“Bạo lực có thể che đậy bằng nói dối,
và nói dối có thể duy trì bởi bạo lực.”
Alexander Solzhenitsyn
Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, trong tất cả người miền Nam bị bắt hay bị kêu gọi trình diện tập trung “cải tạo,” rất có ít
người nghĩ rằng thời gian mình đi tù sẽ là vô hạn, không biết ngày nào ra, mà cứ ngây thơ nghĩ rằng thời gian “học tập”
là một tuần đến 15 ngày.
Tìm lại trong các văn bản của Ủy Ban Quân Quản của cộng sản cả nước, không thấy chỗ có ghi thời gian “tập trung
học tập,” mà trên giấy trắng mực đen, và qua các loa phóng thanh, chúng ta biết rằng họ kêu gọi “tập trung cải tạo,”
“căn cứ vào điều 9 của bản tuyên bố của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam,” “căn cứ
vào bản công bố chính sách đối với những sĩ quan, hạ sĩ quan, binh lính ngụy, nhân viên trong bộ máy chính quyền Mỹ
ngụy...” về phía quân đội, cấp úy đem theo tiền ăn bảy ngày và cấp tá 15 ngày.
Vì căn cứ vào “lệnh” đóng tiền nuôi ăn, chúng ta nghĩ đó là thời gian tập trung, “hồ hởi” khăn gói ra đi, mong cho hết
một tuần hay nửa tháng để về lại bản quán làm ăn bình thường như thông báo của “Chính Phủ Cộng Hòa Lâm Thời
Miền Nam Việt Nam.” Sau này, trước thời gian “cải tạo” kéo dài, chúng ta thường trách cộng sản không giữ lời hứa,
nhưng đây là một trò chơi chữ của kẻ gian manh, mà chúng ta cứ lấy tấm lòng ngay thẳng ra mà nhận định, suy đoán
nên bị lầm.
Ðem theo tiền ăn bảy ngày đâu có nghĩa thời gian “cải tạo” là một tuần (sau đó trại tù sẽ nuôi, hay tự cuốc đất trồng
khoai lấy mà ăn). Sao chúng ta không nghĩ như vậy mà nông nổi không nhận định được lòng dạ của kẻ thù?
Nói như vậy, không phải kẻ viết bài này khôn ngoan hơn ai! Một cán bộ chính huấn, chiến tranh chính trị làm binh vận,
mà không hiểu gì cộng sản đến nỗi nghe lệnh tập trung, đem theo bảy gói mì để ăn sáng trong bảy ngày. Bảy ngày đổi
thành bảy năm, thật ra chưa xứng đáng cho cái tội ngu.
Nếu những người thua trận biết là sẽ bị tù 5 năm, 10 năm hay 15 năm, dưới chế độ coi tù hà khắc của kẻ thù, phản
ứng của họ sẽ là kéo nhau vào rừng chiến đấu, trốn ra biển hay... tự sát.
Trong một lần tại một trại tù ở miền Bắc, có một người bạn của chúng tôi ngây thơ đặt câu hỏi: “Bao giờ thì chúng tôi
được về?” Như mọi lần, người cán bộ quản giáo đã trả lời: “Về sớm hay không là tùy bản thân các anh!” Nhưng y lại
ỡm ờ nói một câu giữa đám đông mà ít người để ý: “Ðưa các anh ra biển thì cũng phải từ từ!”
Khi mà chúng ta được gọi là “những người tù không bản án,” lúc ấy đã chơi vơi giữa biển cả mênh mông, thì mọi việc
đã quá muộn màng!
Thật tình tôi không biết rõ ở những địa điểm tập trung ở các tỉnh khác ra sao, chứ ở khu vực Sài Gòn thì những bữa
cơm đầu tiên trong “nhà tù tạm thời” được diễn ra như một vở kịch khéo đạo diễn, sau này mới vỡ lẽ, nhưng ngày ấy
mấy ai đã thấy và đặt câu hỏi. Nếu có một người bị lệnh tập trung, ngần ngại nghi ngờ, đang đứng ở bên kia đường dò
la, xem xét thực hư thế nào, thì sẽ thấy đến bữa ăn, những chiếc xe van của nhà hàng Ðồng Khánh, Soái Kình Lâm,
Bát Ðạt... vào ra chở thức ăn đến cho những người “học tập.” Dù không có thực đơn tám món như những bữa tiệc
ngày xưa, nhưng cũng có gà quay, cơm chiên Dương Châu mỗi bữa để chuẩn bị lên đường “hành quân, đến chỗ đủ
tiện nghi cho việc học tập” hơn! Ðến khi nửa đêm lên xe tải bịt bùng, AK kề cổ, bị đổ xuống một trại lính bỏ hoang, hay
giữa một cánh rừng già, thì không còn một ai trốn chạy được.
Vì sao chúng ta dùng lòng tin của một người ngay thẳng để đối đầu với kẻ thù gian xảo? Sự ngay thẳng đó phải chăng
được coi là một sự ấu trĩ, non nớt của người cầm quân, được thể hiện qua thái độ của miền Nam vào những ngày hưu
chiến, điển hình là những ngày hưu chiến Tết Mậu Thân 1968. Cũng vì tin tưởng vào lệnh hưu chiến, nên tổng tư lệnh
của chúng ta mới bỏ Sài Gòn về đón Giao Thừa bên nhà vợ ở Mỹ Tho? Phải chăng vì lỗi lầm này mà về sau ông đã
chua chát nói câu: “Ðừng nghe những gì cộng sản nói...” Cũng vì tin tưởng vào lệnh hưu chiến, nên từ một đêm trước,
hơn 100 tỉnh và quận lỵ trên toàn cõi miền Nam đã bị cộng sản đồng loạt tấn công, mà đêm mồng một, rạng sáng
mồng hai, Huế vẫn ngủ yên, quân đội vẫn đi phép 50%, cũng không có lấy một lời báo động cho dân chúng để tránh
bom đạn và thảm sát.
Cũng với lòng tin đáng thương ấy, hàng nghìn người vợ tù quân cán chính đã đem con đi “kinh tế mới,” để cho cộng
sản vào tịch thu nhà, chịu cảnh nheo nhóc, theo lời tuyên truyền, cho chồng được sớm về sum họp!
Cũng với lòng tin khốn nạn ấy, trong các nhà tù, nhiều đồng đội của chúng tôi đã cam tâm làm điềm chỉ, tố cáo anh em
vì nghĩ rằng, “cải tạo tốt,” lập công với “cách mạng” thì được tha về sớm!
Cũng với lòng tin ngây thơ ấy, nên những ngày đi thủy lợi, theo lời hứa hẹn “làm sớm nghỉ sớm,” nhưng dân chúng làm
xong lại được điều động sang làm chỗ khác, hay lần sau sẽ giao công việc nhiều hơn!
Năm 1977, 1,000 anh em tù nhân trại Bình Ðiền-Ái Tử Thừa Thiên, được cộng sản đày ra làm đập nước Ðô
Lương,Thanh Hóa, và nạo vét lòng hồ sông Mực ở Nghi Xuân, Nghệ Tĩnh, với lời hứa hẹn: “Các anh giải phóng được
lòng hồ sông Mực, thì lòng hồ sông Mực cũng sẽ giải phóng các anh!”( mập mờ là anh được về!). Sau một năm lao
động cật lực, đói rét, tù “cải tạo” lại được đem về Bình Ðiền để... ở tù tiếp.
Năm 1979, cán bộ cộng sản trấn an tù: “Các anh đừng nghe lời đồn đãi của kẻ xấu là các anh sẽ di chuyển đi một trại
khác! Các anh yên tâm, sẽ không có chuyển trại đi đâu cả!” Nhưng tối hôm đó, tù được tập họp khăn gói lên đường đi
về phía Nam. Không thấy có ai chạy theo níu áo để hỏi: “Cán bộ ơi! Sao cán bộ nói không chuyển trại, mà bây giờ lại
có lệnh 'hành quân?'”
Chắc cũng có người đặt câu hỏi: “Các ông nói đi học tập một tuần sao bây giờ một năm, mà chưa cho tôi về?” hay
“Lòng hồ sông Mực đã vét xong sao chúng tôi chưa được về?” Cộng sản sẽ nói “đem theo tiền ăn bảy ngày hay các
anh sẽ được giải phóng, chứ chúng tôi có bao giờ nói các anh tập trung bao lâu hay các anh sẽ được ra tù đâu?” Cũng
không có lẽ hỏi: “Các anh đã ký kết ngưng bắn, sao lại vi phạm nổ súng tấn công?”
Ngày nay, cả nước đã được nghe đảng và chính quyền cộng sản nói dối bao nhiêu lần?
Alexander Solzhenitsyn đã từng nói: “Bạo lực có thể che đậy bằng nói dối, và nói dối có thể duy trì bởi bạo lực.”
Nếu hiểu được cộng sản thì chúng ta đã không ra nông nỗi này.
Nhiều người cho rằng “để thắng cộng sản thì phải giống cộng sản,” nhưng kinh nhật tụng của chiến tranh chính trị để
đối đầu với cộng sản của chúng ta lại là: “Ðem đạo nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo.”
Nhưng liệu đạo nghĩa có thắng được hung tàn không?
Nếu cho chúng ta “đi lại từ đầu,” thì sự việc có lẽ vẫn như vậy chăng!
Tạp ghi Huy Phương