Những gam mầu hiện thực trong thơ Nguyễn Quốc Thái, Nói tới sinh hoạt VHNT miền Nam, 20 năm, tôi cho là sẽ thiếu sót, nếu không nhấn mạnh tới tinh thần chống chiến tranh, kêu đòi hòa bình, dưới hình thức này hay, hình thức khác của một số tác giả. Lý giải cho sự kiện có phần thời thế và tế nhị này, theo tôi thì, trong chừng mực nào đó, chính quyền miền Nam đã để yên cho thành phần chống đối ấy. Cụ thể là sự nới lỏng những sợi thừng kiểm duyệt. Những người có trách nhiệm, cũng bỏ qua những tác phẩm không qua kiểm duyệt và, vẫn để số tác phẩm đó bày bán công khai ở các tiệm sách. (1)
Ở mặt đối nghịch, miền Nam cũng có những nhà văn, nhà thơ gọi chung là nhà văn Quân đội, quyết liệt theo đuổi lý tưởng tự do, chống cộng sản; và cũng không ít những cây bút tuy không nằm trong quân đội, nhưng cùng chung lập trường chống cộng sản. Đề cập tới khuynh hướng này, dư luận thường nhắc tới những tên tuổi điển hình như các nhà văn Võ Phiến, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Chu Tử…
Ngoài ra, những nhà văn còn lại, ít hay nhiều cũng từng phản ảnh quan điểm chống chiến tranh của họ, qua tác phẩm. Thuật ngữ thời đó, gọi chung những sáng tác phẩm loại này là “văn chương phản chiến”.
Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái (Hình: boxitvn.net)
Một trong những nhà thơ có nhiều sáng tác bị liệt kê vào loại “văn chương phản chiến” là nhà thơ Nguyễn Quốc Thái.
Tôi không biết họ Nguyễn chính thức tham dự vào sinh hoạt văn chương miền Nam từ thời gian nào. Chỉ biết, thơ của ông bắt đầu xuất hiện trên Hành Trình của Giáo sư Nguyễn Văn Trung, rồi tạp chí Quần Chúng của nhà văn Cao Thế Dung khoảng giữa thập niên 1960s. Nhất là từ khi ông được mời vào vai trò Thư ký tòa soạn tạp chí Trình Bày, một tạp chí được coi là “thiên tả”, đầu thập niên 1970s, do cố nhà văn Thế Nguyên chủ trương. (2)
Tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Quốc Thái tương đối xa lạ với quần chúng, thuở đó. Nhưng thơ của ông lại được một số văn nghệ sĩ trong văn giới chú ý. Đồng thời, ông cũng có ít nhất hai bài thơ được 2 tác giả ngoại quốc chọn dịch sang Anh và Pháp ngữ. Về tiếng Anh, thơ của ông cũng như của một số tác giả miền Nam khác đã được Giáo Sư Neil L. Jamieson chuyển dịch và phê bình trong cuốn “Understanding Vietnam”, do cơ sở University of California Press, liên hợp với các đại học Berkeley, Los Angeles and London, xuất bản lần thứ nhất năm 1993. Ông cũng là một trong hai nhà thơ miền Nam, có thơ được ký giả Jean-Claude Pomonti chọn dịch và phê bình trong cuốn “La Rage D’Être Vietnamien” do nhà Seuil de Paris, xuất bản năm 1974.
Trong ““La Rage d’Être Vietnamien”, ký giả Jean-Claude Pomonti chọn bài thơ tựa đề “Dấu hỏi và quê hương” của họ Nguyễn.
Đó là một bài thơ Nguyễn Quốc Thái ghi lại những cảm nghiệm của ông về miền Nam trong chiến tranh, đăng tải trên tạp chí “Hành Trình” số 3 & 4, năm 1964
Ngay từ khổ thơ đầu, những câu hỏi sinh / tử (không cần câu trả lời vì đáp số đã tiềm ẩn, có sẵn ở những câu thơ kế tiếp và ở giữa hai hàng chữ) - - Được Nguyễn Quốc Thái cất lên một cách dứt khoát:
“Tôi thường buồn rồi thường tự hỏi
Đất nước này bây giờ của ai
Những ngày đạn rít quanh đô thị
Những máu thịt bám thâm tre gầy”
Sau khơi mạch, dòng chảy này miên man trôi tới những đau thương, đổ vỡ khác:
“Hàng chục năm chiến tranh mọc lên
Những trẻ thơ quên mất môi cười
Tôi thường buồn rồi thường tự hỏi
Quê hương có được mấy mùa xuân…”
Và ông ra khỏi bài thơ (cũng với những câu hỏi vốn có sẵn câu trả lời (chí ít, cũng theo ông):
“Mẹ Việt Nam! Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Con thường buồn rồi thường tự hỏi /
Mẹ đã mấy lần vui Độc lập?
Mẹ đã mấy lần reo Tự do?”
Cũng vậy, trong bài “Giữa sự sống và sự chết”, họ Nguyễn vẫn trực khởi bằng những câu hỏi (vốn sẵn câu trả lời):
“Năm đã hết
Như chiếc bánh anh đã ăn
Như nước mắt đã chảy
Năm đã hết mà hết thật chưa(?)”
Để từ đó, dẫn người đọc đọc tới những ghi nhận đời thường, nhưng rất thiết thân, trưng ra cái mặt tối đen, bất trắc của đời sống người dân miền Nam. Với bài thơ này, bên cạnh danh sách những âu lo cơm, gạo của người dân miền Nam, cũng có một câu thơ họ Nguyễn cũng ghi lại hiện tượng những chuyến xe đò đi qua các khu rừng già, bị du kích quân CS chận xét, một cách bóng gió:
“Hết đi xe đò run
Hết đêm mưa những thằng xét nhà hách dịch
(Hãy đốt cho chúng một ngọn nến)
Hết em quên anh
Hết mẹ bối rối chiều gạo lên giá
Hết bạn bè mặt xanh như tàu lá chiều thứ bẩy
(…)
Em có thấy mắt anh rực rỡ
Em có thấy tim anh run
Em có thấy cơm áo làm anh rướm máu
Anh vẫn có khu rừng xanh ngát đó
Em có thấy tay chân anh khẳng khiu bám trên cành hy vọng
Cành hy vọng trụi lá cũng khẳng khiu / chim đã quên
Mỗi ngày giữa sự sống và sự chết
Giữa cuồng nộ của bồ câu và diều hâu
Giữa no đủ và đói khát
Giữa tỉnh thức và mỏi mệt
Anh thương em như lần đầu biết thương..”
(Trích Trình Bầy, xuân Nhâm Tý, tháng 2.1972).
Thơ họ Nguyễn chân thật, đơn giản như những lời nói. Nhưng đó là những lời nói của một trái tim mẫn cảm trước những vấn nạn to lớn của thân phận con người trong cuộc chiến.
Thơ họ Nguyễn cũng luôn cho thấy tác giả như một thứ con tin trong trùng vây bi kịch. Hay đó là những tiếng kêu thảng thốt của một con chim bị nạn. Với hiện tại thương đau và tương lai bế tắc!
Du Tử Lê,
(Còn tiếp một kỳ).
_______
Chú thích:
(1) Điển hình là tất cả những tập nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều được in lậu và, bày bán công khai ở các nhà sách.
(2) Theo nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, một bằng hữu thân thiết lâu đời của tác giả “Hồi chuông tắt lửa” thì, Thế Nguyễn / Trần Gia Thoại sinh năm 1941, mất năm 1989 tại Saigon.