Lẽ ra một nơi chốn được tiếng là “xã hội chủ nghĩa” thì không nên có bất cứ tội phạm nào. Không phải tội phạm chỉ là
sản phẩm của tư bản, người lao động bị bóc lột quá nên phải làm loạn dưới hình thức này hoặc hình thức khác? Chứ
nơi chính quyền vì dân vì nước, dân lại được giáo dục theo kiểu cách mạng vô sản từ thuở lọt lòng, thì họ phải trở
thành những công dân gương mẫu, làm sao có chuyện tội phạm?
Tuy nhiên, các loại tội phạm, trộm cướp, đến hối lộ tham nhũng, ít ra còn hợp với bản năng tham sân si của con người.
Những thứ nhỏ nhặt như trộm cắp khó lường khó bắt, tham nhũng cần có một mức quyền lực chính thức để luồn lách,
nên hai loại này có thể hy vọng thoát được tai mắt luật pháp. Chỉ có một loại cướp bóc ngang nhiên nhất, rành rành bất
hợp pháp mà vẫn cứ hoành hoành không bị dẹp yên, đấy mới là điều đáng khôi hài.
Băng đảng chính là loại này, một loại tội phạm có tổ chức, hầu như hoạt động công khai trong một xã hội lẽ ra an ninh
phải là một trong những lợi thế hiếm hoi của người dân. Chính quyền và cảnh sát soi mói dân chúng đến tận mức
phường xóm, sự kiểm soát luôn hiện diện ngay ngoài đầu ngõ, hoạt động của dân trong phường xóm lẽ ra phải được
chính quyền biết rõ như lòng bàn tay mới phải.
Thế mà, theo thống kê dẫn chứng của báo chí địa phương, cả nước còn 127 băng đảng. Đấy là sau khi cảnh sát đã ra
sức triệt phá băng đảng. Chỉ riêng tại Sài Gòn, trong năm 2013, nhà chức trách đã triệt phá 837 băng nhóm và bắt
2,100 nghi can. Cảnh sát cả nước trong 2013 đã phá trên 1,000 băng nhóm. So với những con số “khủng” trên đây thì
127 quả là chuyện nhỏ? Chưa chắc, vì trong số 127 băng nhóm ấy vẫn còn 11 băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội
đen”, tức là băng đảng có tổ chức thực sự, thay vì “băng nhóm” gồm 2, 3 mạng hè nhau đi trộm cướp ngoài đường.
Một điều khôi hài khác là cách mà băng đảng xã hội đen được nhắc đến trong truyền thông. Báo chí đăng tải những vụ
phá băng đảng như thành tích của cảnh sát, nhưng gián tiếp thừa nhận quả có vấn đề xã hội đen nghiêm trọng ở VN.
Ngoài những vụ phá án này, còn những bài viết về hoạt động của xã hội đen, khá trực tiếp tuy không nêu tính danh, và
những địa bàn hoạt động của những băng đảng này, chẳng hạn như những băng bảo kê vỉa hè Hà Nội.
Hơn nữa, còn những bài báo viết về băng đảng kiểu “du đãng hoàn lương”, cảm thương số phận du đãng và trách
móc hoàn cảnh (một điều khá lạ lùng), thay vì lên án những kẻ tội phạm này. Cùng lúc, cuốn phim Bụi đời Chợ Lớn với
đề tài băng đảng thanh toán nhau bị cấm chiếu vì quá nhiều bạo lực, và bị mang tiếng là “chê cảnh sát vô dụng”. Ít ra
trong phim, những tên băng đảng đã bị bắt và ở tù. Ngoài đời, băng bảo kê vỉa hè Hà Nội chỉ có mặt trong phóng sự
cho vui, chứ không có trong tin tức của cảnh sát, tức là vẫn phởn phơ trên đường phố “hành nghề” như thường.
Như thế, băng đảng xã hội đen được nhắc đến trong truyền thông chỉ thuần với vai trò đánh bóng cho khả năng trị an
của chính quyền. Đáng tiếc là càng đánh bóng thì những bài báo, thông tin này càng làm rõ lên cái bóng đen đằng sau
là sự tồn tại thực sự của những băng đảng này, và thực tế rằng rằng những băng đảng ấy vẫn đang gây hại cho người
dân.
Bài báo kiểu “du đãng hoàn lương” có thể nhắm vào bản chất lương thiện vẫn còn trong những thành viên băng đảng,
nhưng độc giả đọc xong, ngoài cảm động lại thêm phần thở phào nhẹ nhõm: cũng may là anh ta đã “cảm” đức Phật
nên tự mình hối cải, chứ chờ cảnh sát ra tay thì chẳng biết đến khi nào.
Trong những thông tin về băng đảng, cũng có một thông tin tương đối đáng mừng, đấy là băng đảng VN dù tổ chức
cỡ nào cũng chỉ có dao rựa, những vũ khí thô sơ thời trung cổ, chứ chưa có súng đạn. Điều này cũng phải cám ơn
chính quyền, vì chính quyền thắt rất chặt chuyện sở hữu súng, buôn lậu cái gì, làm bậy cái gì thì được, chứ muốn có
súng thì đừng hòng. Một lần nữa, lật lại vấn đề, không cho khẩu súng nào lọt ra ngoài tay chính quyền thì được, nhưng
triệt phá hoàn toàn băng đảng lại không được hay sao?
Nói cho thực công bình, và xét đến bản năng tham sân si của con người, vấn đề tội phạm lớn nhỏ, bao gồm băng
đảng xã hội đen, quả là khó triệt tiêu, không nên đòi hỏi chính quyền làm cho được. Nhưng nếu chính quyền không
làm được, cũng như tất cả chính quyền khác trên thế giới, thì đâu là “ưu việt” của chế độ “xã hội chủ nghĩa”?
Nguyễn Phương