Ngày xưa, trong truyện cổ Tàu có tích 128 anh hùng Lương Sơn Bạc, kết nghĩa anh em, giúp đỡ lẫn nhau khi khốn khó, gặp nạn…
Ngày nay, cũng có nhiều trường hợp anh em tự nhiên từ trên trời rơi xuống kết nghĩa. Nhưng kết nghĩa thời hiện đại là việc có qua có lại, hay mượn tiếng giúp nhau khi có chuyện bung xung.
Đầu đuôi xảy ra cớ sự cũng bởi có người rảnh việc, với lại sự việc xảy ra cách đây ba năm. Tòa dinh thự của ông Tổng thanh tra xây cất từ đời nào bỗng nhiên bây giờ sừng sững bị đưa hình ra trông thật ngứa mắt.
Thiên hạ liên hệ tòa dinh thự với chuyện ông Tổng vội vã bổ nhiệm gần sáu mươi cán bộ cấp cao trong vòng sáu tháng trước khi về hưu. Riêng ngày cuối cùng ông bổ nhiệm hai mươi hai người. Cái ngày cuối cùng đó, chỉ ký tên trên giấy bổ nhiệm đã đủ mỏi tay rồi. Bây giờ ổng về hưu rồi nên người ta mới bươi đủ thứ chuyện, hồi ông còn tại chức thì đâu có thấy ai dám nói năng gì. Với lại tự nhiên báo chí rủ nhau lôi ra rùm beng chứ chuyện cuống quýt bổ nhiệm phút 89 này vẫn xảy ra khắp nơi từ trước tới giờ, đâu có gì lạ lẫm.
Ông Tổng hưu phân trần tài sản là do người em nuôi tặng, căn khác là nhà được cấp, cái nọ của cha mẹ… Còn tiểu thư thì than thở phải chi mua nhà ở giữa thành phố thì đâu có ai ganh tỵ gì.
Quả đúng vậy, Sàigòn đất chật, người đông như nêm cối nên một tòa nhà nằm chen chúc giữa rừng biệt thự thì chẳng ai buồn soi mói làm chi. Khổ nỗi nó lại một mình sang trọng nổi bật đầy thách thức giữa vùng quê nghèo nên mới có người nghía vào. Chẳng biết ông anh, bà em kết nghĩa nào tốt bụng dữ vậy, lặn lội rừng sâu nước độc đào vàng giàu tới mức nào để tặng khơi khơi tòa lâu đài. Trên đời té ra lại có tình bằng hữu kết nghĩa độc như vậy.
Thật ra để tránh nạn tham nhũng hối lộ thì trên giấy tờ cũng có luật bắt công chức kê khai tài sản. Cứ chiếu theo bảng lương lãnh mỗi tháng thêm phụ cấp ăn trưa, phụ cấp đắt đỏ, tiền xe đi công tác xa… cộng hết lại thì chắt bóp tới cuối đời may ra mua được gian nhà mái tôn vách ván. Nếu không có các anh em kết nghĩa thò tay vào giúp đỡ thì chắc chắn không thể mua sắm, xây cất nổi những tòa nhà nguy nga và sống cuộc đời giàu sang phú quý được.
Chỉ có điều luật trên giấy tờ thôi chứ bây giờ mang luật công chức, luật đoàn đảng bắt công chức, đảng viên về hưu phải kê khai tài sản thì chỉ tốn giấy mực vô ích. Bởi đâu có ông, bà công chức cao cấp hưu trí hoặc đang tại chức nào có của cải đáng kể. Nhà cửa, đất đai… Nói chung mọi bất động sản, kể luôn tài khoản ngân hàng, cổ phiếu… thuộc về con trai, con gái, con dâu, con rể, thậm chí cháu nội, cháu ngoại, cha mẹ, anh chị em… đứng tên. Toàn các thành viên trong gia đình chặt chẽ chứ không tới phiên bà con cô dì chú bác đứng tên đâu. Còn chính ông bà thì hoàn toàn tay trắng, không hề có một miếng của cải làm vì!
Nếu anh em kết nghĩa của ông Tổng không nằm đâu đó trong sáu mươi người vừa được bổ nhiệm gấp gáp kia thì cũng ơn nghĩa từ trước đó.
Chuyện cách đây ba năm giải trình chưa thông thì lại đến chuyện Chi cục trưởng tỉnh bổ nhiệm hai mươi chín cán bộ nhân viên trong vòng hai tháng. Rồi đến Giám đốc của sở Văn hóa, Thông tin & Du lịch do chỉ là cấp thành phố chứ không phải trung ương nên số lượng cũng ít hơn: chỉ có mười chín người được bổ nhiệm cấp tốc trong vòng nửa tháng trước khi ông Giám về hưu. Ông cũng tìm cách moi lý lẽ đổ thừa chuyện bổ nhiệm đó tùy thuộc vào ban Cán sự Đảng, chứ ông làm gì toàn quyền quyết định, ông chỉ đơn giản làm công việc thừa hành là ký tên vào các quyết định thôi. Đương nhiên, đâu có ai biết để hỏi tới là ở sở này, ông Giám lại kiêm luôn chức Bí thư thì còn ai hó hé gì nữa. Chưa kể cái ghế của ông vững chãi tuyệt đối vì được kê trên cái bệ lý lịch có mẫu thân là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng chẳng hạn. Chỉ đến khi ông chính thức về hưu thì nhân viên trong sở mới dám ý kiến ý cò. Mà về hưu là hết chuyện. Ý kiến ý cò cho vui vậy thôi chứ ai nấy đều đã yên thân ấm chỗ cả rồi. Lỡ thì thôi cho qua luôn chứ làm sao rút hết bấy nhiêu người về chốn cũ được.
Nếu muốn có một cuộc thay đổi rầm rộ như vậy lại phải đợi đến đời ông Giám mới về hưu hoặc thay đổi vị trí. Trước khi rời khỏi ghế, bao giờ các ông bà cũng tiếp tục kịch bản muôn đời là đưa bà con thân thuộc, anh em kết nghĩa… vào các vị trí béo bở để tuy không còn đó nhưng chân tay thế lực vẫn còn. Làm quan đương nhiên phải biết tận dụng quyền hành đúng lúc đúng nơi.
Thông thường việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhân viên, chức vụ là do sự đồng thuận của cả ban giám đốc, công đoàn, đảng ủy, tổ chức (tức là nơi chuyên luân chuyển, bổ nhiệm nhân sự)…, đôi khi cũng có lấy “ý kiến quần chúng” cho có vẻ dân chủ một chút. Thực ra việc lấy ý kiến quần chúng chỉ nhằm rềnh rang cho vui, để đưa vào báo cáo dông dài nhiều tiết mục kêu tai, để thử xem “lòng dân”, “dân tình” ra sao. Lấy ý kiến cũng có mặt hay vì có khi lại lòi mặt ra những tên chống đối nằm trong các bè phái nào từ trước tới giờ chưa biết. Chuyện đó cũng hiếm hoi bởi chẳng ai dại gì đưa ý kiến ra trước bàn dân thiên hạ mà thường ai nấy chỉ lựa lời. Gió đằng nào che đằng đó. Ý kiến riêng chỉ được kề tai to nhỏ ở sau lưng, bên ngoài phòng họp mà thôi.
Cho dù ý kiến đóng góp, lý lẽ phân tích từ bốn phương tám hướng thế nào thì giám đốc vẫn là người ra quyết định cuối cùng. Nhất là khi giám đốc sắp về hưu thì những thủ tục họp bàn, đóng góp ý kiến lại càng gấp rút chạy đua với thời gian để còn kịp trước khi bàn giao công việc cho giám đốc mới.
Với người công chức khi đã được tuyển dụng, đã được phong chức làm trưởng, làm phó rồi thì không thể nào “bứng” đi được. Cứ thế mà rẽ ngang, rẽ dọc, đi lên. Lương không thì làm sao sống được, phải kiếm chỗ nào nhiều bổng lộc thì mới xây biệt thự, gửi con đi du học ngoại quốc. Muốn vậy phải quà cáp xứng đáng cho các ông anh để thể hiện tình anh em kết nghĩa. Quà cáp muôn hình vạn trạng từ phong bì, xe hơi siêu sang, nhà cửa, đất đai, chuyến du lịch ngoại quốc…
Những ông sắp về hưu nghĩa là trước mắt chỉ còn thời gian ngắn mất quyền hành cho người khác, thì chẳng việc gì không rộng tay gia ơn, làm phúc cho người thân, người quen biết… Ngay cả chú tài xế tuy lớn tuổi và thất học nhưng sát cánh chở sếp đi đây đó rất mực kín miệng cũng được cất nhắc lên chức phó chánh văn phòng. Đặt đâu cứ ngồi yên đó rung đùi xơi nước chứ chẳng làm việc gì mà sợ không có chuyên môn hoặc lãnh trách nhiệm. Vừa sắp xếp gửi sẵn tay chân bè phái rải các nơi hòng thành lập sợi dây ơn nghĩa, sau này vẫn tiếp tục gửi gắm nhờ vả. Nhân thể hốt hụi chuyến chót trước khi “hạ cánh an toàn”. Về hưu là hết chuyện. Những việc làm trước kia không còn bị xem xét, truy tố nữa.
Bởi vậy nên ở nhiều nơi, không lạ khi số lượng quan xấp xỉ, thậm chí nhiều hơn số quân. Tại một Chi cục quận, có một Chi cục trưởng, một Chi cục phó và hai nhân viên. Một sở ở Hà Nội có mười ba phó giám đốc. Tại một ban trong trường đại học, biên chế sáu người thì đã có năm người mang chức “sếp”. Một cơ quan khác ngang với Bộ, đáng lẽ chỉ có ba vụ phó thì con số tăng gấp đôi là sáu vụ phó xếp hàng ngang nhìn nhau, không ông nào kém ông nào. Chẳng biết đào đâu ra chuyên viên thừa hành để các ông điều khiển, sai phái. Nơi nào kẹt quá không thể đưa vào chức “trưởng” và “phó” thì sếp lớn nhét vào chức “hàm”, là một cấp không hề có trong luật.
Sở dĩ quan chức nhiều vì quyền hành của sếp lớn sẵn trong tay tội gì không hào phóng ban phát chức danh cho anh em kết nghĩa xa gần. Tính ra công việc thế nào không cần biết nhưng hễ Phó phòng thì lãnh thêm phụ cấp trách nhiệm, Trưởng phòng thì lãnh nhiều hơn một bậc. Rồi cộng thêm các tiêu chuẩn ưu tiên về xe cộ, xăng dầu, nhà cửa, đi công tác… Đó là những lợi tức chính thức kèm thêm nhiều bổng lộc khó nói khác kể không xuể. Cộng hết các thứ thì sống dư dả. Chi phí bỏ ra lúc đầu thu hồi mau chóng và sau đó lãi ròng. Dĩ nhiên sếp càng lớn bao nhiêu thì các vị trí bổ nhiệm càng cao, càng ngon bấy nhiêu.
Chung quy toàn tiền của nhà nước chứ có phải tiền trong túi giám đốc hay cá nhân ai mà áy náy. Tiền nhà nước nguồn gốc là thuế từ dân chúng. Mà dân chúng là một khái niệm mơ hồ, chung chung, không tên không tuổi…
Thành thử làm công chức tính ra lãnh lương theo bảng lương chính thức ba cọc ba đồng mà lại có mấy căn nhà ở thành phố, ở tỉnh, ở quê. Các ông công chức “lớn” ở tỉnh mua nhà để dành ở Hà Nội, Sàigòn, Đà Nẵng… trang trại cao nguyên, không kể mua nhà ở ngoại quốc trả tiền mặt, xe hơi, cổ đông ở các ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu… Của chìm của nổi tính không hết. Con cháu du học thích đi luôn tùy ý, không thì về Việt Nam có thảm đỏ trải, ghế bành đợi sẵn… Người Việt Nam từ xưa vẫn sống theo kiểu cha truyền con nối và truyền thống đó tới giờ vẫn không thay đổi. Con ông cháu cha sẽ được phân bổ vào các vị trí xứng đáng với cấp bậc của gia đình.
Ngay giám đốc một công ty nông nghiệp ở huyện ngoại thành cũng sắm căn hộ chúng cư cao cấp ở quận nội thành làm chỗ dưỡng già khi về hưu.
Hỏi tiền đâu thì đa số trả lời chỉ là ông anh kết nghĩa, em gái nuôi… giúp đỡ đó mà. Để xây nhà, người giúp gạch, kẻ tặng đá, biếu đất, anh em xây dựng giùm luôn… Nhà xây xong tới trang trí nội thất. Người ùn ùn khuân tới bonsai, bộ bàn ghế gỗ quý giá hàng trăm triệu, hàng tỉ… Người cho vay tiền đi du học “rồi khi nào cháu định cư luôn ở bển sẽ trả sau”! Tòa lâu đài lộng lẫy đó, chủ nhà không hề bỏ ra một xu. Nếu không giành giật được cơ hội quý báu giúp chủ nhà thì thật là tiếc cả đời.
Một ông giám đốc chi nhánh ngân hàng có chiếc xe BMW trị giá hơn ba tỷ (hơn 150 ngàn Mỹ kim) từ việc duyệt cho vay hàng trăm tỷ đồng dù biết doanh nhân không có khả năng trả nợ. Tình kết nghĩa thâm sâu đều từ đó mà ra cả.
Gần đây thiên hạ cứ ì xèo bới tung chuyện bổ nhiệm ào ạt của mấy ông lớn. Từ từ để “rút kinh nghiệm” mai sau. Tình cảm anh em kết nghĩa chứ tham nhũng hối lộ gì đâu mà xử cơ chứ!
Sài Gòn cô nương