Dĩa hát Tân cổ "Con Tấm Con Cám" với Minh Cảnh - Út Bạch Lan. Source cailuongvietnam.vnCâu chuyện cổ tích nhân gian “Con Tấm Con Cám” từng được đưa lên sân khấu từ thời thập niên 1930, và rất được khán giả thời ấy ưa thích.
Không gánh nầy thì gánh khác, tuồng Tấm Cám liên tục năm nào cũng có hát. Do đó mà câu chuyện đã ăn sâu vào lòng con người ta, khiến cho ai cũng muốn đi coi nếu như thấy đăng bảng.
Chuyện Tấm CámCâu chuyện Tấm Cám hầu như người nào khi con bé cũng đều được nghe ông bà già xưa kể cho nghe, có người nghe kể không biết bao nhiêu lần rồi, mà vẫn còn nghe, nếu có ai đó kể chuyện.Tuy là câu chuyện hoang đường, đầy huyền thoại, vậy mà tuồng hát lại ăn khách, khán giả bình dân rất thích. Từ gánh lớn như Thanh Minh, Phụng Hảo, cho đến các gánh bầu tèo ở thôn quê hễ có diễn tuồng Tấm Cám là thiên hạ lạ đi coi.
Riêng tôi còn nhớ rõ, ngày ấy (năm 1953) thấy chiếc xe ngựa dựng bảng “Con Tấm Con Cám”, vừa chạy vừa đánh trống, phát giấy program, tôi xin một tờ đọc nhanh. Thế là tối hôm lần đầu tiên đi coi tuồng, bằng số tiền 5 đồng để dành (vé hạng cá kèo 10 đồng, trẻ em 5 đồng). Diễn tiến tuồng hát chẳng khác gì câu chuyện từng được nghe kể, thế mà tính đến nay vở tuồng cổ tích kia tôi đã đi coi trên cả chục lần, và câu chuyện như sau:
Nghệ sĩ Út Bạch Lan năm 1955. Files photosTấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ, Cám ở với dì ghẻ tức mẹ của Tấm. Cám thì hiền lành, còn Tấm thì hung dữ ác độc. Trong khi Tấm được ăn sung mặc sướng, thì Cám phải vất vả cực nhọc, ngày ngày chăn trâu, và chỉ làm bạn với con cá bống mú nuôi ở ao nhà. Mỗi ngày chăn trâu về là Cám chạy ra ra ao thăm cá và cho ăn. Ngày nọ ra thăm thì cá đâu không thấy, chỉ thấy nước ao còn máu đỏ. Tấm đã bắt con cá làm thịt ăn. Cám than khóc thì ông Tiên hiện lên bảo đem xương cá chôn đúng 100 ngày đào lên sẽ thấy bảo vật. Cám làm theo lời Tiên và ngày đào lên thì được đôi giày (khi xưa gọi là đôi hài). Ngày nọ, đôi giày giẫm phải sình lầy, Cám rửa sạch máng phơi trên hai sừng trâu. Bỗng con quạ từ đâu bay đến tha đi một chiếc giày, bỏ xuống hoàng cung, ngay cửa ra vào của Đông Cung Thái Tử.
Thấy chiếc giày đẹp của người con gái nào đó, thái tử lượm và kể từ hôm ấy đêm ngày buồn bã, tư tưởng đến người có chiếc giày. Thấy kỳ lạ ở con người hoàng tử, vua cha gạn hỏi thì hoàng tử trình bày sự thể, và xin vua cha truyền trong thiên hạ rằng, cô gái nào mang vừa chiếc giày thì sẽ sánh duyên cùng hoàng tử.
Chiếu vua truyền ra thì rất nhiều cô gái từ tiểu thư khuê các cho đến hàng dân giả, cũng đều được về kinh thành mang thử giày. Thấy Tấm được mẹ cho đi dự thi, Cám cũng xin đi, bà dì cho đi nhưng phải lựa cho xong 3 thúng đậu lộn mè rồi đi. Công việc này đòi hỏi phải thời gian dài mới xong. Lúc Tấm đã đi thi thì Cám còn ngồi lựa mấy thúng đậu. Nàng vừa lựa vừa khóc thì bỗng nhiên một bầy bồ câu bay vào nhà lựa giúp Cám trong khoảnh khắc thì xong. Cám được đi dự thi nhưng là người đến sau cùng và kết quả mang được chiếc giày, giống y như chiếc giày còn lại được mang theo.
Thế là Cám được chấm, thái tử cho về nhà hẹn ngày cho kiệu hoa đến rước... Đoạn này của câu chuyện rất là vô lý, bởi khi được chấm đậu như vậy thì kể như là bà Vương Phi rồi. Vậy mà đi về nhà lại đi một mình không có quân sĩ theo “bảo vệ an ninh” đến đỗi phải bị mẹ con nàng Tấm hại cho chết. Kỳ tới tôi sẽ nói tiếp câu chuyện Con Tấm Con Cám đầy những huyền thoại này.
Giờ đây mời quí vị nghe tuồng “Con Tấm Con Cám” được thu thanh dĩa hát thời đầu thập niên 1960, lúc Minh Cảnh mới ca vài bộ dĩa, giọng ca còn chân phương, chưa pha giọng Huế. Và Út Bạch Lan giọng ca cũng rất trẻ. Đó là hai vai chánh, cùng với Túy Phượng, Túy Hoa, Ba Vân, Kim Quang, Phương Mai.
Theo RFA