Gần đây ngành tư pháp Nhật đã khiến tư pháp Việt hơi nhức đầu (và có thể đang rủa thầm) về hiệu quả công việc của họ. Mở đầu là vụ tiếp viên Hàng không Việt Nam buôn lậu hàng ăn cắp, rồi đến vụ JTC. Nếu so sánh với chuyện đánh bốc, cú đầu tiên là đấm vào bụng, cú thứ nhì là móc xéo quai hàm thiếu điều muốn nằm lăn quay.
Theo lệ nước ngoài buộc tội thì ta mới điều tra, cuối tháng Hai lúc báo chí Nhật đưa thông tin rằng có người trong phi hành đoàn hãng Hàng không Việt Nam chuyên chở hàng lậu, mức phản ứng tích cực nhất của Hàng không Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung chỉ dừng ở lệnh cấm tiếp viên hàng không mang vali lớn theo những chuyến bay. Vụ JTC cũng thế, ông chủ tịch đã khai quả thực có hối lộ, và tuy Bộ Giao Thông Vận Tải làm nhắng lên nào là đình chỉ chức vụ, cử phái đoàn sang Nhật… nhưng thực chất là vẫn chưa có gì cụ thể.
Có điều báo chí Nhật khác báo chí nước ta. Ở Việt Nam, báo kêu gào lắm thì họa chăng có điều tra đa phần là cho có lệ và đa phần là kết luận “đâu có gì sai.” Báo chí Nhật giỏi hơn nhiều. Họ viết bài là có sự kiện đích thực liền. Ngày 27 tháng Ba vừa qua, cảnh sát Nhật đã bắt giữ Nguyễn Bích Ngọc, 26 tuổi,. tiếp viên Hàng không Việt Nam với tội mang hàng ăn cắp về Việt Nam với một vụ chính xác vào tháng 9 năm 2013.
Trong vụ Huỳnh Ngọc Sĩ trước đây, Nhật thông tin cho Việt Nam trước khi buộc tội những người Nhật liên can cùng vụ và đề nghị điều tra chung, nhưng đã không làm thế trong hai vụ mới đây. Có lẽ họ đã rút kinh nghiệm điều tra ì ạch và tâm thức bao biện cho nhau của chính quyền và không muốn cho nghi phạm có cơ hội cao bay xa chạy. Bắt giữ cô tiếp viên người Việt là một biểu thị không tin tưởng và khinh thị đối với luật pháp tư pháp Việt.
Mà không tin tưởng cũng là đúng. Không bắt cô Ngọc, chắc tư pháp Nhật, và chúng ta, không bao giờ biết được những lời khai có lẽ trong lúc hoảng loạn của cô, đầu tiên là chối không biết số hàng cô chuyển về là hàng ăn cắp, rồi nhận cô quả thực chuyển hàng lậu theo sự cho phép của cơ phó, và chính cơ phó này là người mối lái thuê chuyển hàng lậu cho các tiếp viên. Hiện Nhật đang muốn Việt Nam cho phép dẫn độ cô phó nói trên và bốn tiếp viên liên can khác về Nhật chịu xét xử, ngoài ra còn nghi ngờ thêm 20 nhân viên hàng không Việt Nam. Việt Nam và Nhật chưa có hiệp định dẫn độ, nhưng hẳn cuối cùng Việt Nam phải chịu, vì nếu Việt Nam còn chần chừ ngắc ngứ trong việc này thì lại càng mất mặt tập thể thêm, hơn nữa Nhật là một đối tác quan trọng trong kinh tế và gần đây lại quan trọng hơn lên như là một đồng minh trong cuộc tranh chấp biển Đông với đàn anh Trung Quốc.
Nếu Nhật đã nể mặt Việt Nam và để yên cho hành pháp Việt Nam nhẩn nha điều tra, kết quả có lẽ sẽ na ná như vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, cùng lắm là một mình cô Ngọc sẽ ra tòa chịu tội, rồi có thể được giảm án khi kháng cáo vì cô đã bị dụ dỗ và mua chuộc. Một đường dây buôn lậu ra lắm nghi phạm như thế, một vụ hối lộ lớn chỉ ra có một con sâu thì thực là không lẽ nào. Nhìn đến vụ JTC, để xem vụ này sẽ lôi ra bao nhiêu người, cũng không chắc là nhiều, vì nếu phía Nhật không công khai những tên tuổi, chỉ đưa danh sách cho Việt Nam, liệu Việt Nam có cắt bớt thu gọn danh sách xuống 1, 2 người hay không?
Dữ liệu về người Việt bị bắt vì ăn cắp ở Nhật nghe qua cũng choáng cà người. Từ năm 2004 đã có 713 người Việt bị bắt vì ăn cắp, đến năm 2013 đã lên đến 1,118 người. Dĩ nhiên phải tính đến tổng số người ăn cắp còn cao hơn nhiều, vì vẫn có hàng ăn cắp cho đường dây buôn lậu qua Hàng Không Việt Nam hoạt động đều đặn. Trong số những người này, khó phân biệt thành phần và thời điểm đến Nhật, vì quá trình nhập tịch ở Nhật rất khó khăn, cũng vì thế cho nên nhiều người ở Nhật lâu vẫn là người nước ngoài. Trong trường hợp Nguyễn Thị Ngọc Nga, người phụ nữ 30 tuổi đã bị bắt và là trùm đường dây ăn cắp hàng, nhiều phần chắc cô là sản phẩm của xã hội chủ nghĩa xuất khẩu sang Nhật, vì em gái cô còn ở Việt Nam và cũng là một khâu trong đường dây.
Vụ Hàng Không Việt Nam chuyển hàng lậu cũng không phải là vụ đầu tiên bị điều tra ở Nhật. Năm 2009, khi điều tra một đường dây chuyển hàng lậu, Nhật đã yêu cầu được thẩm vấn vài nhân viên hàng không Việt. Sau đó một cơ phó bị Nhật tạm giữ, nhưng cuộc điều tra không dẫn đến buộc tội.
Sau hai vụ Hàng Không Việt Nam và JTC, những người có bàn tay mang mùi đồng yen của Nhật hẳn không thể tránh hồi hộp mất ăn ngủ chút ít, ngay ngáy không biết vụ liên quan đến mình có ngày lên báo hay không. Những người hay lợi dụng công quỹ đi ngoại quốc “công vụ” chắc cũng né đến Nhật, nhỡ lại bị bắt đâm ra khó “chạy”. Còn tư pháp và hành pháp Việt cũng đứng ngồi không yên vì cái bọn tư pháp Nhật sao mà hăng quá, làm việc không biết mệt ta ơi!
Nguyễn Phương