Ông Nguyễn Bắc Truyển bị hành hung trong chuyến đi vận động nhân quyền Sau cuộc gặp với bà Nadia Krivetz, Phó Đại sứ Australia, vợ chồng ông Truyển được ông David Skowronski, bí thư thứ hai chuyên trách chính trị-kinh tế của sứ quán đưa vào bệnh viện chữa trị vết thươngMột nhà bất đồng chính kiến trong nước bị tấn công gây thương tích lần thứ nhì trong 2 tuần lễ liên tiếp khi ông đang thực hiện chuyến đi vận động các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền.
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển cho VOA Việt ngữ biết ông và vợ bị 4 an ninh thường phục vô cớ xông vào hành hung lúc 2 giờ chiều ngày 24/2 tại phố Đào Tuấn-Liễu Giai (Hà Nội) khi đang trên taxi tới đại sứ quán Australia để thảo luận về tình hình nhân quyền Việt Nam. Các hình ảnh do ông Truyển cung cấp cho VOA Việt ngữ cho thấy ông bị các thương tích trên mặt.
Ông Truyển bị hành hung khi đang trên đường đến đại sứ quán Úc để thảo luận về tình hình nhân quyền Việt Nam.Trong cuộc trao đổi với Trà Mi sau khi rời bệnh viện, ông Truyển thuật lại chi tiết vụ việc.
Nguyễn Bắc Truyển: Tôi và vợ ra Hà Nội tới một số sứ quán trình bày về vụ việc ngày 9/2 tôi bị bắt giữ trái phép, nhà cửa bị đập phá, bị công an sách nhiễu và vụ 21 người bị công an huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đánh và bắt giam. Hôm nay là ngày vận động đầu tiên, tôi có hẹn với đại sứ quán Úc. Trên đường từ giáo xứ Thái Hà tới đại sứ quán Úc, tôi bị 4 công an thường phục tấn công, những người này tôi đã nhận dạng vì họ theo dõi tôi từ khi tôi tới Hà Nội. Một người cho xe nhào vô taxi để taxi dừng lại. Ba người kia mở cửa ra đánh tài xế, tài xế bỏ chạy. Còn lại 2 vợ chồng tôi trong xe, họ nhào vô đánh, lôi tôi và bà xã tôi ra ngoài đánh. Sau đó, tôi đến đại sứ quán Úc làm việc với bà Phó đại sứ. Họ đề nghị đưa vợ chồng tôi đến một bệnh viện gần đó khám. Kết quả khám nghiệm cho thấy xương mũi tôi bị nứt.
VOA: Có những bằng chứng nào khác khiến anh xác quyết rằng những người tấn công anh hôm nay là người của an ninh, chứ không phải côn đồ hay ‘quần chúng tự phát’?
Nguyễn Bắc Truyển: Tôi thấy trong đó có 1, 2 khuôn mặt quen thuộc đã theo dõi tôi hai ngày nay. Ngoài ra, tôi không có thù oán với xã hội đen hay giang hồ của bất kỳ địa phương nào ở Việt Nam. Hơn nữa, người dân thường sẽ không dám đi trên 1 chiếc xe gắn máy không bản số, chở 3 người, và không đội mũ bảo hiểm.
VOA: Khi họ bất chợt tấn công vào xe taxi, họ có nói nguyên do vì va quẹt giao thông hay vì lý do nào khác không?
Nguyễn Bắc Truyển: Họ không nói bất cứ điều gì, chỉ nhào vô đánh mà thôi.
VOA: Anh có kêu cứu không và có sự can thiệp nào không?
Nguyễn Bắc Truyển: Tôi nói ‘Công an đánh người’, rất đông dân xúm lại, khoảng 10 phút sau thì họ bỏ chạy.
VOA: Lịch trình các chặng vận động của anh sắp tới như thế nào?
Nguyễn Bắc Truyển: Ngày mai và mốt tôi tới đại sứ quán Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Đức, và Thụy Điển. Sau khi tôi bị tấn công như vậy, tôi đề nghị họ thu xếp gặp tôi một chỗ thôi thay vì phải đi nhiều nơi.
VOA: Sau những gì xảy ra, anh tìm đến phương cách nào để tự vệ trong những ngày vận động sắp tới?
Nguyễn Bắc Truyển: Sống ở Việt Nam, họ đánh đập mình là chuyện bình thường lắm. 21 người đến thăm tôi bị đánh rất đau đớn, bị bắt, bị khởi tố. Hiện còn 3 người bị giam. Nỗi đau của tôi hôm nay chỉ là phần nhỏ thôi. Tôi không có phương thức nào tự vệ hết. Tôi chỉ là một nhà hoạt động. Họ đánh, đàn áp, hay giết mình, mình cũng phải chịu thôi. Chấp nhận dấn thân vào con đường này, mình không có gì phải e ngại vấn đề đó cả.
VOA: Những gì xảy ra với anh và bạn bè của anh từ đầu tháng 2 tới giờ là một tín hiệu thế nào đối với giới hoạt động trong nước?
Nguyễn Bắc Truyển: Tôi nghĩ Việt Nam muốn chứng minh cho thế giới biết rằng họ không sợ gì vấn đề UPR và áp lực nhân quyền. Do đó, chúng tôi muốn báo tới các quốc gia trên thế giới rằng khi các nguyên thủ Việt Nam đến nước họ để bàn thảo chính trị-kinh tế-nhân quyền, thì hãy có cách thức ảnh hưởng và áp lực họ, buộc họ tôn trọng nhân quyền. Khi bắt tay với họ phải hết sức thận trọng vì tay họ luôn dùng bạo lực với người dân trong nước.
VOA: Tại các chặng dừng kế tiếp trong chuyến vận động nhân quyền lần này, anh dự định sẽ có những đề nghị cụ thể nào đối với các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam?
Nguyễn Bắc Truyển: Tôi sẽ đề nghị thứ nhất là phải thả tù nhân lương tâm, ngưng sách nhiễu-đàn áp những nhà bất đồng chính kíên, những người đấu tranh, những blogger. Ngoài ra, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thay đổi cách quản trị đất nước. Thay vì dùng côn đồ để điều hành đất nước, họ nên tuân thủ pháp luật vì đó là đích đến của một đất nước văn minh, tiên tiến. Qua sự kiện Ukraina vừa qua, chúng ta thấy dù Tổng thống có ra lệnh cho cảnh sát bắn vào đoàn biểu tình chết 77 người, nhưng cuối cùng ông ấy cũng không giữ được ghế của mình, phải bỏ chạy.
VOA: Trong các đề nghị anh vừa nêu lên, ưu tiên của anh là phóng thích tù nhân lương tâm. Liệu quốc tế có thể giúp thế nào trong vấn đề này khi mà mới thứ năm tuần trước, phát ngôn nhân Lê Hải Bình, khi đáp lại bình luận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ về vụ án luật sư Lê Quốc Quân, đã một lần nữa khẳng định rằng tại Việt Nam không có cái gọi là ‘tù nhân lương tâm’?
Nguyễn Bắc Truyển: Việt Nam không tuân thủ các giá trị phổ quát về nhân quyền mà tự nghĩ rằng các giá trị nhân quyền ở Việt Nam khác với quốc tế. Chúng tôi, những nhà đấu tranh, phải cố gắng thúc đẩy cho nhà cầm quyền hiểu được rằng nhân quyền phải được hiểu theo giá trị phổ quát. Chúng ta đấu tranh bất bạo động trong khi nhà cầm quyền Việt Nam rất thích dùng bạo lực để ngăn cản sự đấu tranh của những người yêu nước.
Sau cuộc gặp với bà Nadia Krivetz, Phó Đại sứ Australia, vợ chồng ông Truyển được ông David Skowronski, Bí thư thứ hai chuyên trách chính trị-kinh tế của sứ quán đưa vào bệnh viện chữa trị vết thương.
Trước đó, hôm 9/2, đông đảo công an đã ập vào nhà ông Truyển ở huyện Lấp Vò, (tỉnh Đồng Tháp) đập phá đồ đạc, đánh đập và bắt giải ông đi với cáo buộc ‘chiếm đoạt tài sản người khác’. Ông Truyển được phóng thích 24 giờ sau khi tin tức về vụ việc này được lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội.
Một nhóm thân hữu về Đồng Tháp để thăm hỏi ông khi nghe tin ông gặp nạn cũng bị an ninh thường phục lẫn sắc phục tấn công và bắt giữ hôm 11/2.
Ba trong số 21 người bị bắt vẫn còn bị giam giữ để truy tố về tội danh ‘gây rối’ bao gồm bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Nguyễn Văn Minh, và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh.
Ông Nguyễn Bắc Truyển từng lãnh án 3 năm rưỡi tù giam với cáo buộc 'tuyên truyền chống phá nhà nước' sau các hoạt động kêu gọi dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam.
Vụ hành hung ông hôm 24/2 diễn ra chỉ vài ngày sau khi tổ chức Ân xá Quốc tế sang Hà Nội đối thoại nhân quyền.
Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân lương tâm, những người bị giam cầm chỉ vì bày tỏ quan điểm ôn hòa, thực thi nhân quyền căn bản.
Trưởng phái đoàn, bà Isabelle Arradon, Phó Giám đốc Chương trình Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ân xá Quốc tế, nhấn mạnh Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội củng cố vai trò trong khu vực và trên thế giới, nhưng tham vọng đó phải đi cùng với trách nhiệm tôn trọng, thăng tiến, và bảo vệ nhân quyền
Theo VOA