“Trái thơm trăm mắt” là hình ảnh mà cán bộ cộng sản Việt Nam thường đem ra để hăm dọa răn đe những người tù
trong trại tập trung, với cả dân chúng, đồng bào, vì họ cho rằng, không có gì che giấu hay thoát khỏi những con mắt
nhòm ngó, rình mò của người khác, những người chỉ điểm, lập công mà họ gọi là nhân dân: “Nhân dân như trái thơm
trăm mắt, không có gì qua khỏi con mắt nhân dân.”
Ðảng cộng sản nhân danh nhân dân để đàn áp nhân dân. Với chế độ công an trị, công an khu phố, công an phường để
theo dõi hành động và tư tưởng của quần chúng chưa đủ, họ còn tạo ra một màng lưới chỉ điểm, tố cáo những người
mà họ cho là nguy hiểm cho chế độ. Trong chế độ cộng sản, sự sợ hãi bao trùm, ai cũng nghĩ mình đang bị nhòm
ngó, tố cáo, và bản năng sống còn lại đi nhòm ngó tố cáo người khác. Ðó là những người chỉ điểm không công, vì
nghĩ rằng mình không tố cáo người khác, thì cũng bị người khác, dò xét, tố cáo mình. Những người này dưới chế độ
cộng sản có thể là vợ chồng, anh em, bạn bè. Họ tỉnh táo trong khi bạn say, ghé tai qua vách lá hay đang chui dưới
gầm giường của bạn. Cũng có thể họ là các em “khăn quàng đỏ,” “thiếu nhi Bác Hồ” đã được đào tạo, vinh danh thành
những thần đồng chỉ điểm.
Ngày trước, trong những vùng xôi đậu, ngày là quốc gia, đêm là cộng sản, họ triệt để khai thác việc tố cáo nhau, làm tê
liệt ý chí, gây đòn cân não trong quần chúng, tạo ra một sự sợ hãi bao trùm, và không thiếu gì người đã yếu đuối, sợ
sệt quy hàng, đi tố cáo người khác. Do đó, trong họ hàng thân thích, giữa vợ chồng, anh em đều nghi kỵ và sẵn sàng
tố cáo, điềm chỉ nhau. Và chính sách giết lầm hơn tha lầm bắt đầu, như là một đợt khủng bố quy mô, làm tê liệt sự đối
kháng bất bình của người dân đối với đảng và nhà nước. Một người chỉ than phiền, thốt ra một lời chỉ trích Việt Minh
trong một số bạn bè nhỏ là đêm đó bị chém đứt lìa cổ vứt ngoài bờ ruộng. Một người dân khác, trong phạm vi gia đình
chỉ vì mắng con “theo cộng sản thì có cạp đất mà ăn!” thì sáng hôm sau người ta thấy ông chết bên ngõ nhà, miệng bị
nhét đầy đất cát! Hầu hết các nước bị cộng sản, hay các chế độ độc tài, đều áp dụng lối tố cáo lẫn nhau để kiểm soát
những ai có tư tưởng, lời nói và hành động chống lại nhà nước, lãnh tụ. Công khai thì có những buổi họp phê bình,
kiểm thảo cả đám đông tập thể tại chỗ, trong bóng tối thì có đảng khuyến khích chỉ điểm, tố giác, bằng thư rơi. Không
cần phải lập tòa án, cũng không cần phải tự biện hộ, minh oan, một lời tố cáo vu vơ của ai đó cũng đủ yếu tố cho một
bản án chung thẩm.
Câu chuyện cải cách ruộng đất khi mà kẻ chịu ơn mắng nhiếc xỉ vả người ơn, gây nên bao cảnh tương tàn, làm cho
con người mất hết nhân tính, trở thành những con thú nhe răng gầm gừ, mắt đỏ ngầu những tia máu.
Trong nhà tù tập trung, cộng sản chiêu dụ, ve vãn những ai hợp tác với họ để làm thành một mạng lưới điềm chỉ? Ðó là
những thành phần chúng nghĩ là bất mãn với chế độ VNCH, những gia đình nghèo khó, vô sản, và nhất là những gia
đình có dính líu đến “cách mạng” căn cứ vào những bản lý lịch tự khai. Hồi ở trại Cẩm Nhân, Hoàng Liên Sơn, nằm
cạnh tôi là một vị đại úy tuyên úy Phật Giáo. Ông xuất gia từ thuở nhỏ, nhà quá nghèo nên cha mẹ phải gửi ông vào
chùa nương thân. Ông tu học, chay tịnh suốt 20 năm, chăm học, đỗ tú tài nên được bổ dụng đi làm tuyên úy Phật Giáo.
Ông cho tôi biết, trại tù nhắm vào thành phần giai cấp thuở nhỏ của ông, gọi ông lên làm việc và dụ dỗ ông làm chỉ
điểm để tố giác những bạn đồng tù, nhưng ông từ chối. Tôi biết ông nói thật qua tư cách đáng quý hằng ngày của ông
mà tôi đã được biết. (1)
Ngay tại trại Công Binh Hốc Môn, chỉ sau một tháng bị tập trung, một ông bạn tù chỉ vì khai báo có một ông anh ruột tập
kết ra Bắc, giữ một chức vụ trưởng trong Bộ Giáo Dục, đã được “kết nạp” ngay, và từ đó người quản giáo phụ trách
đội ra rả lên án, “anh này không an tâm học tập, anh kia còn tư tưởng mơ màng đến Mỹ.”
Nhân dân dưới chế độ độc tài sợ chính quyền độc ác thì chính quyền cũng sợ và coi nhân dân như kẻ thù, lúc nào
cũng nghĩ có người chống đối, thù ghét mình, sẵn sàng đàn áp không nương tay những mầm mống chống đối. Cộng
sản tạo nên một bộ máy công an đầy uy quyền, đặc lợi, gần như đứng trên luật pháp như “có quyền bắn người khi thi
hành công vụ” chưa đủ trấn an nỗi sợ hãi, mới đây CSVN đã cho con người, sau gần 40 năm “giải phóng” trở lại thời kỳ
đấu tố, điềm chỉ của miền Bắc thời mới tiếp thu Hà Nội, của thời “cải cách ruộng đất.”
Ðừng cho chuyện nhà cầm quyền cộng sản Quận 4, Sài Gòn, vừa phân phối “phiếu tố giác tội phạm” đến quần chúng
là chuyện sai trái của cấp nhỏ, chứ không phải là chủ trương đường lối của đảng, mà phải hiểu rằng đây là một thí
điểm bắt đầu. Nếu với những tội danh vu vơ như “kích động, nói xấu chế độ,” thì có khác chi những tội trạng đã bị Việt
Minh chặt đầu, thả trôi sông thời 1945 đối với những người bất mãn. Tố giác chuyện “vận động khiếu kiện tập thể” là
chính quyền muốn diệt chuyện dân oan, ngày nay đã lan tràn khắp nước, từ Nam ra Bắc. Bất bình vì tham nhũng,
chiếm đất, cưỡng chế, người dân phải dùng đến vũ khí như súng bắn đạn hoa cải, bom xăng, mìn tự chế để đối
kháng, hay kéo nhau đi khiếu kiện, ăn chực nằm chờ, đói khát ở công viên, bờ đường, dù biết rằng tuyệt vọng. Chính vì
nỗi lo sợ các phong trào này lan rộng, cộng sản muốn truy tìm những người lãnh đạo những phong trào dân oan, để
đánh rắn dập đầu, giết họ từ trong trứng nước.
Khi người dân bắt đầu đẩy lùi sự sợ hãi can đảm đứng lên thì chính quyền bắt đầu biết sợ hãi, chẳng khác nào người
sợ ma đi trong bóng đêm huơ ngọn đuốc trước mặt, nhưng sợ bóng tối sau lưng. Họ khuyến khích mọi người dân tố
giác, lấy bàn tay ma quỷ vô minh để tiêu diệt người ngay thẳng, yêu nước. Cộng sản cũng dùng “phiếu tố giác tội
phạm” để hãm hại người trung chính, vì chính quyền không công bố tên tuổi những người tố cáo, mà họ chỉ là những
bóng ma không lộ mặt. Từ những chi tiết trong “phiếu tố giác tội phạm” dân chúng có thể trở thành những nạn nhân bị
kết tội “chống phá, mưu toan lật đổ nhà nước” hay “làm gián điệp cho nước ngoài!”
Tôi cho đây là dấu hiệu suy yếu của chế độ, khi cộng sản tự cho là vững mạnh nhưng dùng thủ đoạn của những toán
phiến quân khủng bố ngày trước.
Tạp ghi Huy Phương
(1) Cựu đại úy Tuyên Úy Phật Giáo Nguyễn Hữu Hoàng, bây giờ ông ở đâu?