VRNs (23.02.2014) – California, USA - Trong những thập niên vừa qua, vòng luẩn quẩn tạo nên nỗi đau triền miên
chưa dứt của dân tộc chúng ta chính là “sự sợ hãi chính trị” và “nền chính trị tạo sự sợ hãi” khiến người dân không
dám vùng lên đòi lại quyền sống đã bị tước đoạt của chính mình.
Bên cạnh chính sách đàn áp và kết tội “phản động” của chế độ Cộng sản Việt Nam (CSVN) đối với các nhà hoạt động
yêu nước khiến nhiều người Việt trong nước đâm “sợ chính trị”, còn có những nguyên nhân khác mà đồng bào chúng
ta, ngay cả người Việt ở hải ngoại, cũng mang mặc cảm/thành kiến rất tiêu cực này, đó là vì:
1. Chưa thấu rõ ý nghĩa của chính trị, đặc biệt là cụm từ “làm chính trị”.
2. Kinh nghiệm đau thương đã đưa đến những thành kiến lệch lạc về chính trị.
3. Bị đầu độc do chính sách nhồi sọ của chế độ CSVN cho rằng “chính trị và đảng phái là xấu”.
Để bỏ đi thành kiến về chính trị và có một thái độ tích cực đối với vận mệnh của đất nước đang bị một guồng máy
chính trị sai lầm làm ruỗng nát, bài viết này muốn chia sẻ một số ý niệm cập nhật về chính trị của thế giới ngày nay và ý
thức cần có để đương đầu cũng như xóa bỏ nền móng “chính trị của sự sợ hãi”.
Chính trị là gì?
Theo các chuyên gia về chính trị học, có nhiều cách hiểu hay định nghĩa về chính trị khác nhau. Các khái niệm đúc kết
từ nhiều khuynh hướng, cả nghĩa hẹp và rộng bao gồm:
1. Chính trị là một nghệ thuật và khoa học về phép cai trị, cách phân phối tài nguyên và trách nhiệm, cũng như cách tổ
chức và điều hành một quốc gia.
2. Chính trị là một nghệ thuật và khoa học xử thế để tạo ảnh hưởng và thực hiện ý tưởng hay ước muốn của mình.
Thí dụ trong một tổ chức xã hội, kinh tế, tôn giáo … con người vận dụng khả năng của mình nhằm đạt tới một điều gì
đó (như tầm ảnh hưởng, sự kính trọng, tiền bạc, quyền lực, không gian hay nơi chốn, vị trí, quan điểm, thành viên
v…v…) thì đều là các hoạt động mang tính chính trị. Đặc biệt, con người không thể làm việc này một mình nên phải
liên kết/kết đoàn với những người chung một mục tiêu để hành động.
Nhu cầu “kết đoàn”, tạo “liên minh” hay “phe phái” đã được nhà nghiên cứu động vật của Hòa Lan cũng là một thành
viên của Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoa Kỳ, Tiến sĩ Frans De Waal – tác giả cuốn sách nổi tiếng “Chimpanzee Politics
and Our Inner Ape” (Chính trị của loài vượn và con người hoang sơ trong chúng ta) đã kết luận là sinh hoạt xã hội của
loài vượn cũng mang tính “chính trị”.
Khuynh hướng “kết đoàn/liên minh” (forming coalition) đã khiến con người trở thành những “động vật chính trị bẩm
sinh” (natural political animals).
Chúng ta để ý ngay từ các em nhỏ trong gia đình hay lớp học, giữa 3 em là thường đã có 2 phe; tùy việc các em đang
nhắm đến là gì mà một bé đang thuộc phe này có thể đổi sang phe khác. Nếu một em cảm thấy bị lẻ loi, sẽ có thể đi
tìm sự hỗ trợ/đồng thuận từ một người bạn khác hay từ bố mẹ.
Do đó, chính trị hiểu theo nghĩa rộng, bàng bạc trong mọi lãnh vực hoạt động của con người cùng đi tìm một mục tiêu
và giá trị chung. Trong tương quan này, dù kết hợp với người khác để thực hiện mục tiêu của mình hay để vô hiệu hóa
sự cản trở của người khác thì đều là những hoạt động mang tính chính trị.
Trong một quốc gia chưa có cơ hội sinh hoạt chính trị rộng mở với một nền dân chủ đích thực như Việt Nam, cách
hiểu chính trị theo định nghĩa 2 ít được biết đến. Do đó mà thường có những ngộ nhận về việc tham gia các sinh hoạt
mang tính chính trị là “làm chính trị” (hay “tham chính”).
Thành kiến: Làm chính trị là xấu
Vì là nạn nhân của các hệ thống chính trị độc tài, thực dân, cộng sản … và phải kinh qua các cuộc chiến khốc liệt gắn
liền với các thể chế chính trị, nên người Việt Nam có thành kiến với “làm chính trị” mà quên mất những điều căn bản
sau đây:
1. Như tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống, không có chính trị xấu mà chỉ có người xấu làm chính trị. Tuy làm chính trị
là phải có sự thắng thua trên chính trường, nhưng nếu người làm chính trị không dùng những thủ đoạn xấu để tranh
giành ảnh hưởng hay quyền lực thì sự cạnh tranh đó lành mạnh không khác gì mọi nỗ lực ganh đua khác trong cuộc
sống như thi tuyển vào một hãng xưởng, trường học, các tiệm ăn cố gắng nấu ngon, giá rẻ để câu khách … Ganh đua
không có nghĩa là tiêu diệt, trừ khử nhau. Trong xã hội văn minh của loài người hiện nay, ganh đua là làm tốt hết sức
mình để tạo ảnh hưởng, là đi tìm sự đồng thuận bằng thuyết phục chứ không bằng ép buộc hay bạo lực.
2. Với định nghĩa 1, chúng ta thấy “làm chính trị” là điều cần thiết để đem lại ổn định và phát triển cho xã hội hay quốc
gia nếu người tham chính có tâm tốt và cùng xây dựng một hệ thống chính trị tốt đẹp để phục vụ người dân. Thử
tưởng tượng một xã hội không có ai ra tham chính, tất nhiên guồng máy điều hành quốc gia sẽ không có, và xã hội đó
sẽ như thế nào? ai bảo ai nghe? Do đó, xã hội phải biết mang ơn và khuyến khích người ra tham chính, thay vì có thái
độ chê bai/xa lánh/bài bác người có lòng muốn phục vụ xã hội qua guồng máy chính quyền.
Nếu chúng ta coi rẻ/khinh miệt hoặc sợ chính trị mà không tham chính hoặc góp phần xây dựng một hệ thống chính trị
lành mạnh, tức là chúng ta đã mặc nhiên để cho người khác định đoạt vận mệnh của chính mình vì hệ thống chính trị
của một quốc gia bao trùm lên mọi lãnh vực của đời sống. Các hệ quả tốt, xấu trong một xã hội thường là do hệ thống
chính trị của xã hội đó đem lại. Người tốt không can dự vào guồng máy chính trị tức là để cho kẻ xấu có cơ hội thao
túng, hoành hành. Ngược lại, tham gia để xây dựng một guồng máy chính trị tốt, phục vụ cho con người chính là việc
làm từ thiện mà trái tim nhân ái của con người luôn hướng tới.
Người có lòng tốt nhưng sợ hai chữ chính trị và chỉ muốn làm việc từ thiện (như cứu giúp người nghèo) tức không
nhìn ra cái gốc của vấn đề là guồng máy chính trị lạc hậu, tham ô, tàn bạo sản sinh ra muôn vàn những vấn nạn và khổ
đau triền miên cho xã hội. Việc từ thiện này rất đáng quý nhưng có nghĩa là sẽ phải suốt đời chạy theo “băng bó các
vết thương xã hội” không ngừng “chảy máu” đó. Diệt trừ cái gốc độc tài chính là việc làm Từ Thiện thích đáng và lớn
lao nhất cho đất nước chúng ta ngày hôm nay.
3. “Làm chính trị” hay không, công dân một nước đều phải có bổn phận chính trị (bỏ phiếu, tôn trọng luật pháp … ), có
quan điểm chính trị (hỗ trợ dân chủ, chống độc tài, cộng sản, tham nhũng, ghét cái ác, ủng hộ cái thiện …), hoạt động
chính trị (lên tiếng, biểu tình hay tham gia các buổi hội thảo ủng hộ nhân quyền, chống quân xâm lược … )
Chính trị nằm trong mọi sinh hoạt của đời sống
Theo định nghĩa 2, một nhà hoạt động, tin tưởng vào một điều gì là đúng, là tốt đẹp và muốn thực hiện điều đó; trước
hết họ phải đi tìm đồng minh, tức những người cùng chia sẻ một suy nghĩ/lý tưởng nào đó; hoặc đi tìm những người
khác ý kiến rồi thuyết phục họ đồng thuận với mình. Với định nghĩa này, chính trị nằm trong mọi lãnh vực và sinh hoạt
của đời sống. Trong khynh hướng tự nhiên “đi tìm đồng minh và kết đoàn” này của nhân loại, người có niềm tin mãnh
liệt còn chủ động đi thuyết phục cả những người trong một tổ chức khác tham gia tổ chức, tôn giáo hay đảng phái của
mình. Sự cạnh tranh này không có nghĩa là xấu nếu nó được thực hiện một cách trong sáng, đó là:
1. Không cưỡng bách; không dùng bạo lực hay sự đe dọa; làm trong tinh thần tương kính đối tượng, tôn trọng sự
chọn lựa của người khác.
2. Không “nói xấu” hay tấn công một cách phi nghĩa; tức là vạch ra những hay dở trên tinh thần xây dựng và dựa vào
sự thật – không bịa đặt, không phóng đại tô mầu để làm sai sự thật.
Chính sách đe dọa và bạo lực đối với các hoạt động chính trị tại Việt Nam
Làm sao khắc phục và chiến thắng?
Mục tiêu của chế độ CSVN là duy trì quyền lực độc tôn cho nên cấm đoán mọi phản biện, mọi sinh hoạt đảng phái và
ngăn cản sự thành hình của mọi tổ chức nằm ngoài luồng kiểm soát của chế độ. Song song, họ còn đưa người vào
len lỏi, thao túng các tổ chức kể cả tôn giáo, và buộc tội “chính trị” cho tất cả mọi hoạt động quy tụ quần chúng. Chính
sách dùng bạo lực, gieo nghi ngờ và cấy sợ hãi trong quần chúng đã phần nào tạo thêm những phản ứng tiêu cực về
các hoạt động hay hành xử chính trị.
Chính sách này cũng được áp dụng tại các nước cựu cộng sản và độc tài ở khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ riêng
gì tại Việt Nam. Vậy chúng ta giải thích ra sao khi, với dòng lịch sử hào hùng của dân tộc, mà Việt Nam lại là một trong
4 quốc gia cộng sản duy nhất còn sót lại trên thế giới? và tại sao 3 trong 4 quốc gia cộng sản còn sót lại đều là Á Đông
(Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam)?
Phải chăng vì người dân ba quốc gia Á Đông bất hạnh này có chung 2 nhược điểm là (1) Mặc cảm ghét/sợ chính trị vì
thiếu hiểu biết về chính trị, do đó thiếu ý thức về chính trị, và (2) Thiếu chủ động vì quá “tôn trọng tôn ti trật tự” dù đây
là một trật tự phi lý khi chủ nhân của đất nước bị chính những kẻ “công bộc” bóc lột, trấn áp bằng thứ “thẩm quyền
tuyệt đối” tự phong.
Nếu quả đúng như vậy, thì việc từng công dân Việt Nam chủ động nắm lấy vận mệnh của chính mình – không thờ ơ,
thụ động chờ đợi hay giao khoán cho người khác làm hộ; Và vượt qua mặc cảm chính trị để tham dự vào mọi sinh hoạt
đưa đến sức mạnh chuyển hóa chung cho tình trạng chính trị lạc hậu của đất nước, chính là đập vỡ thành trì của bạo
lực và đem lại vận hội mới cho dân tộc.
Xã hội Dân Sự là chìa khóa giúp vượt qua sợ hãi
Sự xuất hiện gần đây của những đoàn thể như hội Bảo vệ dân oan, hội Bầu bí tương thân, hội Phụ nữ nhân quyền, hội
Anh em dân chủ, hội Cựu tù nhân lương tâm… cho thấy là phương tiện truyền thông hiện đại đã giúp con người vượt
qua những trở ngại không gian và cấm đoán để tìm đến nhau, giúp nhau vượt qua sự sợ hãi, gia tăng ý thức về chính
trị, và cùng bắt tay thực hiện những điều muốn làm mà không còn chờ đợi sự cho phép từ chế độ CSVN. Khi người
dân tự ý thức kết đoàn để giúp nhau thăng tiến thì đó là khởi điểm của sự phát triển xã hội dân sự.
Xã hội dân sự (XHDS) khởi đi từ nhu cầu “kết hợp” tự nhiên của con người trong phản ứng sinh tồn và cạnh tranh (lành
mạnh) để thăng tiến; do đó, không thể nói là XHDS “phi chính trị”, nhất là trong hoàn cảnh độc tài chính trị trên đất
nước ta ngày hôm nay.
Sinh hoạt XHDS giúp người dân tự chủ hơn, mạnh dạn hơn để tỏa rộng thành một phong trào chuyển quyền lực từ
thiểu số độc quyền sang đại khối dân tộc.
Khi nằm ngoài sự chi phối của nhà nước độc tài, những đoàn thể xã hội dân sự không chỉ đại diện cho tiếng nói độc
lập của người dân mà còn là nơi đưa ra những yêu sách để đòi hỏi nhà cầm quyền phải giải quyết theo nguyên vọng
tập thể. Và khi có nhiều yêu sách của tập thể, các xã hội dân sự sẽ biến thành nơi giám sát các hoạt động của chính
quyền và trở thành nền tảng của đa nguyên về chính trị.
Qua những phân tích nói trên, chúng ta thấy rằng sự sợ hãi chính trị không chỉ làm hại cho quyền tự do lập nhóm, lập
hội của mỗi công dân mà còn giúp cho guồng máy cai trị bằng sự sợ hãi tiếp tục ngự trị trên đất nước. Hãy cùng tháo
gỡ vòng kim cô của “sự sợ hãi” trên đầu dân tộc bằng cách xóa bỏ thành kiến về chính trị và hăng hái tham gia mọi
sinh hoạt đấu tranh để đem lại những thay đổi rốt ráo nhất cho Việt Nam.
Trần Diệu Chân, Ph.D
** Ts. Trần Diệu Chân đã miệt mài đóng góp cho nỗ lực chung hướng đến dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ
1982 đến nay.
Nguồn tham khảo:
1. Johnson, Eric Michael. “Frans de Waal on Political Apes, Science Communication, and Building a Cooperative
Society”
http://blogs.scientifica...011/07/11/frans-de-waal/2. Kinsey, Todd. “All of Life is Politics”.
http://toddkinsey.com/bl...all-of-life-is-politics/3. Hanley, James. “What Is Politics?”
http://ordinary-gentleme...0/12/21/what-is-politics4. Heywood, Andrew. “What is politics?”
andrewheywood.co.uk/documents/What%20is%20politics.doc
5. Modebadze, Valeri. “The term politics reconsidered in the light of recent developments” (2010)
http://www.econstor.eu/b...19/54647/1/644242132.pdf