Một điện thoại smartphone Samsung Galaxy S4 với thông tin Twitter không truy cập được, 21/03/2014. REUTERS
Đêm hôm qua 20/03/2014, bộ bưu điện viễn thông Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa mạng xã hội Twitter. Đây là biện pháp đối phó và trừng phạt cộng đồng mạng sau khi nhiều đoạn điện thoại nghe trộm được công bố trên mạng tố cáo thủ tướng Erdogan dính líu vào một vụ tham nhũng.
Vào đầu tháng này, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đe dọa cấm cửa YouTube và Facebook sau khi các mạng xã hội loan tải một số đoạn băng điện đàm mà theo đó người đứng đầu chính phủ Ankara có hành vi tham ô.
Tối hôm qua, Bộ bưu điện viễn thông cho biết theo lệnh của tòa án, chận truy cập vào Twitter. Lệnh cấm này ban hành vào lúc Thổ nhĩ Kỳ sắp bầu lại chính quyền địa phương vào hai tuần tới đây, một cuộc bầu cử được xem là « trưng cầu dân ý » ủng hộ hay không thủ tướng Erdogan.
Biện pháp kiểm duyệt tự do thông tin này vừa vô hiệu quả, vừa bị lên án.
Theo AFP, ngay sau khi lệnh cấm được thông báo, cộng đồng mạng vẫn có thể vượt rào nhờ vào hệ thống VPN.
Đức Quốc, nơi có cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ đông đảo nhất châu Âu, phát ngôn viên chính phủ Merkel, ông Steffen Seibert cho rằng « không phải nhà nước là người quyết định phương tiện truyền đạt thông tin của công dân trong chế độ dân chủ ».
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Đức Martin Schafer nhấn mạnh đây không phải là lần đầu tiên « chúng ta thấy thiếu sót của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về tự do báo chí ».
Liên Hiệp Châu Âu, qua tuyên bố của Ủy viên đặc trách Công nghệ thông tin mới Neelie Kroes mạnh mẽ lên án chính quyền Ankara có hành động cấm cản thông tin vừa « vô ích, vừa hèn hạ ». Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng quốc tế xem đây là « hành động kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận, quyền tự do thông tin, những quyền căn bản trong một xã hội dân chủ ».
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng cho rằng khi kiểm duyệt thông tin trên mạng, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chứng tỏ không đủ bản lãnh đưa đất nước vượt qua thử thách của Thế kỷ 21 và cũng không phải là cách thức hay nhất để được hội nhập vào châu Âu.
Theo RFI