Một bản tin của Ðài BBC Việt ngữ ngày 4 tháng 3 tường thuật lại lời một viên chức trong ngành công an Việt Nam nói
trên truyền hình của nhà nước rằng chính quyền đã “cho Sứ Quán Mỹ làm thủ tục xuất cảnh” để Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ,
một tù nhân được những nhà tranh đấu tại Việt Nam và hải ngoại liệt vào danh sách các tù nhân lương tâm, sang Hoa
Kỳ chữa bệnh. Bản tin còn nói rõ là Tướng Lê Ðình Luyện, chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ Ðạo Về Nhân Quyền
của chính phủ Việt Nam xuất hiện trên chương trình “Việt Nam Bẩy Ngày” của kênh truyền hình đối ngoại VTV4 đầu
tháng 3 và tuyên bố chính quyền Việt Nam đã bằng lòng để cho Mỹ bảo lãnh ông Vũ qua Hoa Kỳ chữa bệnh “theo
nguyện vọng cá nhân.”
Không thấy Tướng Luyện nói tới việc trở về lại Việt Nam sau khi chữa khỏi bệnh cho ông Vũ để ông tiếp tục giương
cao ngọn cờ chống lại đường lối của đảng Cộng Sản Việt Nam, đòi phải cải tổ và bỏ điều 4 Hiến Pháp dù ông cũng
biết rằng nếu không có điều 4 Hiến Pháp mà bố ông là nhà thơ Cù Huy Cận, cánh tay mặt của Hồ Chí Minh đã góp
công dựng lên thì làm thế nào mà ông có thể sang Pháp học tiến sĩ luật được ngay từ thời Việt Nam chưa mở cửa,
thời mà mấy ông HO ở Mỹ còn đang là tù nhân nằm đầy trong các trại cải tạo ăn đói và làm việc khổ sai, bệnh không có
thuốc, con cái ở ngoài bị cấm không cho vào đại học chỉ vì lý lịch trắng của họ. Nhưng theo lời vợ ông là Luật Sư
Nguyễn Thị Dương Hà thì ông Vũ bị bệnh cao huyết áp và thực ra đề nghị cho Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ sang Hoa Kỳ
được đưa ra từ năm ngoái trong một số các cuộc tiếp xúc của giới chức Việt Nam và Mỹ.
“Tháng 9 năm 2013, tôi cũng từng được nghe gợi ý xin cho chồng tôi đi Mỹ,” bà Hà xác nhận như vậy. Nhưng không
biết bà Dương Hà xin, hay ông Vũ hoặc Ðại Sứ David Shear xin. Nhưng bà Hà nói lúc đó (2013?) chồng bà, Luật Sư
Cù Huy Hà Vũ đã khước từ đề nghị này. Tuy nhiên, không biết lần này ông Cù Huy Hà Vũ có tiếp tục khước từ đề nghị
đi Mỹ chữa bệnh nữa hay không. Nhưng nếu đọc chữ “cho” và nhóm chữ “theo ý nguyện vọng cá nhân” mà Tướng
Luyện dùng trong lời công bố, và nhóm từ “gợi ý xin” mà Luật Sư Nguyễn Thị Dương Hà dùng thì người ta cũng có thể
kết luận rằng đây là kết quả của một vụ sang Mỹ chữa bệnh bắt nguồn từ công thức “xin, cho” ngoại giao và theo như
luận đoán của nhiều người Việt tại Quận Cam, nếu ông Cù Huy Hà Vũ thực sự được sang Mỹ chữa bệnh cao huyết áp
thì chắc ông phải định cư ở Mỹ luôn vì bệnh này làm sao chữa khỏi. Chỉ có cách uống thuốc thường xuyên hàng ngày,
tập thể dục hay chơi thể thao và ăn kiêng để hạ huyết áp. Không có những hoạt động này và chế độ ăn kiêng nghiêm
khắc thì dù có được sang Mỹ chữa bệnh cũng vẫn bị cao áp huyết như thường và nếu không được sang Mỹ mà ở lại
Việt Nam có thuốc uống hàng ngày, tập thể dục, chơi thể thao, ăng uống kiêng cữ thì không cần phải sang Mỹ chữa
bệnh.
Nhưng có lẽ vì không muốn sống trong chế độ độc đảng, độc tài ở Việt Nam cho nên ông chọn lựa sang định cư ở Mỹ
và điều này tất phải nhờ đến Bộ Ngoại Giao Mỹ và Ðại Sứ David Shear thôi! Cho nên bệnh cao huyết áp của ông Vũ,
một chứng bệnh mà người Mỹ ví von giống như số an sinh xã hội sẽ theo mình suốt đời, trở thành căn bệnh thời cuộc.
Nó cũng giống như vào năm 1966, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia Nguyễn Văn Thiệu buộc Tướng Nguyễn
Chánh Thi, tư lệnh Quân Ðoàn I, phải sang Hoa Kỳ chữa bệnh “thối mũi” sau khi trung ương nghi ông tướng này đồng
lõa với Ðại Tá Ðàm Quang Yêu và Thị Trưởng Nguyễn Văn Mẫn trong vụ được mệnh danh là “Biến Ðộng Miền Trung”
mà thực chất là một vụ nổi loạn và âm mưu ly khai.
Ông Thi có tật bẩm sinh là khi nói chuyện với ai lâu thì ông hay nháy mắt và khịt mũi lia lịa cho nên đám phóng viên
chúng tôi hoạt động ở Vùng I Chiến Thuật từ năm 1965 thường gọi ông là ông Thi “khịt.” Cuối tháng 3 đầu tháng 4,
1973, nhân chuyến tháp tùng phái đoàn Dinh Ðộc Lập đến San Clemente, Nam California, để tường thuật hội nghị
thượng đỉnh giữa Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng Thống Richard Nixon, tôi có dịp gặp lại ông Thi “khịt” tại
Washington, DC. Khi tôi hỏi ông sao chữa bệnh “thối mũi” mà tới 7 năm rồi chưa khỏi thì, vẫn cái lối cười khình khịch
của 7 năm về trước tại Quân Ðoàn I, Tướng Thi trả lời, giọng Huế chay: “Tào lao, mi thừa biết tau đâu có bệnh chi
ngoài bệnh thời cuộc. Thiệu nó sợ tau đảo chánh...” Ở bên này bờ đại dương và những tin tức cũng không thấy nói tới
một bệnh nan y nào khác của Luật Sư Cù Huy Hà Vũ nên tôi không dám gọi bệnh cao huyết áp của ông là bệnh thời
cuộc như bệnh của cựu Trung Tướng Nguyễn Chính Thi. Tuy nhiên thực tế cho thấy cả hai người cùng đến Mỹ, nhưng
nguyên nhân thúc đẩy khác nhau, một đằng đang quyền hành bị bắt từ Ðà Nẵng vào Sài Gòn, bị nhốt ở Bộ Tổng Tham
Mưu, rồi bị dẫn giải ra máy bay bay thẳng sang Mỹ, một đằng vốn là con trai của một công thần chế độ Cộng Sản cũng
bị chế độ “đì” sau khi ông bố mất, ảnh hưởng của gia đình họ Cù mỗi ngày một giảm đi trong đảng do chuyện ông đòi
bỏ điều 4 Hiến Pháp và có một số lời tuyên bố “xét lại” đối với những điều đã tạo nên ảnh hưởng bao trùm của gia
đình ông ở miền Bắc một thời lâu đến năm sáu thập niên.
Nhiều người trẻ từ Việt Nam qua học những trường đại học ở đây gọi ông Cù Huy Hà Vũ là “công tử đảng” bị phế. Họ
nói rằng giữa bầu không khí hoài nghi sự trung thành của những công tử đỏ đối với thế hệ cha ông họ thì việc ông Hà
Vũ hành động như thế quả là “gan ông ấy to thật.” Nhìn 7 năm tù choàng lên vai một người từng được đảng ưu ái cho
đi học ở Pháp thì nay quả thật tình cảm bảo bọc của những người đang lãnh đạo đảng Cộng Sản đối với ông Cù Huy
Hà Vũ không còn nữa.
Tôi không biết những chính trị gia ở Việt Nam đang dấy lên nhiều phong trào được gọi là các phong trào xã hội dân
sự, các phong trào vận động dân chủ, tranh đấu nhân quyền có những ô dù lớn như ảnh hưởng của cố thi sĩ Cù Huy
Cận hay không, nhưng điểm qua một số các khuôn mặt nổi nhất hiện nay đang đi bên “lề trái” từ Lê Công Ðịnh, Trần
Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Ðào cho đến Nguyễn Lân Thắng, các tiến sĩ Phạm
Chí Dũng, Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, các blogger Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, Mẹ Nấm, Huỳnh Ngọc Chênh,
Anhba Saigon và gần nhất là nguyên phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc ở Sài Gòn, ông Lê Hiếu Ðằng, người trước khi
qua đời đã kêu gọi thành lập đối lập với đảng Cộng Sản đều ít nhiều một thời là con cưng của chế độ Cộng Sản hay
có mối liên hệ huyết thống với những người từng góp phần tạo dựng quyền lực cho đảng Cộng Sản ngày nay. Sự
thức tỉnh của họ là một điều đáng hoan nghênh. Nhưng trong sinh hoạt chính trị ở Việt Nam còn đầy những bóng tối,
niềm tin của dân chúng thấp cổ bé miệng vào sự thức tỉnh của lớp hậu duệ những đảng viên Cộng Sản gộc lại là một
vấn đề hoàn toàn khác.
Người dân Việt, ở miền Bắc thì đã từng trải qua chế độ cộng sản rất khắt khe đói khổ, ở miền Nam cũng đã có nhiều
kinh nghiệm về nền dân chủ tự do dở dở ương ương giữa lúc đất nước lâm vào cuộc chiến đầy ý nghĩa là cuộc chiến
quốc cộng, nhưng do quá lệ thuộc vào Hoa Kỳ khiến cho cuối cùng thất bại, cho nên niềm tin của họ bị rạn nứt. Nói
chung người Việt Nam cả ở Bắc, ở Trung, ở Nam đều bị dẫn dắt, bị bịt mắt, bịt tai, bị lừa nhiều lần rồi nên ngày nay họ
cũng không tránh được hoài nghi là lớp hậu duệ của những người từng góp công xây dựng chế độ Cộng Sản ở Việt
Nam có thức tỉnh thật không hay đây chỉ là những bức màn che đậy sự bất mãn nổ ra vào lúc ảnh hưởng quyền lực
của gia đình họ bị suy sụp? Chẳng hạn như ngay trong bài phỏng vấn sau khi tên tuổi của tiến sĩ Phạm Chí Dũng xuất
hiện trên mạng, ông đã cho biết rằng ông phải năn nỉ thân phụ vốn là một đảng viên cộng sản đã 60 tuổi đảng để cho
ông được tự do phản bác lại đảng cộng sản chỉ vì, vẫn theo lời ông, “đảng cộng sản hiện nay không còn như trước
nữa.” Thực sự không ai hiểu ông Phạm Chí Dũng muốn nói gì trong so sánh này và tôi chỉ còn cách nhìn vào sự so
sánh để tự giải thích với mình rằng có lẽ ông Dũng muốn nói rằng đảng Cộng Sản của thân phụ ông trước đây là tốt
còn đảng Cộng Sản của ông ngày nay là xấu nên ông phải bỏ đảng và chống lại? Trong khi thực chất đảng Cộng Sản
vẫn là đảng Cộng Sản Việt Nam có xương sống là điều 4 Hiến Pháp, có những điều 79, 88 và 258 là những vũ khí lợi
hại để đàn áp những tiếng nói đối kháng khi những tiếng nói đối này không đủ sức ủng hộ để huy động được hàng
trăm, hàng triệu người dân xuống đường phản đối cùng một lúc.
Lực lượng vận động dân chủ, tranh đấu nhân quyền và hô hào thành lập một xã hội dân sự ở Việt Nam do còn quá
yếu, không đủ sức hấp dẫn dân chúng như nhận định của tiến sĩ Phạm Chí Dũng trong những bài viết trên mạng sau
khi ông bị chặn ở phi trường Tân Sơn Nhất không cho sang Geneva dự hội thảo nhân quyền ngày 4 tháng 2 năm nay.
Chưa đủ sức hấp dẫn dân chúng có nghĩa là dân còn hoài nghi hay dân không muốn mất những gì họ đang có hoặc là
những chính trị gia lề trái ở Việt Nam chưa đủ bản lãnh, chưa đủ sức thuyết phục, nhất là chưa đủ can đảm để trở
thành một Lech Walesa lật đổ chế độ Cộng Sản Ba Lan hay một Nelson Mandela khi ông chống lại chủ nghĩa
apartheid mà đã vội nhảy ra trên facebook hay twitter rõ ràng là một việc làm thiếu tỉnh táo và không có lợi cho đại
cuộc. Một nhà phân tích ở Quận Cam nói với điều kiện ẩn danh rằng những nhà vận động dân chủ và nhân quyền Việt
Nam đa phần là hậu duệ của những người Cộng Sản, nhưng “họ đã không thấm nhuần được lý thuyết trường kỳ mai
phục” của cha anh họ. Không những thế, vẫn theo lời nhà phân tích, “họ còn không thống nhất và không có lãnh đạo,
nhóm nào thích gì thì làm nấy, thất bại một lần là bỏ làm cái khác dường như chỉ cốt đưa hình ảnh của mình lên
Facebook hay Twitter, tên tuổi cá nhân mình được các tổ chức vận động ở nước ngoài biết tới mà thôi chứ không nghĩ
tới quần chúng Việt Nam có theo mình khi hữu sự không.”
Tôi không đồng ý lắm với phân tích này, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng bất cứ một cuộc cách mạng nào mà khi nhen
nhúm không có lãnh đạo và không có sự thống nhất về đường lối thì chỉ như một cỗ xe không có chân thắng, không
biết lúc nào phải tạm dừng, không biết lúc nào phải xác định lại mục tiêu cho phù hợp với hoàn cảnh và nhất là không
biết mình sẽ tiến tới điểm nào thì phải dừng lại, không biết thế nào “đủ là đủ.” Tin ông Cù Huy Hà Vũ được sang Hoa
Kỳ chữa bệnh là một điều rất mừng cho những người ủng hộ ông ở hải ngoại cũng giống như khi nhà văn lề trái Trần
Khải Thanh Thủy được sang định cư ở Hoa Kỳ hay Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân được thả và được trục xuất về Mỹ,
giống như khi giáo sư trung học bất đồng chính kiến Nguyễn Chính Kết trốn được sang đất tự do. Nhưng đối với lực
lượng vận động tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam, thì họ mất đi dần dần những nhà tranh đấu đồng hành
với họ ở Việt Nam.
Hải ngoại hiện có rất nhiều những nhà tranh đấu vì họ hoạt động trong bối cảnh an toàn, nhưng trong nước thì còn
hiếm vì họ phải đương đầu với bắt bớ và tù đày. Ngày nay, liệu còn ai nghe nói đến những hoạt động gì của các nhà ly
khai như các ông Vương Ðan, Ngụy Kinh Sinh bị Bắc Kinh tống xuất ra hải ngoại hay như luật sư Trần Quang Thành
được Bắc Kinh đồng ý cho sang Hoa Kỳ du học cùng với cả vợ con không? Lâu lắm, năm thì mười họa, họ mới có
được vài lời tuyên bố nhân dịp báo chí Mỹ đề cập đến một vấn đề nào đó ở Trung Quốc, chẳng hạn như dịp kỷ niệm
cuộc nổi dậy ở Thiên An Môn năm 1989. Cả ba đã bị nhận chìm bởi những tất bật mưu sinh ở Mỹ. Trong cộng đồng
người Việt tại Mỹ, các ông Nguyễn Chính Kết cũng như nhà văn Trần Khải Thanh Thủy cũng vậy. Họ chỉ được nhắc tới
như những dư âm của một thời họ nổi lên như những ngôi sao tranh đấu, bất đồng chính kiến ở trong nước. Nhưng khi
rời khỏi đất nước ấy là hết, họ chỉ còn là kỷ niệm.
Nelson Mandela đã được chính quyền Nam Phi da trắng nhiều lần đề nghị đưa ông ra nước ngoài, nhưng nhà tranh
đấu này đã cương quyết khước từ vì ông biết hình ảnh ông sẽ phai nhạt trong lòng dân chúng Nam Phi cả đen lẫn
trắng khi ông được sống trong bình an hơn họ ở nước ngoài. Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế cũng vậy. Ông lựa chọn việc ở
lại Việt Nam trong sự bức bách kềm kẹp của chính quyền, nhưng ông vẫn có cách nói ra được nguyện vọng của đại
đa số dân chúng Việt Nam. Ông vẫn ở cạnh họ chia sẻ với họ những khó khăn, cay đắng trong cuộc sống hàng ngày
mà vẫn giữ được ngọn lửa tranh đấu. Sắp tới đây những người ủng hộ và tranh đấu đòi thả luật sư Cù Huy Hà Vũ cũng
sẽ vui mừng nếu thật sự ông có thể ở lại Hoa Kỳ vĩnh viễn vì đó là thành tích vận động nhân quyền của họ. Nhưng đối
với cá nhân ông Hà Vũ, đây lại là một thách thức lớn. Một gốc cây bị bứng ra khỏi vùng đất cũ mang sang trồng ở vùng
đất hoàn toàn khác phong thổ, có thể nó vẫn sống mà cũng có thể nó sẽ chết, hay có thể nó vẫn tồn tại nhưng èo uột
rồi héo úa dần như Trần Quang Thành, như Vương Ðan hay Ngụy Kinh Sinh.
Vũ Ánh