Sống ở nước ngoài đã gần ba mươi năm, nửa đời người, tiếng bản địa nói như gió, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, phong tục tập quán nước sở tại không gì là không biết, thế mà tôi vẫn giữ hộ chiếu Việt Nam, kể cũng là lạ.
Tôi là người đi ngao du thiên hạ khá nhiều, từ Âu qua Á, tới Canada, Mỹ và Australia, cầm cái hộ chiếu Việt Nam mới thấy sự thể bất tiện và khổ sở thế nào. Những năm trước đây, đi đâu cũng phải xin viasa, rất bị động về thời gian. Trong làm ăn buôn bán, có những lúc cần phải lên đường ngay để xử lý mẫu mã, ký kết hợp đồng, cho hàng xuất xưởng lên tàu đúng hẹn, thế mà bị ngưng trễ vì visa, bực bội hết cỡ.
Tuy nhiên với tôi còn đỡ, vì mang hộ chiếu Việt Nam nhưng có thẻ định cư nên xin visa không đến nỗi vất vả, chỉ mất thời gian và tốn tiền. Nhưng mà cũng rắm rối, phức tạp, công ty phải hoạt động ngon lành, lương bổng khá, tài khoản phải có ít tiền, bảo hiểm đầy đủ, có nhà cửa, v.v... Mỗi lần đi là mỗi lần chuẩn bị đủ thứ giấy tờ, đôi khi quá thừa!
Vào năm 2007, biên giới trong không gian Schengen mở, chỉ cần sống hợp pháp ở bất cứ nước nào ở Châu Âu là có thể tự do đi lại trong 27 nước Châu Âu, tạo ra cơ hội lớn cho người Việt. Rồi Hiệp Hội Các Nước Ðông Nam Á (ASEAN) cũng làm tương tự. Như vậy có giấy tờ cư trú hợp pháp ở Châu Âu, cầm hộ chiếu Việt Nam đi lại không còn khó khăn nữa, trừ phi qua Mỹ, Úc, Canada hay Anh Quốc.
Cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở Mỹ và các nước tư bản khác nằm trong bối cảnh đặc biệt. Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, hàng triệu người bỏ nước, chạy trốn khỏi chế độ cộng sản. Vượt rừng, vượt biển, hàng trăm ngàn người tử vong, mất tích, họ đến được bến bờ của các nước tự do, không một mảnh căn cước.
40 năm lập nghiệp nơi đất người, họ đã ổn định, có thẻ định cư, hầu hết mang quốc tịch của nước sở tại, con cái sinh ra cũng vậy. Khi nhận quốc tịch nước khác, một số quốc gia như Pháp, Mexico, Ba Lan, Nga, Thụy Sĩ, Canada, Anh Quốc,... cho phép công dân giữ quốc tịch gốc, còn một số quốc gia như Áo, Úc, Tây Ban Nha, Thụy Ðiển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hòa Lan, Philippines, Trung Quốc... thì đương nhiên bị mất quốc tịch gốc. Ở Mỹ dù có đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam hay không thì trên nguyên tắc, khi tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ xem như đã từ bỏ quốc tịch gốc. Luật pháp Hoa Kỳ không công nhận song tịch nhưng cũng không cấm giữ song tịch. Cho người Việt Nam giữ quốc tịch Việt Nam hay không là do luật pháp của Việt Nam.
Một người có thể mang nhiều quốc tịch, nhưng về nguyên tắc vào lãnh thổ của một nước bằng hộ chiếu quốc gia nào thì được nhà chức trách xem người đó là công dân của nước cấp hộ chiếu.
Những người Việt tị nạn cộng sản khi về Việt Nam thăm gia đình, làm ăn hay du lịch thường xin chiếu khán nhập cảnh và không gặp khó khăn gì, trừ những trường hợp thuộc diện “persona non grata” (không mong muốn) đối với nhà cầm quyền, vì dịch vụ này được giải quyết qua đường bưu điện. Trong tiềm thức của họ dường như chẳng nghĩ đến một cuốn hộ chiếu Việt Nam, vì không thấy cần thiết, nhất là khi Việt Nam vẫn là nước cộng sản. Hơn nữa, mang quốc tịch của nước bản xứ là gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ công dân sở tại. Các chính sách an sinh xã hội, hưu trí, trợ cấp nghèo, tuổi già, tàn tật, chăm sóc y tế được bảo đảm bởi nhà nước, khác với những người chỉ thuộc diện thường trú nhân. Hạn hữu một số người tuổi già hoặc có hoàn cảnh phải về nước thường xuyên, họ mới đăng ký xin giữ quốc tịch Việt Nam, cũng chỉ để đi lại thuận tiện mà thôi, nhưng nhìn chung vẫn giữ quốc tịch của nước sở tại.
Ðến đầu năm 2014 trong số xấp xỉ 4.5 triệu người Việt sống ở ngoại quốc, có khoảng 6,000 ngàn người ghi danh giữ quốc tịch Việt Nam. Nhưng nếu lấy con số 6,000 chia cho 4.5 triệu người để ra tỷ lệ tổng thể 0.13%, tức 1,000 người thì chỉ có 1.3 người đăng ký, là không chính xác.
Thực tế, trong 4.5 triệu người nói trên, những người cầm hộ chiếu Việt Nam còn thời hiệu khá đông đảo.
Như trường hợp tôi là một thí dụ. Còn hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người Việt Nam lao động, làm ăn, sinh sống khác vẫn mang hộ chiếu Việt Nam. Một đối tượng kém quan trọng hơn là số người Việt cư trú bất hợp pháp. Tuy nhiên, trong số người này, một số vẫn cầm hộ chiếu Việt Nam, số khác không có (hoặc hộ chiếu đã hết hạn) có thể đăng ký giữ quốc tịch, xin cấp hộ chiếu hoặc giấy thông hành khi có nguyện vọng về nước hoặc để giải quyết thủ tục cư trú.
Dịch vụ xin giữ quốc tịch, thay vì đơn giản hóa, văn minh, lẽ ra phải được thực hiện trên Internet (Online.)
Bằng cách này chắc chắn sẽ thu hút người đăng ký nhiều hơn. Ngoài ra, không ít người e ngại cho rằng, đây có thể là một kiểu thu thập thông tin của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Như vậy, chính sách xin giữ quốc tịch rõ ràng không hiệu quả đối với cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản, nhưng không nhất thiết đối với số còn lại bị o ép về hoàn cảnh.
Cộng đồng tị nạn cộng sản được nhà cầm quyền xác định như là “khúc ruột ngàn dặm,” một bộ phận không thể tách rời của dân tộc và có tiềm năng phong phú về chất xám, kiều hối, v.v...
Chính sách đăng ký giữ quốc tịch nhắm vào họ thực chất là một cách chiêu dụ:
“Ngày đi đảng gọi Việt gian
Bây giờ được đảng đổi sang Việt kiều
Khi đi phản động trăm điều
Khi về thành khúc ruột yêu ngàn trùng.”
(Thơ dân gian)
Trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan nói riêng và Ðông Âu nói chung, lo liệu giấy tờ để có thể sống hợp pháp là cả một câu chuyện dài như thế kỷ. Tốn tiền bạc, xoay xở bằng mọi cách, người ta vẫn cứ cố gắng.
Có được cái giấy tạm trú có thời hạn, phấn đấu kiên trì để chuyển sang định cư, rồi sau năm hoặc hơn xin nhập quốc tịch, dường như là mơ ước và mục đích phải đi tới của đa số.
Trong bài thơ “Chợ đời” của tôi viết năm 2000, có đoạn:
“Vì quốc tịch định cư người ta mua vợ mua chồng,
Mua họ đổi tên để trẻ thơ thành con kẻ khác
Sự thật trớ trêu chẳng thể nào tin được
Người ta mua cả cha cho đứa con chưa kịp ra đời
Khung giá hình thành, dịch vụ lên ngôi”...
Chuyện “chạy” giấy tờ của cộng đồng người Việt ở Ðông Âu từ vài năm nay bắt đầu lan sang Mỹ, Canada, Úc, v.v...
Người Việt trong nước (không thuộc diện liên quan tới tị nạn cộng sản) sang các nước tư bản với nhiều lý do khác nhau tìm cách ở lại, phổ biến nhất bằng việc kết hôn giả với giá từ hai đến ba chục ngàn USD. Dù luật di trú của các nước, nhất là Mỹ, rất khắt khe, có thể phạt tù, phạt tiền (khoảng 200 ngàn USD,) tước lại quốc tịch, nếu phát hiện, nhưng đa phần trót lọt. Những người này “kiếm” cái thẻ thường trú nhân, rồi cả quốc tịch, nhưng thường vẫn giữ hộ chiếu Việt Nam.
Thực ra hộ chiếu chỉ là một phương tiện, mang quốc tịch nào thì đã là người Việt thì vẫn là người Việt, bởi vì khó được bỏ thói quen ăn cơm và dùng nước mắm.
Nếu như Việt Nam là một nước bình thường, giữ quốc tịch Việt Nam song song với quốc tịch khác là một điều bổ ích, rất thuận lợi cho việc đi lại. Xấu hổ nhất bây giờ là trên hộ chiếu Việt Nam ghi dòng chữ “Socialist” (Xã hội Chủ nghĩa).
Chữ “Socialist” này ra đời từ thời Tổng Bí Thư Lê Duẩn. Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, hung hăng và kiêu ngạo chiến thắng, Lê Duẩn đã cho đổi tên nước theo kiểu Liên Xô. Ðiều 4 khẳng định sự lãnh đạo của Ðảng Cộng Sản Việt Nam cũng được đưa vào Hiến Pháp trong giai đoạn này. Tuyên bố đất nước vĩnh viễn không còn bóng quân xâm lược của ông ta đã bị nhổ toẹt bằng cuộc chiến tranh đánh phá sáu tỉnh biến giới phía Bắc của Trung Quốc năm 1979 và cuộc xâm chiếm quần đảo Trường Sa năm 1988. Mưu toan một cuộc xâm lược mềm hiện tại còn khủng khiếp và thâm độc hơn cuộc chiến bằng súng đạn, đang biến Việt Nam thành chư hầu của Bắc Kinh.
Vào năm 2013 khi thảo luận thay đổi Hiến Pháp 1992, có nhiều ý kiến muốn quay lại với tên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng đã không thắng nổi tư duy giáo điều, bảo thủ trong nội bộ đảng.
Giữa thế kỷ 21, hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ từ năm 1990-1991, mà vẫn khư khư ôm lấy “Socialist” trình làng khắp thế gian thì quả là khó coi! Chính vì cái chữ “Socialist” này mà hải quan hay biên phòng các nước nhìn người cầm hộ chiếu với con mắt chẳng mấy thiện cảm, thậm chí coi thường, phân biệt đối xử rõ rệt, như ở nước Nga và Ðông Âu.
Tóm lại, theo Luật Quốc Tịch Việt Nam, từ ngày 1 tháng 7 năm 2014, hàng trăm ngàn, có thể tới cả triệu người Việt có liên quan đến tị nạn cộng sản có thể mất quốc tịch Việt Nam. Nhưng điều này chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ trên xứ người. Thậm chí còn thuận lợi hơn, nếu về Việt Nam họ sẽ không chịu sự ràng buộc bởi quốc tịch Việt Nam nữa và vì thế nhà cầm quyền không thể cư xử tùy tiện với họ.
Có chuyện gì xảy ra không may mắn, họ sẽ được các cơ quan ngoại giao của quốc gia nơi cư trú giúp đỡ, che chở.
Chủ trương giữ quốc tịch của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, như vậy, với cộng đồng người Việt hải ngoại tị nạn cộng sản hoàn toàn thất bại. Viên đạn bắn không trúng đích.
Lê Diễn Ðức