Lính Nga triển khai rộng rãi. Ảnh chụp trước một căn cứ quân sự gần Simferopol ngày 16/03/2014.
ReutersHôm qua, 15/03/3014, ít giờ trước cuộc trưng cầu dân ý tại Crimée, chính quyền Kiev tố cáo Matxcơva cho quân đội xâm chiếm một làng nằm tại khu vực sát đường địa giới hành chính với bán đảo Crimée. Hành động lấn tới mang tính biểu tượng này của Nga khiến cộng đồng quốc tế thêm lo ngại.
Bộ Ngoại giao Ukraina khẳng định quân đội Nga đã tiến hành một cuộc đổ bộ bằng trực thăng tại khu vực gần làng Strilkove, vùng Kherson, cách vùng bán đảo tự trị Crimée khoảng 5 cây số. Theo Kiev, khoảng « 80 binh sĩ » đã kiểm soát làng nói trên « với sự hỗ trợ của bốn trực thăng và ba xe thiếp giáp ».
Trong thông điệp của Bô Ngoại giao Ukraina, có đoạn : « Bộ Ngoại giao Ukraina tuyên bố đây là một hành động xâm lấn về quân sự của Nga và yêu cầu Nga rút ngay lập tức các lực lượng quân sự ra khỏi lãnh thổ Ukraina. (…) Ukraina có toàn quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn cuộc xâm lược quân sự của Nga ».
Theo giới quan sát, đây không phải là lần đầu tiên quân đội Nga xâm chiếm một địa điểm của Ukraina, bên ngoài bán đảo Crimée. Hành động xâm lấn này mang tính biểu tượng hơn là chiến lược. Trước đó, quân Nga và lực lượng thân Nga ở Crimée đã nắm giữ chốt kiểm soát Tchongar, nằm trên một trong hai xa lộ chính nối liền Crimée với lục địa, cách địa giới hành chính với Crimée chừng một cây số về phía bắc.
Cuộc xâm nhập ngôi làng nằm cách xa vùng Crimée của quân đội Nga khiến cộng đồng quốc tế thêm lo ngại. Washington có phản ứng tức thời, lên án Matxcơva đã có « thêm một bước leo thang gây phẫn nộ ».
Crimée : Nhiều tin bắt cóc khiến không khí thêm căng thẳng
Trước cuộc trưng cầu dân ý hôm nay, hôm qua 15/03, Giáo hội Công giáo theo nghi thức Phương Đông của Ukraina lên tiếng tố cáo một trong các linh mục tại Sebastopol bị bắt cóc. Theo cảnh sát địa phương, người linh mục này – sau khi bị câu lưu một thời gian ngắn – đã được trả tự do. Kể từ cuối tháng hai, cảnh sát Crimée nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai thân Nga và cộng tác với các dân quân thân Nga. Theo một cha bề trên của Giáo hôi, việc vị linh mục kể trên bị bắt cóc « có thể liên quan » đến việc ông là cha tuyên úy trong quân đội Ukraina. Nhiều linh mục và giới chức Giáo hội Công giáo theo nghi thức Phương Đông của Ukraina ủng hộ phong trào đối lập lật đổ cựu Tổng thống Ianoukovitch.
Cũng trong ngày hôm qua, một nhóm thân Nga tại Sebastopol, mang tên Rousski Blok, cũng lên án việc một lãnh đạo địa phương bị 9 người bắt cóc và mang đi trên một xe buýt nhỏ. Cảnh sát địa phương cho biết, thông tin này cần phải được kiểm chứng, trước khi chính thức thông báo vụ bắt cóc này.
Hiện tại, Bộ Nội vụ Ukraina không còn kiểm soát được vùng Crimée, do vậy các vụ bắt cóc thường khó được khẳng định một cách chính thức. Theo các nhà quan sát, đôi khi tin tức về các vụ bắt cóc xuất phát từ « cuộc chiến thông tin » giữa các nhóm đối địch tại Crimée. Trong tuần này, một nhóm ba người thuộc phong trào Maidan, trong đó có một nữ phóng viên đã bị bắt cóc. Sau khi được thả ra, nữ phóng viên Ukraina Olena Maksimenko cho biết cô đã bị giam giữ tại một doanh trại ở Sebastopol và bị đánh đập trong thời gian bị bắt.
Ứng cử viên Tổng thống Ukraina Klitschenko khẳng định quân đội Ukraina tại Crimée không rời vị trí
Ông Vladimir Klitschenko, ứng cử viên Tổng thống Ukraina, một trong các lãnh đạo chủ chốt của đối lập trước đây, tuyên bố các lực lượng quân sự Ukraina đang đồn trú tại vùng Crimée sẽ không rời vị trí sau cuộc trưng cầu dân ý.
Trả lời báo Đức Bild, ông Vladimir Klitschenko khẳng định không muốn chiến tranh với Nga, nhưng Ukraina sẽ tiếp tục duy trì các căn cứ tại Crimée và kêu gọi cộng đồng quốc tế có các trừng phạt nhắm vào Nga, để gửi tới Tổng thống Putin một thông điệp rõ ràng, « theo đó, hành động vi phạm luật pháp quốc tế tại Crimée không thể không bị trừng phạt ».
Theo RFI