LTS: Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston. Ðộc giả có thể xem các bài viết của Việt Nguyên trên
www.ngay-nay.com.
“Khoảng cách lợi tức giữa người giầu và người nghèo càng ngày càng cách xa khiến người nghèo khó bước chân vào tầng lớp trung lưu. Vấn đề phải được giải quyết vì vấn đề này đã làm người dân không còn tin vào chính quyền.” Những ý nghĩ trên không phải là tiếng kêu từ những nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam hay ở Trung Cộng mà là ý kiến của TT Hoa Kỳ Obama, tổng thống của quốc gia tự do với cơ hội đồng đều cho mọi người, một đất nước lý tưởng cho những người di dân nghèo khó bắt đầu lại cuộc đời cũng như là quê hương mới của những đại gia từ Trung Hoa, Việt Nam và các nước tư bản mới Ðông Âu hậu cộng sản.
TT Obama đã tìm thấy một người cùng chí hướng, ngày 27 tháng 3 năm 2014 ông đã gặp Giáo Hoàng Francis ở Vatican để cùng có giải pháp giúp đỡ những người nghèo trên thế giới. Trong một giờ họp mặt thân thiện hai nhân vật lãnh đạo thế giới, xuất phát từ tầng lớp trung lưu trong xã hội, đồng ý với nhau về một vấn đề trong nhiều vấn đề khác biệt quan điểm: lợi tức khác biệt.
Hai ông đã nhìn một vấn đề với hai quan điểm. TT Obama nhắm tới tương lai cho tầng lớp trung lưu, giảm lợi tức khác biệt ở Hoa Kỳ còn Giáo hoàng nhắm đến giải quyết nghèo đói trên thế giới qua việc giải quyết lợi tức không đồng đều, ngài nhấn mạnh đến một nền kinh tế hợp lý cho mọi người để thành quả kinh tế đi đến tay người nghèo. Trong cuộc phỏng vấn với tờ New Yorker tháng ba năm 2014, TT Obama nghĩ vấn đề lợi tức khác biệt quá xa ở nước Mỹ đã làm xã hội Mỹ suy mòn trong vòng 20 đến 30 năm qua, trước khi cơn khủng hoảng kinh tế xảy ra vào năm 2007. Lợi tức khác biệt xảy ra vì toàn cầu hóa kinh tế, các công nhân phải làm việc, chủ nhân chỉ nghĩ đến hiệu quả nhằm tạo ra những sản phẩm rẻ như máy truyền hình, trong khi chủ nhân và các công ty sinh lời thì công nhân bị áp lực về lương bổng. Giáo Hoàng Francis muốn người nghèo được hưởng nhiều lợi nhuận hơn theo gương Thánh Francis thành Assisi thế kỷ thứ 13, Giáo hoàng yêu người, giải quyết vấn đề tài chính của Vatican, chỉ trích Giáo hội và những linh mục vòng trong của Vatican, với chủ trương của Chúa: “Thượng Ðế ở trong cuộc đời mọi người.” Yêu Thượng Ðế thì phải yêu người nghèo.
Cả hai ông, TT Obama và Giáo Hoàng Francis, đã không nhìn thấu hết chiều sâu của vấn đề. TT Barack Obama đã chịu ảnh hưởng của ông Thomas Piketty, nhà kinh tế gia người Pháp, giáo sư kinh tế đại học Paris. Ông đã trình bày vấn đề tư bản trong thế kỷ thứ 21 qua cuốn sách “Force of divergence” (lực phân cách). Cuốn sách được các kinh tế gia trên thế giới ca ngợi như ông Branko Milanovic cựu cố vấn kinh tế cho Ngân hàng thế giới: “Cuốn sách đã làm thay đổi cách suy nghĩ của chúng ta về lịch sử kinh tế trong vòng 200 năm qua.” Ông Thomas Piketty đã nghiên cứu vấn đề bất bình đẳng về mặt kinh tế trong hai mươi năm qua. Giáo sư kinh tế Ðại Học MIT 22 năm nhưng ông quay về Pháp không ở lại Hoa Kỳ.
Công trình nghiên cứu của ông về lợi tức và tài sản giữa hai thái cực “đồi và thung lũng” tài chính, một vấn đề mà các kinh tế gia không chú trọng lắm, dựa trên các tài liệu thuế và các con số tài chính. Năm, 2001, sách của ông nghiên cứu lợi tức sai biệt ở Pháp từ năm 1913 đến năm 1998, sau đó ông tiếp tục nghiên cứu vấn đề này ở Hoa Kỳ dựa trên lợi tức gia đình và lợi nhuận trong các vùng, tỉnh và tiểu bang. Ông đã nhận thấy lợi tức dân Mỹ tăng cao trong những năm đầu thế kỷ thứ 20 sau đó lợi tức giảm xuống trong và sau thời kỳ thế chiến thứ hai rồi lợi tức ấy lại tăng cao trở lại giữa thập niên từ 1980 đến 1990. Cuộc nghiên cứu của giáo sư Piketty đã nhắm đến vấn đề lợi tức sai biệt qua đến các nước Anh, Trung Hoa, Ấn Ðộ, Nhật và sau này thêm ba quốc gia khác gồm Mã Lai, Nam Phi và Uruguay
Cuộc nghiên cứu của Giáo Sư Thomas Piketty đã đem đến một ngạc nhiên lớn, về phương diện bất bình đẳng lợi tức kinh tế, ở Hoa Kỳ sự bất bình đẳng ấy “cao nhất, cao hơn bất cứ xã hội nào, bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi nào trên thế giới!”
Những con số ông Thomas Piketty đưa ra đã chứng minh cho kết luận của ông. Trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng 2008, lợi tức của những gia đình giàu nhất nước Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng nhất là sau thời kỳ hồi phục. Năm 2012, những người giàu nhất, 1% gia đình cả nước, đem về lợi tức tổng cộng 22.5% của quốc gia, con số cao nhất kể từ năm 1928. Chính vì con số thống kê cho thấy sự khác biệt lớn lao này mà phong trào chiếm cứ thị trường chứng khoán (OWSE, Occupy Wall st) xảy ra. Phong trào ấy sau đó tự giải tán nhưng đã có ảnh hưởng mạnh đến Tòa Bạch Ốc và cơ quan tiền tệ thế giới.
TT Obama nghĩ rằng lương và lợi tức bất bình đẳng đã đưa đến sự khác biệt lớn lao nhưng những giải thích của ông dựa trên các tiêu chuẩn kinh tế đã không giải thích rõ vấn đề. Quan điểm của Giáo Sư Piketty là các nhà kinh tế đã quên chú trọng đến vốn liếng tích lũy (capital accumulation) là yếu tố đã đưa đẩy đến sự bất quân bình. Yếu tố này không chỉ đơn thuần là lợi tức trên lương mà bao gồm cả tiết kiệm, đầu tư, tích tụ tài sản, những vấn đề mà Karl Marx và John Stuart Mill đã nhấn mạnh. Với cái nhìn của giáo sư Piketty, vốn liếng tích tụ tạo ra tài chính thu nhập mang về lợi tức, các vốn nhìn thấy bao gồm bất động sản, nhà máy, bằng phát minh, vốn tài chính gồm chứng khoán và trái khoán trong khi ấy các nhà kinh tế hiện đại chỉ nhìn vốn liếng về mặt sản xuất trên sức lao động ở các hãng xưởng và đất đai. Cuộc nghiên cứu của Giáo Sư Piketty không nhìn vào giai đoạn vàng son từ năm 1945 đến năm 1973. Lực phân cách bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ 21 với hậu quả lâu dài có hại khủng khiếp cho nền kinh tế Hoa Kỳ
Năm 1950 trung bình một giám đốc (CEO) được trả lương gấp hai mươi lần nhân viên trong hãng. Năm 2013, theo tờ Fortune 500, lương của giám đốc so với nhân viên tăng lên đến tỷ lệ 500/1. Trong năm 2011, giám đốc Apple Tim Cook lãnh lương 378 triệu một năm, tính thêm chứng khoán công ty và các quyền lợi khác thì lợi tức của ông Tim Cook 6,258 lần so với một nhân viên trung bình của hãng Apple.
Công ty Walmart trả lương công nhân điển hình dưới $25,000 mỗi năm. Công ty làm giàu nhờ công nhân rẻ và sản phẩm làm từ Trung Hoa, trả lương 23 triệu năm 2012 cho giám đốc Michael Duke.
Cũng theo Fortune 500, 85 người giàu nhất thế giới làm chủ gia tài hơn tổng số gia tài của 3 tỷ 500 triệu người nghèo nhất thế giới (1/2 tổng số 7 tỷ người trên thế giới hiện nay)
So với Âu Châu hồi thế kỷ thứ 19, Hoa Kỳ không khác gì lắm. Vào thế kỷ ấy, một phần nhỏ người giàu có quyền thế trong xã hội làm chủ nhà đất họ làm giàu nhờ cho thuê nhà đất còn đa số dân Âu Châu phải tranh đấu để sống. Tân thế giới (nước Mỹ) giờ đây giống Âu Châu cũ. Ông Piketty than phiền là tình trạng bất bình đẳng hiện nay đã khiến những đại chủ nhân quên ý tưởng bình đẳng cao quý của những người đi tiên phong đến nước này trên 300 năm trước. Giai cấp mới ở Mỹ ra đời. Giai cấp ấy gồm các “siêu sao,” các nhà doanh nghiệp, giới ca sĩ nhạc sĩ giới giải trí, giới thể thao, các nhà văn nổi tiếng v.v... những người đã biết lợi dụng thời cơ, lợi dụng kỹ thuật tiên tiến như mạng lưới thông tin để kiếm lợi tức trên sự yếu kém của kẻ khác. Tình trạng như những ông nhà giàu trẻ tuổi công ty Face book xem tiền tỷ như giấy lộn, chi ra 19 tỷ đi mua công ty What's App vỏn vẹn 55 nhân viên. Hay như công ty Google làm loạn thị trường nhà cửa ở San Francisco và San Jose khiến dân vùng vịnh bắt đầu cảm thấy khó chịu.
Giáo Sư Piketty qua cuộc nghiên cứu cho thấy yếu tố chính của lợi tức bất quân bình hiện nay là vì các đại công ty trả các giám đốc quá mức. Các siêu giám đốc chứ không phải là các siêu sao chiếm 70% số người 0.1% lợi tức cao nhất (so với năm 2010 lợi tức 1.5 triệu Mỹ kim đủ cho họ vào hàng đầu 0.1%) ông gọi đây là “hiện tượng công ty.” Những người bào chữa cho hệ thống trả lương hiện nay nói rằng nhờ các siêu giám đốc đem lợi nhuận đến cho công ty cũng như nhờ họ mà chứng khoán công ty mới gia tăng.
Năm 2010, những người giàu nhất nước Mỹ gồm 10% làm chủ 70% tất cả gia tài quốc gia. Mấy người giàu nhất 1% trong 10% này làm chủ 35% tài sản quốc gia còn những người nghèo 50% dân số chỉ làm chủ 5% tài sản quốc gia. Kinh tế tăng trưởng ở Mỹ vào thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ thứ 21 khác với thời kỳ kinh tế tăng trưởng thế giới thế kỷ thứ 19 nhờ kỹ thuật truyền thông, mạng lưới, người máy, kỹ thuật sinh hóa nhưng Giáo Sư Piketty cảnh cáo sự tăng trưởng quá độ và lương quá độ của các ông giám đốc sắp đến hồi chấm dứt. Sự bất bình đẳng trong thời kỳ toàn cầu hóa là sản phẩm của sự xung đột kinh tế trên toàn cầu và đấu tranh chính trị cục bộ ở các nước. Ở Mỹ cách mạng xảy đến có lẽ theo truyền thống định luật kinh tế Adam Smith, kinh tế sẽ tự sửa qua chu kỳ kinh tế và thị trường chứng khoán.
Cuốn sách của Giáo Sư Piketty nhấn mạnh về sự bất quân bình lợi tức ở Âu Châu và ở Mỹ ông không đề cập đến các quốc gia đang phát triển và không chú trọng nhiều đến sự bất bình đẳng đang tăng cao ở Trung Hoa và Ấn Ðộ, ở các nước này vì tình trạng toàn cầu hóa lương công nhân viên được trả rẻ để tăng lợi nhuận cho công ty đưa đến tình trạng bất công.
Giải pháp của Giáo Sư Piketty đề nghị là chính quyền phải tăng thuế trên các công ty và các nhà giàu về mọi mặt từ lương, bất động sản, chứng khoán v.v& Giải pháp của ông không có gì mới lạ giữa tăng và giảm thuế ngược với lý luận của các nhà bảo thủ, tăng thuế sẽ khiến mọi người lười làm việc và giảm óc sáng tạo đưa đến sự trì trệ kinh tế.
Giải pháp của TT Obama giản dị. Sau khi tăng thuế có giới hạn bởi sự chống đối của đảng Cộng Hòa, ông dùng quyền hành pháp tăng lương căn bản cho công nhân viên lên $10.10 Mỹ kim một giờ. Giải pháp chỉ mang lợi đến cho công chức. Tổng thống không có quyền trên sự định đoạt lương bổng nhân viên các hãng tư.
Giải pháp của Giáo hoàng là giải pháp tôn giáo, giúp đỡ người nghèo và tự sửa mình. Khác với T.T. Obama nói đến cái nghèo nhưng tiêu xài của tổng thống nhất là bà Michell Obama bị báo chí chỉ trích là tiêu tiền đóng thuế của dân quá độ. Nói đến người nghèo nhưng đến các thành phố, tổng thống gây quỹ ở các dinh thự của tỷ phú. Chuyến đi họp ở Bỉ vừa qua tốn hơn 10 triệu đồng Euro cho nước chủ nhà. Ngược lại giải pháp tự sửa đổi của Giáo hoàng Francis đã được thực hiện, Giáo hoàng từ bỏ các tiện nghi cá nhân, không đi xe bọc sắt Mercedes, chỉ dùng chiếc xe Ford Focus, đi đôi giầy đen bình thường không mang mũ lụa Giáo hoàng, trong phòng khách Giáo hoàng dùng chén đĩa thường bỏ thói quen đặt mua chén đĩa đặc biệt đồ gốm từ hãng Leone Lemantani đắt tiền theo thói quen của các Giáo hoàng từ năm 1870, Giáo hoàng đã giữ lời hứa “chuyện cải tổ đầu tiên phải là thay đổi lối sống,” ngài muốn giáo hội phải “xuống đường,” chống lại tiện nghi, các giáo xứ và các trường đạo phải đi vào đời qua các cơ quan từ thiện bất vụ lợi NGO. Ban đêm, Giáo hoàng hay đi ra ngoài Vatican để chăm sóc những người nghèo vô gia cư.
Giải pháp khó khăn nhất để giải quyết sự bất bình đẳng ở các nước cộng sản chưa thấy các chính quyền đề cập đến. Bất quân bình lợi tức ở Trung Cộng và các nước với mô hình Trung Quốc như Việt Nam đe dọa trật tự xã hội và phát triển kinh tế. Nghiên cứu của Giáo Sư Wang Xialu, viện nghiện cứu phát triển kinh tế thế giới Trung Hoa rõ hơn của giáo sư Piketty. Sự bất bình đẳng ở Trung Hoa gây ra về xung đột giữa các vùng, các tỉnh và các thành phần xã hội. Sự bất bình đẳng này xảy ra từ nguyên do chính là kỹ nghệ hóa và đô thị hóa bỏ rơi nông thôn. Dân đổ về thành phố. Dân thành thị có trình độ học vấn khác xa với nông dân. Các hệ thống xa lộ và đường cao tốc đã có ảnh hưởng lớn đến vùng quê. Ở Hoa Kỳ, sự bất bình đẳng về lợi tức không đưa đến cách mạng vì Hoa Kỳ có một hệ thống an sinh xã hội tốt lo cho người nghèo còn ở Trung Hoa và Việt Nam, hệ thống an sinh xã hội yếu kém không lo chu đáo cho những người dân lợi tức thấp nói chi đến dân quê . Tham nhũng, trộm cắp, phe đảng, cướp đất, nạn con ông cháu cha, làm gia tăng sự bất bình đẳng. Thời kỳ bất bình đẳng ở Trung Hoa và Việt Nam vào thế kỷ thứ 21 không khác gì tình trạng kinh tế khi Karl Marx viết về “tư bản luận” và khi Mao Trạch Ðông làm cuộc chiến tranh giải phóng.
Giải pháp cách mạng cộng sản thất bại không thể áp dụng một lần nữa. Kinh nghiệm xương máu ở Trung Hoa và Việt Nam hơn 60 năm cho thấy cách mạng san bằng giai cấp bằng cách tịch thu ruộng đất và tài sản không đưa đến công bằng và xóa bỏ giai cấp. Ðảng cộng sản không phải như tướng cướp có lòng Robin Hood trong huyền thoại lấy của người giàu chia cho người nghèo. Kinh nghiệm cộng sản ở Trung Cộng và Việt Nam cho thấy chính quyền cộng sản cướp của người giàu để chia cho đảng viên cao cấp đảng cộng sản.
Mùa Phục Sinh đến, đọc lại “lời giảng trên núi” của Chúa cho người nghèo đói hơn hai nghìn năm trước bỗng nhiên thấy thời đại ngày nay cũng giống thời đại của Chúa. Nông dân điển hình Galile thời đó làm chủ 4 mẫu đất. Lính của Julius Cesars được làm chủ ít nhất 6 mẫu đất. Mỗi gia đình nông dân 4 đến 5 người phải cần ít nhất là 5 đến 6 mẫu rưỡi trước khi đóng thuế mới đủ sống. Con số này đúng với con số thống kê Liên Hiệp Quốc năm nay cho các nông dân ở các nước chậm tiến.
Cách mạng chống thuế đã xảy ra cầm đầu bởi Judas thành Galile (không phải Judas Icarus phản chúa) kêu gọi dân chống La Mã. Phong trào tương tự như phong trào đấu tranh bất bạo động của nông dân vùng quê chống chính quyền cộng sản Việt Nam và Trung Cộng hiện nay.
Việt Nguyên