Ma quỉ, trong một số tôn giáo, được coi là những tên cám dỗ, chuyên tìm cách thúc đẩy, quyến dụ con người làm điều xấu. Nổi tiếng về việc này, đó là chuyện Chúa Giêsu bị cám dỗ. Sau khi ăn chay 40 đêm ngày, Ngài cảm thấy đói. Ma quỉ bèn đến cám dỗ Ngài, nó xui giục Ngài dùng quyền phép biến đá thành bánh mà ăn, rồi cám dỗ Ngài biểu diễn “thần thông” để chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, đồng thời thử thách Ngài về lòng ham muốn quyền lực, nhưng nó hoàn toàn thất bại (xem Luca 4:1-13).
Nhiều tín hữu tôn giáo xác tín rằng ma quỷ là một thế lực vô hình thường xui khiến con người làm điều xấu ác. Người viết bài này cũng tin như thế. Tuy nhiên, nếu mọi tội ác của con người đều quy trách nhiệm hết cho ma quỉ, làm như không có ma quỷ thì con người không hề phạm tội, thì quả thực là quá sai lầm và có hại. Nếu thế, người phạm tội sẽ được coi là vô tội vì trách nhiệm chủ yếu là do ma quỷ gánh chịu hết. Con người chẳng cần phải tự xét mình để sửa lỗi. Do đó, tình trạng phạm tội sẽ chẳng bao giờ được cải thiện. Vì chỉ khi nào con người tự nhìn nhận lỗi về phía mình thì họ mới cố gắng sửa chữa và sự việc mới trở nên tốt đẹp. Chính “Kinh Cáo Mình” trong Kitô giáo cũng giúp các tín hữu tự nhận lỗi về mình qua câu: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Điều này rất phù hợp với câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” (Hãy trách mình trước đã, rồi mới trách người sau).
Thật ra, có biết bao người trong rất nhiều trường hợp bị cám dỗ mà đâu có phạm tội. Nếu ai cũng bị cám dỗ, nhưng có người phạm tội, có người không, thì rõ ràng chuyện sa chước cám dỗ không chỉ tùy thuộc vào ma quỷ, mà còn tùy thuộc vào con người. Nếu con người không có những khuynh hướng xấu trong bản thân, như tham lam, đố kỵ, ghen tương, ham danh, ham lợi, ích kỷ, v.v… thì ma quỷ có cám dỗ thường xuyên và mạnh đến đâu, con người cũng khó mà sa ngã.
Cũng vậy, tình trạng chia rẽ trong các cộng đồng người Việt hải ngoại, nhiều người cho rằng chủ yếu là do kế ly gián của cộng sản, do nghị quyết 36, do bọn nằm vùng được cài cắm trong hàng ngũ đấu tranh dân chủ… Quan niệm như thế thì hóa ra ngoại trừ bọn cộng sản được cài cắm, chẳng ai trong cộng đồng phải chịu trách nhiệm về tình trạng chia rẽ nội bộ của cộng đồng, vì thế chẳng cần ai phải quan tâm sửa lỗi cả. Quan niệm như thế ắt nhiên sẽ đi đến chủ trương: muốn chấm dứt chia rẽ trong cộng đồng để cộng đồng mạnh lên thì phải diệt trừ những tên cộng sản nằm vùng trong cộng đồng, chứ không ai phải xét lại xem bản thân mình có gây nên chia rẽ không. Và như thế thì hẳn nhiên ngoài những tên cộng sản đích thực, sẽ có nhiều người bị nghi ngờ và bị tố cáo oan ức là cộng sản.
Thật vậy, kinh nghiệm cho ta thấy, trong cộng đồng, ngoài số ít bọn nằm vùng tìm cách đánh phá cộng đồng (chắc chắn là có), không thiếu gì những người hàm hồ sẵn sàng chụp mũ cộng sản cho người khác mà không cần đủ bằng chứng, nhất là khi họ bị cảm tính (tức tham, sân, si cùng hỷ, nộ, ái, ố, dục) chi phối. Họ giống như người mới thấy một đôi nam nữ rủ nhau uống càphê hay khiêu vũ với nhau đã vội kết luận như đinh đóng cột rằng đôi nam nữ ấy có tình ý với nhau. Nói theo kiểu toán học thì mới thấy hai tam giác có một hay hai cạnh bằng nhau đã kết luận chúng bằng nhau rồi. Và trong cộng đồng cũng không thiếu gì những người dễ tin, sẵn sàng tin những gì mình đọc thấy trên báo, trên net, nhất là khi chúng hợp với quan niệm hay thành kiến của mình mà không cần lý luận xem điều đó có lý, có đáng tin không. Do đó, có rất nhiều người bị nghi ngờ hay kết án là cộng sản một cách oan ức, cụ thể như trường hợp của Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Có những trường hợp hai người hay hai nhóm nghi ngờ hay tố cáo lẫn nhau là cộng sản, mặc dù cả hai bên đều là những người chống cộng quyết liệt. Rất nhiều trường hợp chỉ cần một chút suy nghĩ, một chút lý luận là thấy ngay những điều xác quyết ấy không có chút cơ sở nào.
Hậu quả là mọi người trong cộng đồng trở nên hoang mang, không thể tin tưởng nhau, không dám liên kết với nhau để trở thành sức mạnh, chỉ vì sợ mắc bẫy cộng sản. Thậm chí còn thù oán và đánh phá lẫn nhau khiến cộng đồng trở nên suy yếu hoặc tan nát.
Như vậy, thái độ đổ lỗi hết cho cộng sản về mọi tình trạng chia rẽ trong cộng đồng chỉ làm cho cộng đồng ngày càng chia rẽ, cho dù cộng sản chưa cần tác động gì cả hoặc mới chỉ ra tay chút ít.
Chúng ta thử nhìn vào trong nước, nơi mà cộng sản có đầy đủ mọi điều kiện thuận lợi, nào là nhân lực, quyền lực, tài lực, v.v… để thực hiện kế ly gián đối với các nhà đấu tranh dân chủ. Nhân lực của chúng đông gấp rất nhiều lần số người tham gia đấu tranh. Hơn nữa, tại Việt Nam, người dân nói chung tương đối nghèo với mức sinh hoạt khá thấp, nên với số tiền tham nhũng và cướp đoạt được của dân chúng, cộng sản quá dư tiền bạc để có thể mua chuộc người dân vốn nghèo và cần tiền làm tay sai cho chúng, kể cả những người trong hàng ngũ đấu tranh dân chủ. Với những điều kiện khách quan rất thuận lợi để thực hiện kế ly gián đối với lực lượng dân chủ trong nước, thế mà chúng không thành công.
Thật vậy, trong khi tại hải ngoại, có vô số trường hợp người này công kích hay chụp mũ người khác là cộng sản, thì ở trong nước, chúng ta chỉ có thể kể ra được một vài trường hợp các nhà đấu tranh dân chủ nghi ngờ và công kích lẫn nhau mà thôi. Nói chung, các nhà đấu tranh dân chủ trong nước vẫn đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau nên đã kết hợp với nhau thành nhiều tổ chức dân sự có độ bền chặt, bất chấp cộng sản chủ trương tiêu diệt bằng mọi cách. Nếu có tổ chức nào bị tan rã thì hoàn toàn không phải do khả năng ly gián của cộng sản, mà do cộng sản chủ trương “đánh rắn phải đánh vào đầu” nên bắt bớ, bỏ tù những người lãnh đạo và những người hoạt động tích cực trong những tổ chức ấy.
Còn tại hải ngoại, chắc chắn số cán bộ cộng sản nằm vùng ít hơn cán bộ cộng sản trong nước hàng ngàn lần. Thế nhưng dư luận trên các diễn đàn của người Việt ở hải ngoại khiến người ta dễ hiểu rằng cộng sản nằm vùng đầy dẫy ở hải ngoại, và nghị quyết 36 của chúng đang tác động hữu hiệu và thành công. Thật ra tỷ lệ giữa cán bộ cộng sản và số người đấu tranh chống cộng hoàn toàn ngược lại với tỷ lệ ấy ở trong nước. Nếu có tên cộng sản nằm vùng nào bị vạch mặt chỉ tên, lập tức hắn bị cô lập ngay, thậm chí cả những người bị chụp mũ oan là cộng sản cũng bị cô lập. Chắc chắn số cộng sản nằm vùng tại hải ngoại rất ít, không thể nhiều được, vì nếu nhiều thì cộng sản lấy tiền đâu mà trả lương cho bọn chúng khi mà mức sinh hoạt tại hải ngoại rất cao, đòi hỏi phải trả lương cao gấp bội so với mức lương trong nước. Vả lại, nếu là cán bộ cộng sản, chắc chắn chúng không bao giờ chấp nhận sống thanh bạch để hy sinh cho lý tưởng cộng sản vốn không còn mấy ai bị ảo tưởng là cao đẹp. Lý tưởng ấy hoàn toàn không còn khả năng thúc đẩy chúng hy sinh như thời trước 1975 nữa. Chắc chắn là như thế!
Người viết bài này không thể tin rằng CSVN lại có đủ tài năng để đào tạo hay mua chuộc được quá nhiều người làm việc cho chúng tại hải ngoại. Lại càng không có khả năng quyến rũ hay chiêu hồi được những người chống cộng tại hải ngoại về với chúng, làm tay sai cho chúng. Trái lại, tôi còn nghĩ rằng những người đã từng làm việc cho chúng ngày càng ít đi khi họ được sống trong một thể chế dân chủ với đầy đủ thông tin để thấy rằng chế độ cộng sản là một chế độ vô cùng tàn bạo, phản dân hại nước, hèn với giặc ác với dân, nhất là khi cộng đồng Người Việt hải ngoại luôn luôn vạch rõ tội ác của chúng. Cộng sản chỉ có thể giữ lại được những người đang bị chúng nắm tẩy hoặc “cấy sinh tử phù”, hoặc một số rất ít người đang hưởng ơn mưa móc của chúng.
Những tên này được đào tạo có bài bản để lường gạt chúng ta, bằng cách dùng kế “củi đậu nấu đậu”, “nồi da sáo thịt”, “gậy ông đập lưng ông”, mượn tay chúng ta đánh phá chúng ta, dùng chính chúng ta chụp mũ chúng ta. Tuy rất ngu xuẩn trong điều thiện, nhưng chúng vô cùng khôn lanh trong việc lợi dụng tính “tham, sân, si” (tham lam, giận dữ, ngu xuẩn), và “hỷ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục” (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, tham vọng) vốn có trong bản tính con người để biến những người thường chống cộng theo cảm tính thành công cụ cho kế ly gián của chúng. Trở thành công cụ ly gián của chúng mà không biết, những người này vẫn cứ tưởng mình là những người chống cộng hết sức quyết liệt.
Những cộng đồng người Việt tại hải ngoại bị chia rẽ có thể phần nào vì đã quá “thần thánh hóa” bọn cộng sản nằm vùng, bị nghị quyết 36 hù dọa, trong khi chúng thật sự không có “thần thông biến hóa” hay “ba đầu sáu tay” như chúng ta nghĩ lầm. Từ đó, chúng ta tưởng tượng rằng số người thân cộng hay hoạt động cho cộng sản đầy dẫy ở hải ngoại, khiến chúng ta nghi ngờ lẫn nhau và dễ kết án lẫn nhau. Có thể chính cộng sản cố tình tạo ra sự lầm tưởng này nơi chúng ta khi chúng có quá ít người tại hải ngoại. Trong những trận tuyến trước đây, khi ra trận với số quân quá ít, chúng thường dùng kế nghi binh để làm cho đối phương tưởng chúng rất đông bằng cách bắn ở chỗ này một vài phát, rồi chạy sang nhiều chỗ khác mỗi chỗ bắn vài phát.
Chúng ta cần tỉnh táo nhận định, đừng để mắc bẫy chúng. Khi có ai vốn nằm trong hàng ngũ chúng ta bị một ai đó kết án là cộng sản, hay là đảng viên một đảng nào đó không được quần chúng tin tưởng, chúng ta cần bình tĩnh suy xét. Đừng quá dễ tin.
Hãy suy nghĩ rằng chế độ cộng sản trên thế giới đang trên đường suy vong trước làn sóng dân chủ hóa toàn cầu. Chế độ cộng sản trong nước đang run sợ trước sự căm phẫn ngày càng gia tăng của dân chúng. Viễn cảnh bị lật đổ bởi những cuộc cách mạng như ở Đông Âu, hoặc như ở Tunisia, Ai Cập, Lybia… đang làm chúng bấn loạn. Người Việt có đầu óc tại hải ngoại, nhất là những người có địa vị tương đối vững chắc và cuộc sống tương đối bảo đảm không ngu gì lại đi “phù suy” chứ không “phù thịnh”. Điều đó lại càng đúng đối với những người đã từng có thành tích chống cộng vững mạnh trong quá khứ.
Theo Linh mục Lê Ngọc Thanh phát biểu trong một video clip nọ thì nguyên nhân của sự chia rẽ trong các cộng đồng người Việt hải ngoại do kế ly gián của cộng sản thì rất ít, mà chủ yếu là do tâm lý đố kỵ của người Việt: “Trâu cột ghét trâu ăn”, “con gà tức nhau tiếng gáy”, “hai ca sĩ có bao giờ ưa nhau?” Tương tự như trường hợp Chúa Giêsu bị các tư tế và người Pharisêu nộp Ngài cho quan tổng trấn Philatô để nhờ tay ông giết Ngài, nhưng “ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Ngài” (Matthêu 27,18).
Nhiều người cho rằng tính phe phái của người Việt rất nặng, nó chính là nguyên nhân gây chia rẽ nội bộ. Một số người khác cho rằng việc đặt quá nặng “cái tôi” cá nhân hay “cái tôi” tập thể, coi quyền lợi cá nhân hay tập thể mình lớn hơn quyền lợi tổ quốc góp phần rất lớn vào tình trạng chia rẽ trong các cộng đồng. Có người cho rằng thủ phạm của tình trạng chia rẽ chính là tính độc tài độc đoán, luôn luôn cho mình là duy nhất đúng nên muốn ép buộc tất cả mọi người phải quan niệm như mình, chủ trương và hành động như mình, ai khác với mình là sai, là phá hoại, là cộng sản.
Thiết tưởng nếu chúng ta thật sự yêu nước, yêu dân chủ, thì chúng ta phải thể hiện tinh thần yêu nước, yêu dân chủ ấy bằng những hành động cụ thể.
Trong Kinh thánh có câu: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (xem 1Gioan 4,20).
Tương tự như vậy: Nếu ai nói: “Tôi yêu đất nước tôi”, mà lại sẵn sàng mạt sát, chụp mũ, chỉ trích cách bất công những người cùng tổ quốc, cùng chống cộng, cùng đấu tranh cho tự do dân chủ với mình chỉ vì họ khác đường lối chống cộng với mình, người ấy là kẻ nói dối. Ai nói “tôi quyết đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền” mà chính họ lại không thể hiện tinh thần dân chủ, không tôn trọng nhân quyền người khác, đấy là kẻ nói dối. Người cùng chiến tuyến với mình, sống cụ thể bên cạnh mình, cùng chống cộng sản với mình mà mình không thể hiện tình yêu thương được, thì làm sao mình yêu được quê hương đất nước, vốn là một thực thể khá trừu tượng?”
Còn tình trạng chia rẽ trong cộng đồng, chúng ta cần tự xét xem nguyên nhân từ đâu? Do cộng sản nhiều hơn hay do chính chúng ta nhiều hơn? Nếu chúng ta không đố kỵ nhau, không bực bội lẫn nhau, không đặt nặng tính phe phái, không tự ái dởm, không quá coi trọng “cái tôi”, thì cộng sản có thể ly gián chúng ta được không?
Nguyễn Chính Kết