Từ đầu thập niên 1990 khi thế giới mạng internet trở thành sự thực và dần dà trở thành một điều thông thường, đương nhiên trong cuộc sống, đã có nhiều thắc mắc và lo âu rằng xã hội Mỹ đang hình thành một sự ngăn chia kỹ thuật số, nói theo thành ngữ “ngăn chia lục địa” ám chỉ rặng núi Rocky ở Bắc Mỹ và rặng Andes ở Nam Mỹ hợp cùng nhau chia Mỹ châu thành hai vùng đông tây.
Ngăn chia kỹ thuật số là ngăn cách giữa “có” và “không có” tiếp cận, giữa những người ra vào internet dễ dàng và không dễ dàng, bao gồm phương tiện (máy vi tính, sóng nối mạng) và khả năng (cách dùng). Phần lớn công việc văn phòng gắn liền với máy vi tính, nhưng không phải nhân viên nào cũng có thời gian và được phép dùng máy vi tính ở chỗ làm để ra vào internet cho mục đích cá nhân. Hơn nữa, dùng máy vi tính ở chỗ làm có nghĩa ít hoặc không có tiếp cận vào những giờ không làm việc. Tuy hiện nay đa số thư viện công cộng có máy ví tính cho khách dùng, thời gian sử dụng giới hạn, giờ giấc thư viện mở cửa giới hạn, và số người cần dùng cũng là sự giới hạn trong phương pháp tiếp cận này.
Cho đến nay, mạng internet, ngoài sự đòi hỏi của công việc, vẫn thuộc về loại “muốn có” nhiều hơn là cần thiết, giải trí nhiều hơn căn bản đời sống. Sự ngăn chia trong kỹ thuật số, thuở ban đầu thường là sự cách biệt trong thu nhập và tình trạng tài chính. Cộng thêm lạm phát, máy vi tính cá nhân vào đầu thập niên 1990 theo đô la hiện nay có giá khoảng $3 ngàn đến $5 ngàn. Đã thế, dịch vụ sóng nối mạng cũng không rẻ như bây giờ. Trong thời gian ấy, mức lương tối thiểu là $4.25-$5.15 đô la một giờ, lương trung bình từ $20-$30 ngàn đô la một năm. Sở hữu máy vi tính cá nhân, có dịch vụ sóng nối mạng là một thứ xa xỉ giống như chiếc xe thể thao hoặc giàn tvi, máy chơi băng video đắt tiền, có nghĩa là chỉ phục vụ cho thú vui của chủ nhân chứ không phải là cần thiết.
Hơn hai mươi năm sau, giá máy vi tính cá nhân đã giảm đáng kể. Vẫn có những máy vi tính cá nhân $2-$3 ngàn đô la, nhưng một máy vi tính với những khả năng thông thường và căn bản nhất chỉ khoảng $300-$400 đô la, và dịch vụ sóng nối mạng căn bản khoảng $20-$30 đô la một tháng. Lương tối thiểu hiện nay là $7.25 một giờ, lương trung bình $44 ngàn đô la một năm. Suy ra từ những con số này, khoảng cách ngăn chia kỹ thuật số hẳn đã phải thu hẹp nhiều, nếu chưa biến mất hoàn toàn? Quả thực là như thế.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Pew, hiện nay 78% dân số tuổi trưởng thành của Mỹ dùng mạng internet (so với 10% vào năm 1995) và 95% lớp trẻ vị thành niên dùng internet. Họ nối mạng bằng máy vi tính cá nhân, laptop, điện thoại đa dụng, máy tính bảng… dùng dịch vụ sóng nối mạng trong nhà, qua dịch vụ điện thoại, hoặc sóng wifi.
Như thế, vẫn còn 20% dân số tuổi trưởng thành của Mỹ không dùng internet, và trong những gia đình có thu nhập dưới $30 ngàn đô la một năm, tỷ lệ người tuổi trưởng thành dùng internet giảm xuống 62%, trong khi mức thu nhập trên 75 ngàn đô la cũng không bảo đảm tỷ lệ 100% xử dụng internet. Trong số những người không dùng internet, 42% cảm thấy họ không cần hoặc không muốn dùng internet, 27% không có máy vi tính hoặc không biết dùng internet, 16% cho rằng giá của việc dùng internet quá đắt nên/hoặc họ không có dịch vụ sóng nối mạng.
Với những con số này, vẫn còn sự lo ngại rằng sự ngăn chia kỹ thuật số đang và sẽ gây khó khăn cho những người không có hoặc thiếu tiếp cận với máy vi tính và internet. Một trong những lý do là trong cuộc sống hiện nay internet đã trở thành cần thiết hơn cho nhiều người. Không chỉ là nguồn cung cấp thông tin, internet hiện nay còn là nơi người ta điền và nộp nhiều thứ đơn từ khác nhau bao gồm đơn xin việc. Trong học đường, học sinh và sinh viên cần internet để làm và nộp bài. Tuy 78% dân số tuổi trưởng thành của Mỹ và 95% lớp trẻ vị thành niên dùng internet, chỉ có 65% gia đình Mỹ có dịch vụ sóng nối mạng.
Ngăn chia kỹ thuật số là hiện thực, và dù nó đã thu hẹp nhiều qua hai mươi năm nay, nó đã và sẽ không biến mất. Khoảng cách này sẽ gây khó khăn cho một số người, nhưng ít nhất hiện nay nó không phải là không thể vượt qua về mặt giá cả. Vấn đề còn lại là mức cần thiết của nó trong cuộc sống, hiện nay dường như vẫn chưa hẳn nằm trong loại “phải có.”
Nguyễn Phương