Cuốn “100 Năm Cải Lương Việt Nam” của tác giả Ngành Mai đã hoàn thành, do nhà xuất bản Người Việt phát hànhHôm nay thì quyển sách “100 Năm Cải Lương Việt Nam” của tác giả Ngành Mai đã hoàn thành, do nhà xuất bản Người Việt phát hành hôm đầu tuần, và đã phổ biến khắp trên thế giới qua hệ thống sách Amazon.
Quyển sách ra đời, ra mắt bạn đọc cùng thân hữu gần xa, đã đáp ứng được sự mong đợi của nhiều người, nhiều giới vốn hằng quan tâm đến việc lưu lại cho các thế hệ sau, những tài liệu quí giá của môn nghệ thuật xuất phát từ trong nhân gian với tên gọi “cải lương”, một cái tên dễ kêu dễ gọi được người đời mặc nhiên chấp nhận.
Thưa quí vị, trong nhân gian người ta nói cái “tôi” là cái đáng ghét, do vậy mà gần 3 năm nay hàng tuần đến với quí vị thính giả trên làn song phát thanh của đài Á Châu Tự Do – RFA, tôi đã tránh nói về cái “tôi”. Do vậy mà rất nhiều thính giả thắc mắc không biết Ngành Mai là ai? Có phải là nghệ sĩ cải lương không mà lại biết nhiều như vậy?
Thế nhưng, hôm nay trong buổi nói chuyện nầy, nếu không nói về cái “tôi” thì không có gì để nói, thành thử ra tôi có lời xin lỗi trước.
Vậy trước khi nói về quyển sách “100 Năm Cải Lương Việt Nam” tôi xin giới thiệu lướt qua về tiểu sử của Ngành Mai.
Tác giả Ngành Mai gia nhập Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, xuất thân trường Sĩ Quan Thủ Đức, phục vụ ngành truyền tin và huấn luyện ở các Tiểu Khu Gò Công – Hậu Nghĩa – Tây Ninh. Sau 1975 qua các trại cải tạo Trãng Lớn – Phú Quốc – Long Giao – Phước Long. Định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1990 trong chương trình HO.
Bìa cuốn “100 Năm Cải Lương Việt Nam” của tác giả Nghành MaLà tác giả các tiểu thuyết:
- Cá Bóng Kèo Kho Tộ 1995.
- Cô Gái Việt Và Người Chiến Binh Mỹ 1996, tác phẩm này được được Giáo sư Lê Tú Vinh dịch sang Anh Ngữ với tên A Vietnamese Girl and an American Soldier, và nhà xuất bản Dorrance Publishing ở Pennsylvania phát hành.
- Quyển thứ 3 Tình sử cải lương Cuộc Đời Thanh Nga 2005.
- Sáng lập Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại và giữ chức vụ Hội trưởng từ năm 2000 đến nay. Hàng năm tổ chức thi cổ nhạc Giải Phụng Hoàng.
- Phụ trách trang Cổ Nhạc Kịch Trường hàng tuần trên Nhựt Báo Người Việt.
-Phụ trách tạp chí cổ nhạc Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia) gần 3 năm nay, mà quí vị đang nghe đây.
Tôi không phải là nghệ sĩ cải lương, nhưng thời còn trẻ rất thường tham gia đờn ca tài tử. Hiện nay tôi là nhà văn, nhà báo. Thế thôi! Thưa quí vị, nghệ thuật sân khấu cải lương từ buổi hình thành, tính đến nay đã 100 năm với bao nhiêu thăng trầm, biến chuyển. Trong quá trình hoạt động đã diễn ra hằng bao sự kiện, đã xảy ra không biết bao nhiêu là câu chuyện liên hệ từ sân khấu đến hậu trường, liên quan đến nghệ thuật, đến con người làm nghệ thuật.
Hồi Ký 50 Năm Mê Hát - Năm Mươi Năm Cải Lương của cụ Vương Hồng SểnThế nhưng, cho tới bây giờ người ta chưa thấy cuốn sách nào nói về sự ra đời cùng diễn tiến của hoạt động cải lương một cách tương đối rõ ràng. Ngoại trừ cuốn “50 Năm Mê Hát” của nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, được in ấn cách đây gần nửa thế kỷ, xuất bản năm Mậu Thân (1968), với hình thức “hồi ký” ghi lại những sự kiện có liên hệ đến “cuộc đời mê hát” của ông. Cụ Vương mê hát đến đỗi từ Sóc Trăng lên học ở Sài Gòn, nhà trọ ở đường Bonard gần chợ Bến Thành, mà đi bộ vô tới Chợ Lớn coi hát, hoặc có lúc thì cũng đi bộ vô Bà Chiểu, Gia Định coi cải lương.
Với cuốn hồi ký 50 năm mê hát ấy, ông “nhớ gì viết nấy, nghe sao ghi vậy” chớ không có tính cách sưu tầm sâu rộng về lịch sử cải lương, thành thử ra có những sự kiện, cụ Vương đã viết không chính xác, chẳng hạn như khi nói về soạn giả Trần Hữu Trang - Tư Trang, người soạn vở hát Lan và Điệp – Đời Cô Lựu..., soạn giả Tư Trang qua đời tại vùng biên giới Việt – Miên, thì ông lại ghi là mất ở miền Bắc. Và điều này chính ông cũng nhìn nhận bằng mấy giòng chữ: “Và cũng không thấy ai chịu viết nên tôi đánh bạo vọc vạch mấy hàng, không dè đếm được trên trăm trang, trong ấy biết bao là sai lạc vì có khi chỉ nghe lóm...”
Hồi Ký 50 Năm Mê Hát - Năm Mươi Năm Cải Lương của cụ Vương Hồng Sển
Ông nói đúng, không ai chịu viết nên ông đánh bạo vọc vạch mấy hàng, và nghe lóm thì đâu chính xác.
Tóm lại là cuốn “50 Năm Mê Hát” của cụ Vương Hồng Sển cũng cho người ta biết được một số sự kiện trong hoạt động cải lương của thời xa xưa, nhưng thu hẹp trong phạm vi nghệ thuật được thể hiện quanh ông mà thôi, trong tầm mắt của một người mê hát như tựa đề cuốn sách vậy.
Và cũng kể từ ngày cuốn sách “50 Năm Mê Hát” của cụ Vương Hồng Sển ra đời đã gần nửa thế kỷ nay, mà cũng chưa thấy ai viết cuốn nào khác, dù rằng cải lương vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy rằng khi thăng lúc trầm, nhưng chung quy cải lương vẫn tồn tại, vẫn được nhiều người hâm mộ. Dù cải lương sân khấu có yếu ớt, tê liệt, nhưng cải lương truyền hình vẫn có mỗi ngày. Các kênh truyền hình trong nước và hải ngoại đều có cải lương. Như vậy cải lương vẫn sống với một hình thức khác, đó là chưa nói đến băng dĩa tràn ngập đầy dẫy khắp nơi.
Vậy do đâu mà không có người viết về cải lương? Theo tôi thì do bởi cải lương không phải chỉ hoạt động hạn hẹp ở một vài nơi, nào đó, mà môn nghệ thuật này sau khi hình thành ở Nam Kỳ Lục Tỉnh đã tỏa rộng đi khắp 3 miền đất nước. Cải lương không dừng lại ở trong nước, mà đã theo chân người Việt đi Miên đi Lèo phục vụ đồng bào xa xứ. Tiếp đó thì đi Pháp cùng các nước Âu Châu, và từ năm 1975 thì cải lương hiện diện ở Hoa Kỳ.
Do cải lương hoạt động cùng khắp, thì cái khó khăn của vấn đề là làm thế nào tập trung hằng bao sự kiện, diễn ra ở mọi nơi để đưa vào một bộ sách. Công việc ấy đòi hỏi người thực hiện phải liên tục sưu tầm suốt thời gian dài, nếu không muốn nói là suốt một đời người bỏ công tìm tòi và ghi lại.
Thời gian qua nhiều vị thức giả, độc giả bốn phương của nhựt báo Người Việt, là tờ báo lớn nhứt ở hải ngoại đã khuyến khích tôi nên sớm hoàn thành quyển sách nói về cải lương. Bởi theo như quí vị thì những bài viết về cải lương, được đăng hàng tuần trên tờ báo Người Việt, rất có giá trị về mặt văn hóa, mà kho tàng văn học nghệ thuật nước nhà không thể bỏ sót.
Riêng tôi, Ngành Mai tác giả quyển “100 Năm Cải Lương Việt Nam”, thì do hoàn cảnh cuộc sống đã vô tình giúp tôi có được cơ hội, cùng điều kiện thuận lợi để tìm hiểu. Và cũng do yêu thích môn nghệ thuật đặc thù này nên đã lưu giữ được rất nhiều chứng liệu, hình ảnh về cải lương. Trong nhiều thập niên theo dõi hoạt động sân khấu, tôi đã thu thập khá nhiều sự kiện, đồng thời với sự khuyến khích của nhiều người, do đó là động lực cho tôi thực hiện bộ sách “100 Năm Cải Lương Việt Nam”. Ngay chương 1 mở đầu, tôi đề cập đến nguồn gốc phát sinh nghệ thuật cải lương xuất hiện ở Nam Kỳ Lục Tỉnh. Từ ngữ “Cải Lương” có từ bao giờ, ai là người đã “chế” ra hai chữ cải lương, được coi như đại diện cho loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc?
Sang qua chương 2 của quyển sách, tôi nói về vở hát “Tây Thi gái nước Việt” được gánh Năm Châu đưa lên sân khấu từ mấy năm đầu thập niên 1950. Có nhiều bí ẩn quanh việc ra đời của vở hát lừng danh này, mà trong quyển sách tôi trình bày nhiều chi tiết. Các chương kế tiếp của quyển sách tôi đã đề cập:
- Cải lương trong khu kháng chiến hoạt động song song với cải lương ngoài thành. Các đoàn hát ở khu kháng chiến miền Đông, miền Tây Nam Việt hát xướng ra sao trong thời chiến. Các nam nữ nghệ sĩ ở trong mật khu gồm những ai? Thời gian có Hòa Đàm Ba Lê đoàn Thanh Minh Thanh Nga đi Pháp, thì trước đó các nghệ sĩ cải lương ở miền Bắc đã có mặt trình diễn các rạp ở Paris rồi.
- Soạn giả Trần Hữu Trang – Tư Trang đã dựa vào tác phẩm “Tắt Lửa Lòng” của nhà văn Giáo sư Nguyễn Công Hoan để soạn thành kịch bản “Lan và Điệp”, vở hát được coi như sống mãi với thời gian. Cuốn bài ca Hoa Rơi Cửa Phật được sao chép lại đầy đủ trong quyển sách. Từ lâu nay đại đa số khán giả cải lương đâu có biết rằng cô Lan, cậu Điệp là người Bắc. Ngôi chùa Lan đi tu là chùa Phương Thành thuộc tỉnh Bắc Giang nằm cách Ga Kép độ 5 cây số.
- Năm 1961 soạn giả Trần Hữu Trang rời Sài Gòn, vào mật khu hoạt động văn nghệ, với chức vụ chủ tịch Hội Văn Nghệ Giải Phóng. Trong bài nói về soạn giả Trần Hữu Trang, tôi có đề cập đến trận dội bom rải thảm của pháo đài bay B. 52 đầu Xuân Bính Ngọ 1966.
- Ông Ba Bản bầu gánh hát Thủ Đô, sau 1975 định cư ở Hoa Kỳ, ông có đi Pháp gặp Cựu Hoàng Bảo Đại. Cựu Hoàng có hỏi ông về gánh hát, thì ông Ba Bản nói rằng, ông từng cứu mạng sống soạn giả Thu An, lại còn giúp cho làm giàu. Vậy mà Thu An đã phản, dẫn cô đào chánh Ngọc Hương ra đi, khiến cho gánh hát suy sụp và rồi thì rã gánh. Phải ai đó phản thì chẳng nói làm gì, Thu An phản nên ông nhớ hoài...
Nghe xong Cựu Hoàng nói:
- Thôi bỏ qua đi ông ơi! Thằng Thu An phản, ông chỉ bị tiêu mất có một gánh hát hát. Còn Ngô Đình Diệm phản tôi, tiêu tan cả một cơ đồ Nhà Nguyễn, thế mà tôi vẫn còn ngồi đây. Ông nhớ lâu dài thằng Thu An phản làm chi cho tổn thọ.
Câu chuyện này ông Ba Bản nói lại với tôi, lúc đến thăm ông ở San Diego miền Nam California Hoa Kỳ.
Theo RFA