Nhãn lực tuyệt hảo 20/20 giúp người lái xe thấy thật rõ, thật xa, tránh được tai nạn lưu thông, nhưng không tránh được
nỗi buồn mất việc tháng sau, cũng không giúp được đứa con vị thành niên đừng sa ngã vào cạm bẫy ma túy năm tới.
Nhãn lực là điều vô cùng cần thiết, nhưng ngoài nhãn lực con người còn cần đến viễn kiến, vì viễn kiến là nhãn lực
nhìn xuyên thời gian.
Ai cũng cần viễn kiến, anh công nhân trẻ, mạnh khỏe, tháng tháng bỏ tiền vào quỹ 401K để dành tiêu xài trong những
ngày lớn tuổi, không còn làm việc được nữa; bà từ mẫu dành dụm, chắt chiu góp từng đồng bạc vào ngân khoản
college fund cho đứa trẻ đang chập chững tập đi, để con có học phí cần thiết trong những năm đại học tốn kém; tất
cả những thái độ lo xa đó là viễn kiến.
Người làm chính trị cần viễn kiến nhiều hơn, cần thấy xa hơn những người khác, vì chính khách phục vụ quần chúng,
phải thấy những điều quần chúng chưa thấy. Do đó, một chính khách thiếu viễn kiến nguy hiểm cho công chúng như
người cận thị lái xe không mang kính cận.
Câu chuyện điển hình cho thái độ quờ quạng của những chính khách thiếu viễn kiến vừa xẩy ra hôm Chủ Nhật 23
tháng Ba trong phiên họp thứ 40 của tổ chức Conservative Political Action (Hành Động Chính Trị Bảo Thủ). Hãng
thông tấn AP kể lại chuyện một thuyết trình viên của buổi họp -ông Mitt Romney- trách tổng thống Obama quá ngây
thơ, chứ nếu bản lãnh hơn, Obama đã không để xẩy ra vụ Nga thôn tính Crimea.
Romney cho là Obama thiếu viễn kiến, không nhìn thấy dã tâm của Putin, nên không kịp thời cảnh cáo nhà độc tài Nga
về cái giá Nga sẽ phải trả cho hành động xâm lược, hành động sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ
Nga.
Dù Romney không nói ra, nhưng mọi người đều hiểu ý ông là, nếu thắng cử năm 2012, nắm quyền tổng thống Hoa Kỳ,
ông sẽ giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga, như chính quyền Cộng Hòa trước đây đã giúp người Iraq thoát
ách độc tài tàn bạo của Saddam Hussein, giúp người A Phú Hãn đáng đuổi bọn Taliban. Nhưng viễn kiến của chính
khách Cộng Hòa chỉ nhìn được đến giai đoạn treo cổ Hussein, mà không thấy những thảm họa nội chiến Iraq -ngày
nào cũng có xe bom nổ, ngày nào cũng có tàn sát tôn giáo. Họ cũng không nhìn thấy cảnh Taliban đang trở lại chính
trường A Phú Hãn, ngay sau khi quân lực đồng minh rút khỏi cuộc chiến tranh bất tận này, và nguy hiểm hơn nữa, họ
nhìn quá sát cận vào Trung Đông, mà không thấy thế hở hang chiến lược trên Thái Bình Dương.
Thiếu viễn kiến, Romney không nhìn thấy sự khác biệt giữa 3 nhà độc tài Hitler, Hussein, và Putin; ông cũng không có
giải pháp nào khác hơn là lại cương quyết diệt trừ bọn này bằng giải pháp quân sự như Roosevelt diệt Hitler, hay như
Bush treo cổ Hussein.
Obama tấn công lãnh chúa xâm lược Putin bằng cách đến the Hague gặp lãnh tụ 6 cường quốc Anh, Pháp, Đức, Ý,
Canada, và Nhật để thuyết phục họ đổi thế Bát Cường G8 đang lãnh đạo thế giới, thành Thất Hùng G7, loại bỏ Nga ra
ngoài sinh hoạt quốc tế để trừng phạt Nga về tội phá luật quốc tế -đạo luật bất thành văn- cấm không nước nào được
xâm lược, chiếm đất của nước nào khác.
Quyết định của 7 cường quốc loại Nga ra ngoài vòng pháp luật, đưa cuộc tấn công kinh tế của thế giới vào giai đoạn
thứ nhì: từ những phong tỏa tư sản của các cá nhân đồng lõa với Putin, cuộc tấn công chuyển qua giai đoạn tạo tê liệt
từng địa hạt kinh tế của Nga, bằng cách giảm hoạt động xuất cảng vào Nga, và bớt nhập cảng sản phẩm của Nga.
Trong vai trò lãnh đạo cuộc chiến kinh tế, Obama vẫn biết mềm dẻo, nhượng bộ những nhu cầu của từng nước trong
6 nước đồng minh, như nhu cầu của những nước cần nhập cảng khí đốt của Nga vẫn tiếp tục nhập cảng khí đốt,
nhưng giới hạn không nhập cảng những món hàng khác.
Lãnh tụ mọi quốc gia đều hể hả với chính lược linh động, trừng phạt kinh tế Nga mà mỗi nước chỉ cần hưởng ứng
trong khả năng của mình, không phải hy sinh quá nhiều những quyền lợi kinh tế của chính quốc gia họ. Họ dễ dàng
đồng ý với nhau là sẽ leo thang trừng phạt nếu Nga leo thang xâm lược.
Một bước nhượng bộ kín đáo của Putin là ông gửi ngoại trưởng đến the Hague tiếp xúc với ngoại trưởng Ukraine. Kể
từ ngày Nga khởi công xâm chiếm Crimea, đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ngoại trưởng 2 quốc gia đang thù nghịch.
Thất Hùng dự tính sẽ tái nhóm vào mùa Hè năm nay tại Brussels, thành phố đang là trụ sở của cả Liên Âu lẫn NATO -2
tổ chức đang tăng cường liên hệ với Ukraine.
Trong bản thông cáo chung của hội nghị the Hague, nhóm Thất Hùng tuyên bố, "Chúng tôi cùng tái xác nhận là hành
động của Nga sẽ đưa đến nhiều hậu quả đáng kể. Việc Nga trắng trợn vi phạm luật quốc tế là thách đố nghiêm trọng
đang tạo quan ngại cho mọi quốc gia."
Việc Putin bành trướng lãnh thổ gặp phản ứng mạnh của Âu Châu là do bài học lịch sử Munich năm 1938; năm đó thủ
tướng Anh Arthur Neville Chamberlain đã nhượng bộ Hitler; thái độ nhượng bộ bị hiểu như khiếp sợ, khiến Hitler mạnh
tay xâm lấn mọi lân quốc, tạo thành Thế Chiến Thứ Nhì.
Giờ này không một lãnh tụ Âu Châu nào muốn khuyến khích một hành động xâm lược mới.
Trong thế bị cô lập, phản ứng của Putin khá ngộ nghĩnh: ông tuyên bố cuộc hội nghị Bát Cường dự trù tổ chức vào
tháng 6 này tại Sochi vẫn được tổ chức đúng ngày, đúng chỗ, với một thay đổi duy nhất -đáng lẽ là hội nghị bát cường
G8, sẽ là hội nghị độc tôn G1. Putin tuyên bố với phóng viên truyền thông, "Điểm tuyệt vời của G1 là phiên họp đầu
tiên sẽ không thiếu một quốc gia hội viên nào."
Ông họp với ông, thì chắc chắn không ai vắng mặt! Câu nói khá ngộ nghĩnh, nhưng khiếu trào lộng không phải là sở
trường của các nhà độc tài; đôi môi Staline, Tần Thủy Hoàng, hay Hitler là nơi chỉ xuất phát những mệnh lệnh sắt máu,
vậy mà Putin lại nói chuyện khôi hài! Nhưng cũng có thể G1 không phải là chuyện khôi hài, Putin mơ ước nắm trong tay
một sức mạnh siêu phàm nào đó, khiến Nga trở lại vị thế Liên Bang Sô Viết ngày xưa.
Góc nhìn khiếp đảm của Putin không còn là nhãn lực hay viễn kiến nữa, mà là loạn thị; bị thế giới cô lập, ông mơ tìm
hào quang trong hoang tưởng. Cục gân gà Crimea khá to, nuốt vào thì mắc nghẹn, trúng thuốc G1 của thế giới, mà
nhả ra lại sợ một cuộc đảo chánh của phe dân chủ trong nước.
Nguyễn Đạt Thịnh