VRNs (05.03.2014) – Úc Đại Lợi – Suy tư Tin Mừng Chúa nhật thứ Nhất Mùa Chay năm A 09.3.2014
“Rồi mai đây, ta đi về cát bụi,
“Đời bâng khuâng, chỉ một thoáng ngậm ngùi.
(Dẫn từ thơ Miên Du)
Mt 6: 24-34
Với nhà thơ, đời người vẫn bâng khuâng, ngậm ngùi đi về với cát bụi. Với nhà Đạo, nếu mọi người biết nghe theo lời
khuyên của thánh sử rày ghi rõ ở trình thuật, sẽ khá hơn.
Trình-thuật, này thánh Mát-thêu ghi những lời phát biểu có người hiểu là “vô tâm” gửi đến với những người đang sống
cảnh cơ cực/bần hàn, rất khó xử. Những người thiếu các vật phẩm rất cần thiết cho cuộc sống, lại được khuyên:
“Đừng lo! Hãy vui sống, cứ để Chúa lo.”
Vẫn biết rằng, Đức Chúa của ta đầy xót thương và tình thương của Ngài vô bờ vô bến. Nhưng, với những người bụng
đang đói cồn đói cào vẫn theo chân Ngài để nghe giảng dạy và để được cung cấp thức ăn cho no bụng, mà lại nhận
được những thế, cũng khó lòng.
Biết rằng, trong cuộc sống, ta dù vẫn cầu và xin được ‘hằng ngày dùng đủ’, mà bụng vẫn đói thì sao? Và, thánh sử
Mát-thêu hôm nay muốn nhấn mạnh điều gì khi ghi chép Lời Chúa vẫn nói: “Các ngươi đừng lo cho mạng sống: lấy gì
ăn; cũng đừng lo cho thân xác: lấy gì mặc. Mạng sống ngươi chẳng trọng hơn của ăn, và thân xác ngươi chẳng trọng
hơn áo mặc sao?” (Mt 6: 25)
Ở đoạn khác, ta còn được dạy về hệ quả của lời Chúa khuyên, như: “Ta đói, các ngươi đã cho Ta (hoặc chẳng cho Ta
ăn). Ta mình trần, các người cũng đã cho (hoặc chẳng cho ta mặc)….”
Thật ra, Bài Giảng Trên Núi vẫn là hiến chương Chúa viết ra cho xã hội. Chính Chúa đem đến cho ta trách nhiệm giùm
giúp hết mọi người, ngõ hầu ta có thể dựng xây cuộc sống mới, ở đời. Một cuộc sống, biết quan tâm giùm giúp hết
mọi người. Một cuộc sống, biết dựng xây Vương Quốc Nước Trời, ở trần gian.
Nói rõ hơn, mọi người phải nhận trách nhiệm định ra đường hướng cho chức năng cùng hoạt động của mình, coi đó là
trọng trách gửi đến cho mình, ngõ hầu giải quyết nhu cầu của người khác, như của mình. Hãy để hết tâm can vào
chuyện này. Và đặt ưu tiên số một cho chính mình, là tạo dựng một xã hội được như thế. Tạo và dựng, Nước Trời ở
trần gian, ở nơi đó, mọi người biết lo cho nhau, giúp nhau suốt đời.
Xem như thế, hãy coi trình thuật này như một cảnh báo chống mọi tẩy não do doanh thương quảng cáo nghĩ ra để bắt
mọi người tự chuốc lấy cho mình những ưu tư khó bỏ, để rồi tự hỏi: không biết mình có gì để ăn không đây? Lấy gì
để mặc bây giờ? Người đời, ở mọi thời, vẫn chẳng muốn nghe/muốn biết tiếng rên than từ người nghèo ở đây hay ở
đó, về nơi ăn chốn ở. Về, giáo dục và y tế để sống cho ra người, mà hưởng thụ.
Thế nhưng, được mấy ai trong ta tin rằng mình thực sự yên bề một nỗi khi biết rằng “Cha Trên Trời” vẫn biết rõ điều
mình cần, Ngài sẽ nhanh chóng chu cấp những thứ đó, ngay lập tức? Nói cho cùng, cũng rất khó vì đã mấy ai hoàn
toàn tin tưởng mà đặt mình vào bàn tay chăm sóc của người khác, đây?
Để trả lời, Hội thánh mau mắn gửi đến cho ta bài đọc 1 có lời khuyên hãy suy tư về chuyện tùy thuộc vào ơn trên như
con cái tùy vào mẹ hiền, của mình. Đó còn là ảnh hình Đức Chúa như Đấng Bậc Mẹ Hiền hằng ưu tư ấp ủ đàn con,
như sau:
“Xion từng nói: ‘Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng của tôi đã quên tôi rồi!’ Có phụ nữ nào quên con thơ của mình, hay
chẳng thương đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau, không? Dù bà có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên
ngươi bao giờ.” (Is 49: 14-15)
Thật sự, thì nơi Chúa vẫn dấy tràn tình thương yêu ấp ủ của mẹ hiền hơn cả các bà mẹ ở trần gian, nữa. Nhiều lần, tôi
lẳng lặng quan sát các bà mẹ làm cử chỉ rất tự nhiên nhưng kín đáo, vẫn cho con bú ngay cả vào giờ lễ, ở nhà thờ.
Nhìn những cảnh như thế, thật khó có thể nghĩ rằng các bà mẹ như người mẹ hôm ấy, lại có thể quên, bỏ bê con nhỏ
của mình. Nhìn cảnh mẹ thương con ấp ủ, rồi liên tưởng đến Tình Chúa thương yêu con người, tôi chắc một điều, là:
Ngài thương yêu con cái Ngài còn hơn cả người mẹ trần gian thương con mình, nữa.
Chẳng cần phải thủ giữ vai trò của các vị cổ võ cho phong trào phụ nữ rất bình quyền, rồi mới đề nghị mọi người tiếp
nhận hình ảnh thân thương của người mẹ hiền khi cho con bú mớm, để đưa vào cuộc sống của chính mình những
hình ảnh về tình thương của Đức Chúa, mà suy nghĩ. Suy và nghĩ, hầu nhận ra vai trò tích cực của các nữ phụ trong
cuộc đời. Làm như thế, vô hình chung ta phá bỏ hình ảnh thiển cận của những người cứ nghĩ Chúa như một nam
nhân, thượng phụ râu tóc bạc phơ, và ơ hờ.
Nói cho cùng, nếu ta được dựng nên, theo ảnh hình của Chúa, thì có lẽ ảnh hình về tình mẫu tử sẽ còn nói lên nhiều
hơn nữa bản chất mà ta cần có và cần tỏ rõ, mỗi khi ta nói đến nhu cầu quan tâm giùm giúp, hết mọi người. Giả như ta
tiếp nhận cho mình ảnh hình của Đức Chúa luôn nhấn mạnh đến tình mẫu tử mỗi khi đối xử với mỗi người và mọi
người, hẳn là khi đó, ta sẽ không còn ưu tư lo lắng không biết có gì để ăn, lấy gì để mặc, cho thân xác mình nữa.
Và khi đó, ta sẽ ngạc nhiên một cách thích thú khi thấy Chúa mô tả tình Ngài xót thương thành thánh Giêrusalem và dân
con sống ở đó, bằng những lời lẽ rất thiết tha, rằng: “Giêrusalem! Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá
những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới
cánh, mà các ngươi không chịu” (Lc 13: 34).
Xem như thế, có lẽ mọi người cũng nên làm như Chúa, biết cất tiếng kêu gọi mọi người như gà mẹ cất tiếng gọi đàn
con đến với mình để được ấp ủ, dưới lớp cánh bù xù của mẹ!
Trong cảm nghiệm lời Chúa kêu gọi như gà mẹ gọi đàn con, ta lại ngâm lên lời thơ buồn còn rả rích:
“Rồi mai đây, ta đi về cát bụi,”
“Đời bâng khuâng, chỉ một thoáng ngậm ngùi.
Vầng trăng sầu, kể chuyện tình cổ tích,
Trong sương đêm, ta yên giấc ngủ vùi.
(Miên Du – Rồi Mai Đây)
Kể chuyện cổ tích hôm nay, hẳn nhà thơ sẽ không kể như tác giả trình thuật vừa kể kể ở buổi lễ hôm nay. Nhưng, lại
cứ kể về vầng trăng sầu, trong sương đêm vẫn bâng khuâng như đời người đi về cát bụi. Cát bụi mịt mù, nhưng đời
người vẫn hướng về tương lai có tiếng gọi mời của Đức Chúa, bấy lâu nay. Và, lời đáp trả hôm nay và mai ngày, vẫn
còn đó thường dành cho mỗi người và mọi người.
Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch