháp luật trung ương.
1.3. Cải tổ Quốc hội – chế độ bầu cử
Một Quốc hội mạnh, thực sự đại diện cho ý chí nhân dân là điều kiện tiên quyết cho tính bền vững của những cải tổ dân chủ.
Đại biểu Quốc hội cần là những đại biểu chuyên trách. Không một đại biểu Quốc hội nào được kiêm nhiệm các chức vụ trong bộ máy hành pháp trung ương hay địa phương.
Đại biểu Quốc hội nên phân theo địa phương. Số đại biểu mỗi địa phương căn cứ theo dân số, một số địa phương đặc thù có thể được xem xét tăng thêm về số lượng, việc này phải do Quốc hội quy định. Nên quy định đại biểu địa phương nào, nhất thiết phải cư trú tại địa phương đó, quy định này vừa có ý nghĩa với việc tăng quyền lực tự trị địa phương, vừa có ý nghĩa giúp cử tri giám sát đại biểu của mình tốt hơn, bản thân đại biểu vì cư trú tại địa phương cũng sẽ có nhiều áp lực hơn, có trách nhiệm hơn với tiếng nói, lá phiếu của mình tại Quốc hội. Tuy đại diện cho địa phương, nhưng đại biểu phải phục vụ cho lợi ích chung của quốc gia, không phải cho lợi ích cục bộ địa phương.
Ứng cử viên đại biểu Quốc hội có thể do Đảng mới đề cử, do Mặt trận tổ quốc đề cử hoặc tự ứng cử với điều kiện thu thập được một số lượng chữ ký ủng hộ nhất định. Nhất thiết phải bỏ quy định hiệp thương phi dân chủ hiện nay.
Cần quy định rõ chế độ nguyên thủ quốc gia. Với cơ cấu hiện hành, điều chỉnh cho phép nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch nước là có khả năng thực thi cao nhất. Chủ tịch nước sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhân dân, khi nhận chức cần tuyên thệ trung thành tuyệt đối với tổ quốc, hơn mọi đảng phái, ý thức hệ. Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang, chịu trách nhiệm đối ngoại, đề xuất thành viên nội các.
Nội các có một Thủ tướng đứng đầu, chủ yếu lo công tác đối nội, điều hành nền kinh tế. Thủ tướng và các Bộ trưởng do Chủ tịch nước đề cử, phải được Quốc hội thông qua, sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và có thể bị bãi miễn bởi Chủ tịch nước.
Ứng cử viên Chủ tịch nước do Đảng mới, hoặc Mặt trận tổ quốc đề cử, hoặc ứng viên có thể tự ứng cử với điều kiện thu thập được một số chữ ký nhất định. Dù trong trường hợp nào cũng phải có ít nhất hai ứng viên cho một cuộc bầu cử.
Nguyên tắc tương tự được áp dụng cho các cuộc bầu cử tỉnh trưởng, huyện trưởng ở địa phương.
Việc vận động tranh cử là bắt buộc. Người dân cũng được tự do tham gia quá trình đề cử, vận động, tham gia vào công việc chính trị như mọi việc khác. Đó là quyền cơ bản của mọi người dân. Việc người dân bày tỏ thái độ ủng hộ người này, phê phán người kia là chuyện bình thường ở một quốc gia có dân chủ. Không thể quy kết họ phe phái, gây rối để bắt bớ khi họ bày tỏ thái độ chính trị. Cần chấm dứt ngay tình trạng độc quyền hoạt động chính trị của ĐCS hiện nay.
1.4. Chấm dứt tình trạng một quốc gia – hai nhà nước
Hiện nay, cơ cấu đảng và các hội đoàn của nó tồn tại như một nhà nước thứ hai ở VN, song song, thậm chí bên trên nhà nước pháp định. Mỗi người dân VN nghiễm nhiên phải gánh trên vai một lúc hai nhà nước. Tình trạng này cần chấm dứt.
Các hội đoàn quốc gia, tiêu tốn ngân sách như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… cần giải thể, nếu không giải thể thì phải tự túc kinh phí hoạt động của mình. Ngân sách nhà nước cần dùng cho các việc khác cần thiết hơn là chi vào những hội đoàn quốc gia mà sự tồn tại của nó chỉ tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người trong và ngoài hội, gây ra sự mất đoàn kết sâu rộng, trong các khối quần chúng nhân dân.
Có thể trong giai đoạn đầu, sẽ chỉ có hai tổ chức được cấp ngân sách hoạt động là Đảng mới và Mặt trận tổ quốc. Nhưng ngân sách cấp cho các tổ chức này phải được công khai và do Quốc hội quyết định, giám sát. Mặt khác, Quốc hội có thể đề ra hạn định để hai tổ chức này cũng phải có lộ trình để tự túc kinh phí hoạt động, chấm dứt việc sử dụng ngân sách quốc gia.
Vấn đề quân đội phải trung thành với Đảng bây giờ mới được đề nghị đưa vào Hiến pháp, nhưng thực tế bộ máy chính trị trong quân đội hiện nay đã mang bản chất Đảng trị quân đội từ lâu. Không một quốc gia dân chủ thực sự nào có một thể chế Đảng trị quân đội như thế. Tuy nhiên, việc ngay lập tức loại bỏ hệ thống này trong quân đội là rất khó. Có thể bắt buộc điều chỉnh cương lĩnh tuyên truyền của hệ thống chính trị theo hướng, loại bỏ các tôn chỉ ý thức hệ, quy định: “Quân đội phải tuyệt đối trung thành với tổ quốc, bảo vệ hạnh phúc, sự bình an của nhân dân”.
Hội đoàn quốc gia, cũng như chế độ công chức – biên chế thực chất là những “hầm trú ẩn” nó giúp chính quyền củng cố quyền lực của mình nhưng với các công chức trong đó, nó làm nhụt ý chí tự do, động lực lao động sáng tạo. Một công chức đã yên vị trong biên chế, anh ta có thể không cần một chút cố gắng nào cũng sẽ có một cuộc sống bình an và với anh ta bất cứ thay đổi nào cũng sẽ là một lựa chọn không khôn ngoan. Anh ta sẽ bám vào biên chế bằng bất cứ giá nào. Trên một bình diện rộng, cơ chế công chức, biên chế hiện nay là thứ thuộc độc hại làm suy đồi sức sống của quốc gia. Chưa kể, cơ chế này còn tạo ra một sự bất bình đẳng, những lợi thế phi lý và những mâu thuẫn ngấm ngầm trong tổ chức, cộng đồng xã hội. Vì thế, cùng với việc giải thể các hội đoàn quốc gia, cần xóa bỏ cơ cấu biên chế hiện nay. Một biện pháp mà chính quyền Đài Loan đã áp dụng khá thành công theo Hoàng Gia Thụ là chế độ luân chuyển công chức. Chẳng hạn, công chức phòng công chứng quận A, có thể sẽ được luân chuyển sang quận B sau hạn kỳ 2 năm, để tránh nguy cơ công chức hành chính ngồi lâu một chỗ cấu kết, lũng đoạn. Một kinh nghiệm khác của Đài Loan là luân chuyển kế toán trong các doanh nghiệp nhà nước. Do tính chất tương đồng của công việc kế toán, tránh sự cấu kết giữa kế toán và giám đốc doanh nghiệp, khi cải cách doanh nghiệp nhà nước, Đài Loan đã đặt ra chế độ luân chuyển kế toán giữa các doanh nghiệp theo hạn kỳ 2 hoặc 3 năm. Đó cũng có thể là một cơ chế chúng ta có thể tham khảo để áp dụng.
1.5. Cải cách hệ thống tư pháp – thực thi tự do ngôn luận, báo chí, xuất bản
Nhất thiết phải có một tòa án Hiến pháp độc lập, để mọi người dân có thể bảo về quyền hợp hiến của mình. Tổ chức lại hệ thống tư pháp, đảm bảo tính độc lập, khả năng phán xét theo công lý của tòa án, đó là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật.
Nhất thiết phải bỏ ngay các điều luật phản dân chủ, bóp nghẹt tự do ngôn luận như Điều 79, 88 và 258 Bộ luật Hình sự. Tuyên bố thả ngay những người bị án vì lí do chính trị.
Cải cách tư pháp có thể sẽ cần thời gian dài và gặp nhiều vấp váp, nhưng việc thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản có thể thực hiện ngay. Trước hết, là mở cửa cho báo chí tư nhân, thực tế đã tồn tại dưới nhiều hình thức ở nước ta. Cổ phần hóa các đơn vị báo chí trực thuộc nhà nước hiện hành. Chuyển các cơ quan tuyên truyền, tuyên giáo thành cơ quan nghiên cứu thuần túy. Chấm dứt các tiêu chuẩn ý thức hệ trong kiểm duyệt xuất bản.
1.6. Tổ chức cơ quan thống kê độc lập
Thiết kế Tổng cục thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư hiện nay có nguy cơ bị lũng đoạn cao, ở khía cạnh các con số có thể bị làm sai lệch một cách có chủ đích để bảo vệ lợi ích của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Trong một nền kinh tế hội nhập, những con số thống kê hết sức phức tạp và quan trọng. Nó đặc biệt quan trọng với những quốc gia như VN, khi trong trường hợp có cải tổ thì khu vực kinh tế nhà nước, bàn tay nhà nước trong nền kinh tế vẫn sẽ giữ vị trí quan trọng. Các con số thống kê khách quan, chính xác sẽ là cơ sở để các quyết sách đúng đắn được đưa ra, cơ sở để các chuyên gia độc lập đưa ra các khuyến nghị chính xác.
Vì thế nhất thiết cơ quan thống kê cần được độc lập với chính phủ, có thể hoạt động như một cơ quan độc lập của Quốc hội, chịu sự giám sát của Quốc hội.
Chương 4
Cải cách giáo dục – chấn hưng văn hoá 1.1. Thiết kế hệ thống giáo dục theo nguyên tắc “Tự trị – Thực hành”
Tôi thấy những thảo luận về triết lý giáo dục là chủ đề vô cùng theo nghĩa có nhiều trường phái, luôn xuất hiện các trường phái mới và kết quả có thể là đi đến những lý luận vòng quanh mà những sửa đổi quan trọng thì lại không thể đưa ra. Vì thế ở đây tôi sẽ chú trọng đến việc “Thiết kế Hệ thống giáo dục”. Hệ thống giáo dục của Pháp đã áp dụng ở Việt Nam trước năm 1945 cần được coi là có giá trị tham khảo tốt. Hệ thống giáo dục của này đã được hình thành và áp dụng trong một quá trình dài lâu cùng với quá trình khai thác thuộc địa ở VN, nên sẽ có những cơ sở cho niềm tin vào sự thích ứng tương đối với thực trạng VN hiện nay.
Mặt khác, nếu bỏ qua những yếu tố khai thác thuộc địa thì hệ thống giáo dục này vẫn giữ những tinh thần tự do cơ bản của nước Pháp trong giáo dục và đặc biệt, vì mục tiêu khai thác của nó, trong nhiều thiết kế của hệ thống này có giá trị thực tiễn, tính thực thi cao với chi phí thấp cho chủ thể nhà nước, đặc biệt trong khu vực đào tạo nghề chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
Cơ sở của hệ thống này là nguyên tắc tự trị. Khi đề cập đến nguyên tắc tự trị, tức là đồng thời chúng ta phải gỡ bỏ những rào cản hiện nay của giáo dục nước ta.
Rào cản đầu tiên là rào cản ý thức hệ.
Đất nước Việt Nam là của người Việt Nam hay là của ông Marx-Lenin?
Là của người Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam là của người Việt Nam hay của ông Marx-Lenin?
Là của người Việt Nam.
Vậy tại sao chương trình giáo dục từ phổ thông đến đại học, cao học… học thuyết Marx-Lenin phải chiếm vị trí độc tôn như hệ thống triết học, đạo đức, tư tưởng duy nhất?
Cần loại bỏ tình trạng này trong thiết kế chương trình giáo dục mới. Cần đặt học thuyết Marx-Lenin đúng vị trí của nó, chỉ là một phần nhỏ trong thế giới tư tưởng nhân loại, trong hệ thống tư tưởng, học thuyết cần cho sự giáo dục đào tạo người Việt Nam.
Rào cản thứ hai là rào cản biên chế. Việc loại bỏ biên chế đã nói ở trên đương nhiên cũng cần áp dụng cho ngành giáo dục. Tôi thấy cơ chế biên chế hiện đang tạo ra một sự bất bình đẳng và tiêu cực lớn trong ngàng giáo dục. Nó là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng, suy đồi đạo đức giáo viên và qua đó là chất lượng giáo dục. Rất khó đòi hỏi một giáo viên phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để chạy vào biên chế một sự lành mạnh, nguyên vẹn trong tâm hồn mình.
Rào cản thứ ba là rào cản ngân sách và sự phụ thuộc của địa phương, các trường đại học, cao đẳng vào ngân sách nhà nước. Đây thực chất là mô hình quản lý nhà nước tập trung, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Trong một trình độ phát triển thấp, số lượng trường lớp, học sinh, sinh viên có giới hạn mô hình này có thể phát huy hiệu quả. Nhưng trong một trình độ giáo dục phát triển cao, nhu cầu đào tạo đa dạng, số lượng trường lớp, học sinh sinh viên lớn mô hình này sẽ trở thành một rào cản, ngáng trở sự phát triển.
Với hệ thống giáo dục phổ thông
Loại bỏ được sự độc quyền ý thức hệ là cơ sở để gỡ bỏ sự độc quyền viết, xuất bản phổ biến sách giáo khoa, sách tham khảo ở các cấp học.
Trong nền giáo dục Pháp thuộc cũ, chương trình học do nhà nước quy định có tính cách bắt buộc trong việc giảng dạy nhưng sách giáo khoa lại hoàn toàn do các nhà xuất bản mời người biên soạn. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều giáo trình do các học giả VN, Pháp soạn thảo theo nguyên tắc này như: Văn học Sử yếu của Dương Quảng Hàm, Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim… Thiết kế này vừa tạo ra tính tự chủ cho các soạn giả, nhà giáo trong việc lựa chọn và thiết kế bài giảng, khuyến khích các học giả, nhà giáo nghiên cứu phát triển học thuật, sáng tạo tự do trong bài giảng. Mở cửa việc soạn thảo sách giáo khoa cho các cá nhân, tổ chức đồng thời tạo ra một khả năng lựa chọn đa dạng, cơ sở để có những sản phẩm sách tốt.
Thiết kế này đi liền với tính tự chủ của trường học, địa phương. Chẳng hạn cùng một chương trình toán cấp 3, sẽ có 5 bộ sách tham khảo của 5 nhóm tác giả khác nhau. Khi đó, việc chọn sách nào để dạy cho học sinh trong một trường A sẽ do Hội phụ huynh học sinh trường đó biểu quyết, quyết định. Nếu Hội phụ huynh không tự biểu quyết có thể trao quyền cho Hội đồng nhà trường. Việc lựa chọn sách có thể phân chia theo các nhóm học khác nhau nếu theo chương trình phân ban. Điểm cốt yếu trong thiết kế này là sự tự chủ của nhà trường, phụ huynh học sinh (đại diện cho học sinh), trong việc lựa chọn sản phẩm giáo dục cho con em mình.
Địa phương tự chủ về giáo dục, nghĩa là các địa phương hoàn toàn tự chủ trong việc chi ngân sách, chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đào tạo nhân lực… dưới sự giám sát của hội đồng nhân dân địa phương. Địa phương tự chủ về giáo dục đồng nghĩa với việc để địa phương chủ động trong việc chi trả lương cho giáo viên cấp học phổ thông. Mức lương có thể cần được quy định để đảm bảo một cuộc sống ổn định cho giáo viên trong mọi hoàn cảnh. Với những địa phương có khó khăn về ngân sách, trung ương có thể có những cơ chế hỗ trợ đặc thù.
Với hệ thống đào tạo nghề chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học
Thứ nhất, chúng ta có thể cân nhắc tiếp tục phát triển các trường vừa học vừa làm theo mô hình hiện nay. Theo mô hình này, những học sinh chỉ cần tốt nghiệp phổ thông cơ sở (lớp 9) có thể vào học các trường này, vừa tiếp tục học văn hóa tương đương cấp phổ thông trung học, vừa học nghề.
Thứ hai, hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng. Từ Cao đẳng ở đây tôi dùng theo nghĩa Cao đẳng École Supérieure – khác với trường gọi là cao đẳng hiện nay ở VN.
Tôi thấy xu thế bỏ các trường cao đẳng (cao đẳng của Việt Nam hiện nay), trung cấp nghề hiện nay của Việt Nam là phù hợp. Các trường này có thể gộp trung vào các trường đào tạo nghề vừa học vừa làm đã nói ở trên.
Trong hệ thống đào tạo cao nhất, chỉ nên gồm các trường Đại học (Université) và Cao đẳng (École Supérieure).
Chúng ta hãy tham khảo học chế đã được người Pháp áp dụng tại Việt Nam cho bậc học Cao đẳng và Đại học. Trường Cao đẳng (École Supérieure) là loại trường chuyên nghiệp, nhập học phải hội đủ điều kiện văn bằng đòi hỏi (tốt nghiệp phổ thông trung học) và qua một kỳ thi tuyển (concours). Trúng tuyển được cấp học bổng ăn học suốt học trình. Tốt nghiệp phải làm việc cho chính quyền một thời gian ấn định, nếu không, theo nguyên tắc, phải bồi thường tiền học bổng. Các trường cao đẳng, đào tạo các chuyên viên có nghề nghiệp nhất định như bác sĩ, kỹ sư, công chức, giáo sư… Đây là những nghề nghiệp đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, cần những tiêu chuẩn khắt khe về nghề nghiệp, người ra trường thường chỉ có thể làm được đúng nghề mình được đào tạo (khó có thể làm trái ngành). Các trường này có thể coi là thuộc hệ thống trường công do nhà nước bỏ chi phí đào tạo (một phần) và phục vụ các mục tiêu chiến lược của nhà nước.
Chúng ta, hiện nay có thể áp dụng mô hình này trong việc quản lý chất lượng giáo dục, về chi phí đào tạo, có thể nhà nước chỉ chi trả (dưới dạng cấp học bổng) cho những ngành đào tạo này gắn với nguồn nhân lực nhà nước cần, mà thị trường đào tạo không hoặc khó có khả năng cung cấp như: Kỹ sư nông nghiệp, bác sỹ cộng đồng, công chức hành chính, giáo viên phổ thông… Ngoài ra các ngành nghề khác mà thị trường có nhu cầu cao, có khả năng kiếm việc dễ và thu nhập cao, sinh viên phải tự túc học phí, nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua các chương trình cho vay vốn. Đương nhiên khi đó, ra trường sinh viên tự túc tìm việc làm.
Hệ thống trường Đại Học (Université) có thể xếp vào hệ thống trường tư muốn nhập học các trường đại học chỉ cần đủ điều kiện về văn bằng đòi hỏi mà không phải qua một kỳ thi tuyển. Việc thu nhận sinh viên không hạn định tuổi tác và số lượng. Sinh viên phải tự túc về học phí (ngoại trừ những sinh viên xuất sắc được học bổng). Khi tốt nghiệp chính quyền không có nhiệm vụ cung cấp việc làm, cá nhân phải tự tìm kiếm. (Tham khảo: Trần Bích San – Thi cử giáo dục Việt Nam dưới thời Pháp).
Đất nước ta không thể đứng một mình một cõi. Dân số nước ta cũng không thể đông như người Trung Quốc để có thể lấy số đông mà áp chế người. Ai cũng biết chúng ta cần hội nhập, cần phát triển. Hội nhập, phát triển thì không thể đóng khung tư tưởng con em mình, đóng khung nền giáo dục nước nhà như những “Con ngựa già của chú Trịnh” chỉ thấy một bầu trời nhỏ hẹp qua khe mắt.
1.2. Chấn hưng văn hóa
Cải cách giáo dục, gỡ bỏ áp chế về tư tưởng cần đi đôi với việc chấn hưng văn hóa. Học giả Nguyễn Khắc Viện trong cuốn Đạo và Đời có kể một câu chuyện rất đáng suy nghĩ như sau: Ông kể rằng thời trẻ, ông một anh học trò Tây học, dù biết rằng mình hơn hẳn những anh nhà nho quần chùng áo dài khi đó về kiến thức khoa học, thậm chí địa vị trong xã hội, nhưng vẫn có một cái gì đó mặc cảm. Vẫn thấy ở anh nhà nho kia cái gì đó nể vì, dù biết rằng anh ta hủ lậu. Sau đó, Nguyễn Khắc Viện đã giải thích sự nể vì đó là hồn cốt, là cái cao quý của nhà nho, là cái văn hóa của dân tộc. Với chương trình Tây học Nguyễn Khắc Viện học được thật nhiều kiến thức, nhưng lại thật ít đạo, đạo làm người, đạo trời đất, đạo ở đời, những thứ mà bất kỳ anh khóa nào cũng vượt trội hơn hẳn mình. Điều đó không khó giải thích vì những bài học chữ nghĩa đầu tiên của các nhà nho đã đều là các bài học đạo lý thâm sâu về trời đất con người “nhân tri sơ, tính bản thiện”. Không chỉ học, các nhà nho, các anh khóa còn áp dụng và có ý thức áp dụng ngay những đạo lý mình đã học thành châm ngôn hành động của mình.
Ngày nay, ta có thể gặp không ít người nhiều năm sống ở trời Tây, theo học có bằng cao học, tiến sỹ ở châu Âu mà vẫn mang một đầu óc đầy định kiến và ấu trĩ. Tinh thần, văn hóa phương Tây không dễ gì tiếp nhận được ngày một ngày hai. Phương pháp khoa học, phương pháp nghiên cứu chỉ cần cố gắng trong vài tháng vài năm là có thể lĩnh hội được, nhưng cái tinh thần, hồn cốt căn bản thì đòi hỏi rất nhiều.
Để có được tinh thần khoa học, tinh thần dân chủ tự do bây giờ người phương Tây đã có một lịch sử phát triển dài lâu, hồn cốt của tinh thần này họ truyền qua thế hệ con cháu từ thói quen, tập tục đến những tác phẩm nghệ thuật, thơ ca, văn chương, hội họa, âm nhạc… Hiểu và lĩnh hội những thứ đó cần một sự nỗ lực thực sự và một thời gian đủ lớn để trải nghiệm.
Nền nho học cũ của chúng ta đã không giúp quốc gia chống chọi với đại bác thực dân Pháp, nhưng ít ra nó, với lực lượng đông đảo các nho sinh, ông tú, ông cử trải rộng, đi sâu khắp xã hội, cũng giúp phổ biến, gìn giữ, những phẩm giá cao quý của con người. Nền nho học, có thể cần được nhìn nhận theo cách khác, không phải chỉ đào tạo ra những người đi làm quan, mà còn đạo tạo ra những người quân tử trong cộng đồng. Nhà nho trong một cộng đồng, dù ở chức vị nào cũng là biểu trưng cho văn hóa, cho những giá trị cao đẹp và bản thân họ cũng ý thức, gìn giữ những giá trị này, khác hẳn với các quan chức công quyền hiện nay. Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc.
Chúng ta cùng suy nghĩ lại thật nghiêm túc về nền giáo dục, về sự nghiệp chấn hưng văn hóa ngày nay, khi có lẽ chúng ta ngày nay đã chỉ “hớt váng” những thành quả khoa học phương Tây, chưa đi sâu được vào căn cốt, lại đồng thời mai một những giá trị, những hồn cốt cao quý của dân tộc.
Cũng học giả Nguyễn Khắc Viện đã đánh giá, sau cách mạng tháng 8, đặc biệt là sau phong trào đưa trí thức về nông thôn, văn học VN đã tiếp nhận được một làn gió mới với các sáng tác từ đồng ruộng đi ra. Người nông dân rũ bùn, gạt mồ hôi bước vào văn học, các sáng tác về người nông dân, của chính những người nông dân nở rộ hơn bao giờ hết, đẩy lùi trào lưu văn học lãng mạn tiểu tư sản những năm 1930. Bỏ qua một vài khía cạnh tích cực của trào lưu này thì tôi cho rằng hệ quả tiêu cực của nó, cùng với Nhân văn Giai phẩm, cùng với nạn Sùng bái cá nhân, nền văn học, văn hóa nước nhà đã có một cuộc đảo lộn ngoạn mục và kinh khủng, văn hóa tiểu nông lên ngôi. Những tri thức, những tinh hoa dân tộc bị đẩy lùi, bị giam hãm vào một góc tối không thể nào cựa quậy được. Đó là bi kịch cho bất cứ một dân tộc nào gặp phải.
Trong Việt Nam văn hóa sử cương học giả Đào Duy Anh đã nhận định trong mỗi người Việt Nam có một ông quan và một nhà thơ. Một ông quan có vẻ gì đó kiêu bạc và một nhà thơ có tâm hồn mơ mộng. Tôi hiểu ý của Đào Duy Anh là phê phán, chính ông quan và nhà thơ này, vì kiêu bạc, vì mơ mộng đã thực không phải là những con người hành động, để cải tổ, để canh tân để đổi mới đất nước, mà gần nhất (thời Đào Duy Anh) là giúp dân tộc VN tránh được gần 100 năm nô lệ thực dân.
Nhưng cũng với “ông quan và nhà thơ” ngày nay, nếu một mặt “ông quan ngày nay” vẫn giữ được cốt cách của người quân tử, một mặt vẫn không ngừng cởi mở học hỏi không ngừng, không chịu thua kém tụt hậu với bạn bè lân bang thì lại là tốt. Còn “nhà thơ”, chẳng phải cả người châu Âu hiện nay đang tìm lại bản năng xúc cảm, đề cao trí tưởng tượng hay sao? Sao không biến tinh thần nhà thơ này thành tinh thần tiến thủ, tinh thần dám phiêu lưu mạo hiểm, dám đối mặt với mọi nguy nan, dám thám hiểm, khám phá mọi chân trời mới dù đó là chân trời địa lý hay tri thức – khoa học?
Tôi đã thấy những xu hướng mới đáng khích lệ, các bậc cha mẹ ngày nay đã quan tâm hơn đến sự phát triển trí tuệ, văn hóa của con mình, không chỉ dừng ở việc học trên lớp. Nhiều bàn luận về văn hóa đọc, cách đọc, khuyến khích con đọc sách đã được đưa lên báo chí, diễn đàn thảo luận. Theo tôi cách tốt nhất để tạo cho con mình có thói quen đọc sách là bản thân mình hãy có thói quen đọc sách. Khi con cái thấy mình đọc thì tự chúng sẽ tìm đến sách mà đọc. Khi con cái thấy nhà có tủ sách đủ loại thì tự chúng nó có hứng mà đọc, tò mò mà đọc. Đọc sách cũng đừng cầu mong tìm ngay tri thức như tìm hòn ngọc, viên kim cương. Tôi chẳng thấy có quyển sách nào có thể là kim chỉ nam cho cả đời người. Sách chỉ nên coi là bạn, bạn đường, bạn tâm sự, những ý tưởng, những gợi cảm từ cuốn sách chỉ nên coi là chất xúc tác cho ta suy tư hơn là tìm kiếm dễ dãi một phương thức hành động, một triết lý để ta bám vào đó mà theo. Tự ta phải suy tư là căn bản.
Tôi cũng thấy nhiều người quá chú trọng vào việc chọn sách, cách đọc sách. Theo tôi thì mỗi người có một cách đọc khác nhau, mỗi người có một gu đọc khác nhau, hình thành trong chính quá trình tìm, đọc sách của họ. Hãy bắt đầu bằng những cuốn sách, những vấn đề mình quan tâm thích thú, dần dần bạn sẽ có cách đọc, có gu đọc sách của riêng mình. Những bài điểm sách, những bài giới thiệu sách của các học giả có uy tín có thể giúp bạn nhanh chóng hơn trong việc tìm kiếm các chủ đề, cuốn sách mình quan tâm, nhưng điều đó không thể thay thế cho việc đọc. Có một học giả đánh giá cao ông Tập Cập Bình – TBT Trung Quốc vì “ông Bình là lãnh đạo biết đọc sách. Người đọc sách có khả năng tư duy các vấn đề phức tạp”.
Google, Vikipedia ngày nay có thể cung cấp cho ta ngay lập tức hầu như mọi kiến thức phổ thông; báo chí, đặc biệt là báo điện tử có thể cung cấp cho chúng ta thông tin 24/24; nhưng việc kiên nhẫn đọc hết một quyển sách đọc, lĩnh hội được ý nghĩa toàn thể của nó chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tư duy khác, một sự rèn luyện trí tuệ khác.
Nói về chuyện đọc sách mở mang kiến thức là nói đến thị trường sách, môi trường học thuật. GS Trịnh Văn Thảo trong cuốn Ba thế hệ tri thức người Việt đã có ý nuối tiếc và cả kỳ vọng về một trào lưu học thuật, tư tưởng của một thế hệ tri thức người Việt vừa nhen nhóm và đã vội lụi tắt ở miền Nam trước năm 1975.
Vậy sao chúng ta ngày không cùng chung tay để khơi lại những mạch nguồn này. Đừng chờ đợi. Chúng ta không muốn làm nô lệ thì chúng ta phải tự thân vận động. Hãy làm những việc chúng ta coi là có ích trong phạm vi năng lực của mình và sẵn sàng hợp tác với những người đồng chí hướng. Khi chúng ta chờ đợi và trông cậy vào chính quyền vào nhà nước là chúng ta đã chui một nửa người vào vòng áp chế, nô lệ của chính quyền. Người Mỹ không làm thế.
Khi nghiên cứu về nền dân trị Mỹ A.Tocqueville đã thấy tinh thần tự chủ của từng người dân Mỹ chứ không phải thiết kế khôn ngoan đã giúp người Mỹ có một nền dân trị tốt đẹp. Trước khi kêu gọi sự trợ giúp của chính quyền, dù đó là một việc làm vì lợi ích chung, người Mỹ sẽ tự làm, tự vạch ra kế hoạch hành động và kêu gọi người khác cùng chung tay. Tinh thần tự chủ này, đến nay ta vẫn còn thấy, qua các cơn khủng hoảng như sau vụ khủng bố 11/9, người ta thấy những người dân Mỹ tự tập hợp nhau thành nhóm để bảo vệ các cửa hàng, cửa hiệu của ngưởi Ả Rập trước khi chờ đợi lực lượng cảnh sát của chính quyền tìm đến.
Ngày nay, Việt Nam chúng ta cũng có thể tìm thấy những tấm gương tự chủ như thế, nhóm Cánh Buồm trong giáo dục, chương trình Tủ Sách Nông Thôn của anh Nguyễn Quang Thạch, nhóm Cơm Có Thịt của nhà báo Trần Đăng Tuấn, nhóm Áo ấm biên cương… cùng rất nhiều các nhóm từ thiện khác. Đó là những ví dụ tiêu biểu cho tinh thần tự chủ. Chúng ta cần thật nhiều, những con người, những nhóm có tinh thần tự chủ như thế ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực học thuật. Việc xuất bản các tập san, các tạp chí được tổ chức tốt, có tính học thuật cao sẽ không chỉ là môi trường để những nhà nghiên cứu, học giả thi thô tài năng, khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo.. mà còn giúp xã hội nhìn nhận ra những giá trị đích thực, những học giả đích thực. Đừng chờ đợi chính quyền, chúng ta, mỗi người hãy thử nghĩ xem liệu có thể làm được những gì thì hãy bắt tay ngay vào làm.
Lời kếtĐề ra một chương trình cải tổ cho cả một đất nước, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là một sự mạo hiểm to lớn. Nhưng vì e ngại mạo hiểm mà tất cả bó tay, chùn gối thì đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi đến đâu?
Trên tinh thần tự chủ, bắt tay ngay vào việc đã thúc đẩy chính tôi quyết định viết ra chương trình này. Tôi cũng xin hết sức lưu ý, những ý kiến đưa ra ở đây cần được nhìn nhận thật đúng mức, đó là ý kiến của một cá nhân đưa ra để cùng thảo luận, chia sẻ, vì thế, nó mang mọi hạn chế của cá nhân đề xuất ra nó và mọi tính khả nghi chân lý. Tôi cho rằng, bất cứ ý kiến nào đưa ra sai hay đúng, nếu được thảo luận dân chủ, tự do cuối cùng chân lý sẽ lộ diện, đó cũng chính là ưu thế của dân chủ, tự do mà độc tài, áp chế không thể có.
Nhà thơ Gia Hiền đã ngậm ngùi viết: “Thế hệ tôi/một thế hệ cúi đầu”.
Nhưng tại sao? Tại sao? Tại sao?
Tại sao chúng ta không phải là một thế hệ ngẩng mặt? Một thế hệ dấn thân? Một thế hệ thay đổi?
Chỉ cần ngay hôm nay mỗi người, hãy thử thay đổi thái độ của mình, thử một lần vượt lên lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm. Hãy thử một lần vượt lên oán thù, vượt lên định kiến ý thức hệ. Hãy thử một lần đặt dân tộc lên trên hết, chúng ta, dân tộc chúng ta sẽ có một tương lai khác.
Nguyễn Đắc Kiên
Tải xuống bản pdf: MỘT CON ĐƯỜNG CẢI TỔ
http://dackien.files.wor...m/2013/05/document-f.pdf