Trong thời gian “chống Mỹ cứu nước,” các cơ quan tuyên truyền của cộng sản Bắc Việt đã sáng tạo ra nhiều huyền
thoại đề cao quá nhiều những anh hùng không có thật, và dùng thành ngữ “ra ngõ gặp anh hùng” để mô tả hiện tượng,
đi đâu cũng gặp anh hùng, hay ví von theo kiểu văn chương bình dân của chúng ta khi nói cái gì quá nhiều, thì có thể
gọi là “anh hùng như... rươi!” Anh hùng ngụy tạo hay anh hùng “dỏm” thực ra cũng không khó kiếm đâu, chỉ tội cho dân
ngu, phải nhồi nhét hay phải tin những tấm gương lếu láo đã đi vào sử sách của đảng, mà cũng lạ sao dân lại có thể tin
những chuyện huyễn hoặc, phản khoa học đến như thế? Không phải những câu chuyện này người ta đặt ra để truyền
miệng để lòe các em “khăn quàng đỏ,” mà là những câu chuyện “chính quy, “vì những nhân vật trong chuyện đã được
đảng phong tặng “dũng sĩ,” “anh hùng.”
Hãy nghe bản tuyên dương của “dũng sĩ” Bùi Minh Kiểm:
”Hơn 15 năm cầm súng, chinh chiến dọc một dải chiến trường miền Trung, ông đã lập nên những kỳ tích huyền thoại
khi một mình hạ hơn 8 chiếc máy bay UH-1 và hàng chục xe tăng, thiết giáp của Mỹ Ngụy. Trong một trận đánh 'dầu
sôi, lửa bỏng,' ông cùng đồng đội là Nguyễn Phú Thao đã đưa ra một cách đánh táo bạo. Khi chiếc UH-1 rà tới chuẩn
bị hạ thấp để bắn róc két thì ông Kiểm lao người lên dùng hai tay ghì càng máy bay xuống. Ðôi bàn tay thép như chiếc
nam châm hút chiếc UH-1 xuống gần sát mặt đất. Viên phi công bất ngờ, chưa kịp gạt cần súng máy thì đã bị anh Thao
từ bên dưới bắn thốc lên, thẳng vào buồng lái. Chiếc máy bay mất thăng bằng loạng choạng lao xuống, nổ tan xác.”
Và gương một dũng sĩ tí hon mới 13 tuổi tên Hồ Thị Thu ở Quảng Nam, “một lần thấy địch phơi súng hàng loạt, chĩa
nòng về dân quân du kích Việt cộng như thách thức, bỗng Hồ Thị Thu lóe lên ý tưởng: bỏ cát, sạn vào nòng súng để
chúng bắn không được. 'Dũng sĩ' này vờ chơi trò trẻ con đem rổ đựng cát sạn, trên phủ lớp lá chuối, giả vờ nô đùa rồi
bỏ cát, sạn vào nòng súng của lính Mỹ. Ðêm ấy du kích tấn công, Mỹ giương súng ra bắn nhưng đều bị toe nòng. Một
chuyện khác của 'dũng sĩ' tí hon, là vào nửa đêm, lính Mỹ gác đang ngáy khò khò, để súng lăn lóc, Hồ Thị Thu lẻn tới
vác từng cây súng ra phía sau đồng, giấu đi. Rồi cứ thế vào... lấy tiếp. Ðến khi nghe gà gáy, biết trời sắp sáng, Hồ Thị
Thu chạy về báo cho bộ đội địa điểm giấu súng.”
Trong hai chuyện “anh hùng” trên, Bùi Minh Kiểm, “một mình” hạ 8 trực thăng, và hàng chục chiến xa nhưng không nói
rõ đích xác bao nhiêu chiếc, nhưng chỉ cái việc Kiểm ghì chặt càng trực thăng, níu xuống đất cũng đủ vào kỷ lục
Guiness thế giới rồi. Nên nhớ trực thăng loại này có thể nhấc bổng 9,500 lb (4,309 kg), hay chuyên chở được 4,673 lb
(2,120 kg), trong khi anh chàng đặc công “dũng sĩ” họ Bùi cùng lắm là cân nặng 60 kg.
Còn như câu chuyện “lính Mỹ gác đang ngáy khò khò, để súng lăn lóc,” để cho Hồ Thị Thu vào ra lấy súng Mỹ đem đi
hay giả chơi trò con nít để bỏ cát sỏi vào nòng súng Mỹ Ngụy thì thật là ngoài sức tưởng tượng của con người. Nhưng
chuyện tưởng tượng này với cộng sản là chuyện... thật, bằng chứng là Hồ Thị Thu đã ba lần “được” gặp Bác Hồ và
được chọn đi cùng đoàn học sinh miền Nam dự trại hè Aratec dành cho tất cả thiếu nhi cộng sản thế giới tại Liên Xô
năm 1970.
Những chuyện anh hùng như thế này không thiếu qua sách vở và loa phóng thanh miền Bắc ngày trước, chỉ có những
người mất trí hay đứa trẻ lên ba mới tin được, mà cộng sản đã can đảm rêu rao đây là quê hương “ra ngõ gặp... anh
hùng!” thì ngày nay ở Việt Nam dân giàu nước mạnh, “ra ngõ gặp... tiến sĩ” đâu có gì đáng ngạc nhiên!
Năm 2013, Việt Nam đã có tổng cộng 24,300 người tốt nghiệp tiến sĩ và 101,000 người có bằng thạc sĩ. Trong số
tiến sĩ này, có 633 người hiện là giảng viên các trường cao đẳng, và khoảng 8,520 tiến sĩ đang là giảng viên các
trường đại học. Làm một con tính trừ, nhiều người thắc mắc về việc 15,000 tiến sĩ đang chạy lêu bêu ngoài đường.
Con số tiến sĩ này cao nhất trong các nước Ðông Nam Á, nhiều gấp năm lần Nhật.
Khi nghe chuyện “dũng sĩ” Bùi Minh Kiểm tay không níu càng trực thăng, chúng ta đã buồn cười, nhưng thật ra có khác
gì chuyện giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch tỉnh Phú Thọ tốt nghiệp tiến sĩ tại “Ðại Học Nam Thái Bình Dương”
tại Hoa Kỳ, mà không biết một chữ tiếng Anh nào! Chuyện dũng sĩ 13 tuổi Hồ Thị Thu nhét cát sạn vào súng Mỹ cũng
lếu láo như anh chàng Nguyễn Văn Ngọc, phó bí thư tỉnh Yên Bái, đã lấy bằng tiến sĩ trường “Ðại Học Nam Thái Bình
Dương” có thuê thông dịch viên, với giá $17,000. Báo chí Việt Nam đang nói chuyện bộ trưởng Giao Thông Vận Tải
vừa bổ nhiệm Tiến Sĩ Nguyễn Nhật lên thay chỗ của Tiến Sĩ Dương Chí Dũng, là một chàng không biết tiếng Anh, đã
lấy văn bằng tiến sĩ trong vòng 6 tháng.
Có thể sự so sánh này, nhiều vị cho là so sánh... khập khễnh, nhưng cả hai sự việc đều có liên quan đến việc sản xuất
hàng giả của cả hai chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày trước và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa ngày nay, ngẫm
lại có khác gì đâu!
Chúng ta ai cũng biết, hệ thống đại học có ba bậc: cử nhân (bachelor), thạc sĩ hay phó tiến sĩ (master) và tiến sĩ
(doctor). Hai bậc thạc sĩ và tiến sĩ còn được gọi là hậu đại học (post graduate). Tùy quốc gia, tùy trường, cử nhân học
ba hay bốn năm, thạc sĩ học hai năm và thời gian soạn tiến sĩ là tối thiểu ba năm. Như vậy một người tốt nghiệp trung
học phải mất 9 năm “dùi mài kinh sử” mới lấy được bằng tiến sĩ, nhưng ở Việt nam, có anh chỉ có bổ túc văn hóa, vài
ba năm sau đã khai báo là có bằng tiến sĩ hay bác sĩ. Hiện nay trong Bộ Chính Trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã có đến
tám tiến sĩ, nhưng trong tiểu sử, không thấy các vị này bỏ ra một ngày nào để cắp sách đi học. Ðó là Nguyễn Phú
Trọng (chính trị học), Nguyễn Sinh Hùng (khoa học kinh tế), Tô Huy Rứa (triết học), Phạm Quang Nghị (triết học), Trần
Ðại Quang (luật), và Ðinh Thế Huynh (báo chí).
Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản ngày nay có quyết tâm, nhưng mà là sự quyết tâm làm hàng giả để
phô trương, vượt chỉ tiêu bất cần thực chất, kêu to nhưng thực chất là rỗng ruột. Trong một tài liệu nói về “Chiến lược
quy hoạch cán bộ-công chức,” chính quyền Hà Nội cam kết rằng, 100% cán bộ thuộc Thành Ủy Hà Nội, trong vòng 6
năm nữa sẽ có đạt trình độ tiến sĩ. Theo kế hoạch này, đến năm 2020, tất cả cán bộ lãnh đạo các xã, phường, thị trấn
của Hà Nội sẽ đạt trình độ đại học, và một nửa trong số này có trình độ hậu đại học. Có nghĩa là rồi đây, những ông
chủ tịch phường, chủ tịch xã ngày xưa chỉ có khuôn dấu củ khoai lận trong túi áo, ít nhất sẽ có cử nhân, và trong số này
một nửa có trình độ hậu đại học theo yêu cầu của đảng là phó tiến sĩ hay tiến sĩ.
Ðúng là một thời đại “vẻ vang dân tộc!” Cứ tưởng tượng một danh thiếp in mấy hàng chữ “Tiến Sĩ Triết Học Nguyễn
Văn Ðần, Chủ Tịch UBND Phường Ðầm Ðùn, Nghệ Tĩnh” hay “Tiến Sĩ Luật Khoa Hà Ô Danh, Ðảng Ủy Xã Nhiêu Lộc,
TP Hồ Chí Minh,” là đã đủ thấy trí tuệ của đảng ta cao đến mức chói lọi, vinh quang như thế nào! Theo đà phát triển
này, sáu năm nữa chúng ta sẽ có Thiếu Tướng Trưởng Công An Phường, Trung Tá Công An Khu Vực, trong khi
chuyện giáo dục con người, thì cô giáo Hà Thị Thủy, “tốt nghiệp khoa văn Trường Ðại Học Sư phạm Hà Nội loại giỏi và
vừa hoàn thành luận văn thạc sĩ với điểm số 10/10” lại ngớ ngẩn không biết đến hai chữ “canh gà!”
Từ đây trở đi tôi sẽ không nhắc đến học vị “phó tiến sĩ” nữa, vì Việt Nam đã đồng loạt cắt chữ “phó” để mọi người
được ân sủng của đảng thăng lên một cấp, như y tá sau sáu năm làm bệnh viện được đặc cách mang hàm bác sĩ. Khi
một phái đoàn ngoại giao Liên Xô sang thăm Việt Nam được một toán y tá theo săn sóc sức khỏe, sau khi công tác
hoàn tất thì toán này được phong là “bác sĩ hữu nghị!” Nói dắt một con bò qua Liên Xô, sau khi trở về Việt Nam thành
một tiến sĩ thì quả lá quá nặng lời, nhưng hiện nay Việt Nam không thiếu những tiến sĩ hữu nghị về từ Liên Xô.
Những người có bằng tiến sĩ giả hay dỏm hiện nay đều có việc làm trong các cơ quan công quyền hay các cơ chế của
đảng, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân. Tư nhân bỏ đồng tiền kinh doanh, thuê mướn người còn
biết xót, trong khi đảng và nhà nước thì bất cần. Chúng tôi không đủ thời giờ để ghi lại loại văn bằng tiến sĩ kinh tế dỏm
như Trần Ðình Ðàn (nguyên chủ tịch, bí thư tỉnh Hà Tĩnh) với luận án “Huy động nguồn vốn để xóa nhà tranh tre nứa lá”
đang tràn lan ở Việt Nam.
Ngày trước, khi cộng sản mới vào Sài Gòn, dân chúng hỏi đến đời sống người dân Bắc Việt có các tiện nghi trong đời
sống hàng ngày như TV, tủ lạnh hay không, mặc dù chẳng biết gì, nhưng vì cái mặc cảm vừa thắng trận, cán bộ cộng
sản nói đại: “Ngoài tớ thứ ấy thiếu gì, TV, tủ lạnh chạy đầy đường...!” Nhưng bây giờ, họ cũng có thể hãnh diện để nói
rằng: “Nước tôi, tiến sĩ... chạy đầy đường!”
Nói theo kiểu anh hùng thì: “Ra ngõ gặp... tiến sĩ!” Nôm na, bình dân kiểu thầy u thì: “Dũng sĩ, tiến sĩ nhiều... như rươi!”
Chỉ khi nào cấp lãnh đạo mỗi ngày nhìn mình trong gương mà thấy hổ thẹn thì đất nước này may ra mới khá lên được.
Tạp ghi Huy Phương