Nụ cười là biểu hiện tâm trạng của con người, mang lại niềm vui và là sự ban tặng cho đời. Nhưng cũng có những nụ cười không thể nào lý giải được, vì nó được thể hiện trong những hoàn cảnh bi kịch, tương phản và trai với luân thường đạo lý.
Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Vinalines trong phong xét xử trong tháng 12 năm 2013, đã cười nói với công an và vui vẻ trình diễn thơ tự sáng tác trước Hội Ðồng Xét Xử.
Ðộng lực nào, lý do nào làm cho ông ta bình thản, tự tin như thế, dù sau đó nhận bản án tử hình? Chắc là ông ta nghĩ mình không có tội và cái tội mà ông vướng phải nó không đáng, bởi vì nó rất nhẹ và phổ cập trong toàn bộ hệ thống. Ai mà chẳng ăn! Lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Bất kỳ cái gì dính đến nhà nước đều có văn hóa phong bì. Nơi nào có dự án đương nhiên phải rút ruột. Ăn chênh lệch 10 tỷ đồng từ cái ụ nổi chẳng là bao so với những món khủng khác!
Cũng rất có thể ông Dương Chí Dũng đã được Trưởng Ban Nội Chính Nguyễn Bá Thanh bảo đảm bản án tử hình sẽ không thực hiện nếu khai hết. Ðầu mối để đưa tới thượng tầng là Thượng Tướng Công An Phạm Quý Ngọ đã bị hé mở. Nhưng Ngọ chết, ván bài được khép lại, cuộc chơi đột ngột bị dừng. Nụ cười Dương Chí Dũng sẽ còn tươi mãi được không?
Trong một phiên tòa khác, ngày 14 Tháng Hai năm 2014, xét xử Huỳnh Thị Huyền Như, kẻ lừa đảo thế kỷ của Việt Nam, nhân danh can bộ của ngân hàng Vietinbank, cuỗm một lúc gần 200 triệu đôla (hơn 4 ngàn tỷ đồng) của khách hàng, cười mãn nguyện trong xe áp tải tù nhân.
Nụ cười này phải là sự thỏa mãn cho mưu mô lừa gạt có ý thức cùng với sự đồng lõa của Ngân hàng Công Thương (VietinBank). Thiên hạ bá tánh phẫn uất, chế nhạo không phải bản án chung thân dành cho Huyền Như mà chính là tòa đã phủi bỏ trách nhiệm của Vietinbank một cách trắng trợn. Tất cả các nguyên đơn dân sự đều kháng cáo yêu cầu Tòa Án Cấp Phúc Thẩm buộc Vietinbank phải bồi thường thiệt hại chứ không phải Huyền Như.
Bản án cho thấy cách quản lý bê bối, tắc trách của hệ thống ngân hàng nhà nước Việt Nam và sự bao che, dung túng lộ liễu. Ðộ tin cậy của Vietinbank xuống bằng không và dư luận xã hội sôi sục kêu gọi tẩy chay ngân hàng này. Phiên tòa phúc thẩm sẽ còn lắm bi hài, giữa một bên là cái ác: tiền tài và quyền lợi của phe nhóm, một bên là cái thiện: sự công bằng xã hội.
Tiếp theo, tại phiên tòa thành phố Tuy Hòa ngày 28 tháng 3 năm 2014 xét xử 5 cựu công an trong khi lấy lời khai đã dã man đánh chết anh Ngô Thanh Kiều ngay tại trụ sở.
Bản án đã cũng nói lên sự bao che tội phạm và nhạo báng công lý, khi bốn trong năm công an được đề nghị hưởng án treo. Còn Thượng Tá Lê Ðức Hoàn (phó trưởng công an Tuy Hòa, trưởng ban chuyên án 312T) được miễn tố, dù Viện Kiệm Sát thừa nhận ông ta phạm hai tội: “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “bắt người trái quy định pháp luật,” bởi vì ông ta có “nhân thân tốt!” Có nghĩa rằng, có “nhân thân tốt,” một thư bùa hộ mệnh của những kẻ chức quyền có “thâm niên” của chế độ,” là có thể phạm tội, thậm chí giết người và... vô sự.
Trong phiên tòa này chúng ta nhìn thấy một nụ cười khác trong phòng xử. Ðó là nụ cười tươi khác của một trong năm tên công an phạm tội, trên ghế của phòng xử.
Nhìn tấm hình khác khi đứa bé hai tuổi hôn lên di ảnh của người cha bạc mệnh và nụ cười của tay cựu công an này, chúng ta không khỏi tưởng tượng hắn như là kẻ không tim, không óc, dã man hơn cả thú vật.
Chỉ có chế độ thối nát, vô nhân đạo, bất nhân vô độ, xem mạng của dân chúng như cỏ rác, thì mới có thể đẻ ra nụ cười khốn nạn ấy. Nụ cười này là hậu quả tất yếu của một hệ thống bạo lực, công an trị, của bộ máy đàn áp nhân dân bị côn đồ hóa.
Mới trước đó một tháng, ngày 7 tháng 11 năm 2013, Việt Nam đã ký kết Công Ước Chống Tra Tấn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố rằng việc ký công ước này thể hiện “cam kết mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam chống lại mọi hành vi tra tấn và đối xử tàn bạo, bảo đảm ngày càng tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người.”
“Ðừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn nhũng gì cộng sản làm” là câu nói bất hủ và đi vào lịch sử của cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu. Vận dụng trường hợp nào cũng đúng và với Công Ước Chống Tra Tấn càng thấm thía.
Công an đánh chết người trở nên thường xuyên tại VIệt Nam. Em Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi bị công an đánh chết tại trụ sở huyện Tân Yên, Bắc Giang hồi tháng 7 năm 2010. Ông Trịnh Xuân Tùng bị Trung Tá Công An Nguyễn Văn Ninh bị đánh gãy cổ dẫn đến tử vong hồi tháng 3, 2011 tại Hà Nội. Anh Cao Văn Tuyên ở xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, bị công an xã dùng dùi cui đánh chết khi bị bắt về đồn để thẩm vấn vào đầu tháng 7, 2013.
Trên mặt báo chính thức, thỉnh thoảng lại có tin một người bị chết trong đồn công an, mà một số bị cho là đã “tự tử,” tuy ai cũng biết rõ đó là do công an đánh đập. Mới đây, ông Trần Văn Miên, Trần Văn Sang, hai nông dân mất đất ở phường Dương Nội, quận Hà Ðông, Hà Nội, bị công an ngoài đường ngày 27 tháng 3, 2014, đến ngày 29 tháng 3, 2014 được công an thông báo rằng, hai ông đã cắn lưỡi tự tử. Hàng trăm bà con đã tới đồn công an truy hỏi lý do.
Ông Nguyễn Thanh Chấn đã phải hứng đòn thô bạo từ các điều tra viên hoặc những tù nhân khác do các điều tra viên sai khiến, ép cung, buộc ông phải nhận tội giết người và phải chịu ngồi tù oan ức 10 năm trời.
Những câu chuyện đau lòng như thế này cứ diễn ra như chuyện thường ngày, trong khi những tên công an phạm tội cứ nhởn nhơ. Việt Nam có thể được liệt vào một quốc gia mà luật lệ trở nên hỗn loạn, vô chính phủ, không còn đâu là kỷ cương phép nước.
Sẽ còn nữa những nụ cười của những tên tội phạm trong cái xã hội nhiễu nhương, lưu manh và đểu cáng này. Những tay bảo vệ chế độ nếu có phạm tội vẫn luôn được hưởng bao dung, che chở, còn ba người nông dân phải chịu án tù tới 13 năm chỉ vì ăn trộm hai con vịt.
Không có công lý nào ở Việt Nam hiện nay, chỉ có thứ luật lệ của một bộ máy cai trị đồng hóa với băng đảng tội phạm và ăn cướp có tổ chức.
Lê Diễn Ðức