Từ sau Tết, người viết bị cảm triền miên và ngưng xuất hiện trong chương trình văn học nghệ thuật trên Người-Việt TV vì... hát chẳng ra lời. Ðang dưỡng bệnh bỗng nhớ đến chú Mai Thảo!
Trong tập thơ “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Ðền” do anh Ðỗ Ðình Tuân xuất bản năm xưa, Mai Thảo có bài thơ rất thấm cho những người nằm bệnh. Câu thơ của ông: “Gối tay lên bệnh nằm thanh thản, thành một đôi ta rất đá vàng” được bằng hữu và những người yêu thơ nhớ mãi!
Cả bài thơ còn có sự duyên dáng riêng, nên Quỳnh Giao lẩm nhẩm và lóc cóc gõ lại ở đây:
Dỗ Bệnh
Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện
Ta lại cùng cơ thể chuyện trò
Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn
Nó nghĩ sao rồi nó lại cho!
Bệnh ở trong người thành bệnh bạn
Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân
Gối tay lên bệnh nằm thanh thản
Thành một đôi ta rất đá vàng.
Ít ai lại chuyện trò với bệnh như với một người bạn thân, và lại còn dỗ dành cơ thể!
Nhưng thật ra, Mai Thảo là người đã... lừa được bệnh. Hoặc nói cho đúng hơn, ông đẩy lui bệnh nên chẳng còn bệnh tật gì hết. Những người bạn thân của ông trong giới y khoa đều có thể biết và kinh ngạc về chuyện này. Trong người hình như có cục u bướu gì đó, ông không chịu chữa chạy như người chí thiết là Hoài Bắc Phạm Ðình Chương. Nhiều người còn cho là ông diệt bệnh bằng... rượu vì ít năm sau chiếu điện lại thì chẳng còn thấy gì nữa.
Có khi nhà văn của chúng ta chẳng muốn sống nữa, thế thôi!
Với ông, có ba lẽ sống thiêng liêng nhất thì đều không còn. Quê hương đã mất, văn chương đã cạn, và bạn bè chí thân đều theo nhau ra đi, như Thanh Nam, Vũ Khắc Khoan hay Hoài Bắc. Vì vậy, ông chẳng còn thiết ăn và cơ thể hao mòn dần cho đến khi kiệt.
Ngọn đèn dầu đã cạn, chỉ còn cái bấc, được ông sưởi bằng rượu và đốt bằng khói thuốc.
Nhớ lại thì lâu lắm rồi, khi có hai vợ chồng người bạn từ miền Ðông qua chơi, chúng tôi mời nhau ra một tiệm ăn Nhật Bản và xuýt gây ra một “xì căng đan” vì Mai Thảo.
Ông cũng có một đĩa “sushi” như mọi người, nhưng cầm đũa gẩy gẩy ba cái rồi chê là rượu sake quá nhẹ. Ông châm điếu thuốc ngay trong tiệm trước sự bàng hoàng của mọi người! Chúng tôi liếc nhìn nhau và ôn tồn nhắc nhở.
Nhưng ngay lập tức một cô hầu bàn rất lịch sự đã tới bên cạnh thầm thì. Thưa ông, trong này không hút thuốc! Mai Thảo thản nhiên cắm điếu thuốc trên miếng Yellow Tail màu hồng rất tươi. Rồi khi người tiếp viên vừa quay đi thì ông đốt điếu khác.
Cứ như vậy, mươi phút sau thì đĩa cá tươi đã có hình thù của con dím. Toàn những mẩu thuốc hút dở cắm đầy trên đĩa...
Dĩ nhiên là chúng tôi phải trổ tài ngoại giao để xin lỗi người quản lý tiệm ăn và một đoàn tiếp viên đứng quanh bàn. Rồi năm người líu ríu kéo nhau ra cửa. Không một ai nỡ than một câu với người bạn đã mang tâm sự hay tâm bệnh được viết thành thơ:
“Những bạn bè mày chúng nó đã giết
Còn viết được ư, thằng sống sót?”
Thật ra, trong cõi lưu vong, Mai Thảo vẫn viết và ngày càng làm thơ nhiều hơn.
Ông viết trên tờ Ðất Mới của ông Vũ Ðức Vinh. Từ Seattle về đến Quận Cam này, ông dựng lại tờ Văn ngày xưa, với sự kín đáo hỗ trợ của Ðỗ Ngọc Yến. Dù bị bạn bè chế diễu là “sáng tinh mơ súc miệng bằng rượu,” ông giữ một kỷ luật đáng yêu là chăm sóc tờ báo và đích thân trả lời thư tín cho độc giả với sự chu đáo, cẩn trọng.
Bên dưới cái vẻ chán chường và những lời nói gây khó chịu cho nhiều người ở ngoài, Mai Thảo vẫn có sự thiết tha với văn chương. Cho đến khi kiệt sức, ông mới trao tờ báo cho Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tục thêm được ít năm...
Khi có lời giã biệt bên huyệt, Võ Phiến phát biểu: “Ra đến ngoài này, trong hoàn cảnh rất khó khăn. Mai Thảo vẫn gắn bó với văn học. Ông làm cho cuộc đời chúng ta trở thành văn minh hơn...”
Chính lời nói đó càng khiến nhiều người trong chúng ta tiếp tục. Ðáng quý nhất là nhiều người tiếp tục dù ý thức được như Mai Thảo khi ông nhắc đến người bạn Bùi Giáng ở nhà: “Kẻ sĩ điên thế kỷ mù rồi!”
Ngồi trước cái máy, người viết này nhớ lại Mai Thảo và ghi lại sự thiết tha đó của ông. Mình sẽ phải lành bệnh, đá vàng là đấy. Ở ngoài kia, có người hai tay hai súng canh cửa: hai máy điện thoại di động để cảm ơn mọi lời thăm hỏi! Cũng là một lẽ đá vàng đấy!
Quỳnh Giao