"Chỉ có người cộng sản mới thắng được người cộng sản mà thôi". Đây là câu nói nổi tiếng của ông Borits Yetlsin. Cựu thủ tướng thời Nga xô viết và cựu tổng thống đầu tiên của nước Nga sau này. Mọi người rất tâm đắc với câu nói này bởi nó đúng với những gì đã và đang diễn ra trên thực tế của lịch sử lẫn hiện tại. Rằng rất khó có thế lực nào ngoài CS đánh bại được họ ngoài chính họ. Cho dù thế lực dân chủ, cấp tiến thế giới đang lấn át thế lực CS. Họ không những không thoi thóp như nhiều dự đoán, mà vẫn bình chân như vại. Nhưng để đi tìm cho câu hỏi khó: Nguyên nhân nào chỉ có CS mới thắng được CS! Thì có lẽ chưa một ai đi sâu vào tìm hiểu mổ xẻ vấn đề này một cách nghiêm túc. Vì vậy qua bài viết này, tôi xin viện dẫn lời ông Yetlsin, để liên hệ tới đảng CSVN hiện nay, nhằm đi sâu vào tìm hiểu và làm rõ những nguyên nhân nào, làm họ trở lên bất khả chiến bại như vậy.
Trước khi đi sâu vào tìm hiểu tôi xin lấy một ví dụ hình tượng để mọi người dễ hình dung. Chúng ta hãy hình dung tổ chức CS như một cỗ máy hoàn chỉnh, được cấu tạo bởi các chi tiết liên quan mất thiết với nhau như các tế bào hợp thành, khó lòng tách rời các bộ phận từ trong ruột cho tới vỏ ngoài bền vững của nó. Do được thiết kế hợp lý, nên khi vận hành, cỗ máy này làm việc rất hiệu quả. Loại trừ việc dùng vũ lực mạnh để phá tan cỗ máy thì dường như không có bất kỳ lực tác động nào làm hư hỏng được cỗ máy đó. Chỉ có duy nhất cỗ máy đó bị hỏng, do một chi tiết đặc biệt quan trọng là nhóm người điều khiển, hay trung tâm đầu não của nó gây lên. Ngoài ra, nếu bộ phận nào hỏng họ sẽ thay thế, chứ không phải như nhận định có tính khái quát của ông Yetlsin.
Sau đây là ý kiến của tôi nêu lên mấy vấn đề nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân trên:
1. Hệ thống tổ chức đảng được kế thừa từ thời Stalin của nước Nga Xô viết, có cơ cấu và sắp xếp theo mô hình tháp nhọn (sau này được cơ cấu lại không có đỉnh hoặc chóp bằng). Từ thượng tầng kiến trúc cho đến hạ tầng cơ sở có đầy đủ các ban bệ với các nhiệm vụ và chức năng khác nhau như chính trị, tư tưởng, kiểm tra, tổ chức, nội chính, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại, cho tới các ban bệ tưởng chừng như vô hại, vô nghĩa như ban tôn giáo, ban dân tộc miền núi vv... hay mặt trận tổ quốc đều là những mắt xích quan trọng, không thể tách rời trong guồng máy tổ chức đảng trong quá trình hoạt động. Hệ thống tổ chức này còn có nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn đảng qua nhiều vòng, nhiều lớp từ TW đến địa phương.
Với một bộ máy được tổ chức có hệ thống một cách tinh vi, phức tạp, có qui mô cả về chất lượng lẫn số lượng thành viên đồ sộ đến mức độ khủng khiếp (khoảng 6-7 triệu đảng viên) như vậy, thì không có một tổ chức chính trị nào có thể địch nổi họ, nếu không có sự chuẩn bị bài bản và kế hoạch lâu dài.
2. Chính sách cai trị cực kỳ tinh vi và hà khắc, được áp dụng bởi chính sách sổ hộ khẩu là để quản lý sự đi lại, cư trú của mọi công dân, nhằm phân tán chia nhỏ, cách ly người dân, không cho họ có cơ hội hoặc không gian đi lại để tụ tập hội họp. Kết hợp với việc quản lý dân bằng biện pháp hành chính, họ còn đưa ra những bộ luật hình sự hóa chính trị, nhằm thắt chặt và trừng trị những ai có tư tưởng chống đối. Cấm mọi hoạt động có tổ chức là điều họ kiêng kỵ và đưa lên hàng đầu trong việc soạn thảo hình luật. Chứng kiến chính sách cai trị kiểu mẫu này của CS, người ta liên tưởng tới chính sách cai trị cuả Thương Ưởng thời nhà Chu, hay thời Võ Tắc Thiên thời nhà Đường bên Tàu, đều có những nét tương đồng lá lá như nhau.
Khủng bố trắng hay còn gọi là khủng bố tư tưởng, cũng là một cách cai trị tàn bạo. Thanh trừng đối tượng bằng khủng bố tinh thần, bằng cách cầm tù, giam lỏng, quản lý hành chính vv... làm cho đối tượng tê liệt ý chí, tinh thần bất an chết một cách từ từ, hoặc không chết cũng sống trong sự hoảng loạn khiếp sợ, cầu an vô cảm. Đối với người dân thì tạo sự nghi kỵ lẫn nhau. Cha mẹ, vợ chồng, con cái trong nhà cũng không dám bàn với nhau việc chính trị. Ra đường mọi người lấm lét, nghi ngờ nhìn nhau, cho dù hiện nay người dân có được cởi mở hơn, nhưng chỉ dám dừng lại ở mức than thở, oán trách, chửi rủa chế độ, chứ không ai dám bàn việc đại sự, nhằm chống đối lại chính quyền.
3. Ngoài việc có hệ thống tổ chức chính trị chặt chẽ, tinh vi, họ còn huy động được nguồn tài chính vô tận và dồi dào để hoạt động và tồn tại là tiền thuế của dân. Ở bất cứ thời điểm khó khăn nào về kinh tế, thì người gánh chịu là dân, chứ họ không hề giảm bớt bộ máy tổ chức và quyền lợi của đảng. Với họ thì việc an nguy của dân tộc không quan trọng bằng sự sinh tồn của đảng.
Ba nguyên nhân cơ bản trên là yếu tố quan trọng giúp cho các đảng CS tồn tại, đó cũng chính là các trở ngại quan trọng cho việc lập lên những tổ chức đối lập, có đủ các điều kiện lật đổ họ.
Chim báo bão