logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
chung  
#1 Đã gửi : 15/04/2014 lúc 06:42:28(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

UserPostedImage

Các nhà nghiên cứu đều công nhận tác phẩm có mức phổ biến sâu rộng nhất trong Văn học Việt Nam chính là Truyện Kiều hay Đoạn Trường tân thanh. Truyện Kiều đã vượt khỏi thử thách của không gian và thời gian và về nhiều phương diện câu nhận định của Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!…” tỏ ra xác đáng.
Gần hai trăm năm lưu hành, không phải tác phẩm chỉ được giới trí thức hân thưởng mà người bình dân cũng dùng Kiều trong lúc cảm xúc dâng cao.

Ngẫu hứng ngâm Kiều, đố Kiều:
Muốn ngỏ ý kín đáo với người mình yêu, khi có dịp gặp gỡ chàng trai có thể mượn câu Kiều:
Tiện đây xin một hai điều
Đài gương soi thấu dấu bèo cho chăng?
Muốn dặn dò khi từ biệt, chàng trai có thể nhắn nhủ bóng bẩy người yêu trọn đạo thủy chung:
Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.
Nhớ quê người ta ngâm Kiều:
Đoái trông muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa!
Nhớ mẹ, lữ khách mượn Kiều bày tỏ tấc lòng:
Tiếc người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Lúc trai gái hội họp hoặc mượn câu Kiều để tỏ tình hoặc mượn Kiều để đố vui thăm dò đối tượng xem có phải người thanh lịch văn vẻ và hiểu biết hay không. Vì thế lối đố kiều rất được dân gian ưa chuộng. Cô gái có thể hỏi chàng trai, người tự hào là đã biết thưởng thức vần thơ của Nguyễn Du:
Truyện Kiều anh học đã lầu
Đố anh kể được một câu năm người

Nếu là trai thanh, có thể đáp ngay gái lịch:
Này chồng, này mẹ, này cha
Này là em ruột, này là em dâu

Câu hỏi có thể oái oăm hơn:
Truyện Kiều anh đã thuộc nhiều
Đố anh kể được truyện Kiều nghìn năm

Chàng trai “hay chữ” tính toán rất nhanh, biết rằng trong truyện Kiều có đúng mười lần chữ Trăm năm nên không ngần ngại khéo cắt xén thành 22 câu nối vần được với nhau, cộng lại đủ 1000 năm như sau:

“Trăm năm” trong cõi người ta
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
“Trăm năm” thề chẳng ôm cầm thuyền ai
Trót vì cầm đã bén dây
Chẳng “Trăm năm” cũng một ngày nước non
“Trăm năm” tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
“Trăm năm” tạc một chữ đồng mới hay
Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay
Tiết “Trăm năm” nỡ một ngày bỏ đi
Chở che đùm bọc thiếu gì
“Trăm năm” danh tiết cũng vì đêm nay
Rằng “Trăm năm” cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi
Người đâu gặp gỡ làm chi
“Trăm năm” biết có duyên gì hay không
Lỡ làng nước đục bụi trong
“Trăm năm” giữ một tấm lòng với ai
Một nhà phúc lộc gồm hai
Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần

Bói Kiều:
Mơ tưởng khách đông sàng, không biết duyên nợ ngày sau ra sao, một cô gái có thể bói Kiều như trong tác phẩm Lều chõng của Ngô Tất Tố. Người muốn biết chuyện tương lai chỉ cần giơ cuốn Kiều lên trán và cung kính khấn vái:
“Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy Tiên Thúy Kiều…
Tên con là…
Cho con xin một quẻ 4 câu ứng về việc nhân duyên ở vị trí bấm ngón tay kể xuống dưới”
Trang Kiều được mở ra và theo vết bấm, kết quả có thể như bốn câu sau:
Vội vàng sắm cửa lễ công
Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng ruổi cao
Bày hàng cổ xúy xôn xao
Song song đưa tới trướng đào sánh đôi
Còn gì mừng hơn, rõ ràng là cảnh lên xe hoa về nhà chồng!

Tập Kiều, lẩy Kiều là gì?
Người sành điệu, khách văn nhân có thể tập Kiều hay lẩy Kiều:
Tập Kiều là chắp nối nhiều câu nguyên văn rải rác trong Truyện Kiều, làm nên một công trình mới có vần, để diễn tả ý mình. Lẩy Kiều là sửa chữa hay thay đổi một vài chữ trong câu Kiều, nhằm diễn đạt một đề tài.
Trông thấy cô gái bán khỏa thân trên bãi tắm khách đa tình buột miệng “lẩy Kiều” để ca tụng nhan sắc khuynh thành:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên!

Giai thoại văn chương còn kể lại một bài “tập Kiều” nổi tiếng của Nguyễn Bính. Nhà thơ làm ra bài nay không bao lâu thì qua đời. Người ta nói dù mượn câu Kiều ghép lại nhưng Nguyễn Bính đã ký thác tâm sự u uất trong lòng từ khi tờ Trăm Hoa của ông bị đóng cửa (1955) và ông bị gửi về Nam định với hình thức quản thúc tại gia.
Một nhân chứng kể lại, vào giữa năm 1965 – Ty Văn Hóa Thông Tin Nam định chuẩn bị lễ kỷ niệm 200 năm đại thi hào Nguyễn Du. Ban tổ chức cuộc họp yêu cầu các tác giả góp bài về Nguyễn Du, các bài được chọn sẽ đăng trong tờ báo địa phương – Nam Hà, số xuân 1966.
Các bài khác được thông qua rất nhanh, nhưng đến lượt Nguyễn Bính các thành viên nóng lòng chờ nghe bài của thi sĩ. Ông rút túi lấy ra bài thơ tiêu đề “Tặng cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều” đoạn đọc to cho mọi người cùng nghe:

Cảo thơm lần giở trước đèn
Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa
Trăm năm trăm cõi người ta
Một thiên tuyệt bút, gọi là để sau
Khen tài nhả ngọc phun châu
Mười lăm năm ấy, biết bao nhiêu tình.
Mấy lời ký chú đinh ninh
Rằng tài nên trọng mà tình nên thương
Khen rằng giá đáng thịnh Đường
Thì trao giải nhất, chi nhường cho ai
Gẫm âu người ấy, báu này
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Nặng vì chút nghĩa xưa sau
Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay
Thương vui bởi tại lòng này
Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời
Lòng thơ lai láng bồi hồi
Tưởng người nên lại thấy người về đây.

Mọi người nghe xong bàng hoàng. Toàn bài thơ là lời được nhặt ra từ Truyện Kiều, xâu chuỗi lại bằng vần và ý nghĩa. Kinh ngạc hơn, bài thơ tổng kết cuộc đời tài hoa của nàng Kiều, song ai cũng ngậm ngùi nhận ra hình ảnh của Nguyễn Bính trong đó. Cảm động nhất ở những câu kết… Mọi người lặng đi! Bài thơ thật hay nhưng thấy quá buồn. Có người đề nghị tác giả sửa mấy câu kết “đọc nghe sái quá”! Nguyễn Bính kiên quyết không nghe: “Một chữ cũng không sửa. Các vị đừng mê tín… cốt hay là được!…”.
Nào ngờ cuối năm 1965, ngày mồng một tết còn nguyên vẹn, Nguyễn Bính bất ngờ tạ thế vì trúng phong khi ra trước ao của nhà bạn ở Lý Nhân, Hà nam nơi ông về ăn tết theo lời mời.

Dùng thơ vịnh cô Kiều:
Dùng thơ vịnh truyện Kiều là thói quen của nhà Nho, từ Chu Mạnh Trinh tới Tản Đà đều để lại những vần hoa gấm. Tuy nhiên, không ít người cầm bút mượn việc ngâm vịnh mà bình phẩm cô Kiều và ngầm đả kích người tán dương cô Kiều. Chẳng hạn như chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng góp vần trong vụ tranh luận về Truyện Kiều với chủ bút tờ Nam Phong là Phạm Quỳnh. Cụ Huỳnh viết những dòng liên hoàn mạt sát Truyện Kiều hết sức chua chát:

Á cũ qua rồi, mới chửa Âu!
Học KIỀU xúm xít bọn mày râu
Đã đem thân thế nương nhà thổ
Còn trách cha ông vụng kiếp tu
Một khúc Đoạn Trường khêu lửa dục
Mấy thiên Bạc Mệnh chác hơi sầu
Biết chăng, hỏi cụ Tiên Điền vậy
Muôn ác tà dâm, ấy sự đâu ?

Muôn ác tà dâm, ấy sự đâu
Tình đâu đâu, mà hiếu đâu đâu
Theo trai gác xó lời cha mẹ
Làm đĩ thân đành kiếp ngựa trâu
Nghiêng nước trận cười, gương mấy kiếp
Đắm mình bể sắc, tội nghìn thu
Tiên Điền cụ nghĩ mua vui vậy
Biết nỗi người sau dại thế ru?

Biết nỗi người sau dại thế ru
Phong trào đưa giọng chuyện phong lưu
Vẩn vơ người ấy phường trăng gió
Đau đớn lòng ai cuộc bể dâu
Nòi giống khôn thiêng dân một nước
Anh hùng nhiều ít tiếng năm châu
Tiên Điền cụ có hay chưa nhỉ
Sách dạy ngày nay đĩ đứng đầu!

Sách dạy ngày nay đĩ đứng đầu
Xúm nhau sùng bái gái bên Tàu
Cột đồng Mã Viện xô chưa ngã
Sóng ác Kiều Nương lại đắm sâu
Ô điểm nghìn năm nhơ lịch sử
Báo chương phân nửa chuyện thanh lâu
Ai ơi, gọi cụ Tiên Điền dậy
Đừng để non sông chịu tiếng vu!

Đừng để non sông chịu tiếng vu
Phật nhà không lạy, lạy người Tàu
Trưng Vương đền cũ mùi hương lạnh
Triệu Ẩu bia còn nét chữ lu
Thiện chẳng thấy bày, bày những ác
Ơn kia không biết, biết chi cừu
Tiên Điền cụ biết thời nay nhỉ
Á cũ qua rồi, mới chửa Âu!

Trái với cụ Huỳnh có thái độ cực đoan với truyện Kiều và nhân vật Thúy Kiều nhưng các nhà thơ mới, lớp trí thức của thế hệ 32-45, lại thắt chặt mối dây thông cảm giữa danh sĩ và giai nhân, nối tiếp nguồn cảm hứng của Chu Mạnh Trinh thế hệ trước.
Tài liệu còn ghi Chế Lan Viên viết hàng chục bài thơ về Truyện Kiều. Ngân Giang, Tế Hanh, Đằng Phương cũng có nhiều bài về tác phẩm và tác giả Truyện Kiều. Nhưng cảm động nhất vẫn là thơ cảm hứng về Kiều của Vũ Hoàng Chương và Hồ Dzếnh.
Vũ Hoàng Chương, một nhà thơ mới, rất nổi tiếng đã viết năm bài cảm đề Đoạn trường tân thanh trong đó có những câu:

Ôi Thúy kiều xưa khóc Đạm Tiên
Hoàng lang giờ lại khóc Tiên điền
Dây thông cảm buộc từ ba kiếp
Sổ Đoạn trường ghi chẳng một tên
Xác mới đây còn thân cũ nhớ
Trời xanh đâu chỉ má hồng ghen
Bốn trăm năm lẻ tình khôn dứt
Lệ trước mồ chưa ráo trước đèn

Tâm sự của Vũ Hoàng Chương trong năm bài cảm đề và bài Hỏi ai người khóc bày tỏ nỗi cảm thông của người danh sĩ tài hoa với khách giai nhân bạc mệnh.
Còn Hồ Dzếnh làm sao quên hình ảnh người mẹ quê tuy không biết chữ mà thuộc lòng truyện Kiều và thường hay bói Kiều khi ông còn nhỏ:

Nhớ xưa Tết đến bói Kiều
Lật trang sách đoán những điều mẹ mong
Phận Kiều trôi dạt long đong
Khác chi đời mẹ khúc sông sóng dồi
Con nằm thiêm thiếp trong nôi
Giấc mơ thấp thoáng những lời mẹ ru
Mẹ chưa được học bao giờ
Từng trang Kiều vẫn câu thơ thuộc lòng
Nuôi con vai mẹ gánh gồng
Dép da trâu vượt hết vòng chông gai
Dạy con lòng mẹ nào hay
Yêu thơ yêu tự những ngày còn thơ
Phong sương tóc đã phai mờ
Lời ru mẹ với câu thơ vẫn còn
Vẫn là nghĩa nước, nguồn non
Câu thơ Kiều vượt xói mòn bể dâu
Truyện Kiều càng ngẫm càng sâu
Càng thương thế thái càng đau nhân tình
Dù con đi trọn đời mình
Vẫn chưa đi hết tấm tình mẹ ru
Tằm dù nhả hết dòng thơ
Chắc đâu ghép nổi phím tơ Thúy Kiều

Xúc động của Hồ Dzếnh, một nhà thơ mang hai dòng máu Hoa-Việt vào mùa xuân 1989 trước khi ông qua đời không lâu, một lần nữa cho thấy ảnh hưởng của Truyện Kiều sâu rộng tới tầng lớp bình dân và tâm hồn thi nhân như thế nào.
Đừng nên quên, những kẻ sống trong một xã hội tù túng, có cảm giác bị bạc đãi, bị chèn ép như nhà thơ càng dễ thông cảm với Nàng Kiều. Hồ Dzếnh đã từng viết:

Gọi đời là cõi người ta
Sao nghe thấm thía xót xa nỗi mình!

Còn Chế Lan Viên vào buổi tỉnh giấc mơ thiên đường, đã thấm thía viết những câu sau đây trong di cảo:

Khi ta kỷ niệm Nguyễn Du chả ích gì cho Nguyễn
Chẳng qua để kẻ yêu thơ khỏi tủi trong lòng
Ông đã hóa mây trắng ngang trời hoài niệm
Hóa ra Kiều cao gấp mấy đời ông!

Chế Lan Viên chỉ trong bốn câu đã nói lên được giá trị và ảnh hưởng của Truyện Kiều và Nguyễn Du đối với thi nhân ở bất cứ thời đại nào.
Hoàng Yên Lưu
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.166 giây.